Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Nicolas Buttet: «Hiến tặng, nguồn tài nguyên phong phú của chúng ta»

Trước khi làm linh mục, cha là luật sư, là nghị viện hạt Valais ở Thụy Sĩ. Luật sư giỏi, nghị viên giỏi, cha bỏ tất cả để lên núi sống ẩn tu.

Sau khi xuống núi, năm 1992 cha làm việc trong Hội Đồng Cổ Võ Công Lý Hòa Bình của Tòa Thánh ở La Mã.

Năm 1994 xây dựng trường Philanthropos chuyên về khoa học nhân văn.

Năm 1997, về Thụy Sĩ thành lập Huynh Đệ Thánh Thể ở Saint-Maurice-d’Agone.

Năm 2003 chịu chức linh mục.

Cha là người bạn lâu đời của tổ chức Trẻ Em Vùng Sông Cửu Long.

Tôi rất vui được đến đây để kết thúc các suy luận hai hôm nay và cũng thật xúc động khi được nghe quá trình hoạt động của tổ chức Trẻ Em Vùng Sông Cửu Long. Tôi cũng xúc động khi đọc quyển sách kể 50 năm hoạt động của tổ chức, cuộc phiêu lưu của ông René Péchard trong quá trình này, công việc của các người cộng tác, các thiện nguyện viên… Cùng tất cả những gì đã xảy ra qua quá trình này, tôi chỉ muốn nói lên tiếng nói: đã đến lúc khẩn cấp phải thương yêu nhau.

Có hai lý do để phải khẩn cấp yêu thương nhau, lý do đầu tiên không thuyết phục, cũng không hấp dẫn lắm nhưng cũng đáng được nêu lên ở đây. Nó cũng như phản ứng của chúng ta đứng trước hiện trạng thế giới hiện nay. Tôi muốn nói thế giới này sẽ được biến đổi nhờ đức ái và lòng kính thờ hoặc nó sẽ biến dạng vì chủ nghĩa tiêu thụ và hận thù. Có những lựa chọn sâu xa cần phải làm, những chọn lựa quyết định, những chọn lựa lối sống, những chọn lựa yêu thương mà cuộc đời đưa đến dịp để chúng ta lựa chọn. Tôi lấy một ví dụ tiếng Anh, như một trò chơi chữ, các bạn nhớ bức Tường Bá Linh – Wall of Berlin – bị sụp đổ năm 1989. Và gần đây bức tường kinh tế – Wall Street bị sụp đổ. Đó là hai bức tường ngăn không cho con người đối thoại với nhau, như thử có một cái gì dựng lên trước mặt chúng ta, không cho chúng ta nhìn thấy nhau… Và bỗng nhiên các vật liệu này bị sụp đổ, nó làm chúng ta phải đặt câu hỏi. Đặt câu hỏi về tinh thần sáng tạo, về tinh thần bác ái.

Năm 1989, trước hiệp định Taef, lúc đó tôi ở Liban trong một sứ vụ hòa bình – thời buổi đó tôi làm việc cho Vatican với đức hồng y Etchegaray. Chúng tôi ở đó với đủ hạng người, các chính trị gia, các thành viên trong cộng đoàn, các người nghèo nhất, các người sống tạm bợ trong nhà xe, các người tị nạn, các người sống trên núi… Và rồi có người đến nói với tôi: “Đi, đi thăm gia đình này.” Một gia đình rất giàu ở Liban. Tôi nói: “Chúng ta có ít thì giờ, chuyện đi thăm chắc không phải là chuyện cấp bách.” Họ nói: “Đi, đi, bạn sẽ hiểu thêm vài chuyện.”

Và thế là tôi đến một căn nhà huy hoàng, có rất nhiều người ở đó. Cả trăm người ở la liệt trên sân cỏ, trong phòng khách, trong nhà xe… Bể bơi thành hầm trú bom. Tôi gặp các chủ nhân – tôi thật sự xúc động – họ vui vẻ đón tôi. Tôi nói: “Tôi thật xúc động khi thấy quý vị làm như vậy, thật là tuyệt vời!” Họ trả lời: “Chúng tôi thật không xứng đáng. Hàng xóm chúng tôi cũng có một căn nhà như chúng tôi, và rồi một đêm, bom thả trúng xuống, người chết, người bị thương, tất cả đều bị tàn phá… Chúng tôi tự nhủ: cái gì sẽ còn lại khi mọi sự đã biến mất? Hai vợ chồng tôi nhận ra chỉ còn tình đoàn kết là còn lại, đoàn kết với những người không nhà, những người thiếu thốn. Vậy thì mọi người cùng ở trong nhà hạnh phúc với nhau. Nếu nhà có bị bom thì mình cũng hạnh phúc vì đã giúp được nhiều người. Và tình bằng hữu với những người mình giúp sẽ còn lại mãi mãi. Nó sẽ cự lại được với bom, với hận thù, với hung bạo…”

Câu chuyện này đã làm tôi suy nghĩ. Những biến cố tiêu cực, hung bạo lại tạo nên dịp để mình tiến xa hơn. Người ta nói rất nhiều về tiến bộ của nhân loại, tiến bộ khoa học, kỹ thuật sẽ dẫn đến kỷ nguyên hòa bình. Một tương lai tươi sáng, xã hội không còn đẳng cấp, thế giới chẳng còn chuyện gì xảy ra và rồi bức tường Bá Linh sụp đổ, người ta lại bảo nhau: tranh chấp đẳng cấp chấm dứt! Và: không phải giai cấp của Marx thắng nhưng giai cấp khác. Chỉ cần một ít ráp nối, một ít chi tiết bù vào, và rồi thì xã hội sẽ tươi sáng, sẽ có thiên đàng hạ giới.

Chúng ta thấy đó, lúc nào con người cũng hoài niệm một Thiên Đàng. Các tư tưởng gia tiến bộ cũng đã nghĩ đến chuyện này. Và rồi, vậy mà không phải vậy. Người ta quên một yếu tố quan trọng trong chuyện này, đó là yếu tố nhân bản của sự dấn thân từng người một của chúng ta. Chúa mà tôi tin là một Chúa không giỏi toán. Chúa chỉ biết đếm tới số một và không biết làm thống kê. Đối với Chúa, mỗi người là duy nhất, là không thể thay thế, là được yêu thương vô bờ. Và vì thế nó có một lô-gic riêng. Một ân sủng lớn lao mà Phúc âm mang lại cho chúng ta một dịp may, đó là trở lại làm con người.

Trong vòng hai thế kỷ, người ta đã suy nghĩ về cấu trúc, nghĩ rằng thay cấu trúc thì sẽ thay đổi được thế giới; nghĩ rằng đó chỉ là vấn đề điều chỉnh, lên khái niệm, cơ khí hóa, thay mô thức kinh tế chính trị và rồi chúng ta sẽ tìm được một công thức tốt, một cơ cấu tốt, rồi thế giới sẽ sống trong hòa bình và công chính. Và rồi người ta quên hoàn toàn những gì mỗi người trong chúng ta làm gì trong thế giới này.

Một ngày nọ, có người hỏi mẹ Têrêxa: mình phải làm gì để thế giới được tốt hơn. Mẹ Têrêxa tươi cười trả lời: “Thì ông và tôi đó, ông và tôi.” Một nữ ký giả thấy mẹ Têrêxa ở gần người bị bệnh phung, cô nói: “Cho tôi một triệu đô-la tôi cũng không làm như mẹ làm.” Mẹ trả lời: “Con yên tâm, mẹ cũng vậy. Cho một triệu đô-la mẹ cũng không làm nhưng vì tình yêu của Chúa, vì tình yêu đối với người này, mẹ làm.”

Các bạn thấy đó, có những lôgíc khác với lôgic lợi nhuận, kỹ thuật và khuôn mẫu. Và đó là may mắn của nhân loại. Bởi vì mỗi người có thể gieo tình thương nơi mình ở. Mỗi người làm cách mạng tình thương cho thế giới của mình. Có một thất bại ở loại nhân bản trí tuệ, loại nhân bản đầu óc, loại khái niệm trừu tượng về nhân bản. Không có khái niệm trừu tượng nhân bản. Chỉ có chuyện thực, một khuôn mặt đang đứng trước mặt mình, và đó là khái niệm nhân bản thật, cách mạng thật ngay phút đầu tiên mình đón nhận người kia trong hoàn cảnh sống thực tế của họ.

2256    25-09-2017