Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Phải chăng tôn giáo là sự cản trở của khoa học?

 

Theo Jerry Coyne, một khoa học gia ủng hộ thuyết tiến hóa, tôn giáo tai hại cho khoa học đến độ những nỗ lực nhằm dung hoà chúng đều là vô ích. Như ông giải thích: “Chấp nhận cả khoa học lẫn đức tin truyền thống, chứng tỏ bạn sống một thứ tiêu chuẩn kép (giữa lý trí và phi lý trí)”.

Cũng giống như những tín đồ khác của chủ nghĩa khoa học, Jerry Coyne coi tôn giáo là “kẻ cản mũi khoa học,” tạo điều kiện cho các tín hữu khi đối diện với những giới hạn của khoa học đều thoả mãn trả lời rằng: “Chúa đã làm điều đó”. Nhưng trên thực tế đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Thay vì cản trở khoa học, Kitô giáo, vốn nhấn mạnh vào một Đấng Tạo Hóa Nhập thể làm người, đã truyền cảm hứng cho một thời đại khám phá mở đường cho khoa học.

Khơi mào các phát kiến

Người xưa quan niệm thế giới là một nơi không thể đoán trước được bị chi phối bởi số mệnh hay tính cách thất thường của các vị thần. Thế nhưng một khi các nhà nghiên cứu hiểu được vũ trụ là công trình của một vị Thiên Chúa có lý trí, mang những nguyên tắc lý trí, và có thể hiểu được bởi những sinh vật có lý trí, họ đã mạo hiểm mà tưởng tượng rằng, khám phá vũ trụ này là điều hoàn toàn có thể. Một trong những người đầu tiên đó là một nhà thiên văn học, với những lý thuyết đã giúp khởi phát cuộc Cách mạng Khoa học.

Những suy đoán về một vũ trụ lấy mặt trời làm trung tâm đã tồn tại được một thời gian; nhưng những thách thức đặt ra cho mô hình mà Aristotle đề xuất, Ptolemy tinh chỉnh (ND: mô hình cho rằng Trái đất là trung tâm của vũ trụ) đã không có được sự quan tâm đúng mức cho đến “Bước ngoặt Copernic” vào thế kỷ XVI.

Nicolas Copernicus là một Kitô hữu, ông coi vũ trụ là một thụ tạo có thể hiểu được bằng lý trí, hoạt động dựa trên các nguyên tắc toán học chặt chẽ. Ban đầu ông bị thuyết nhật tâm thu hút không phải do kết quả của các dữ liệu quan sát mới, nhưng vì quan điểm của ông cho rằng mặt trời – biểu tượng cho Thiên Chúa như Ánh sáng và Đèn – dường như là một trung tâm thích hợp cho các hoạt động thần thánh. Ông, cùng với các nhà khoa học tiên phong khác cùng thời, đều tin tưởng rằng cấu trúc tinh tế quan sát thấy trong công trình sáng tạo nên được mô tả một cách tinh tế. Vì thế, khi hệ nhật tâm được chứng minh là đơn giản hơn về mặt toán học so với hệ địa tâm, nó cũng dần được người ta chấp nhận và tin theo dù chậm chạp.

Cũng giống như Copenicus, Johannes Kepler là một con người có đức tin, ông tin rằng những điều huyền bí của tự nhiên có thể giải mã được bằng chìa khóa của toán học. Kepler diễn đạt nó như thế này, “Mục đích chính của tất cả các cuộc nghiên cứu về thế giới bên ngoài là để khám phá ra trật tự hợp lí và hài hòa đã được Thiên Chúa thiết lập, thứ trật tự mà Ngài đã và đang mặc khải chúng cho chúng ta bằng ngôn ngữ của toán học”.

Niềm tin của Keper vào độ chính xác toán học của vũ trụ đã dẫn đến việc ông khám phá ra ba định luật cơ bản về chuyển động của các hành tinh; trước hết và quan trọng nhất đó là quỹ đạo của hành tinh có hình Elip, chứ không phải là hình tròn như mô hình của Copernicus mô tả.

Trong khi việc khám phá ra sự tinh tế toán học là sản phẩm của đức tin đối với những người tiên phong, nó đã và đang trở thành nguồn gốc của đức tin cho những người khác. Douglas Groothuis, trong cuốn sách “Sự suy tàn sự thật” của mình, ông đã chia sẻ một trải nghiệm của một nhà vật lí học người Nga như sau: “Lúc đó, tôi ở Siberia và gặp được Thiên Chúa trong khi tôi đang làm việc với những phương trình của tôi. Tôi đã chợt nhận ra rằng đằng sau vẻ đẹp của những phương trình này phải có một ai đó đó thiết kế ra chúng và phải có mục đích, và tôi cảm nhận được cách sâu sắc trong tâm hồn của mình rằng Thiên Chúa đang nói với tôi qua những phương trình đó. ” Chính trong khoảnh khắc đó, nhà khoa học trẻ đã bước qua vực thẳm ngăn cách, từ vô thần bước sang chỗ tin vào sự tồn tại của Thần linh và rồi cuối cùng trở thành một Kitô hữu.

Cả Copernic and Kepler đều đã xuất bản thuyết mô hình chuyển dịch của họ mà không gặp nhiều tranh cãi. Điều này hoàn toàn khác xa Galilê, người đã gây ra sự phản ứng kịch liệt từ Giáo hội Công giáo.

Vụ án Galilê

Theo quan điểm của người thế tục, Galilê là một vĩ nhân đã chết vì nghĩa trong cuộc đấu tranh cho quyền được tự do đặt câu hỏi chống lại sự thống trị bạo chúa của tôn giáo. Nhưng thật ra Giáo hội Roma phủ nhận thuyết Nhật Tâm của ông không phải vì những lý do tôn giáo mà là trên lập trường của khoa học.

Bất chấp công trình mang tính đột phá của Copernicus and Kepler, Giáo hội công giáo, và công chúng nói chung vẫn trung thành tuyệt đối với lập trường của Aristotles. Người ta chống lại thuyết Nhật tâm vì ba lý do sau đây: 1) Nó trái ngược với nhận thức chung về một trái đất tĩnh, 2) không có cơ sở vật lý đi kèm để giải thích cho nó, 3) nó thiếu một hệ thống các chứng cứ đầy đủ để lật đổ mô hình đã được chứng minh khá thành công trong nhiều thế kỷ qua.

Như để làm vấn đề trầm trọng hơn, Galilê đã xuất bản tác phẩm của ông bằng tiếng Ý, một ngôn ngữ thông dụng của giới bình dân, chứ không phải bằng ngôn ngữ học thuật là tiếng Latin. Đó là một nỗ lực để lý thuyết của ông trở nên chính thống, bằng cách dựa vào sự công nhận của công chúng mà đạt được sự công nhận về mặt khoa học. Galilê đã làm tăng thêm những rắc rối cho mình bằng việc viết ra những lời châm biếm sâu cay lăng mạ những ý kiến phản biện từ giới tu sĩ.

Vì sai lầm của mình, Galilê bị kết án tù một thời gian ngắn sau đó ông bị quản chế tại gia trong căn biệt thự của mình cho đến khi ông qua đời vào năm 1642. Tuy những hình phạt của Giáo quyền là quá khắt khe, nhưng sự miễn cưỡng của Giáo hội trong việc chấp nhận một lý thuyết trên giấy mà không có sự chứng nghiệm khoa học là hoàn toàn hợp lý.

Hơn nữa, những người thế tục ngày nay lại “lôi” Galilê lên từ nấm mồ để làm nhân chứng đình đám trong vụ án muôn thuở, khoa học kiện tôn giáo. Vụ kiện này, chắc chắn các nhà khoa học tiên phong sẽ bác bỏ ngay lập tức nếu họ còn sống, bao gồm cha đẻ của thuyết thế giới cơ học là Isaac Newton.

Chiếc đồng hồ vũ trụ

Isaac Newon là một nhà bác học thiên tài, các luật về trọng lực và chuyển động của ông là những thành quả tột đỉnh của cuộc cách mạng khoa học. Luật vạn vật hấp dẫn của ông đã mang lại cho quy luật chuyển động của các hành tinh của Kepler một sự giải thích hợp lý từ đó công nhận thuyết nhật tâm. Tuy nhiên điểm đáng kể nhất là, phát minh của Newton đã dẫn đến quan niệm rằng vũ trụ là một “chiếc đồng hồ dây cót” vĩ đại, một cỗ máy khổng lồ có quy mô vũ trụ, có thể được chia thành nhiều thành phần cấu tạo nên, vận hành một cách tự động dựa trên các quy luật phổ quát bên trong nó.

Trớ trêu thay học thuyết của Newton lại trở thành nền tảng của chủ nghĩa khoa học duy vật – một thế giới quan, dựa trên lý thuyết mà không cần kinh nghiệm thực tiễn, loại trừ mọi nguyên nhân siêu nhiên. Newton là một người Kitô hữu nhiệt thành, ông đã được thúc đầy, một phần nào đó, bởi khát vọng muốn chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa qua công trình sáng tạo.

Để ngăn chặn những người đang háo hức muốn nắm lấy mô hình cơ học này, Newton đã cảnh báo “Lực hấp dẫn chỉ có thể giải thích các chuyển động trong các hành tinh nhưng nó không thể giải thích được rằng ai là người đã làm cho các hành tinh ấy chuyển động. Chính Thiên Chúa điều hành mọi sự, Ngài biết bản chất của mọi sự và cả những gì mà chúng có thể gây nên.” Đó không phải là kiểu lý luận “Thiên Chúa của khoảng trống” (ND: ý nói rằng, những “khoảng trống” của khoa học, hay những gì mà khoa học không thể lý giải, thì cứ đổ hết cho Chúa) sinh ra từ sự thiếu hiểu biết, nhưng đúng hơn xuất phát từ suy luận được trình bày dựa trên bằng chứng cụ thể. Mặc dù Newton đã được những người theo thuyết của chủ nghĩa duy vật khoa học nhận bừa vào, nhưng thực tế ông lại là người tiên phong trong phong trào Thiết kế Khôn ngoan.

Trên đôi vai của những người khổng lồ

Các Kitô hữu vẫn là những người tiên phong trong những phát kiến khoa học vào thế kỷ XIX. Những tiến bộ đột phá về các lĩnh vực như điện từ, vi trùng học, y học, di truyền học, hóa học, lý thuyết về nguyên tử và nông nghiệp là các công trình nghiên cứu của những người như John Dalton, Andre Ampere, Georg Ohm, Michael Faraday, Louis Pasteur, William Kelvin, Gregor Mendel, and George Washington Carver; thành tựu của họ tất cả đều là kết quả của đức tin Công giáo.

Nhà khoa học, theo nghĩa đích thực của từ này, là những nhà điều tra bền bỉ theo đuổi những chứng cứ cho dù chúng đưa họ tới đâu, và đối diện những khoảng trống của sự hiểu biết không phải với sự nhẫn nhục rằng “Chúa làm điều đó!” nhưng phải là với sự kỳ vọng từ trước rằng “Thiên Chúa đã tạo ra nó”.

Cho dù có nhận ra điều này hay không thì tất cả các nhà khoa học, kể cả Jerry Coyne, đều đang đứng trên vai của những con người khổng lồ này. Là một nhà vật lí học người Đức, Ernst Mach đã phát biểu như sau: “Mọi lương tâm ngay thẳng đều phải thừa nhận rằng, thời đại mà sự phát triển chính của khoa học cơ bản đã diễn ra chính là thời đại mà thần học nắm vai trò chủ chốt.”

Regis Nicoll
Nguồn: crisismagazine.com

640    28-02-2018