Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Phục Sinh và Sáng Tạo Thực Thể

 

 

Có lần, một nhà phê bình hỏi Pierre Teilhard de Chardin tại sao ông hay đề cập đến các nguyên tử và phân tử khi giảng về Chúa Giê-su. Ông trả lời: Tôi đang cố gắng hình thành chuyên ngành Ki-tô học, một chuyên  ngành khá lớn để bao hàm trọn vẹn Chúa Kitô, bởi vì Chúa Kitô không phải chỉ là một sự kiện nhân loại học mà còn là một hiện tượng vũ trụ.

Ông nói vậy có nghĩa là gì? Ý nghĩa cốt yếu là Chúa Kitô đến thế gian này không chỉ để cứu rỗi nhân loại và định hình lại lịch sử của loại người, mà còn để cứu rỗi và định hình lại trái đất.

Chúa đến để cứu rỗi thế giới, không chỉ những con người sống trong thế giới đó. Chúng ta thấy bằng chứng sâu sắc này trong việc Chúa phục sinh. Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết. Một thi thể lại sống lại, và đương nhiên, nó có một chiều kích ý nghĩa vượt lên trên vấn đề tâm lý và tâm linh đơn thuần. Có một cái gì đó tận căn thuộc về thực thể trong việc phục sinh. Nói đơn giản, khi một xác chết sống lại thì cấu trúc thực thể của vũ trụ đang được thay đổi, các nguyên tử và phân tử được tái sắp xếp. Như vậy, sự phục sinh của Chúa Giê-su không chỉ đơn thuần làm nảy sinh các hy vọng mới trong tâm thức con người. Nó còn là một thay đổi trong hành tinh của chúng ta.

Cứ cho rằng phục sinh là niềm hy vọng của con người. Nếu không tin vào phục sinh, thì sẽ không có một chân trời nào, một hứa hẹn nào vượt lên trên những giới hạn ngột ngạt của đời sống này. Sự kiện Chúa phục sinh mở ra cho chúng ta những khả năng vượt lên trên kiếp sống này. Nó cho ta một hậu-tương lai. Nhưng nó cũng đem lại một hậu tương lai cho thế giới và cho hành tinh chúng ta nữa. Chúa Kitô đến để cứu rỗi trái đất, chứ không phải chỉ cứu rỗi những người sống trên trái đất như chúng ta, và sự phục sinh của Chúa cũng mang ý nghĩa về tương lai của hành tinh này.

Trái đất cũng cần được cứu rỗi. Bằng cách nào? Cứu rỗi khỏi cái gì? Để làm gì?

Nếu chúng ta xem trọng Kinh Thánh, chúng ta thấy trái đất không chỉ là một sân khấu nơi con người lao động và vui chơi, một điều chỉ có giá trị trong mối quan hệ với chúng ta. Cũng như loài người, trái đất cũng là tạo tác nghệ thuật của Chúa, đứa con của Chúa. Thực sự, nó là dạ con, là người mẹ, là tử cung, từ đó tất cả chúng ta đi ra. Rốt cục, chúng ta, những con người, chỉ là một phần tạo vật của Chúa mà đã trở nên tự ý thức và chúng ta không tách riêng khỏi trái đất, và trái đất cũng không phải tồn tại chỉ đơn giản vì lợi ích của chúng ta, kiểu như sân khấu đối với diễn viên, sẽ bị tháo dỡ đi khi màn kịch kết thúc. Tạo tác thực thể tự nó có giá trị, độc lập đối với chúng ta.

Kinh thánh thách thức chúng ta thừa nhận điều này, và không phải chỉ để chúng ta bảo đảm cho mình liên tục có nguồn cung cấp ô-xy, nước và thức ăn bằng cách bảo vệ tốt hơn tính chỉnh thể của sáng tạo. Kinh thánh yêu cầu chúng ta thừa nhận giá trị tự thân của chính trái đất. Nó có giá trị tự thân, tách biệt đối với chúng ta, và nó được định đoạt sẽ cùng chúng ta tồn tại vĩnh hằng. Nó cũng sẽ lên thiên đường.

Hơn nữa, cũng như chúng ta, nó cũng có thời hạn, có chết, chịu hư hao, tàn hại. Ngoại trừ một tác động từ bên ngoài, nó không có tương lai gì. Khoa học dạy điều này một cách rõ ràng. Các quy luật nhiệt động học (entropy) cho chúng ta biết vũ trụ đang tàn, mặt trời đang tàn, mọi năng lượng đều có hạn. Trái đất đang đếm những ngày còn lại của nó. Cũng phải hàng triệu năm nữa, nhưng dù gì vẫn có nghĩa là có giới hạn. Trái đất như chúng ta biết sẽ tới lúc kết thúc. Như chúng ta, nó cũng sẽ chết. Ngoại trừ một điều gì đó được tạo ra từ bên ngoài, nó không có một tương lai tối hậu.

Đây là điều Thánh Phao-lô nói trong thư gởi tín hữu thành La Mã, khi ngài nói với chúng ta rằng sáng tạo, cái vũ trụ thực thể này, cũng sẽ phải chịu trở thành vô dụng, và cũng giống như chính con người, vũ trụ này cũng đang rên rỉ và khát khao được giải phóng khỏi xích xiềng của sự tàn hoại để hưởng tự do vinh quang như những người con của Chúa. Thư gởi tín hữu thành La Mã đoan chắc với chúng ta rằng trái đất, hành tinh của chúng ta, sẽ có cùng một tương lai với chúng ta. Cũng vậy, trong sự phục sinh của Chúa, nó cũng có một khả năng mới, một sự chuyển hóa và một tương lai vĩnh hằng.

Nhưng cụ thể chuyện đó là sao? Cứu chuộc trái đất bằng cách nào? Nó sẽ được cứu chuộc chính bằng cái cách chúng ta được cứu chuộc, thông qua sự phục sinh của Chúa Giê-su. Sự phục sinh đó đem lại cho thế giới chúng ta một quyền năng mới, một cách sắp xếp sự vật mới, một hy vọng mới, và một điều gì đó mới mẻ tận căn tới nổi chỉ có thể được so sánh với những gì đã xảy ra trong lần sáng thế đầu tiên khi khai sinh vũ trụ này. Ở buổi bình minh sáng thế, những nguyên tử và phân tử của vũ trụ đã được tạo ra từ hư vô, ex nihilo, từ đó thiên nhiên đã thành hình, và thực tại và các định luật vật lý chi phối – cho tới khi chúa Giê-su sống lại. Một cái gì đó mới mẻ đã xảy ra, mới mẻ tận căn, và sự kiện đó (tự cốt lõi nó đã chứa đựng một hợp phần thực thể tận căn) đã chạm đến mọi khía cạnh của vũ trụ, từ linh hồn đến tâm lý bên trong mỗi một con người cho đến những hợp phần bên trong của mỗi một nguyên tử và phân tử.

Trong sự phục sinh của Chúa Giê-su, chính các nguyên tử của vũ trụ đã được tái sắp xếp. Các định luật vật lý cách nào đó đã bị thay đổi một cách ngoạn mục, và vì vậy, hành tinh của chúng ta giờ đây cũng có khả năng sống đời vĩnh hằng.

J.B. Thái Hòa dịch

723    01-03-2018