Sidebar

Chúa Nhật

19.05.2024

Phục Sinh vòng quanh thế giới

 

Phục Sinh, tiếng Anh gọi là Easter, là ngày lễ trọng đại nhất trong niên lịch Ki-Tô Giáo; nó tượng trưng cho sự chết đi sống lại của Chúa Giê-su và là nền tảng triết lý của tín ngưỡng này. 

phuc-sinh-vong-quanh-the-gioi3

Chiếc xe chở pháo nổ tung trong ngày lễ hội Scoppio del Carro ở Ý. Nguồn: Ferraro-Epa/shutterstock

Nguồn gốc lễ Phục Sinh khá mơ hồ, tuy nhiên hầu hết các nhà học giả đồng ý khái niệm hồi sinh đã hiện diện trong các xã hội cổ đại khắp nơi, từ Âu sang Á. Kinh Tân Ước ghi rằng Chúa Giê-su có bữa ăn cuối cùng với các môn đệ vào lễ Passover của người Do Thái. Ngày hôm sau, Thứ Sáu, Chúa Giê-su bị hành hình trên thập tự giá. Ba ngày sau, ngày Chúa Nhật, Người sống lại và sau đó thăng thiên.

Passover, tiếng Hebrew gọi là Pessah, là mùa lễ lớn, kỷ niệm hành trình của người nô lệ Do Thái vượt thoát Ai Cập để tìm tự do vào thế kỷ 14 trước Công Nguyên. Câu chuyện này được kể lại trong quyển Exodus trong kinh Cựu Ước. (Người Việt lớn tuổi có thể nhớ phim Exodus, được trình chiếu ở miền Nam vào cuối thập niên 1960, với bản nhạc nền được dùng trên TV mỗi khi chiếu cảnh nhà cháy do VC pháo kích.). Từ chữ Pessah ta có chữ Pascha trong tiếng La Tinh. Chữ Pâques trong tiếng Pháp cũng từ đó mà ra.

Thế còn tại sao tiếng Anh lại gọi là Easter? Nhiều học giả cho rằng chữ này đến từ chữ Ostara trong tiếng Ðức – tiếng Anh cổ ghi là Eostre, tên một vị nữ thần tượng trưng cho sự sinh sản. Hàng năm đến đầu mùa Xuân, khoảng tháng Ba tháng Tư, có lễ hội Eostre để mừng sự sống đã trở lại sau mùa Ðông lạnh lẽo âm u. Nữ thần Eostre thường xuất hiện cùng với con thỏ – vì nó là loài vật xuất hiện sớm nhất và nhiều nhất khi mùa Xuân trở về, và sanh sôi nảy nở rất nhanh. Ngoài ra trứng cũng đóng một vai trò quan trọng trong lễ hội Eostre xưa. Rất nhiều xã hội Âu Châu cổ đại dùng trứng trong các lễ hội mừng nữ thần Eostre. Ðiều này cũng dễ hiểu vì trứng là biểu tượng của sự sinh sản. Có lẽ vì vậy mà ngày nay ta vẫn còn thấy hình ảnh con thỏ “Easter bunny” và những chiếc trứng nhiều màu vào mùa lễ Phục Sinh.

phuc-sinh-vong-quanh-the-gioi2

Những chiếc giỏ mây chứa thực phẩm chờ được ban phép lành tại Ba Lan. Nguồn: epa/rex/shutterstock

Vào thế kỷ thứ tư sau Công nguyên, đạo Thiên Chúa được đại đế Constantin đặt làm “quốc giáo” trên khắp các vùng đất nằm dưới quyền cai trị của La Mã. Thời đó họ dùng nguyệt lịch Julian dựa theo chu kỳ mặt trăng. Hội đồng Giám mục của Constantin, họp tại Nicaea năm 325, đã chọn Chúa Nhật đầu tiên sau ngày rằm thứ nhất sau tiết Xuân Phân làm lễ Phục Sinh. Tất nhiên không phải vô cớ mà ngày này được chọn; thật ra nó trùng khớp với các lễ hội mừng Xuân đã có từ nhiều thế kỷ trước để dân chúng sẵn tiện ăn mừng. (Lễ Giáng Sinh được đặt vào mùa Ðông Chí cũng tương tự.). Chính vì vậy mà ngày nay vào dịp lễ Phục Sinh ta thấy có rất nhiều kiểu vui chơi khác nhau trên thế giới, có khi chả liên quan gì tới Chúa Giê Su.

Tại Florence nước Ý, vào ngày Pasqua dân chúng ăn mừng bằng cách cho nổ tung một chiếc xe ba gác được chất đầy … pháo! Tục lệ này, gọi là “scoppio del carro” (nổ xe), có nguồn gốc từ cả ngàn năm trước. Người Florence tin rằng nó đánh dấu cho sự an lành và cầu mong một năm mới thịnh vượng. Phía Nam của Florence có ngôi làng tên Panicale. Tại đây người dân ăn mừng lễ Pasquetta (Phục Sinh nhỏ) vào ngày Thứ Hai bằng một cuộc đua Ruzzolone. Ruzzolone là những ổ cheese hình tròn như bánh xe, được lăn chạy vòng xung quanh làng.

Tại Ba Lan, ngày trước lễ Phục Sinh người ta chuẩn bị những chiếc giỏ mây bên trong chứa những món nhu yếu phẩm như trứng, bánh mì, xúc xích, để hôm sau mang tới nhà thờ cho Cha ban phước lành. Nhưng cũng giống như người Ý, ngày Thứ Hai sau Phục Sinh mới là ngày người Ba Lan chính thức vui chơi. Gọi là lễ Smigus Dyngus, các chàng trai trong làng dội nước lên các cô gái (và lẫn nhau) bằng đủ mọi cách – súng nước, xô nước, vòi nước v.v. Họ tin là cô gái nào bị tưới ướt nhẹp sẽ có chồng trong vòng một năm tới

Hung Gia Lợi (Hungary) cũng có một tục lệ tương tự, nhưng thay vì tưới nước lên các cô thì các chàng trai còn có màn rưới … dầu thơm!

phuc-sinh-vong-quanh-the-gioi

Cô gái Hung Gia Lợi “bị” các chàng trai tát nước dịp lễ Phục Sinh Nguồn: telegraph.uk

Ở Pháp, trẻ em không nhận được quà từ con thỏ Pâques mà từ những chiếc chuông Pâques. Ngày xưa vào mùa Phục Sinh, để tưởng niệm cái chết của Chúa Giê Su, các nhà thờ bên Pháp không được gióng chuông từ ngày Thứ Năm đến ngày Chúa Nhật. Tương truyền trong những ngày đó chuông nhà thờ mọc cánh bay về Vatican để được ban phép bởi Ðức Giáo Hoàng. Xong chúng quay trở lại nước Pháp, mang theo quà kẹo cho trẻ em.

Bên Anh đến lễ Phục Sinh có màn múa gọi là Morris dancing, có từ thời Trung Cổ. Ðàn ông ăn vận đẹp đẽ, đội nón có chuông lục lạc, đi quanh làng nhảy múa theo điệu trống nhạc để đuổi tà khí, đón mừng năm mới. Một trò vui khác là “chọi trứng” – egg jarping. Hai trái trứng luộc được đập vào nhau. Bên nào không bị vỡ thì bên đó thắng. Hàng năm thành phố Durham ở Anh quốc là nơi tổ chức giải vô địch Jarping quốc tế!

Còn ở làng Verges, Tây Ban Nha, vào tối Thứ Năm người ta mặc đồ giống như những bộ xương người, đi quanh làng múa điệu Thần Chết. Họ tái dựng cảnh Chúa Giê Su đội vương miện bằng gai vác thập tự giá. Bộ xương người đi sau cùng cầm một cái hộp đựng tro. Trong khi đó tại vùng Almaden de Plata dân làng đặt những người nộm bằng rơm quanh làng.

phuc-sinh-vong-quanh-the-gioi1

“Lăn trứng Phục sinh” trong khuôn viên Tòa Bạch Ốc, 1923. Nguồn: Library of congress

Vào ngày Thứ Năm họ xé nát các hình nộm ấy và tung những cọng rơm lên trời, một hình thức xua ma đuổi quỷ.

Hy Lạp thì có phong tục khá ngộ nghĩnh: ném nồi đất. Vào ngày Thứ Bảy trước Phục Sinh, dân làng Corfu quăng nồi niêu soong chảo bằng đất qua cửa sổ cho bể vỡ hết, gọi là để xả xui đón Xuân. Có người cho rằng nguồn gốc của tục lệ này đến từ ý muốn vứt bỏ những gì đã cũ không cần thiết nữa. Thời nay nhiều gia đình cũng có tục lệ hơi giống như vậy vào mùa Xuân, tiếng Mỹ gọi là … Spring cleaning. Nhưng thay vì vứt bỏ thì họ bán rẻ trong garage sale!

Còn Phục Sinh ở Mỹ thì sao? Ðất nước sản sanh ra thể chế dân chủ đầu tiên trên thế giới mừng lễ Phục Sinh với trò lăn trứng tại ngôi nhà của dân – Tòa Bạch Ốc. Chuyện là vào thập niên 1870, ngọn đồi Capitol Hill, chỗ tòa nhà Quốc Hội tọa lạc, là nơi mà vào ngày lễ Phục Sinh trẻ em rất thích đến để thả trứng cho nó lăn xuống đồi (xong chúng lăn xuống theo, dĩ nhiên!). Nghe thì vui, nhưng sau vài năm đồi cỏ bị nát hết khiến Quốc Hội nổi sùng ra luật cấm trò chơi này. Thấy vậy năm 1878 Tổng thống Rutherford B. Hayes ra nghị quyết cho phép bất cứ trẻ em nào muốn lăn trứng có thể đến sân cỏ của Tòa Bạch Cung mà lăn. Thế là tục lệ này được các vị tổng thống Mỹ tiếp tục cho đến ngày nay, và là một trong những sinh hoạt dân chủ dễ thương nhất trên thế giới… lb

623    25-04-2019