Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Sơ Emmanuelle: Tình yêu thì mạnh hơn cái chết

 

Hai khuôn mặt, hai số phận phụ nữ gặp nhau trong quyển sách Trẻ em của Ti-Bê: đồng tâm với bà Jetsun Pema và xơ Emmanuelle – (Enfants du Tibet: De coeur à coeur avec Jetsun Pema et Soeur Emmanuelle) của Sofia Stril-Rever. Jetsun Pema là người Á châu, một phật tử, em của đức Đạt Lai Lạt Ma, mẹ gia đình, cựu bộ trưởng của một chính phủ lưu vong từ Đông phương. Xơ Emmanuelle người Âu châu, thiên chúa giáo, nữ tu của những người nghèo.

Khác nhau nhưng lại rất gần nhau, đồng tâm trọn đời dấn thân cho đau khổ của các em bé. Cả hai đều là mẹ của rất nhiều em bé mà một cơ thể phụ nữ không thể nào cưu mang được. Họ yêu những em bé này với một tình yêu có thể giúp các em sinh lại một lần thứ nhì. Họ mang đến sự sống khi sức lực và hy vọng sống đã tắt. Họ đã ôm trong vòng tay họ các em bé mà sự sống đã rời xa.

Xơ Emmanuelle là dì của bà Sofia Stril-Rever, nên trong bài phỏng vấn này, xin được phép gọi xơ Emmanuelle là dì cho thân mật.

Dì Emmanuelle, dì đã chiến đấu để cứu hàng ngàn trẻ em. Dù cố gắng hết sức, cái chết cũng đến mang các em đi, các bà mẹ đem đứa con hấp hối đặt trong vòng bàn tay dì. Làm sao dì còn hy vọng khi đã ôm bao nhiêu em bé sắp chết như vậy? 

Dì Emmanuelle: Khi dì mới đến khu phố ổ chuột Ai-Cập, các em bé sơ sinh chết vì sài uốn ván rất nhiều. Các em chết vì bệnh này đau đớn khủng khiếp. Bởi vì các em bị cắt rún bằng những vật dụng rỉ rét, nắp hộp rỉ, dao rỉ. Ở thời điểm đó, bốn em bé trên mười chết vì sài uốn ván. Dì nghĩ trong đời dì, dì không thấy cái chết nào khủng khiếp hơn chết của những người bị sài uốn ván.

Mới đầu, chỉ có một mình dì ở khu phố ổ chuột, chưa có bác sĩ, chưa có y tá đến giúp dì. Họ đem đến cho dì những em bé sắp chết, mặt và thân thể biến dạng do căn bệnh làm tay chân co quắp lại, da thịt nhăn nheo như người già sắp chết. Dì không làm gì được để cứu và để xoa dịu đau đớn.

Dì ngồi dưới đất, ôm các em bé sắp chết hoặc chết rồi trong tay, dì nhớ là dì đã ngước lên bầu trời đầy sao cầu nguyện với Chúa. Dì chỉ tìm thấy bình an tâm hồn khi nghĩ đến bức tranh Piètacủa họa sĩ Michel-Ange, bức tranh vẽ Đức Mẹ bồng xác Chúa Giêsu trên đầu gối. Dì thấy đôi mắt của Đức Mẹ như nhìn xa hơn cái xác của con mình. Dì thầm nghĩ không biết đôi mắt Đức Mẹ nhìn thấy gì. Gương mặt Đức Mẹ không tỏ ra phản kháng cũng không tỏ ra đau khổ cực độ. Cái nhìn nội tâm nào làm cho Đức Mẹ có một bộ mặt bình thản không nghiêm trọng như vậy?

Lòng Đức Mẹ bình an vì Đức Mẹ suy gẫm đến Chúa Giêsu-Kitô phục sinh. Thể xác của con bất động. Xác này không còn sống ở trần thế. Nhưng sống ở một đời sống khác, trong ánh sáng và trong tình thương của Chúa. Sống lại là vào trong ánh sáng này mà người ta gọi là “trời”. Một ánh sáng mà hàng tỷ người đã đi vào và chúng ta cũng sắp đi vào. Giống như một cái thang bắt lên để đi đến Chúa. Sắp đến lượt dì rồi. Dì đang ở bậc cuối và dì sẽ hòa vào ánh sáng yêu thương của Chúa Kitô. Chỉ còn tình yêu. Thiên đàng là nơi con người chỉ còn một việc là yêu thương nhau.

Khi ôm các em bé này trong tay, dì cầu xin Chúa đón nhận các em vào trong ánh sáng. Khi đó bình an của Chúa nhè nhẹ đi vào tâm hồn dì và dì cố gắng đem bình an này đến cho bà mẹ đang ngồi cầu nguyện bên cạnh dì.

Đức tin làm cho dì hy vọng có một đời sống sau đời sống này. Đâu là những lý do để dì hy vọng cho đời sống trần thế này của chúng ta?

Đó là những người đàn ông, đàn bà đã cho dì lý do để hy vọng ở đời sống trần thế này. Đâu đâu, kể cả những xứ đang gặp chiến tranh như Liban, những xứ nghèo và có nhiều người làm điếm như ở Phi, lúc nào dì cũng gặp những người thiện tâm! Luôn luôn! Họ làm sự sống nảy sinh lại khi mà cái chết đã cầm chắc trong tay, dù họ là người ở bất cứ tôn giáo nào. Tại sao vậy? Bởi vì họ có sức thổi của Chúa trong lòng. Đó là sức thổi của sự sống, sức thổi của Chúa. Sức thổi của tình yêu thì mạnh hơn sức thổi của cái chết.

Với những người đàn ông đàn bà hiện thân cho hy vọng này, dì chiến đấu. Phẫn nộ trước những cái chết mà mình có thể cứu được, dì tìm phương tiện để cứu các em bé này. Và bây giờ trẻ em sơ sinh không còn chết vì sài uốn ván ở khu phố ổ chuột Ai-Cập nữa.

Dì Emmanuelle đã sống ở Ai-Cập. Bà Jetsun Pema đã sống ở Dharamsala. Cả hai đã sống những đau đớn tột cùng khi đối diện với cái chết của các em bé. Trong những giây phút đó, dì Emmanuelle thấy tình yêu của một Thiên Chúa sống lại. Bà Jetsun Pema thấy một tiến trình thiêng liêng đang tiến hóa, từ đời này qua đời khác, luân chuyển chúng ta đến Cõi Ngộ. Theo truyền thống phật giáo, với sự hư thối các cấu tử của thể xác, tiến trình của cái chết giải thoát tạm thời cái tham và sân ở cõi đời này. 

Để rồi thoát được vòng vô minh, thấy được chính mình và thế giới mình sống, hòa hợp vào ánh sáng của các bồ tát. Nhưng đây chỉ là một tia chớp nhưng chúng ta vẫn còn ở trong cái chết vì còn vướng vào luân hồi. Được thúc đẩy bằng một cái khát phải sống thêm một lần nữa, ý thức của chúng ta chọn con đường vào lại cuộc đời để sống thêm một lần nữa. 

Con đường tíến về Cõi Ngộ là một chuỗi sống chết kế nhau cho đến lúc nào chúng ta học để trở thành một với ánh sáng trong suốt của các bồ tát. 

Nếu cái nhìn về một đời sống về sau có khác nhau, dì Emmanuelle và bà Jetsun Pema đều có những lời giống nhau, đều có tấm lòng trìu mến mang lại đời sống, yêu thương trẻ con để chúng xây dựng một tương lai, hủy bỏ được những trạng huống đau khổ do áp bức và chiến tranh đem lại. 

Có thể nào có một quả tim đồng tâm không? Trong một bối cảnh thiêng liêng rất khác nhau, con ngạc nhiên khi thấy người em của Đức Đạt Lai Lạt Ma và dì đều có những hành vi, những mục đích rất gần nhau, giúp cho các em bé mà dì và bà Pema cứu. Dì có thể giải thích cho con thêm? 

Dì Emmanuelle: Em của Đức Đạt Lai Lạt Ma và dì đều có một mục đích chung là cứu trẻ con. Đương nhiên sức khỏe và giáo dục là ưu tiên một trong các mục đích như vậy.

Hiệp Hội của dì giúp cho trên 60 000 trẻ em trên thế giới, có mặt trên hơn mười nước trên thế giới. Quan trọng trước nhất là cứu các em khỏi bị suy dinh dưỡng. Sau đó, cứu trẻ em là tránh cho trẻ em khỏi nạn mù chữ để sau này các em không phải là người thất học. Những em nào học giỏi đều vào được các trường dạy nghề.

Chúng ta buộc phải cố gắng để giúp tuổi thơ đang bị hiểm họa. Vừa đây dì nghe kể chuyện một cha dòng Tên ở Rio de Janeiro, Ba Tây hoạt động cứu các trẻ em đường phố. Cha chia sẻ với các em những gì cha có, có nghĩa là không có gì bao nhiêu. Có một trẻ vị thành niên 13 tuổi ở với cha, em bỏ đi sau khi ăn cắp cái đài và một ít vật dụng khác của cha. Cha đã có suy nghĩ làm dì chưng hửng: “Có phải là tôi chưa thương em đủ? Nếu tôi thương em nhiều hơn, có thể em sẽ không bị cám dỗ lấy vật dụng của tôi. Tình yêu chưa tràn đầy trong quả tim em.”

Câu chuyện này làm con nhớ lại cha Ceyrac, cha ở Ấn Độ mấy chục năm nay, cha cũng lo cho các em ở Madras. Bây giờ cha cũng 87 tuổi. Cha nói cha từ giã cuộc đời này chỉ với một hối tiếc, là chưa yêu thương chưa đủ. Dì 91 tuổi, dì có hối tiếc nào không?

Đương nhiên, vì dì cũng hối tiếc giống như cha. Tính của dì là ích kỷ và độc tài. Chỉ có suy gẫm về đời sống Chúa Kitô và cuộc đời của Chúa mới làm cho dì đi ra khỏi con người của mình, để chỉ đi theo một điều răn của Chúa: “Các con hãy yêu thương nhau.” Dì không thể nào ích kỷ khi dì nhìn Chúa Kitô trên thập giá. Thể xác Chúa Kitô trên thập giá lúc chịu Thương Khó là con đường nội tâm liên tục đồng hành với dì trong suốt cuộc đời. 

Nhưng mà ích kỷ là cái khiếm khuyết cuối cùng người ta có thể nói về dì. Cả một cuộc đời dì là là một cuộc đời yêu thương và tận tụy cho tha nhân mà?

Người ta ca tụng dì quá. Họ cho dì một hình ảnh không đúng về dì. Dì không phải là thánh và dì mong người ta nói nhiều về các khiếm khuyết của dì. Dì biết con người thật của dì, dì biết nếu dì không sống đời sống tu hành hết sức, hết lòng thì dì là một người vô cùng ích kỷ. 

Chân thành, khiêm tốn tận cùng, chiến đấu không mỏi mệt để bứt tận căn cái ego ra khỏi con người mình. Dì Emmanuelle và bà Jetsun Pema dấn thân trên những con đường khác nhau nhưng quả tim họ đồng tâm.

Tôi còn nhớ, năm 1994 ở Florence. Trời mùa đông lạnh buốt, bầu trời trong xanh sáng rực. Hai tay dì Emmanuelle tê lạnh. Dì không chịu mang bao tay. Tôi năn nỉ dì, dì nhìn thẳng vào mắt tôi, như thách tôi, rồi dì dịu xuống, nói một giọng trầm trầm: «Dì lạnh, nhưng biết bao nhiêu đàn ông, đàn bà, trẻ con giờ này đang lạnh! Dì cầu nguyện cho họ. Dì cũng lạnh, dì hiệp thông với những người đang lạnh trên thế giới này. Dì hiệp lòng với họ trong khiêm hạ, nhỏ bé và với tấm lòng chân thành của dì.»

Tôi kể cho dì Emmanuelle nghe tính đơn giản của bà Jetsun Pema, bà từ chối mọi tước vị, mọi bằng khen, mọi danh dự, bà không muốn để ego lướt thắng.

Dì rất hiểu chuyện này! Dì nghĩ người em của Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn trung thực với chính mình, trung thực trong tâm, thân, ý. Bà không muốn đi quá con người thật của bà. Lúc nào người ta cũng bị cám dỗ để cho tình cảm, trí tưởng tượng lấn lướt, làm cho mình có lý lẽ để tự bằng lòng mình một cách thái quá, trong những gì mình muốn làm hay muốn thể hiện mình.

Thương xót, có phải là đau khổ với cái đau khổ của người khác? Dì muốn chia sẻ cuộc sống với con người, với toàn nhân loại. Nhất là dì không muốn ở trong một giai cấp riêng, một giai cấp có những tình cảm, những nguồn vui mà đa số nhân loại không có.

Chẳng hạn dì cầu nguyện không phải dễ, nhất là những khi dì mệt. Nhưng không sao. Dù mệt, dì cùng cầu nguyện, dì hiệp thông với những người đang mệt trên thế giới. Dì nói: «Lạy Chúa con đang mệt, nhưng biết bao nhiêu người đàn ông, đàn bà giây phút này đang đi về nhà, lo cho con cái, làm việc nhà, họ lúc nào cũng làm việc mệt.»

Ở Ai-Cập, dì thấy không biết bao nhiêu người đàn ông làm việc gấp hai, gấp ba vì đồng lương không đủ. Họ có cha mẹ phải nuôi, có đông con phải nuôi, họ muốn con họ có một tương lai tốt hơn. Và đó là tình yêu. Họ làm việc rất khuya. Như vậy khi dì mệt, dì nói với Chúa: «Lạy Chúa, con giống như những người anh em kiệt sức của con, thể xác họ mỏi mệt. Có người không còn muốn sống, không một an ủi. Lạy Chúa, con xin ở với họ.»

Chỉ chừng đó. Sau đó thì dì im lặng, trong khiêm hạ tận cùng.

Bà Jetsun Pema và dì đã cứu hàng ngàn trẻ con. Hiệp Hội của dì giúp cho 60 000 trẻ em sinh sống mỗi ngày. Nuôi dưỡng, săn sóc, giáo dục. Nhờ Hiệp Hội của dì, về mặt  vật chất dì mang sự sống đến cho trẻ em. Về mặt thiêng liêng, dì tháp tùng họ qua lời cầu nguyện. Dì có thấy dì là mẹ của 60 000 em bé, dì thấy như thế nào? Có hay không một tình mẫu tử thiêng liêng?

Tình mẫu tử thiêng liêng, đúng. Chữ dùng rất đúng. Có một hình thức của tình mẫu tử này. Nhưng dì sống cái tình này trong xương thịt dì. Có nghĩa là thể xác dì cần thấy, cần sờ, cần nhận, cần cho một nụ cười thật. Dì thú thật, dì cảm thấy dì là mẹ của các em ở Ai-Cập, ở Xuđăng vì dì biết chúng nhiều. Dì ở 20 năm với các trẻ em Ai-Cập, dì đã qua Xuđăng không biết bao nhiêu lần!

 

Ở Xuđăng, trong thời nước này bị nạn đói hoành hành, dì lượm cả chục em sắp chết ngoài đường. Dì xây các trường học bằng tranh, dì đi thăm nhiều lần lắm! Những em bé này, dì ôm, dì nựng chúng, có khi dì ngủ qua đêm trong nhà chúng. Vì thế chúng ở trong quả tim dì, trong ký ức dì. Các trẻ em ở Phi cũng vậy, dì có qua thăm chúng; nhưng cũng như các em ở Liban, dì không có thì giờ để tạo mối dây thân tình, tình mẫu tử với các em này như các em ở Ai-Cập và Xuđăng.

Đúng ra, tình mẫu tử thiêng liêng như con nói, dì nghĩ dì cảm nhận được, nhưng trong Chúa. Dì tin sâu xa vào hiệp thông các linh hồn. Khi người nào mang trong tâm hồn mình hình ảnh người mình thương, như người mẹ mang trong lòng hình ảnh người con đã chết, hay khi một người nghĩ đến bạn mình đang gặp khó khăn, lo lắng, nếu họ cầu nguyện trước mặt Chúa, thì giữa họ có một sơị dây thiêng liêng thắt chặt không thể tưởng tượng được.

Dì lúc nào cũng nói tình yêu thì mạnh hơn cái chết. Tình yêu là một cảm nhận vượt quá thể xác. Thể xác rồi thì có ngày sẽ rửa nát, khi bệnh tật đến, khi cái chết đến. Khi con nói với dì tình mẫu tử thiêng liêng, dì thấy xa hơn. Dì nghĩ đến một hiệp thông cầu nguyện, chắc chắn sẽ vượt quá không gian và thời gian.

Trong Chúa, mỗi ngày, đôi khi mỗi giờ, dì ôm toàn nhân loại vào lòng, trước hết là với những người dì thương, dì quen biết: những em bé đau khổ, những người đang cơn tuyệt vọng viết thư cho dì. Dì ôm họ vào lòng rồi dì hiệp thông với tất cả đàn ông đàn bà, trẻ con trên thế giới. Dì tin sâu xa, khi kết hợp trong quả tim Chúa, sẽ có một hiệp thông với họ, có thể gọi là tình mẫu tử, nhưng chính yếu là một hiệp thông giữa người này với người kia, một hiệp thông tình yêu với những người đang cần tình yêu.

Đặc biệt dì cầu nguyện cho những người đang đau khổ một mình. Dì tin có một cái gì xảy đến, qua không gian, qua khoảng cách, vì Thiên Chúa hiện diện trực tiếp trong thế giới này, dì kết hiệp với Thiên Chúa-tình thương, thương nhân loại như mẹ thương con. Đó là những gì dì nghĩ về một hiệp thông trực tiếp có thể gọi là tình mẫu tử nếu con muốn, nhưng đơn giản là một hiệp thông. Vì con người là anh em với nhau. Như vậy, qua hiệp thông, trong cầu nguyện là có tình mẫu tử thiêng liêng. Mẫu tử trong nghĩa sinh ra, sinh ra sự sống, sinh ra hy vọng, sinh ra tình yêu.

Marta An Nguyễn dịch

Bà Sofia Stril-Rever và Xơ Sara trong ngày chôn cất xơ Emmanuelle 22 tháng 10-2008 tại làng Callian, Pháp.

530    24-10-2018