Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Stanislaw Dziwisz, thiên thần hộ thủ của Đức Gioan-Phaolô II

 

 

Lần đầu tiên nữ tu Tobiana, nữ tu niên trưởng của các nữ tu ở bên cạnh Đức Gioan-Phaolô II chịu chụp hình. Sơ đã làm một ngoại lệ: cùng Hồng y Stanislaw Dziwisz tiếp chúng tôi ở văn phòng Tổng giám mục Cracovia.

Đức Hồng y Stanislaw Dziwisz, Tổng giám mục Cracovie đã cứu Đức Gioan-Phaolô II ở Quảng trường Thánh Phêrô lúc ngài bị ám sát ngày 18-5-1981, ngài là nhân vật am tường trong việc phong thánh Đức Gioan-Phaolô II. Phóng viên chúng tôi đã gặp ngài ở Ba Lan.

Paris Match. Sức mạnh thầm lặng và triệt để của ngài có phải là nguồn gốc cho việc phong thánh Đức Gioan-Phaolô II không?

Hồng y Stanislaw Dziwisz. Đó là sáng kiến của giáo dân ở Quảng trường Thánh Phêrô ngày Đức Gioan-Phaolô II qua đời, họ muốn phong thánh cho ngài ngay lập tức “Santo subito”. Trực giác này cũng là trực giác của các hồng y. Vì tôi ở quá gần ngài nên khá tế nhị cho tôi khi tôi xin phong thánh cho ngài. Tuy nhiên tôi phải thú nhận, khi Đức Bênêđictô XVI quyết định mở án phong thánh, tôi rất hạnh phúc và biết ơn ngài. Theo luật ấn định cho việc phong thánh thì tiến trình này quả là ngắn vì Tòa Thánh ấn định chỉ mở án phong thánh năm năm sau ngày người đó qua đời. Mới đầu là ở tòa La Mã, sau đó là ở tòa Cracovia, đây là phần lâu nhất vì ở đây có quá nhiều người biết đến Karol Wojtyla. Sau cuộc điều tra kỹ lưỡng, ngày 19-12-2009, giáo hoàng ký một  sắc lệnh về các đức tính dũng cảm của ngài. Khi đó mới bắt đầu nghiên cứu đến phép lạ để được phong thánh và đã được Đức Phanxicô tuyên bố ngày 30-9-2013. 

Cha đã chia sẻ đời sống của một vị thánh?

Qua năm tháng, tôi được đặc ân là chứng nhân cho công việc và cuộc sống huyền nhiệm của ngài. Đức Gioan-Phaolô II luôn luôn kết hiệp với Chúa, ngài sống trọn với Chúa, phó thác hoàn toàn cho Chúa. Tâm tình chiêm nghiệm, cách ngài cầu nguyện cho những ai nhờ ngài cầu nguyện, ngài không quên một ai, thì thật là ấn tượng. Những năm cuối cùng ngài nói với tôi: “Con ghi chép ra giấy các ý chỉ cầu nguyện và để trong nhà nguyện cho cha để các ý chỉ này lúc nào cũng ở trên bàn thờ”. Yêu cầu hàng ngày này là trọng tâm cuộc sống phong phú của ngài.

Vì sao phong thánh hai giáo hoàng vào ngày 27-4?

Tôi thú nhận, với tôi cũng như với nhiều người khác, tin này quá sức ngạc nhiên. Nhưng xét cho cùng, nếu Đức Angelo Giuseppe Roncalli đã tổ chức được Công đồng Vatican II, thì Đức Karol Wojtyla đã đóng một vai trò quan trọng và khi trở thành giáo hoàng, ngài đã áp dụng rộng rãi tinh thần Công đồng. Đức Gioan XXIII đã mở Giáo hội ra với thế giới và Đức Gioan-Phaolô đã mở thế giới ra cho Giáo hội.

Giáo hội đã phong thánh cho một giáo hoàng Ba Lan rất chính trị…

Một cách chính thức, ngài không làm chính trị. Nhưng lời và hành động mục vụ của ngài có tầm ảnh hưởng thực sự, đầu tiên hết trên quê hương của chính ngài. Hơn nữa, các lời tuyên bố của ngài vang ra khắp các lục địa. Một điều chắc chắn, nhân cách của ngài, sự kháng cự trong tinh thần hòa bình của ngài chín muồi nhờ đức tin và điều này đã làm thay đổi bản đồ các quốc gia, địa hình chính trị thế giới và nhất là dẫn đến việc làm cho bức tường Bá Linh sụp đổ. Đức Gioan-Phaolô II cũng góp phần vào trong những biến động lớn của xã hội vì, trong thời gian giáo triều từ năm 1978 đến khi ngài qua đời vào mùa xuân năm 2005, thế giới đã thay đổi rất nhiều. Cứ nghĩ lại mà xem, Karol Wojtyla, một mục tử được yêu thương, được ngưỡng mộ, được rọi sáng trên chính quê hương mình nhờ sức mạnh tinh thần và trí tuệ, ngài đến La Mã dự mật nghị tháng 10 năm 1978 với thông hành du lịch – quyển thông hành ngoại giao mà các hồng y đều có quyền có, thì bị một nhân viên của đảng Cộng sản tịch thu – điều này muốn nói: “Ông cứ đi đi, khi ông về, chúng tôi sẽ trả lại giấy tờ cho ông.” Nhưng ngài không trở về vì ngài được chọn lên ngai thánh Phêrô. Ngày 22-10-1978, các nhà lãnh đạo chính trị Ba Lan đến Rôma để dự lễ tấn phong của ngài. Còn ở dưới chế độ Cộng sản, các nhà bình luận của Đài truyền hình Ba Lan bối rối không biết làm sao để loan báo tin Tổng giám mục Cracovia lên một chức cao cả như thế. 

Cha và ngài nói với nhau bằng ngôn ngữ nào?

Ở Rôma, Đức Gioan-Phaolô II nói nhiều thứ tiếng, ngài diễn đạt với nhiều ngôn ngữ. Trong công nghị các giám mục, thỉnh thoảng ngài nói tiếng La tinh, ở Vatican ít người còn nói được, ngoại trừ Đức Bênêđictô XVI, hồng y Ba Lan  Grocholewski và hồng y người Ý Tucci. Trong buổi ăn chiều vì có nhiều người khác, ngài nói tiếng Ý vì các thư ký của ngài không hiểu tiếng Ba Lan.

“Các câu chuyện riêng tư không đi ra khỏi thư viện của giáo hoàng” 

Tiếng Ba Lan có phải là một ngôn ngữ mật mã?

Tính kín đáo là bản tính tự nhiên của ngài. Ngài không thuật lại những gì mà các lãnh đạo cấp cao thố lộ cho ngài trong cuộc buổi tiếp kiến. Họ mở lòng ra với ngài. Ngài chăm chú nghe, không bao giờ nói ra nội dung các buổi nói chuyện này. Đức Gioan-Phaolô II rất kín đáo. Vì thế các Lãnh đạo Quốc gia có đạo Công giáo hoặc không có đạo đều tin tưởng tuyệt đối vào ngài, một thái độ vượt lên khuôn khổ của một buổi tiếp kiến xã giao. Một vài chủ đề bàn thảo sau đó được đưa qua cho phủ Quốc vụ khanh. Một vài chủ đề khác chính thức hơn thì được Giám đốc báo chí đưa tin và bình luận. Còn các câu chuyện riêng tư thì không đi ra khỏi thư viện của giáo hoàng.

Những cuộc thăm viếng chính thức thì có tính cách hoàn toàn quy ước?  

Không thể nói thêm được vì khi nào cũng còn lại một cái gì. Đó là những giây phút rất sâu đậm, một mặt, Đức Thánh Cha ý thức một vài vấn đề, và mặt khác, khách của ngài sẽ hiểu hơn Giáo hội và Giáo hoàng nghĩ gì. Không có một cuộc hội kiến nào là vô ích, dù đó chỉ là về mặt cảm xúc, các vị khách dù họ có như thế nào đi nữa, họ cũng ấn tượng vì cái nhìn xoáy mạnh của ngài, nhìn thẳng vào mắt người đối diện và bắt tay họ một cách nồng ấm không thể tả được. 

Kỷ niệm nào đẹp nhất đối với cha?

Làm sao tôi trả lời được? Đức Gioan-Phaolô II là một nhân vật ngoại hạng, một nhân vật không xếp hạng được, mỗi ngày ngài mỗi khác! Ngài có một suy nghĩ đặc biệt và một linh đạo cũng cá biệt. Tôi luôn luôn ngưỡng mộ ngài vì năm này qua năm khác ngài có thể viết các lời chúc mới trong các dịp lễ Giáng Sinh và Phục sinh mà ngài không đọc lại những gì mình đã viết trước đây. Nhưng suy nghĩ lại, tôi nghĩ kỷ niệm đẹp nhất là buổi gặp gỡ ở Công viên các Hoàng tử ở Paris, năm 1980 với 50 000 người trẻ trong ngày Đại hội Giới trẻ JMJ, ngài không nghĩ là sẽ thành công như thế ở một nước Pháp thế tục, đó là giây phút hạnh phúc mà chúng tôi chia sẻ với nhau.

Câu tuyên bố nào của ngài đáng nhớ nhất?

“Xin anh chị em đừng sợ, hãy mở ra, hãy mở mọi cánh cửa ra cho Chúa Kitô.” Những lời này một cách nào đó là chương trình giáo triều của ngài. Với những lời này, Đức Gioan-Phaolô II đã giải phóng người Ba Lan, họ bỗng thấy mình như được sống lại. Những lời này mang một ý nghĩa sâu đậm và vang lên trong quả tim mỗi người, trấn an họ, mang lại cho họ lòng tin tưởng, cho họ một nhận thức khác đối với những người bách hại họ, họ cảm thấy được thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của những người độc tài cai trị họ bằng nỗi sợ. Chẳng hạn ở Cuba, nơi giáo dân đã dám ra nơi công cộng để dự lễ. Đức Gioan-Phaolô II đã mang lại nhân cách và niềm tự hào cho họ. Họ chia sẻ vinh quang với ngài và nhất là họ đã cười lại được. Một hiện tượng được kiểm chứng ở rất nhiều nước…

Cha có nói, khi Đức Bênêđictô XVI từ chức: “Người ta không xuống khỏi cây thập giá”…

Câu này không phải của tôi mà chính là của Đức Bênêđictô XVI. Thật ra, tôi giải thích rằng, thập giá có thể là thập giá mà Đức Gioan-Phaolô II đã vác hay thập giá mà Đức Bênêđictô XVI vác. Tôi cũng rất ngạc nhiên về quyết định từ chức bất ngờ như thế. Chúng tôi có trao đổi thư từ với nhau và Đức Bênêđictô XVI viết cho tôi, ngài hiểu sự ngạc nhiên của tôi. Điều tôi muốn giải thích trong trường hợp này là không ai có thể tưởng tượng Giáo hoàng có thể quyết định như vậy, ngay cả chúng tôi là các hồng y cũng cảm thấy lạ khi ngài triệu tập công nghị hai lần trong khoảng cách vài tháng.

Quan hệ giữa Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI như thế nào?

Các quan hệ này mang tính cách văn hóa và trí tuệ nhiều hơn. Đây là một tình bạn tương kính cũng như rất hợp nhau.

Đức Gioan-Phaolô II và Đức Phanxicô, hai giáo hoàng gần nhau về tinh thần xã hội và về các quan tâm chung giống nhau  

Cha thấy Đức Phanxicô như thế nào?

Nền văn hóa Châu Mỹ La Tinh đã làm cho ngài quan tâm đến tình trạng nghèo khổ, đến đau khổ, những vấn đề này rất rõ nét ở châu lục của ngài. Nhưng xin đừng bắt tôi so sánh giữa hai người vì đó không phải là việc của tôi. Tôi chỉ thấy các ngài có đặc sủng, có tính tự phát, một bên là người xlavơ, một bên Châu Mỹ La Tinh. Mỗi người đều đi ra khỏi thủ tục nghiêm nhặt của địa vị giáo hoàng và nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng. Cả hai đều cùng đấu tranh không ngưng nghĩ cho sự nghèo khổ và cho nạn bất bình đẳng. Đức Gioan-Phaolô II không chịu đựng được khi thấy ở Rôma có những người không có cách nào sinh sống phải ngủ ngoài đường. Ngài nói điều này với chúng tôi. Vì thế ngài cho xây bệnh xá Mẹ Têrêxa ở ngay bên trong Vatican để có thể giúp các phụ nữ nghèo khó. Mặt khác, các Nữ tử Bác ái được Giáo hoàng nâng đỡ đã đi quanh thủ đô để phát thức ăn nước uống cho người vô gia cư. Tóm lại. Tôi nghĩ khái niệm về cuộc sống, về tinh thần xã hội của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Phanxicô phù hợp với các thách thức của thế giới hiện nay, sự quan tâm, chọn lựa cá nhân đã dẫn họ đến với người nghèo làm cho họ rất gần nhau. 

Cha sống ở Cracovia như thế nào?

Như một mục tử dẫn dắt một Giáo hội lúc nào cũng hiệp nhất và trật tự, trong một thành phố có 220 000 sinh viên, với thành phần giáo dân có một đức tin sống động. Ở miền Nam nước Ba Lan có 70% đến 80 % dân Ba Lan đi lễ. Ở các thành phố thì có ít hơn nhưng chúng tôi còn rất nhiều ơn gọi. 

Đức Phanxicô rất quan tâm đến cha!

Một sự kiện quan trọng là ngày phong thánh hai giáo hoàng nhằm vào ngày lễ Lòng Thương Xót Chúa. Lại là ngày sinh nhật 75 tuổi của tôi thì thật là hoàn toàn tình cờ, một chi tiết vui vui mà các ký giả như bà chắc thích. Nhưng món quà đẹp nhất trong các món quà, ngoài việc mừng lễ này là Đức Phanxicô chọn Cracovia là thành phố tổ chức ngày JMJ năm 2016. Đức Phanxicô quá quảng đại với tôi.

Marta An Nguyễn dịch

361    29-04-2019