Sidebar

Chúa Nhật

19.05.2024

Sự quân bình giữa điều cũ và điều mới trong cuộc sống

Chúng ta quen với câu nói xưa “ôn cố tri tân”, tức nhìn vào điều cũ để biết điều gì là mới mẻ. Có lẽ, trong thế giới tạo vật, thì con người là phức tạp nhất, không chỉ vì con người là động vật bậc cao, nhưng là vì trong cấu trúc não của con người có cả cái cũ lẫn cái mới, và vì thế, cái cũ và cái mới luôn là một thách đố đối với bản thân con người trong tư cách là những người yêu thích cả cái cũ và cái mới, đồng thời lại chán ghét cả cái cũ lẫn cái mới. Sự mập mờ trong việc yêu và ghét cái cũ và cái mới khiến cho con người đau khổ, vật vã, và phấn khích. Nhưng, nếu chúng ta tỉnh táo, khôn ngoan trước điều cũ và điều mới, thì cuộc sống sẽ rất thú vị và là một hành trình tuyệt vời.

Sự minh bạch giữa cái cũ và cái mới là điều mà Chúa Giêsu muốn dạy cho mỗi người chúng ta trong Bài Tin Mừng hôm nay (Lc 5:33-39). Theo đó, “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ” (c. 36) và “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới. Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói : ‘Rượu cũ ngon hơn’”.

Nhìn vào cuộc sống thực tế, chúng ta thấy có hai nhóm người đau khổ, hai nhóm này là những con người tưởng chừng rất rạch ròi giữa cái cũ và cái mới, nhưng thực chất lại là những con người hết sức cực đoan trong hai lãnh vực này.

Nhóm thứ nhất là những người cổ suý cho cái cũ, bám vào cái cũ và bài xích cái mới. Theo đó, nhóm này luôn có một khuynh hướng đem điều cũ áp dụng vào hoàn cảnh mới, không gian mới, môi trường mới, tình huống mới, hay tắt một lời là thực tại mới. Đối với họ, chỉ có điều cũ là tối ưu và tuyệt vời, nên họ cố thủ trong những điều cũ đến mức trở nên cực đoan. Trong lãnh vực nuôi dạy con chẳng han, những người yêu thích điều cũ sẽ luôn bám vào cái mà họ gọi là “truyền thống ông bà”, “phương pháp ông bà”, nghĩa là cứ sinh con đẻ cái cách vô tội vạ vì “bố mẹ, ông bà xưa đẻ nhiều mà có sao đâu, vẫn nuôi dạy tốt”, kể cả họ cũng chỉ sinh có một đến hai con, thì họ vẫn cảm thấy khó chịu vì sao họ sinh nở ít hơn mà vẫn cảm giác bất lực so với ông bà của mình. Hay một vấn đề nổi cộm khác là khoảng cách thế hệ (Generation Gap). Theo đó, chúng ta luôn cảm thấy mỏi mệt và cả cha mẹ ông bà chúng ta cũng cảm thấy mỏi mệt vì cái khoảng cách rất lớn giữa cũ và mới này, đến mức nhiều gia đình không thể hoà hợp mỗi khi sum họp mà chỉ cãi vã hay bất đồng. Ngay trong đời sống tu trì, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng khẳng định, “luôn có những nhóm người cực đoan và bảo thủ” trong niềm tin của mình khi đối diện với cái mới.

Nhóm thứ hai là những người luôn có khuynh hướng bài xích và tẩy chay cái cũ và chỉ đón nhận điều gì là mới mẻ. Nhóm này cũng không hạnh phúc hơn nhóm trên bởi tình trạng thái cực của mình. Đối với họ, cái gì là cũ thì là cũ và hết tác dụng với thực tại, kể cả những điều thuộc lẽ khôn ngoan. Họ không muốn sống những giá trị hay truyền thống xưa cũ, mà luôn cảm thấy căng thẳng nếu phải tuân thủ điều gì mà họ cho là cũ kĩ. Trong lãnh vực nuôi dạy con cái, họ tìm kiếm những phương pháp mới, cách thế mới để chăm sóc và dạy dỗ con mình mà bỏ ngoài tai hết mọi kinh nghiệm quý giá của cha ông để lại, kể cả những mẹo vặt vốn rất hiệu nghiệm. Trong đời sống tu trì, người ta tìm cách áp dụng những khám phá mới, những quan điểm thần học mới, những cách lý giải cuộc sống mới mà lãng quên mất Truyền Thống tốt đẹp, mà kết quả chỉ là những bối rối cho cả bản thân và người có niềm tin.

Đối với Chúa Giêsu, Ngài không bác bỏ cái cũ, cũng không nghinh tân cách thái quá, nhưng là “kiện toàn điều cũ” cho phù hợp với thực tại mới. Thậm chí, Ngài còn bảo vệ điều cũ đến mức không bỏ đi “dù một chấm một phẩy trong lề luật” cho đến “khi trời đất này qua đi”. Chúng ta được mời gọi để mặc lấy tâm tình sống điều cũ và điều mới của Ngài để có được sự bình an, sự quân bình và niềm vui trong cuộc sống. Nghĩa là, trong từng hoàn cảnh cụ thể và trong từng thực tại, hãy biết áp dụng điều gì cho phù hợp để không tạo ra những chắp vá hay những đổ vỡ do sự bất tương thích giữa hai điều. Theo đó, cũ thì đi với cũ, mới đi với mới, chứ không nhập nhằng giữa cũ và mới, và nhất là biết dùng điều mới để biện phân và lý giải cho điều cũ và ngược lại. Đó chính là thái độ sống mà Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hôm nay, hãy vui với thực tại nhưng cũng biết giữ gìn những ký ức tốt đẹp của quá khứ, hãy vui với điều mới nhưng cũng biết trân trọng Truyền Thống và sự khôn ngoan, vui với người trẻ của hiện đại nhưng cũng biết tham khảo người lớn tuổi là những người giữ gìn ký ức tốt đẹp để có sự tham chiếu tốt mà xây dựng cuộc sống hiện tại và hướng đến tương lai tươi đẹp như mong đợi. Đây chính là điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô hay mời gọi các bạn trẻ và khích lệ các cụ già trong mọi cuộc gặp gỡ của Ngài với từng nhóm người.

Joseph C. Pham

409    07-09-2019