Đức Giáo Hoàng Benedict XVI mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm Chúa Kitô trong Cầu Nguyện

Cầu nguyện không chỉ là hơi thở của tâm hồn nhưng, để làm một phép ẩn dụ, cầu nguyện cũng là ốc đảo của sự bình an nơi đó chúng ta có thể kín múc được nguồn nước nuôi dưỡng đời sống tinh thần của chúng ta và biến đổi cuộc sống chúng ta. Thiên Chúa kéo chúng ta về phía Người, ban cho chúng ta ánh sáng và sự an ủi, đồng thời làm cho chúng ta có khả năng leo lên ngọn núi thánh thiện để chúng ta có thể gần với Chúa hơn…

Việc chiêm ngắm Chúa vừa làm chúng ta say mê vừa làm chúng ta kính sợ: say mê bởi vì Thiên Chúa lôi kéo chúng ta đến với Người và làm cho tâm hồn chúng ta vui thích bằng cách nâng chúng lên, mang chúng tới đỉnh điểm của Người nơi mà chúng ta có thể cảm nghiệm được sự bình an và vẻ đẹp của tình yêu Chúa; kính sợ bởi vì Thiên Chúa biểu lộ cho ta biết sự yếu đuối phận người của chúng ta, sự không bất xứng của chúng ta, sự nỗ lực để chiến thắng trên Thần Dữ – kẻ gây nguy hiểm cho cuộc đời chúng ta, cái gai đó cũng gắn vào thân xác chúng ta. Trong cầu nguyện, trong việc chiêm ngắm Chúa hằng ngày, chúng ta nhận được sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa và cảm thấy rằng những lời của Thánh Phaolo gửi cho các Kitô hữu thành Roma thật là đúng, ngài viết: “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm8,38-39).

Trong một thế giới mà ở đó chúng ta liều lĩnh chỉ cậy dựa vào hiệu quả và quyền lực của những phương tiện con người, chúng ta được mời gọi tái khám phá và làm chứng cho quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng được tìm thấy trong cầu nguyện, với quyền năng ấy mỗi ngày chúng ta lớn lên trong việc làm cho cuộc sống của chúng ta nên giống cuộc sống của Chúa Kitô, Đấng mà Phaolo nói: “Thật vậy, Người đã chịu đóng đinh vì mang thân phận yếu hèn, nhưng cùng với Người, chúng tôi sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa để xử sự với anh em” (2 Cr 13,4).

Các bạn thân mến, trong thế kỷ qua Albert Schweitzer, một nhà thần học Tin Lành đã đoạt được giải thưởng Nobel Hòa Bình, đã nói: “Phaolo là một nhà thần bí và không có gì hơn là một nhà thần bí”, điều đó nghĩa là, ngài là một người thực sự yêu mến Chúa Kitô và quá kết hợp với Người đến nỗi ngài có thể nói rằng: Chúa Kitô sống trong tôi. Chủ nghĩa thần bí của Thánh Phaolo không chỉ đặt nền tảng trên những biến cố đặc biệt mà ngài đã trải qua, nhưng còn trên tương quan mật thiết hằng ngày của ngài với Chúa Đấng luôn luôn nâng đỡ Phaolo bằng Ân Sủng của Người.

Chủ nghĩa thần bí không làm Phaolo xa rời thực tại, trái lại nó mang lại cho ngài sức mạnh để sống mỗi ngày cho Chúa Kitô và để xây dựng Hội Thánh cho đến tận cùng thế giới vào thời điểm đó. Sự kết hợp với Thiên Chúa không làm chúng ta cách biệt với thế giới nhưng cho chúng ta sức mạnh để sống cách thực tế trong thế giới, để làm những gì phải làm trong thế giới.

Như thế trong cuộc sống cầu nguyện của chúng ta cũng nhưng có lẽ chúng ta có thể có những khoảnh khắc cảm xúc đặc biệt khi đó chúng ta cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa sống động hơn, nhất là trong những tình huống khô khan, khó khăn, đau khổ hay khi sự vắng mặt rõ ràng của Thiên Chúa. Chỉ nếu chúng ta đã nắm chắc được tình yêu của Chúa Kitô chúng ta mới đủ sức để đối diện với mọi nghịch cảnh, chúng ta mới tin tưởng như Phaolo, chúng ta có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho chúng ta (x. Pl 4,13). Vì thế, càng nhiều căn phòng chúng ta làm để cầu nguyện chúng ta sẽ càng nhận thấy cuộc sống của chúng ta được biến đổi và có sức sống nhờ quyền năng hiển nhiên của tình yêu Thiên Chúa.

Đây là điều đã xảy ra, chẳng hạn, đối với Mẹ Teresa of Calcutta người đã tìm thấy trong việc chiêm ngắm Chúa Giêsu – và ngay cả trong những giai đoạn dài khô khan – lý do tối dậu và sức mạnh không thể tin được là nhận ra Người nơi những người nghèo khổ và bị bỏ rơi cho dẫu mẹ yếu sức. Việc chiêm ngắm Chúa Kitô trong cuộc sống không làm cho chúng ta – như tôi đã nói – xa rời khỏi thực tại. Đúng hơn nó làm cho chúng ta biết chia sẻ nhiều hơn trong những biến cố con người, bởi vì Thiên Chúa, trong việc thu hút chúng ta đến với Người qua cầu nguyện, làm cho chính chúng ta sẵn sàng hiện diện và gần gũi với mọi anh chị em của chúng ta trong tình yêu của Chúa.

Trích từ – Chúng ta hãy trở nên những người bạn của Chúa Giêsu – bởi Đức Giáo Hoàng Benedict  XVI (The Word Among Us Press, 2013).

Theo the Word Among us
Saints & Heroes Resource Articles 2018
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương