Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Thần học dành cho Thế hệ Thiên niên kỷ: Tầm quan trọng của Mùa Vọng

adviento1
 Adviento @ Alba Montalvo
 


Thứ Hai, ngày 29 tháng 11 năm 2021, Cha Mario Arroyo Martinez, người Mexico, chia sẻ với độc giả của hãng tin Công giáo Exaudi bài báo hàng tuần của Cha trong “Thần học dành cho Thế hệ Thiên niên kỷ*”, có tựa đề “Tầm quan trọng của Mùa vọng”, trong đó Cha suy tư về câu hỏi “Tại sao Mùa Vọng lại rất quan trọng trong đời sống của Giáo Hội?”

Tại sao Mùa Vọng rất quan trọng trong đời sống của Giáo Hội? Chúng ta gần như có thể nói rằng Giáo Hội đang sống một Mùa Vọng liên tục, trong niềm mong đợi không ngừng về việc Chúa Kitô đến thế gian. Có lẽ chúng ta cầu xin điều đó rất nhiều lại không nhận ra mỗi khi chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha: “Xin cho Nước Cha trị đến.” Trong Thánh Lễ cũng vậy, nhiều lời cầu nguyện khác nhau đều đặt chúng ta vào niềm mong đợi cuộc tái lâm của Chúa Kitô.

Trên thực tế, Mùa Vọng dẫn dắt chúng ta đồng thời nhìn lên phía trướcnhìn về phía sau. Trong ba tuần đầu tiên của Mùa Vọng, chúng ta nhìn lên phía trước, có thể nói là chúng ta mong mỏi cuộc tái lâm của Chúa Giêsu Kitô, khi thời gian đến hồi viên mãnNgười đến để sắp xếp lại trật tự trong cái thế giới đầy biến động này. Vào ngày 16 tháng 12, chúng ta bắt đầu Tuần cửu nhật đón Lễ Giáng Sinh, đó là khi chúng ta nhìn về phía sau, để hồi tưởng và chuẩn bị cho bản thân cho việc tưởng niệm cuộc giáng lâm tiên khởi của Chúa Giêsu. Sự tổng hợp của hai cái nhìn luân phiên này, hướng về quá khứ và hướng đến tương lai, làm trổ sinh hoa trái trong hiện tại, khoảng thời gian của Mùa Vọng là lúc mà chúng ta được mời gọi đặt trọng tâm vào đời sống cầu nguyện và gia tăng các công việc của lòng thương xót. Cái nhìn về quá khứ và tới tương lai cho phép chúng ta biến đổi hiện tại, đồng thời làm cho hiện tại trở nên sâu sắc và mang lại hoa trái.

Giáo Hội lấy Chúa Kitô làm trung tâm, và Mùa Vọng làm cho Giáo Hội nhìn lên Chúa Kitô theo hai khía cạnh khác nhau: trong sự khiêm nhường của ngày Chúa giáng lâm, và trong vinh quang của ngày Chúa tái lâm. Tuy nhiên, Thánh Bênađô còn nói cho chúng ta biết về một cuộc tái lâm lần thứ ba, ẩn giấu nơi tâm hồn mỗi người Kitô hữu trong hiện tại, cụ thể là khi họ nỗ lực để sống thật tốt Mùa Vọng. Tuy nhiên, ý thức của Giáo Hội là giới thiệu về Chúa Giêsu và chuẩn bị cho Vương quốc của Chúa Kitô, trở thành mầm mống và khởi đầu, dấu chỉ và khí cụ cho triều đại của Chúa Kitô, theo cách nói của Công đồng Vaticanô II (x. Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, số 1). Trong mối liên hệ này, Giáo Hội mang một đặc tính của “Mùa Vọng”, là lòng mong đợi khắc khoải và tích cực về cuộc tái lâm đó.

Do đó, một cách trọn hảo, khoảng thời gian của Mùa Vọngkhoảng thời gian của niềm hy vọng, và khoảng thời gian này còn có Đức Trinh Nữ Maria là gương mẫu hay là điểm quy chiếu chính yếu; cụ thể là chính Mẹ, Đấng mà chúng ta chiêm ngắm trong tình trạng hy vọng tràn đầy, đang mang thai và với lòng mong đợi trong tâm tình mừng vui về sự chào đời của Con Mẹ. Đức Maria là hình mẫu của niềm hy vọng, và nội dung của niềm hy vọng đó chính là Chúa Kitô. Có lẽ nhu cầu về niềm hy vọng đích thực chính là điều đặc trưng cho thời đại của chúng ta. Những vấn nạn, các cuộc khủng hoảng, đại dịch, sự thất bại của những ảo tưởng về chính trị đã cướp đi niềm hy vọng của chúng ta. Nhiều nỗi buồn đau và thất bại đã làm suy yếu niềm hy vọng của nhân loại. Chúng ta có nhiều niềm hy vọng nhỏ nhoi, những điều giúp chúng ta đối mặt với sự vô nghĩa của hiện hữu, nhưng chúng ta lại đang thiếu đi niềm Hy vọng lớn lao, với một chữ “h” được viết hoa, một niềm Hy vọng mang lại ý nghĩa cho thế giới này và cho cuộc sống của chúng ta.

Do đó, Mùa Vọng là khoảng thời gian của chờ đợi, nhưng không phải là chờ đợi cách thụ động. Cái nhìn luân phiên về quá khứ và đến tương lai đạt đến một tổng hợp đầy sáng tạo trong thời điểm hiện tại. Chúng ta được mời gọi sống Mùa Vọng một cách mãnh liệt ngay trong thời điểm “bây giờ”. Làm thế nào chúng ta có thể làm được điều đó? Hãy dùng đến một loại cocktail thiêng liêng với ba thành phần: cầu nguyện, sám hối và công việc của lòng thương xót. Lời cầu nguyện giúp chúng ta tập trung cái nhìn của mình về Chúa Giêsu và đặt tất cả hy vọng nơi Người; sám hối để giúp chúng ta tách khỏi của cải vật chất, tỉnh táo trong việc sử dụng và hưởng thụ chúng, để có thể hướng cái nhìn lên tới thiên đàng; những công việc của lòng thương xót đưa chúng ta ra khỏi chính mình để gặp gỡ những người túng thiếu và đau khổ, từ đó ghi dấu một lòng đạo đức đích thực, một lòng đạo đức không chỉ đơn thuần là riêng tư, nhưng mở ra và sinh hoa kết trái nơi môi trường xung quanh.

Sự khôn ngoan của lòng đạo đức bình dân mang lại cho chúng ta một yếu tố mạnh mẽ để sống tốt Mùa Vọng, một điều đáng để thực hiện, đó là “Vòng hoa Mùa Vọng”. Đôi khi chúng ta quá vội vàng trong việc dựng lên cây thông Noel mà quên đi mất Vòng hoa Mùa Vọng. Nơi vòng hoa này,chúng ta kiên nhẫn thắp lên những cây nến hàng tuần, để hoà nhịp với những lời cầu nguyện và công việc lòng thương xót của chúng ta. Hy vọng rằng Vòng hoa Mùa Vọng, cùng với Máng cỏ, sẽ là những điều không thiếu trong bất kỳ ngôi nhà nào của người Kitô giáo, để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đang ở trong một khoảng thời gian chờ đợi và hãy sống theo chiều kích thiêng liêng của khoảng thời gian này, điều vốn thường bị đe dọa bởi chủ nghĩa tiêu dùng trong việc mua sắm mùa Giáng Sinh. Mùa Vọng là khoảng thời gian để chúng ta không chỉ nhìn vào bên trong và nhìn lên phía trước, mà còn là để chúng sống một cách hoà nhã và nhân ái với người lân cận.

(*) Thế hệ Thiên niên kỷ (Millennials) là một thuật ngữ truyền thông phổ biến dùng để chỉ về những người đã được sinh ra và lớn lên vào những năm cuối cùng của thiên niên kỷ trước. Thế hệ này còn được gọi là thế hệ Y (Gen Y), để phân biệt với thế hệ X (Gen X) trước đó và thế hệ Z (Gen Z) sau đó.


Tác giả: Cha Mario Arroyo Martinez - Bản dịch Anh ngữ của Virginia M. Forrester - Nguồn: exaudi.org (29/11/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
 

441    03-12-2021