Sidebar

Chúa Nhật

19.05.2024

Thánh Gioan Phaolô II đã kêu gọi ứng phó với biến đổi khí hậu qua việc ủng hộ sự sống

johnpauliipopebabychildrenchildafp000par2003092884378
 DANIEL JANIN | AFP


Vị Giáo hoàng người Ba Lan tin tưởng một chắc chắn rằng việc tôn trọng đối với tất cả sự sống con người sẽ thúc đẩy việc ứng phó đối với các tác động của biến đổi khí hậu.

Vào năm 1990, Thánh Gioan Phaolô II đã viết thông điệp hàng năm của mình cho Ngày Hoà bình Thế giới với chủ đề “Hòa bình với Thiên Chúa Hoá Công, Hòa bình với mọi tạo vật”.

Trong đó, ngài trình bày chi tiết về cách ứng phó của người Công giáo đối với tác động của biến đổi khí hậu qua việc luôn lưu tâm đến phẩm giá của mọi sự sống con người. Ngài tin rằng đa phần thiệt hại đối với môi trường có thể liên quan đến một sự hạ giá toàn diện về con người trong xã hội hiện đại.

Biểu hiện sâu sắc và nghiêm trọng nhất về những tác động luân lý tiềm ẩn trong vấn đề sinh thái là việc thiếu tôn trọng sự sống thể hiện rõ nơi nhiều hình thái ô nhiễm môi trường. Thông thường, lợi ích của sản xuất chiếm ưu thế hơn việc quan tâm đến phẩm giá của người lao động, trong khi lợi ích kinh tế lại được ưu tiên hơn lợi ích của những cá nhân và thậm chí là của toàn thể nhân loại. Trong những trường hợp như thế, sự ô nhiễm hay hủy hoại môi trường là hệ quả từ một tầm nhìn trái với tự nhiên và phiến diện, đôi khi dẫn đến một sự khinh thường đúng nghĩa dành cho con người.

Khi con người bị mất đi giá trị và không được tôn trọng xứng đáng, thì môi trường sẽ bị ảnh hưởng và những quyết định tai hại được đưa ra sẽ gây nên hư tổn đối với công trình tạo dựng.

Thánh Gioan Phaolô II tin rằng nếu bất kỳ ai muốn bảo vệ môi trường, thì trước hết họ phải tôn trọng sự sống con người.

Tôn trọng sự sống, và trên hết là phẩm giá của con người, là quy chuẩn hướng dẫn chủ yếu cho mọi tiến bộ lành mạnh về mặt kinh tế, công nghiệp hay khoa học.

Trên hết, sự thay đổi đích thực và lâu dài chỉ có thể được thực hiện thông qua một sự biến đổi từ bên trong, bắt đầu từ trong gia đình, và không đặt nền tảng trên “những ước muốn vô nghĩa”.

Một nền giáo dục về trách nhiệm sinh thái là điều cấp thiết: trách nhiệm đối với chính mình, với người khác và với trái đất. Nền giáo dục này không thể bắt nguồn từ một thứ tình cảm đơn thuần hay những ước muốn vô nghĩa. Mục đích của một nền giáo dục như thế không thể mang tính ý thức hệ hay chính trị… Thay vào đó, một nền giáo dục chân chính về trách nhiệm đòi hỏi một sự biến đổi đích thực trong cách thức suy nghĩ và hành vi… Tuy nhiên, nhà giáo dục đầu tiên chính là gia đình, nơi đứa trẻ học cách tôn trọng người lân cận và yêu mến thiên nhiên.

Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, trước tiên hãy bắt đầu từ gia đình của bạn và dạy con cháu của bạn cách để tôn trọng tất cả sự sống con người, và theo sau đó là một lòng kính trọng sâu xa dành cho công trình tạo dựng.

Tác giả: Philip Kosloski - Nguồn: aleteia.org (04/11/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

324    05-11-2021