Sidebar

Chúa Nhật

28.04.2024

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha: Ơn Chúa giúp chúng ta vượt thắng trong trận chiến thiêng liêng

generalaudience
 Photo: Vatican Media


Sáng thứ Tư, ngày 03 tháng Giêng năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện buổi tiếp kiến chung đầu tiên của năm 2024, tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican, trước sự hiện diện của hơn 6.000 tín hữu ngồi chật hội trường, trong đó có đông đảo các đôi tân hôn được ngồi hàng đầu.

Buổi tiếp kiến, như thường lệ, được mở đầu với phần lắng nghe Lời Chúa, qua đoạn Tin mừng theo thánh Matthêu (3,13-15):

13 Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. 14 Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” 15 Nhưng Đức Giê-su trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người.

Bài huấn giáo

Trong phần huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài về các nết xấu và các nhân đức. Bài thứ hai này mang tựa đề: “Trận chiến thiêng liêng”.

Mở đầu bài huấn giáo, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Đời sống Kitô: Chiến đấu liên tục

Tuần trước, chúng ta đã được dẫn vào đề tài các tật xấu và nhân đức. Đề tài ấy nhắc nhở cuộc chiến đấu thiêng liêng của Kitô hữu. Thực vậy, đời sống thiêng liêng của Kitô hữu không phải là an bình, thẳng băng và không có thách đố. Trái lại, nó đòi phải chiến đấu liên tục. Không phải tình cờ mà sự xức dầu đầu tiên mà mỗi tín hữu Kitô nhận trong bí tích rửa tội - xức dầu dự tòng - dầu không có hương thơm nào và loan báo tượng trưng rằng đời sống là một cuộc chiến đấu. Thực vậy, thời cổ xưa, những người đấu vật, trước khi tranh đua, được xức dầu hoàn toàn, để củng cố các cơ bắp, cũng như để làm cho thân thể tránh được sự nắm bắt của đối phương. Xức dầu dự tòng nêu rõ ngay rằng Kitô hữu không tránh né được cuộc chiến đấu: cả cuộc sống của họ, cũng như của tất cả mọi người, phải bước xuống đấu trường, vì cuộc sống là một chuỗi các thử thách và cám dỗ.

Một câu nói thời danh của thánh Antôn tu hành, tổ phụ của đời đan tu, nói rằng: “Hãy tước bỏ những cám dỗ đi, và không ai được cứu thoát”. Các thánh không phải là những người không bị cám dỗ, nhưng là những người ý thức rõ về sự kiện này là trong cuộc sống, ta liên tục gặp phải những cám dỗ của sự ác, cần phải vạch trần và xua đuổi chúng”.

Nhìn nhận mình tội lỗi

Trái lại, những người liên tục tự tha thứ mình, nghĩ rằng mình “ổn thỏa” rồi, và cười nhạo những người xưng thú tội lỗi trong bí tích Hòa giải, thì có nguy cơ sống trong tối tăm, vì từ nay họ quen với bóng tối và không biết phân biệt thiện và ác nữa. Isaac thành Ninive nói rằng trong Giáo hội, ai nhận biết tội lỗi của mình và than khóc thì cao cả hơn người làm cho kẻ chết sống lại. Tất cả chúng ta phải cầu xin Chúa ơn nhìn nhận mình là người tội lỗi khốn nạn, cần hoán cải, giữ lòng tín thác rằng không tội nào quá lớn đối với lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa là Cha. Đó là bài học đầu tiên Chúa Giêsu dành cho chúng ta.

Chúa chịu phép rửa

Chúng ta thấy điều đó trong trang đầu tiên của các sách Tin mừng, nhất là khi chúng ta được thuật lại việc Đức Messia chịu phép rửa nơi sông Giordan. Giai thoại này tự nó có một cái gì đó gây ngỡ ngàng: tại sao Chúa Giêsu hạ mình chịu một nghi thức thanh tẩy như thế? Sao Chúa Giêsu phải thống hối về tội nào như vậy? Cả thánh Gioan Tẩy Giả cũng kinh ngạc về điều đó đến độ văn bản Tin mừng ghi: “Gioan muốn cản Ngài và nói rằng: “Chính tôi mới cần được Ngài rửa cho, vậy mà Ngài đến cùng tôi sao?” (Mt 3,15). Nhưng Chúa Giêsu là một Đức Messia rất khác với vị mà Gioan đã trình bày và dân chúng tưởng tượng: Ngài không là hiện thân của một vị Thiên Chúa thịnh nộ và không triệu tập để phán xét, nhưng trái lại, Ngài xếp hàng với các tội nhân, như tất cả chúng ta và với tất cả chúng ta, để không ai phải sợ hãi Ngài”.

Chúa Giêsu chịu cám dỗ

Và ngay sau biến cố phép rửa, các Tin mừng kể lại rằng Chúa Giêsu lui vào hoang địa, nơi Ngài chịu Satan cám dỗ. Cả trong trường hợp này chúng ta tự hỏi: vì lý do nào Con Thiên Chúa phải chịu cám dỗ? Cả trong trường hợp này Chúa Giêsu tỏ ra liên đới với bản tính nhân loại mong manh của chúng ta và trở nên mẫu gương lớn cho chúng ta: những cám dỗ Ngài trải qua và chiến thắng giữa những viên đá khô cằn của hoang địa là bài học đầu tiên Ngài đưa vào cuộc sống của chúng ta, là những môn đệ của Chúa. Chúa đã cảm nghiệm điều mà cả chúng ta cũng phải luôn chuẩn bị để đương đầu: đời sống gồm những thách đố, thử thách, những chọn lựa, những quan điểm trái ngược nhau, những cám dỗ thầm kín, những tiếng nói đối nghịch. Có tiếng nói hấp dẫn đến độ Satan tìm cách thuyết phục Chúa Giêsu, sử dụng cả những lời Kinh thánh. Cần giữ gìn sự tỉnh táo nội tâm để chọn con đường dẫn chúng ta đến hạnh phúc đích thực, và rồi dấn thân để không dừng lại dọc đường.

Luôn chiến đấu

Chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta luôn phải chiến đấu giữa những thái cực: kiêu ngạo thách đố khiêm tốn; oán ghét tương phản với bác ái; sầu muộn cản trở niềm vui đích thực của Thánh Linh; sự cứng lòng bác bỏ lòng thương xót. Các tín hữu Kitô luôn bước đi trên những rặng núi ấy. Vì thế, điều quan trọng là suy tư về những nết xấu và các nhân đức: nó giúp chúng ta chiến thắng thứ văn hóa hư vô, trong đó ranh giới giữa thiện và ác trở nên mờ nhạt và đồng thời, nhắc nhở chúng ta rằng làm người, khác với các thụ tạo khác, luôn có thể vượt lên trên chính mình, cởi mở đối với Thiên Chúa và tiến tới sự thánh thiện.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Vì thế, cuộc chiến đấu thiêng liêng làm cho chúng ta nhìn rõ những tật xấu xiềng xích chúng ta và tiến bước với ơn Chúa, tiến về những nhân đức có thể triển nở trong chúng ta, mang lại mùa xuân Thánh Linh trong đời sống chúng ta.”

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài giáo lý trên đây, như thường lệ là phần tóm tắt bằng nhiều thứ tiếng bài huấn giáo của Đức Thánh Cha cùng với lời chào thăm của ngài tới các nhóm hành hương.

Khi chào các tín hữu nói tiếng Anh, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân và những người cứu cấp trong vụ động đất ở tỉnh Ishikawa, Nhật Bản làm cho 64 người thiệt mạng và thiệt hại vật chất rất quan trọng.

Khi chào bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta một con tim nhạy cảm đối với những nhu cầu của người nghèo, người tị nạn và các nạn nhân chiến tranh. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, tôi cầu xin ơn hòa bình và thành tâm chúc lành cho anh chị em!

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến và chào các em chịu phép Thêm sức và các thiếu niên thuộc Giáo phận Latina, vùng Lazio ở mạn nam Roma. Ngài nhắn nhủ các em hãy biết gìn giữ, suy niệm và bước theo Ngôi Lời đã nhập thể làm người ở Bethlehem và thông truyền nơi các bạn hữu đồng lứa sứ điệp từ nhân và an bình. Ngài cũng chào các linh mục thuộc Giáo phận Modena, bắc Ý, mừng kỷ niệm 40 năm linh mục, khích lệ các vị kiên trì trên con đường trung thành với Chúa Kitô.

Sau cùng, Đức Thánh Cha chào thăm các bạn trẻ, bệnh nhân và các đôi tân hôn. Ngài nói: “Tôi nhắn nhủ tất cả hãy tiếp tục hành trình trong sự trung thành gắn bó với Chúa Giêsu và quảng đại hỗ trợ việc loan báo Tin mừng của Chúa.”

Đức Thánh Cha không quên mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho các nạn nhân thảm trạng chiến tranh tại Trung Đông, Israel và Palestine, và Ucraina, những người tị nạn Rohingya, anh chị em chúng ta.

 

Theo G. Trần Đức Anh, O.P. - RVA (03/01/2024)

84    04-01-2024