Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Tìm kiếm động lực đúng đắn

 

Đôi khi nhìn sơ qua thì thấy mọi chuyện có vẻ tốt, nhưng nhìn sâu hơn, thì lại thấy hoàn toàn không ổn. Chẳng hạn, chúng ta có thể thấy chuyện này trong dụ ngôn về người con hoang đàng và người anh cả. Xét theo mọi biểu hiện bên ngoài, người anh cả làm tốt mọi chuyện. Anh vâng phục hoàn hảo cha mình, ở lại nhà, và làm mọi việc cha sai bảo. Không như đứa em, anh không hoang phí tài sản của cha cho gái điếm và tiệc tùng. Anh có vẻ là hình mẫu quảng đại và sống đạo đức.

Tuy nhiên, câu chuyện đã hé lộ một cách rõ ràng mọi chuyện rất không tốt. Trong khi cuộc sống của anh tốt theo vẻ bên ngoài, thì trong lòng anh thực sự lại đầy phẫn uất và cay đắng, ghen tỵ với sự vô luân của em mình. Chuyện gì đang xảy ra? Về căn bản, hành động của anh là tốt, nhưng động lực lại sai.

Nhưng, để đừng phán xét anh quá gay gắt, chúng ta cần phải có lòng thành thực mà nhận thức tất cả chúng ta đều đang đấu tranh với chuyện này, ít nhất là khi chúng ta sống đạo đức và quãng đại. Những gì điều khiển lòng cay đắng của người anh cả, chính là cái mà bà Alice Miller đã diễn tả rất tài tình, “tấn kịch của đứa con có phúc”, cụ thể là lòng phẫn uất, thương thân, và chiều hướng đạo đức trong tâm trạng cay đắng chắc chắn đang bủa vây chúng ta, những người không xao lãng bổn phận, những người ở lại nhà, và gánh vác trọng trách gia đình, Giáo hội và cộng đoàn. Đáng buồn thay, thường thì, khi hy sinh đời mình chúng ta lại không có cảm giác vui mừng và sung sướng vì đã được ơn, được có cơ hội và nhận thức đúng đắn để ở lại nhà và phục vụ, mà thay vào đó, là tâm trạng phẫn uất vì gánh nặng đè trên vai mình, vì có quá nhiều người trốn tránh gánh vác, vì có quá nhiều người trên thế giới cứ lu bù ăn chơi trong khi chúng ta cắm cúi sống ngay thẳng. Chúng ta, những người tốt và lương thiện đang đấu tranh vì sự thật và Thiên Chúa, chúng ta hay thấy tấm lòng đạo đức cay đắng đang nhuốm màu và gây hại cho cả lòng đại lượng và hy sinh của chúng ta. Nhưng tôi thông cảm: Thật không dễ để gạt cái tôi sang một bên, để bỏ qua những giấc mơ, tham vọng, tiện nghi, và thoải mái vì Thiên Chúa, sự thật, trách nhiệm, gia đình và cộng đoàn.

Làm sao chúng ta làm được chuyện này? Làm sao chúng ta noi theo được lòng trung tín của người anh cả mà không rơi vào tâm trạng ghen tị, thương thân, và cay đắng của anh? Tìm đâu ra động năng tốt để sống Tin Mừng?

Là Kitô hữu, tất nhiên, chúng ta cần phải nhìn lên Chúa Giêsu. Ngài đã sống một đời sống quảng đại và từ bỏ đến cùng, không bao giờ rơi vào tâm trạng thương thân xuất phát từ việc đã bỏ lỡ một điều gì đó trong đời. Ngài không bao giờ thất vọng hay cay đắng vì đã trao ban đời mình. Và tất nhiên, Ngài cũng không như Hamlet, biến sự từ bỏ của mình thành một bi kịch sống, thành một anh hùng xa cách và đơn độc, nhìn thì hấp dẫn nhưng không đem lại gì. Chúa Giêsu vẫn luôn luôn tự do, nồng ấm, tha thứ, không xét đoán, và sinh hoa trái. Hơn nữa, suốt đời hy sinh, Ngài luôn tỏa ra một niềm vui đánh động những người đương thời. Vậy Ngài đã có bí mật gì?

Câu trả lời mà Tin mừng cho chúng ta nằm trong dụ ngôn người cày ruộng tìm thấy kho báu, cũng như trong dụ ngôn người thương nhân sau nhiều năm tìm kiếm đã tìm ra viên ngọc quý. Trong mỗi dụ ngôn, người đó đều bán hết tất cả những gì mình có để mua kho báu hay viên ngọc. Và điểm cần phải nhấn mạnh trong cả hai dụ ngôn này là, người đó không một giây hối tiếc những gì mình đã từ bỏ, họ hành động khởi phát từ một niềm vui không thể tả vì những gì đã khám phá và những phong phú vô vàn từ đó mà ra. Cả hai đều được đổ đầy niềm vui vì cái đã khám phá ra được, đến nỗi họ không còn chú ý gì đến những gì mình đã từ bỏ.

Chỉ có như thế, thì sự hy sinh bỏ mình mới có ý nghĩa và thực sự sinh hoa trái. Nếu nỗi đau vì những gì đã hy sinh lớn hơn niềm vui vì những gì đã tìm được, cụ thể hơn, nếu chúng ta tập trung vào những gì mình mất đi và từ bỏ hơn là vào những gì mình tìm thấy, thì cuối cùng chúng ta sẽ làm những việc tốt nhưng với động năng xấu, mang thánh giá của người khác và đòi họ trả công cho mình. Và chúng ta sẽ không thể ngăn bản thân mình đừng phán xét, cay đắng, và ghen tỵ trong lòng với những người vô luân.

Đến mức độ chết đi bản thân mình để cho người khác được sống, chúng ta đang dấn vào một nguy cơ dai dẳng là rơi vào kiểu cay đắng chụp lấy chúng ta bất kỳ lúc nào cảm thấy mình đã mất đi điều gì đó trong đời. Đó là mối nguy thường trực, mối nguy nghiêm trọng, trong cương vị môn đệ Kitô hữu và trong đời sống thiêng liêng nói chung. Như thế, trọng tâm của chúng ta phải luôn luôn hướng về kho báu, về viên ngọc quý, về ý nghĩa phong phú và niềm vui đích thực, hoa trái tự nhiên của sự hy sinh thật. Và động năng vui mừng này sẽ cho chúng ta vượt thắng tâm trạng thương thân và ghen tị với những người sống vô đạo đức.

J.B. Thái Hòa dịch

482    21-05-2018