Sidebar

Chúa Nhật

19.05.2024

Tính khẩn thiết của Đại kết

 

Quê nhà là nơi xuất phát của chúng ta. Thi sĩ Thomas Stearns Eliot đã viết câu này và nó đúng với tất cả chúng ta, xét về mặt tôn giáo cũng như về mặt hiểu biết về giáo phái cụ thể mà chúng ta được nuôi dạy và lớn lên trong đó.

Tôi được sinh ra và giáo dục làm một tín hữu Công giáo La Mã với gốc rễ sâu sắc. Cha mẹ tôi có một đức tin mãnh liệt và họ đã làm cho đức tin đó và việc giữ đạo đóng vai trò trọng tâm trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng tôi. Chúng tôi đi lễ bất cứ lúc nào có thể, đi mỗi ngày nếu có lễ mỗi ngày, đi xưng tội ít nhất hai tuần một lần, mỗi ngày lần chuỗi ở nhà một lần, đọc kinh Angelus chung với nhau ít nhất hai lần mỗi ngày, thuộc nhiều kinh, thuộc lòng sách giáo lý La Mã, treo hình đức giáo hoàng trong nhà, và tin rằng trong tất cả tôn giáo và giáo phái Ki-tô, Công giáo La Mã là đức tin chân chính duy nhất, là tôn giáo duy nhất có giá trị trọn vẹn. Chúng tôi không nghĩ rằng các tín hữu khác, Tin Lành hay tôn giáo khác, sẽ không được lên thiên đàng, nhưng chúng tôi không chắc chắn lắm chuyện đó sẽ như thế nào, nếu xét theo quan niệm của chúng tôi, đó không phải là đức tin chân chính. Vì thế, chúng tôi đã sống trong một nỗi ngờ vực nào đó đối với các giáo phái và tôn giáo khác, yên ổn với chân lý của riêng mình, nhưng luôn thận trọng trong việc hòa nhập với các tôn giáo khác, sợ rằng cách nào đó điều chúng tôi tin là đúng có thể bị phai đi hay bị ô nhiễm, nếu có mối liên hệ tôn giáo với những ai không phải là tín hữu Công giáo La Mã.

Và đó đã là, và vẫn là một nơi tốt đẹp để xuất phát. Tôi hết lòng biết ơn vì đã có  gốc rễ tôn giáo vững vàng và bảo thủ như vậy. Nhưng đã có rất nhiều chuyện đã thay đổi cho tôi kể từ khi tôi còn là một thanh niên tín hữu Công giáo La Mã đầy lý tưởng,  lớn lên trong cộng đồng di dân ở miền thảo nguyên Ca-na-đa. Từ những năm đầu ở chủng viện, các giáo sư của tôi, những học giả chân chính (đa số là linh mục Công giáo La Mã) đã cho tôi tiếp xúc với tác phẩm tuyệt vời của những nhà thần học và học giả kinh thánh Anh giáo và Tin Lành, mà quan niệm sáng suốt và lòng tận tụy của họ đã làm cho tôi hiểu Chúa Giêsu sâu sắc hơn, giúp tôi gắn bó chặt chẽ hơn với đạo của tôi.

Những năm sau đó ở chủng viện, trong lớp tôi có các anh chị từ các giáo phái Ki-tô khác, tất cả đều học để làm mục vụ và tất cả đều dấn thân sâu đậm với Chúa Kitô. Tình bạn với họ và lòng tôn trọng đức tin của họ đã không dẫn tôi đến chỗ xa rời Công giáo La Mã để theo giáo phái khác, nhưng thật sự đã làm cho tôi bắt đầu suy nghĩ lại về những gì làm nên đức tin chân chính và tôn giáo chân chính. Điều đó cũng giúp tôi nhận ra rằng những nét tương đồng giữa chúng tôi vì cùng là Ki-tô hữu, chủ yếu đã khiến những khác biệt giữa chúng tôi trở nên không đáng kể.

Sau khi chịu chức, tôi đã dạy và làm mục vụ ở nhiều nước, nhiều viện đại học và chủng viện khác nhau. Tôi đã cùng cầu nguyện, cùng chia sẻ đức tin, cùng diễn thuyết và trở thành bạn thân thiết với nhiều người thuộc nhiều giáo phái tín ngưỡng khác nhau: Anh giáo, Anh giáo ở Mỹ, Tin lành, Duy Phúc âm, Phật giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, và những người thành tâm đi tìm nhân bản. Tôi đã được nuôi dưỡng sâu sắc trong đức tin và trên con đường thiêng liêng của các nhà tư tưởng Anh giáo và Tin lành như C. S. Lewis, Paul Tillich, Dietric Bonhoeffer, Jim Wallis, Jurgen Moltmann, và Alan Jones, cùng nhiều người khác. Ngày nay, bên cạnh cộng đoàn Công giáo La Mã của tôi, bên cạnh những người giúp cho tôi được bền đỗ, bên cạnh các bạn tinh thần trong đức tin, còn có nhiều tín hữu Anh giáo, Tân giáo, Tin Lành, và những người từ nhiều tôn giáo khác. Đức tin và tình bạn của họ đã giúp cho tôi tiếp nhận được cái điều mà Virginia Woofe nói: Tại sao chúng ta lại khắt khe với nhau đến vậy, khi mà cuộc sống đã quá khó khăn với tất cả chúng ta, và khi mà, rốt cuộc, chúng ta đều coi trọng những điều như nhau? Bà nói về việc thiếu lòng lân tuất giữa hai phái, nhưng chắc hẳn bà cũng có thể dễ dàng nói như vậy với việc thiếu lòng lân tuất giữa các giáo phái và tôn giáo khác nhau.

Điều này không ngụ ý rằng mọi tôn giáo là bình đẳng hay mọi giáo phái trong Ki-tô giáo đều là những con đường như nhau dẫn tới Chúa. Không có gì là độc đoán hay hẹp hòi trong việc tin rằng giáo hội của mình là giáo hội đúng đắn, hay tin rằng thuộc về một giáo hội nào đó là chuyện tình cờ của cuộc đời hay đơn giản chỉ là sở thích về một hội thánh. Lòng trung tín sâu sắc với chân lý theo cảm nhận của chính mình là một dấu hiệu của đức tin chân thật.

Nhưng thật sự điều này gợi ra rằng chúng ta phải cởi mở để hướng tới lòng lân mẫn với những ai có giáo hội khác với giáo hội  chúng ta và hướng tới cái hiểu biết rộng lớn hơn về ý nghĩa của việc thuộc về một giáo phái hay tôn giáo cụ thể nào đó. Đôi khi chúng ta cũng phải sám hối về chủ nghĩa độc tôn của mình.

Có lẽ trên hết, chúng ta phải cởi mở để hướng tới một hiểu biết sâu sắc hơn về tính  bất khả diễn đạt về Chúa và lòng khiêm nhường mà chúng ta cần có. Tôi vẫn là một tín hữu Công giáo La mã tận tụy, nhưng, cũng giống như tín hữu Tin lành, Gio-an, giờ đây tôi hiểu rằng chúa Giê-su còn có những con chiên khác không cùng chủng loại với tôi. Tôi hân hoan vì điều đó, và cũng hân hoan vì lời của một thi sĩ Ba-tư ở thế kỷ 14, Hafiz:

Anh có cho là kỳ quặc không nếu Hafiz nói, tôi yêu mọi nhà thờ, nhà nguyện và đền điện, mọi nơi thờ phượng bất kể loại nào, vì tôi biết ở những nơi đó, dân chúng đang nói lên những tên gọi khác nhau của vị Thượng Đế duy nhất?

J.B. Thái Hòa dịch

983    06-11-2017