Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Tinh thần lạc quan trong thứ Philipphê

 

Philípphê là thành phố quan trọng thuộc miền Makêđônia và là thuộc địa của Rôma. Trong hành trình truyền giáo lần thứ II khoảng năm 50, Thánh Phaolô đã thiết lập cộng đoàn này đầu tiên ở vùng Châu Âu (x. Cv 16,11-40). Đang khi ngồi tù, có lẽ ở Êphêxô, Thánh Phaolô đã nhớ và viết thư gửi cho cộng đoàn Philípphê. Lá thư chỉ gồm 4 chương, thế nhưng đã có đến 14 lần xuất hiện chữ chara (vui mừng/vui sướng/niềm hân hoan), điều đó đã cho thấy được một tinh thần lạc quan của thánh nhân dành cho cộng đoàn này. Tinh thần lạc quan ấy được thể hiện qua những điểm sau trong thư Philípphê:

  1. Niềm vui vì được biết Đức Kitô (Pl 3,8-10).
  2. Niềm vui vì được ở tù và chịu gông cùm vì Đức Kitô (Pl 1,21-26; 2,6-11).
  3. Niềm vui vì Tin Mừng được loan báo (Pl 1,12-16; 2,12-18)
  4. Niềm vui vì ngày Chúa quang lâm gần tới (Pl 4,2-9).
  5. Niềm vui vì đã nhận được sự giúp đỡ từ cộng đoàn Philípphê (Pl 4,10-20).

1. Niềm vui vì được biết Đức Kitô (Pl 3,8-10).

Trong phần tự giới thiệu về bản thân mình, Thánh Phaolô cho cộng đoàn Philípphê biết, trước biến cố Đamát, thánh nhân là một con người cũng không thua kém gì ai về mặt xã hội, tôn giáo cũng như những tài năng... (x. Pl 3,5-6). Thế nhưng, qua biến cố Đamát, người đã cảm nhận những gì mình sở hữu trước đây chỉ là sự thiệt thòi cho bản thân. Sở dĩ thiệt thòi là vì Thánh Phaolô đã nhận ra được đâu là giá trị vĩnh cửu, đâu là cái tạm thời chóng qua khi được biết Đức Kitô Giêsu trong biến cố trên đường Đamát (x. Cv 22,4-12).

Người cảm nhận được tình yêu và lòng thương xót bao la của Thiên Chúa bao trùm lấy con người tội lỗi của mình, khi bấy lâu nay người đã nhiệt tâm chống lại đạo Chúa. Người thấy uổng phí thời gian qua với bao công sức, với bao niềm hăng say và sự hy sinh trong cương vị người Do Thái gương mẫu. Người đã thốt lên rằng: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8). Như thế, không phải là người phủ nhận giá trị của Lề Luật, nhưng Lề Luật đó đã được nên tròn đầy nơi Đức Kitô Giêsu, vì tất cả Lề Luật đều phải quy hướng về Chúa.

Mặc dù không thấy xuất hiện chữ chara trong đoạn này, nhưng qua những gì Thánh Phaolô chia sẻ, cho ta nhận thấy được người đã và đang cảm nhận được niềm vui sâu xa, niềm vui thiêng liêng sau biến cố Đa mát. Niềm vui đó không phải do chúng ta mà có, nhưng là ân ban Thiên Chúa dành cho ta qua Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và phục sinh vinh hiển vì chúng ta. Từ đó, người đã nhận ra được bản chất đích thực của sự công chính không phải là ở Lề Luật, nhưng là ở đức tin và sự kết hợp nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô đau khổ và phục sinh (Pl 3,9-10). Thánh Phaolô cảm thấy vui sướng và cần phải chia sẻ tâm tình đó với cộng đoàn Philípphê, để cũng mong cho mọi người nhận ra và cố gắng sống trong niềm vui vì được trở nên người Kitô hữu.

2. Niềm vui được ở tù và chịu gông cùm vì Đức Kitô (Pl 1,21-26; 2,6-11).

Thánh Phaolô viết thư gửi cộng đoàn Philípphê khi đang ở tù, điều chắc chắn là trong hoàn cảnh đó, cộng đoàn Philípphê rất lo lắng, hoang mang và thương nhớ người, đồng thời cũng cho thấy tương lai của Giáo hội ngày càng mù mịt... Vì thế, lá thư được viết để qua đó, người bày tỏ cho cộng đoàn thấy được tình hình hiện tại của người. Với người, chính trong cảnh tù tội, xiềng xích là cơ hội để chứng tỏ cho mọi người thấy về một đức tin vững mạnh (x. Pl 1,13).

Chính trong cảnh tù tội, thánh nhân đã cảm nhận được niềm vui và sự bình an đích thực, đó chính là lúc chúng ta được kết hiệp với mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô, mầu nhiệm tự hủy (x. Pl 2,6-11). Thánh nhân khẳng định, chính qua những đau khổ nơi thân xác của người mà Đức Kitô sẽ bày tỏ quyền uy cao cả của Người, “đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21). Niềm vui và sự bình an đó là những hoa trái thiêng liêng, thánh nhân chia sẻ với cộng đoàn, để họ được an tâm, đặc biệt là cũng biết noi gương người để đứng vững, làm chứng về đức tin và sống niềm vui trong những cơn thử thách.

3. Niềm vui vì Tin Mừng được loan báo (Pl 1,12-16; 2,12-18).

Trong thư Côrintô, Thánh Phaolô đã khẳng định rằng: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Qua đó ta thấy được thánh nhân đã xác tín ơn gọi của người là để loan báo Tin Mừng. Với niềm xác tín đó, Thánh Phaolô đã viết cho cộng đoàn Philípphê biết rằng: “Những gì đã và đang xảy ra với người chính là để giúp cho Tin Mừng được tiến triển” (Pl 1,12).  Người cảm thấy đó là niềm vui, chứ không là buồn sầu lo lắng như cộng đoàn đang nghĩ về người. Đối với Thánh Phaolô dù có ở tình trạng nào, dù xuất phát với mục đích nào nhưng miễn làm sao cho Tin Mừng được rao giảng thì coi như đạt được mục đích (x. Pl 1,18).

Cộng đoàn Philípphê ở giữa nền văn hóa đa tôn giáo, điều này chắc chắn sẽ gây ra không ít khó khăn trong đời sống đạo. Vì thế, với những sẻ chia trên trong lá thư, thánh nhân hy vọng sẽ củng cố đời sống đức tin của họ và khuyên họ hãy sống như người, dù ở trong hoàn cảnh tồi tệ nhất cũng không được nản chí, để cho Tin Mừng được loan báo nơi chúng ta (x. Pl 1,13-14). Nhờ đó, không chỉ chúng ta mà toàn thể nhân loại và vũ trụ sẽ nhận được ơn cứu độ.

4. Niềm vui trong ngày Chúa quang lâm gần tới (Pl 4,4-9).

Thánh Phaolô cũng như các cộng đoàn đã xác tín rằng, ngày Chúa quang lâm đang đến rất gần, có thể sẽ đến trong thời của người (x. 1 Tx 4,15; 1 Cr 7,29). Vì thế, lời mời gọi của Thánh Phaolô cho cộng đoàn Philípphê với một tinh thần lạc quan: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em...” (Pl 4,4).

Ngày quang lâm sắp đến không phải là ngày ghê sợ và đau khổ, ngược lại trong hành trình đức tin, người Kitô hữu, nhất là các cộng đoàn Kitô hữu ở những thế kỷ đầu coi đó là phần thưởng cao quý, là ngày Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta (Pl 3,20). Biến cố quang lâm sẽ cho chúng ta đạt được sự bình an đích thực, sự bình an đó vượt lên trên sự hiểu biết của con người, nhờ được kết hợp với Đức Kitô Giêsu (Pl 4,7).

Cách cá nhân, Thánh Phaolô vui mừng trong ngày quang lâm gần đến, vì những gì người đã và đang nhận được nơi Đức Giêsu Kitô, được biết Người, làm Tông đồ để rao giảng Tin Mừng của Người, chịu cảnh tù tội xiềng xích vì Người... như thánh nhân đã chia sẻ, tất cả là để đạt tới quê hương vĩnh cửu ngày quang lâm.

Niềm vui tiếp theo của Thánh Phaolô trong ngày quang lâm gần đến là vì cộng đoàn Philípphê. Người cảm thấy vui mừng, vì cộng đoàn mà người đã thiết lập này đang có sự trưởng thành trong đời sống đức tin. Người khuyên họ nên tiếp tục sống đúng với tinh thần của Tin Mừng hơn nữa theo gương người (x. Pl 4,1.8-9), để xứng đáng hơn trong ngày Chúa quang lâm gần đến.

5. Niềm vui vì đã nhận được sự giúp đỡ từ cộng đoàn Philípphê (Pl 1,9-11; 4,10-20).

Trong thư, Thánh Phaolô cũng nói lên tâm tình biết ơn vì những gì mà cộng đoàn Philípphê đã quan tâm và quảng đại để giúp đỡ người, không những về tinh thần mà cả về vật chất nữa (x. Pl 4,10). Người cảm nhận được niềm vui và coi đó là hoa quả của tình yêu mà họ dành cho người; đồng thời, người cũng cho họ biết người nhận sự giúp đỡ đó cũng vì lòng mến mà người dành cho họ cách đặc biệt (x. Pl 4,17). Thánh Phaolô giải thích cho cộng đoàn Philípphê biết rằng, tất cả những sự giúp đỡ từ tấm lòng quảng đại đó cũng là để góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng (x. Pl 1,5). Đặc biệt hơn, thánh nhân đã coi những quà tặng mà cộng đoàn dành cho người, như hương thơm và lễ vật dâng lên Thiên Chúa và rất đẹp lòng Người, chắc chắn Thiên Chúa sẽ trả công bội hậu cho cộng đoàn trong Đức Giêsu Kitô (Pl 4,19).

Kết luận

Qua những gì trình bày ở trên, đã phần nào làm nổi bật được chân dung của vị Tông Đồ Dân Ngoại. Một con người với một quá khứ lầm đường lạc lối thì nay đã trở nên một con người nhiệt thành trong sứ vụ tông đồ Đức Giêsu Kitô. Một con người đã hãnh diện vì mình, thì nay lại mạnh mẽ tuyên xưng coi mọi sự là rơm là rác so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, được kết hiệp với Người, sống cho Người, loan báo Tin Mừng về Người, phục vụ Giáo hội Người, sống gương mẫu cho các cộng đoàn của Người.

Thánh Phaolô đã trở nên một cột trụ cho nhiều cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, từ thành lập, đồng hành qua sự hiện diện thể lý cũng như trong lời nguyện, qua những lá thư thăm hỏi... với mục đích giúp cho đời sống đức tin của các cộng đoàn ngày một trưởng thành và lan rộng. Cách đặc biệt là qua thư Philípphê, chân dung về vị tông đồ với đầy tinh thần lạc quan được nổi bật, cho dù ở trong hoàn cảnh nào, khó khăn nào thánh nhân cũng luôn là chứng nhân về tinh thần lạc quan, nhưng phải là lạc quan trong Đức Giêsu Kitô hay niềm vui Tin Mừng. Người tha thiết mời gọi cộng đoàn hãy sống theo gương người, như người đã theo gương Đức Giêsu Kitô chết và phục sinh, để được hưởng niềm vui trọn vẹn trong ngày Chúa quang lâm. 

John Phạm

1209    12-05-2018