Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Tinh thần thơ ấu - 1

Si-môn đã trở lại và nên như trẻ nhỏ, khi Chúa để cho ông cảm nghiệm sự yếu đuối của ông tới mức nào, để ông hết còn dám cậy sức mình, nhưng hoàn toàn dựa vào Chúa như trẻ thơ. Chúa đến với ông, ban cho ông tinh thần vững mạnh để ông có thể làm cho anh em của ông vững mạnh. Người đã rửa ông cho sạch bằng chính nước mắt của ông (Tv 51/50, 4).

2.1.3  Tin Mừng theo thánh Mác-cô lại cho ta chiêm ngắm một hình ảnh cô đọng thật huyền bí, khi kể giây phút cuối cùng của Chúa Giê-su trên thập giá: “Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Ê-lô-i, Ê-lô-I, la-ma sa-bác-tha-ni!” nghĩa là “Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?Đức Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở…”. Hiệu quả bất ngờ: “Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy cách Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa.

Một sĩ quan Rô-ma phục vụ dưới trướng Tổng Trấn Phi-la-tô, chưa bao giờ nghe Chúa giảng, chưa bao giờ được thấy Chúa làm một phép lạ. Chỉ huy cuộc hành quyết, ông có nhiệm vụ xác nhận người bị xử đã chết thật sự (Phi-la-tô sẽ gọi ông để xác nhận, khi ông Giu-se A-ri-ma-thi đến xin xác Chúa Giê-su, Mc 15, 44-45). Vì nhiệm vụ ông phải đứng đối diện với Chúa Giê-su đã bị đóng đinh trên thập giá. Ông chỉ thấy cách Người tắt thở mà tuyên xưng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”.

Thật là huyền nhiệm. Chúng ta hãy sống lại cảnh này, cùng đứng với viên sĩ quan và hỏi ông: « Làm sao ông có thể nhìn cách Người tắt thở mà nhận ra người, mà chính đội hành quyết do ông chỉ huy đã đóng đinh treo lên thập giá kia, là Con Thiên Chúa? »

Tinh thần con thơ của Chúa Giê-su lộ ra trong hơi thở cuối cùng, đến nỗi một người ngoại đạo có thể nhận ra người bị đóng đinh là Con Thiên Chúa. Đó là cách trình bày độc của Tin Mừng Mác-cô, vận dụng nghệ thuật kể chuyện, đặt chúng ta trước một bức họa và để cho chúng ta nhìn ngắm mà rút ra kết luận.

2.1.4   Tin Mừng theo thánh Mát-thêu đã nêu điều kiện không khoan nhượng để được vào Nước Trời: “Nếu anh em không trở lại mà nên giống như trẻ nhỏ thì anh em sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18, 3).

Lý do đã được nêu ngay trong Bài Giảng Trên Núi: Tám mối phúc:

Thứ nhất: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ… Thứ tám: “Phúc thay ai bị bách hạivì sống công chính, vì Nước Trời là của họ”.

Sáu mối phúc ở giữa, dùng những hình ảnh khác để nói về cùng một thực tại là Nước Trời, và những cách nói khác để diễn tả cùng một thái độ của người bé nhỏ nghèo hèn là chỉ tìm nương ẩn nơi Danh Thiên Chúa (x. Xp 3, 12), đến nỗi có bị bách hại vì sự công chính thì cũng chẳng tìm nương ẩn nơi đâu khác ngoài Thiên Chúa. Được Nước Trời là được chính Thiên Chúa làm gia nghiệp của mình. Mối phúc thứ tám lại được áp dụng trực tiếp cho môn đệ của Chúa: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5, 12-13). Được Chúa Giê-su là được Nước Trời rồi. Chúa Giê-su sẽ đề nghị với người thanh niên giàu có đầy thiện chí, muốn “hơn nữa”: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện [muốn được trọn vẹn], thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt, 19, 21). Kho tàng của anh ở trên trời lại là con người bằng xương bằng thịt, đang đứng trước mặt anh đây, và anh có thể đi theo sau Người, theo sau kho tàng của anh.

Nghiệm cho kỹ thì thấy Tám Mối Phúc là chân dung tự họa (selfie) của Chúa Giê-su, như suốt sách Tin Mừng này cho thấy, vì thế ở chương 11, Chúa Giê-su mời gọi: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (câu 29). Cách tốt nhất để hiểu các mối Phúc là đọc từng mối Phúc và nghiệm lại trong đời sống Chúa Giê-su xem Chúa đã sống điều đó như thế nào. Ngược lại để biết Chúa Giê-su như sách Tin Mừng Mát-thêu trình bày, thì đọc và nghiệm xem qua đoạn vừa đọc, thấy được Chúa đang sống mối Phúc nào.

Bài Giảng Trên Núi nhấn mạnh đến sự thành thật đơn sơ, sống tự đáy lòng, không giả hình: bố thí, cầu nguyện, ăn chay là để phụng thờ Thiên Chúa tự đáy lòng, như trẻ thơ. Phó thác trọn vẹn trong tay Cha, “như trẻ thơ nép mình lòng mẹ”: “Cha anh em thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó… Vậy anh em đừng lo lắng cho ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo”.

Kết thúc Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su dạy cách trở thành người khôn: “Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7, 24). Trẻ thơ thì cha, mẹ bảo sao nghe vậy, bảo đi thì đi, bảo đứng thì đứng, bảo làm gì cũng làm, bảo nói gì cũng nói… Đó cũng là điều Thiên Chúa đã đòi ở các ngôn sứ, như Giê-rê-mi-a: “Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu người cứ đi, Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1,7).

2.2  Tin mừng theo thánh Gio-an

2.2.1 Sách Tin Mừng theo thánh Gio-an lại trình bày cho chúng ta chân dung Chúa Giê-su như người con hiếu thảo, sống bởi Cha, luôn kết hiệp với Cha, “Cha ở trong Thầy và Thầy ở trong Cha”, nói lời của Cha, làm việc của Cha, chỉ làm theo ý Cha và chỉ tìm vinh danh Cha, chỉ muốn tỏ rõ lòng mình yêu mến Cha, kể cả bằng cái chết trên thập giá.  Không có gì là của riêng mình: “mọi sự của Cha là của Con, mọi sự của Con là của Cha”.

Ngay trong Lời Tựa, Gio-an đã cho thấy Ngôi Lời đã làm người chung phần vinh quang của Cha: “Chúng tôi đã được thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14).

Chúa Giê-su tuyên bố: « Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy[3]. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho Người Con thấy mọi diều mình làm…” (Ga 5,19-20)

Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” (Ga 10, 37-38)

Như Chúa Cha là Đấng nằng sống đã sai tôi và tôi sống bởi Chúa Cha thế nào thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6, 57)

Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói” (Ga8, 26)

Các lờI Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.” (Ga 14,10)

Thủ lãnh thế gian này đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó phải xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.” (Ga14,31)

Trong tình yêu mến thì Chúa Cha là mẫu của Chúa Giê-su và Chúa Giê-su là mẫu cho môn đệ: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy như thế nàoThầy cũng yêu mến anh em như vậyAnh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong Tình thương của Người.” (Ga 15, 9-10)

Này đến giờ, và giờ ấy đã đến rồi, anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (Ga 16, 32).

Trong lời cầu nguyện hiến tế, Chúa Giê-su đã cho chúng ta một bản tóm lược về tương quan giữa Người với Cha và giữa Người với các môn đệ:

Những kẻ Cha đã chọn giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho chúng biết Danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. Giờ đây họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.” (Ga 17, 6-8)

Như vậy Tin Mừng theo thánh Gio-an cho chúng ta gương mẫu tuyệt vời để sống như con thơ đối với Cha Trên Trời, là Cha của Đức Giê-su Ki-tô và của chúng ta: “Cha của Thầy cũng là Cha của anh em” (Ga 20, 17); vậy Thầy đã sống với Cha như thế nào thì anh em cũng hãy học với Thầy mà sống như thế với Cha.

2.2.2  Sách Tin Mừng Gio-an còn cho chúng ta một gương mẫu về việc “trở lại và nên như trẻ nhỏ”, trong câu chuyện của ông Si-môn Phê-rô.

Các Tin Mừng Mt, Lc và Gio-an đều kể việc Chúa Giê-su báo trước rằng các môn đệ sẽ bỏ Chúa một mình, và ông Phê-rô sẽ chối Chúa ba lần trước khi gà gáy (Ga 13, 38; Mt 26,34; Lc 22, 34); Mc thì kể “gà chưa kịp gáy hai lần thì anh đã chối Thầy ba lần” (Mc 14, 30).

 Rồi sau khi ông Phê-rô đã chối đủ ba lần thì tiếng gà gáy (Mt 26, 74-75 và Mc 14, 72), hoặc cái nhìn của Chúa (Lc 22, 61-62) làm cho ông thức tỉnh, nhớ lại Lời Chúa đã nói và ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết.

Gioan ngưng câu chuyện với tiếng gà gáy (Ga 18, 27), như để cho thấy lời loan báo của Chúa Giê-su đã ứng nghiệm; rồi kể sang việc Chúa bị điệu ra trước tòa Phi-la-tô, không nhắc tới ông Phê-rô lần nào nữa trong cuộc Thương Khó. Ở chương 20, Gio-an kể việc ông Si-môn Phê-rô cùng với “người môn đệ Chúa Giê-su thương mến” chạy ra mồ, như hai nhân chứng để xác minh lời bà Maria Ma-đa-lê-na hốt hoảng chạy về báo. Họ thấy quả là xác Chúa không còn trong mộ, nhưng khăn liệm và các băng vải còn đó, không để lẫn với nhau, khăn liệm được cuốn lại gọn gàng và để riêng ra một nơi. Tối hôm ấy Chúa Giê-su Phục Sinh đến với các môn đệ.

Tưởng như Gio-an đã quên chuyện ông Phê-rô hối cải. Ở chương 21, Gio-an kể việc Chúa trao cho ông Phê-rô sứ mạng mục tử đối với toàn thể đoàn chiên của Chúa (như Chúa đã tự mô tả chính mình là Mục Tử như thế nào (x. Ga 10, 1-16). Lúc này Gio-an mới kể tiếp cho chúng ta về ông Phê-rô, ví ông với A-đam – E-và trong Vườn Địa Đàng sau khi ăn trái cấm (x. St 3, 7-10)

Câu chuyện mở đầu với chuyến đánh cá đêm trên Biển Hồ Gali-li-lê của ông Phê-rô cùng với sáu bạn môn đệ. Kết quả một đem vất vả: lưới không, thuyền rỗng.

Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Không!” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.”

Người môn đệ Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Phê-rô liền quấn áo ngang lưng [làm khố], vì ông đang trần truồng, rồi nhảy xuống biển…” (Ga 21, 4-7)

Tôi sửa lại bản dịch cho sát bản Hy Lạp, vì đây là một chi tiết then chốt để hiểu câu chuyện. Nhiều người lý luận: chẳng lẽ ông Phê-rô ở trên thuyền với sáu ông khác mà lại trần truồng. Thứ nhất, không nên áp dụng cách thức ăn mặc ngày nay với hai ngàn năm trước của người đánh cá trên hồ; thứ hai là chú ý tới liên hệ giữa hai yếu tố “Vừa nghe nói “Chúa đấy!”… vì ông đang trần truồng”. Người kể chuyện cho thấy là cảm thức “trần truồng” đến với ông Phê-rô khi ông nghe nói “Chúa đấy!” chứ không phải tự nhiên. Tiếp theo là “ông quấn áo ngang lưng và nhảy xuống biển”.

Hãy so sánh với bản văn Hy-lạp của sách Sáng Thế 3, 7 “Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới hái lá vả làm dây thắt lưng cho mình. Rồi khi nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn tránh mặt Thiên Chúa”.

Ở trong vườn, thấy mình trần truồng thi hai ông bà hái lá cây vả, là thứ lá cây lớn nhất trong vườn, xâu lại làm thắt lưng (khố). Khi nghe thấy tiếng Đức Chúa thì hai ông bà trốn vào giữa cây cối, tránh mặt Đức Chúa. Ông Phê-rô đang ở giữa Biển Hồ, nghe nói “Chúa đó!” ông như mở mắt ra, vì nãy tới giờ Chúa đứng đó mà ông không nhận ra, tiếng “Chúa đó!” mở mắt cho ông nhận ra Chúa và thấy mình trần truồng. Ông đã có thể mặc áo vào, nhưng ông lại quấn áo làm thắt lưng. A-đam E-và ở trong vườn thì núp vào giữa cây cối, còn ông Phê-rô ở giữa biển thì núp vào đâu? Nhảy xuống biển!

Nhưng việc ông nhảy xuống biển lại như “tiền xướng” nhắc chúng ta nhớ tới thánh vịnh 139/138, chuẩn bị cho ta nghe lời ông Phê-rô tuyên xưng lòng mến sau bữa ăn: “Thầy biết… Thầy biết mọi sự…”

Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ…                                                                             
Con có lên trời, Chúa đang ngự đó,                                                                                                 
nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.
 (Tv 139/138, 1.8)

 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên và có cả bánh nữa.” Với ông Phê-rô thì quang cảnh này gợi nhớ “than hồng” bọn tôi tớ đã đốt để sưởi trong sân dinh Thượng Tế, và ông đã ngồi vào sưởi ké, rồi chuyện đã xảy ra đêm ấy bên lò than hồng.

Chúa đã hỏi họ: “Không có gì ăn ư?”, họ trả lời cộc lốc “không”. Bây giờ Chúa đã dọn sẵn bữa ăn nóng hổi cho họ, có bánh có cá đặt trên than hồng. Nhưng Chúa nhẹ nhàng gỡ thế lúng túng cho ông Phê-rô: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” Ông Si-mon Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ, lưới đầy cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như thế mà lưới không rách.

Sau khi các ông đã nghiệm ra hiệu năng của lời Chúa qua mẻ cá, Chúa bảo các ông: Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.”

Bữa ăn này hẳn gợi cho các ông nhớ lại bữa ăn Chúa đãi đám đông hôm nào khi ngồi trên núi (Ga 6, 1-13), Chúa Giê-su vừa là Thiên Chúa đãi tiệc trên núi (x. Is 25, 6-9), vừa là mục tử cho chiên nằm nghỉ “trong đồng cỏ xanh tươi” (x. Tv 23, 2).

Sau bữa ăn trong thinh lặng trước mặt Chúa (như Mô-sê và các kỳ mục trong Xh 24, 9-11), Chúa nói chuyện với ông Phê-rô trước mặt anh em, như xưa Thiên Chúa nói với ông Mô-sê trước mặt dân: “Này Ta sẽ đến với ngươi trong đám mây dày đặc, để khi Ta nói với ngươi, thì dân nghe thấy và cũng tin vào ngươi luôn mãi.” (Xh 19, 9).

Trước hết Chúa long trọng gọi tên đầy đủ của ông Phê-rô, không lẫn vào đâu được: “Này anh Si-môn con ông Gio-an[4], anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Chúa Giê-su nói với ông:Hãy chăm sóc các chiên con của Thầy.” Chú ý  câu hỏi lần thứ nhất này có so sánh “hơn các anh em này”, hẳn làm ông Phê-rô nhớ tới những lời khẳng khái ông đã thưa với Chúa trước mặt anh  em trong phòng Tiệc Ly, tỏ ra ông cho là mình yêu mến Thầy hơn bất cứ ai trong hàng môn đệ: “Thưa Thầy, sao con lại không đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy” (Ga 13, 37)

Người lại hỏi: “Này anh Si-môn con ông Gio-an, anh có mến Thầy không?” Ông đáp: Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cach nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.” (Ga 21,16-19)

432    15-10-2018