Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Tinh thần thơ ấu - 2

Chúa hỏi đến lần thứ ba thì ông Phê-rô buồn. Dễ hiểu, lần thứ nhất Chúa so sánh để nhắc lại cho ông lời cam kết ông đã nói trước mặt anh em, tỏ ra ông yêu mến Thầy hơn bất cứ ai. Chúa hỏi đến lần thứ ba thì ông buồn, vì ám chỉ quá rõ ràng tới việc ông chối Chúa lần thứ ba trước khi gà gáy.

Câu trả lời lần thứ nhất và lần thứ hai, ông dựa vào Chúa: “Thầy biết”; khi trả lời lần thứ ba thì ông nại đến “Thầy biết rõ mọi sự”. Thánh vịnh 139/138 lại vọng bên tai chúng ta: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con  và Ngài biết rõ... Hồn con đây biết rõ mười mươi... Lạy Chúa xin dò xét con để biết rõ lòng con, xin thử cho biết những điều con cảm nghĩ. Xin  Ngài xem con  có lạc vào đường gian ác, thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời.” (Tv 139/138, 14.23-24). Chúa Giê-su đã dò xét lòng ông và gọi ông đi theo Chúa là “con đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14, 6)

Nhìn lại toàn bộ câu chuyện này, chúng ta thấy Chúa đã giúp cho ông Phê-rô nhận ra tự thân ông chẳng là gì, chẳng có gì và chẳng làm được gì: con nhà nghề, rủ bạn cùng nghề đi đánh cá, mà suốt đêm chẳng bắt được gì; ông đã thề sống chết với Chúa, nhưng đã chối Chúa đủ ba lần khi gà chưa kịp gáy. Trước mặt Chúa hôm nay, ông thấy mình như một đứa trẻ, trần truồng, vừa lạnh vừa đói, chưa biết mặc áo, chẳng có gì ăn. Chúa Giê-su đốt lửa cho ông sưởi ấm, nướng bánh và cá cho ông ăn, rồi mặc cho ông áo mới của tình yêu tinh tuyền, hoàn toàn dựa vào Chúa là Đấng thông suốt mọi sự: “Tạng phủ con chính Ngài cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con... Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con  được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu. Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy...” (Tv 139/138, 13-16).

Chúa làm như đáp lại lời cầu xin trong thánh vịnh 51/50: “Xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy” (câu 12). Và coi như Chúa trả lời nỗi thắc mắc của ông trong bữa Tiệc Ly. Khi Chúa bảo: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo”, thì ông thưa: “Thưa Thầy, sao con lại không đi theo Thầy ngay bây giờ được”. Bây giờ thì Chúa đã cho ông tinh thần vững mạnh để đi theo Chúa, và cho ông biết ông sẽ được theo Chúa tới nơi Chúa đã đi là thập giá, rồi Chúa bảo ông: “Hãy theo Thầy”.

Chúa trao cho ông cả chiên mẹ chiên con, tức là trọn đoàn chiên mà Chúa đã cứu chuộc bằng cái chết và sự phục sinh của Chúa, như khi Thiên Chúa dẫn đưa dân lưu đầy trở về: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay: Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bày chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40, 11). Bây giờ thì Chúa có thể nhận lời ông Phê-rô đã cam kết sẵn sàng thí mạng sống vì Chúa. Ông sẽ chết giang tay trên thập giá như Chúa, nhưng không phải thí mạng vì Chúa, mà vì đoàn chiên của Chúa, giống như Chúa đã làm. Ông phải là mục tử như Chúa Giê-su: “Hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10, 11) .

Ông Si-môn Phê-rô ở cuối sách Tin Mừng Gioan trở thành hình tượng cho chúng ta chiêm ngắm để biết thế nào là “trở lại mà nên như trẻ nhỏ” (Mt 18, 3).

2.3  Trong các thư của các Tông Đồ

Trong thư các Tông Đồ, thì các lời khuyên bảo đều hướng về sống trung thành với Thiên Chúa, thi hành ý Thiên Chúa, tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, cậy dựa vào một mình Thiên Chúa. Tôi chỉ nêu vài ví dụ. Mỗi người có thể mở các thư, đọc những lời khuyên bảo.

Bản thân thánh Phao-lô cũng đã được ơn mà thánh Phê-rô nhận được ở bên Hồ (x.Ga 21). Ngài diễn tả trong thư thứ nhất Cô-rin-tô: “Khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo màu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá. Vì thế khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào  bằng chứng xác thực của Thần Khí  vá quyền năng Thiên Chúa”(1Cr 2, 1-4).

Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể.” (1Cr 3, 6-7).

Trong thư thứ hai Cô-rin-tô: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi. Vì vậy tôi cảm thấy vui mừng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr12, 7-10).

 Thánh Phao-lô hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa khi thi hành sứ mạng: “Trong Đức Ki-tô Giê-su, tôi có quyền hãnh diện về công việc phục vụ Thiên Chúa. Thật thế, tôi đâu dám nhắc đến chuyện nào khác, ngoàinhững gì Đức Ki-tô đã dùng tôi mà thực hiện để đưa các dân ngoại về phục vụ Thiên Chúa, thực hiện bằng lời nói việc làm, bằng sức mạnh của những dấu lạ điềm thiêng, bằng quyền năng của Thánh Thần.” (Rm 15, 17-19). Ta nghe như vang vọng lời Chúa Giê-su nói về chính mình trong sách Tin Mừng Gio-an.

Trong các thư, thánh Phao-lô truyền đạt kinh nghiệm sống này cho các tín hữu.

Thư gởi tín hữu Rô-ma, trong phần giáo huấn từ chương 12 tới chương 15, thánh Phao-lô mở đầu với “cách thức xứng hợp để thờ phượng Thiên Chúa” là sống như thể mình là một của lễ toàn thiêu đã được dâng cho Thiên Chúa, “bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Thiên Chúa, cái gì hoàn hảo” (x. Rm 12, 1-2). Đó là cốt lõi của tinh thần thơ ấu thiêng liêng mà Thánh Phao-lô quảng diễn trong các chương 12-15 của thư này, giúp ta hiểu thế nào là sống tinh thần thơ ấu một cách thiết thực.

Trong thư Ê-phê-sô và thư Cô-lô-sê, thánh Phao-lô dùng hình ảnh lột bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới, sống đời sống mới trong Đức Ki-tô.  “Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương” (Ep 5, 1).

Thư thứ nhất của thánh Phê-rô là một huấn dụ cho những người mới chịu phép rửa, ví người tín hữu “như trẻ sơ sinh, hãy khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ” (1Pr 2, 2). Đoạn cuối phần khuyên nhủ có câu: “Mọi âu lo hãy trút cả cho Người, vì Người săn sóc anh em... Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, cũng là Đấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Ki-tô.(1Pr 5,7).

Con đường thơ ấu thiêng liêng nghe thì “thơ” lắm, nhưng không phải là ẻo lả “làm thơ”. Đó là hiệu quả của ơn Chúa Thánh Thần như ngôn sứ I-sai-a kể: “Thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Thiên Chúa” (Is 11, 3). Sách Giáo Lý kể bảy ơn: khôn ngoan, thông minh, lo liệu, sức mạnh, hiểu biết, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa.

Vậy thì chỉ có một cách là khiêm tốn xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, xin Thánh Thần tác động trong chúng ta và dẫn dắt chúng ta, như Người đã dẫn dắt Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa làm người. Thánh Thần làm cho chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha: “Ap-ba, Ba ơi!” (Rm 8, 15; Gl 4, 6). Và thánh Phao-lô dạy: “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước.” (Gl 5, 25).

Giê-ru-sa-lem ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi, 2018

L.M. Giu-se Nguyễn công Đoan, S.J.

 

 



[1] Từ đó ta có chữ AMEN, nghĩa là đúng như vậy, chắc chắn như vậy trong lời Chúa Giê-su: “Amen, Amen, Ta bảo các ngươi”; trong lời tuyên xưng đức tin; hoặc ước gì được như vậy trong những lời cầu xin. Đọc đoạn này trong I-sai-a, không thể không liên tưởng tới bài thơ lịch sử: “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư”đã khích lệ tinh thần quân dân Việt Nam đánh tan quân xâm lược phương Bắc, giữ vững độc lập.

[2] Có một bản dịch tiếng Việt khá quen thuộc: “như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ”, nghe thơ mộng nhưng không phải là ý nghĩa của bản văn Hip-ri.

[3] Có lẽ ám chỉ tới kinh nghiệm làm người con ở gia đình Na-da-rét, học nghề với người cha gia đình là thánh Giuse. Chúa Giê-su dùng kinh nghiệm chung của mọi người để nói về tương quan của Ngài với Chúa Cha.

[4] Người Do Thái không có tên họ như Việt Nam, nên muốn xác định căn cước một người thì phải kể lên đời cha, đời ông... 

562    15-10-2018