Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Toàn văn Sứ điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô Nhân Ngày Quốc tế người khuyết tật

sudiep1


Hôm 25/11/2021 Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp với chủ đề “Anh em là bạn hữu của Thầycủa Đức Giáo hoàng Phanxicô Nhân Ngày Quốc tế người khuyết tật, được Liên Hiệp quốc cử hành hàng năm vào ngày 3/12. Sau đây là toàn văn Sứ Điệp của Đức Thánh Cha:


SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA

NHÂN NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI KHUYẾT TẬT

 

“Anh em là bạn hữu của Thầy.” (Ga 15,14)

 

Anh chị em và các bạn thân mến!

Khi chúng ta cử hành Ngày Quốc tế của các bạn, tôi muốn nói chuyện trực tiếp với tất cả các bạn, những người đang sống trong bất kỳ tình trạng khuyết tật nào, để nói với các bạn rằng Giáo hội yêu mến các bạn và cần từng người trong các bạn hoàn thành sứ mạng phục vụ Tin Mừng.

Đức Giêsu, người bạn của chúng ta

Đức Giêsu là bạn của chúng ta! Đó là điều mà chính Người nói với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly (x. Ga 15,14). Những lời này Người cũng nói với chúng ta; và chiếu tỏ mầu nhiệm về mối liên kết thân thiết của chúng ta với Người như là những thành viên của Giáo Hội. “Tình bạn với Đức Giêsu thì bất khả phân ly. Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta, mặc dù đôi khi có vẻ như Người giữ thinh lặng. Khi chúng ta cần đến Người, Người tỏ mình ra cho chúng ta và Người ở bên chúng ta trong bất cứ nơi nào(Tông huấn Christus Vivit, 154). Kitô hữu chúng ta đã nhận được một món quà đó là được vào trái tim của Đức Giêsu và được kết bạn với Người. Đó là một đặc ân và một phúc lành, và nó trở thành ơn gọi của chúng ta: chúng ta được mời gọi trở tnên bạn hữu của Đức Giêsu!

Có Đức Giêsu làm bạn là niềm an ủi vô biên. Điều này có thể biến mỗi chúng ta thành người môn đệ biết ơn vui tươi, người có thể chứng tỏ rằng sự yếu đuối của chúng ta không phải là một trở ngại cho việc sống và loan báo Tin Mừng. Trên thực tế, một tình bạn đáng tin và riêng tư với Đức Giêsu là điểm then chốt tinh thần có khả năng chấp nhận những giới hạn mà tất cả chúng ta đều có, nhờ thế, ta sống hòa hợp với chúng. Từ đó có thể dẫn đến một niềm vui “lấp đầy trái tim và cuộc sống” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 1), vì, như một nhà chú giải vĩ đại đã viết, tình bạn với Chúa Giêsu là “một tia lửa làm bùng lên ngọn lửa nhiệt tình”. [1]

Giáo Hội là nhà của các bạn

Bí tích Rửa tội làm cho mỗi chúng ta trở thành thành viên trọn vẹn của cộng đồng Giáo Hội, để tất cả chúng ta, không loại trừ hay kỳ thị, đều có thể nói: “Tôi là Giáo Hội!” Giáo Hội thực sự là nhà của các bạn! Tất cả chúng ta cùng là Giáo Hội vì Đức Giêsu đã chọn làm bạn của chúng ta. Giáo Hội - và đây là điều chúng ta cần học hỏi nhiều hơn và nhiều hơn nữa trong tiến trình thượng hội đồng mà chúng ta đã khai mạc- “không phải là một cộng đồng gồm những người hoàn hảo, nhưng là một cộng đồng gồm các môn đệ trên hành trình, những người đi theo Đức Chúa vì họ biết họ là tội nhân và cần được Người tha thứ ” (Giáo lý, ngày 13/4/ 2016). Trong cộng đồng này, tiến triển qua các biến cố của lịch sử được Lời Chúa hướng dẫn,“mọi người đều có vai trò của mình; chẳng ai là người thừa cả.” (Diễn văn dành cho tín hữu giáo phận Rôma, ngày 18/9/ 2021). Vì lý do này, mỗi một người trong các bạn cũng được kêu gọi để góp phần mình vào hành trình đồng nghị. Tôi tin chắc rằng, nếu đó thực sự là “một tiến trình giáo hội có sự tham gia và bao trùm” [2], thì cộng đồng Giáo Hội sẽ thực sự được phong phú hóa.

Thật đáng buồn để nói rằng, ngay cả ngày nay nhiều người trong các bạn “bị đối xử như những bộ phận ngoại lai trong xã hội”; các bạn có thể “cảm thấy mình sống mà chẳng thuộc về ai và cũng chẳng được tham dự vào việc gìvà “ngăn cản không được có đầy đủ tư cách công dân” (Thông điệp Fratelli Tutti, 98). Sự kỳ thị vẫn tiếp tục hiện hữu ở nhiều cấp độ xã hội khác nhau; nó nuôi dưỡng định kiến, sự thiếu hiểu biết và một nền văn hóa mà thấy thật khó để có thể đánh giá đúng giá trị không thể đo lường được của mỗi người. Đặc biệt, xu hướng tiếp tục coi khuyết tật - là kết quả của sự tương tác giữa các rào cản xã hội và những giới hạn của mỗi người - như thể chúng là một căn bệnh, góp phần khiến cuộc sống của các bạn bị tách biệt và kỳ thị.

Liên quan đến đời sống của Giáo Hội, “hình thức kỳ thị tồi tệ nhất… là thiếu sự chăm sóc thiêng liêng” (Tông Huấn Evangelii Gaudium, 200). Đôi khi, như một số các bạn không may đã trải qua, đóviệc bị từ chối quyền lãnh nhận các Bí tích. Huấn quyền của Giáo hội rất rõ ràng trong lĩnh vực này, và gần đây Bộ Giáo lý đã tuyên bố một cách dứt khoát rằng “không ai có thể từ chối cho người khuyết tật lãnh các bí tích” (số 272). Khi chúng ta cảm nghiệm sự kỳ thị như thế, đó chính là tình bạn của chúng ta với Đức Giêsu, mà tất cả chúng ta đã nhận được như một món quà không đáng có, món quà này có thể cứu chuộc chúng ta và cho phép chúng ta coi sự khác biệt như một kho báu. Vì Đức Giêsu không gọi chúng ta là những tôi tớ, người nam và nữ có phẩm giá thấp hơn, nhưng là bạn hữu: những người bạn tâm giao xứng đáng nhận biết tất cả những gì Người đã lãnh nhận từ Chúa Cha (x. Ga 15,15).

Trong thời điểm khó khăn

Tình bạn của Đức Giêsu bảo vệ chúng ta trong những lúc khó khăn. Tôi nhận thức rõ rằng đại dịch Covid-19, mà từ đó chúng ta đang đấu tranh để vượt thắng, tiếp tục gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống của nhiều người trong các bạn. Ví dụ, tôi nghĩ đến việc các bạn bị buộc phải ở nhà trong một thời gian dài; khó khăn mà nhiều học sinh khuyết tật gặp phải trong việc tiếp cận các hỗ trợ cho việc đào tạo từ xa; sự gián đoạn kéo dài của các dịch vụ chăm sóc xã hội ở một số quốc gia; và nhiều khó khăn khác mà các bạn đã phải đối diện. Nhưng, trên tất cả, tôi nghĩ đến nhiều người trong các bạn đang sống trong các khu dân cư và nỗi đau của việc buộc phải xa cách những người thân yêu của mình. Tại những nơi này, virus tấn công dữ dội và bất chấp sự tận tâm của những nhân viên chăm sóc, nó đã cướp đi sinh mạng của quá nhiều người. Hãy biết rằng Đức Giáo hoàng và Giáo Hội đặc biệt gần gũi với các bạn, với tình yêu thương và sự trìu mến!

Giáo Hội ở bên cạnh những người trong các bạn vẫn đang chiến đấu với Coronavirus. Như thường lệ, Giáo hội nhấn mạnh rằng nhu cầu được chăm sóc là của tất cả mọi người, tình trạng khuyết tật không gây trở ngại cho việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc tốt nhất hiện có. Về vấn đề này, một số Hội đồng Giám mục, chẳng hạn như của Anh và xứ Wales [3], và Hoa Kỳ, [4] đã can thiệp để yêu cầu tôn trọng quyền được chăm sóc y tế của mọi ngườikhông có sự kỳ thị.

Tin Mừng dành cho tất cả mọi người

Ơn gọi của chúng ta bắt nguồn từ tình bạn của chúng ta với Đức Chúa. Người đã chọn để chúng ta sinh nhiều hoa trái và hoa trái của chúng ta tồn tại (x. Ga 15,16). Là cây nho đích thực, Người muốn mọi cành liên kết với mình để sinh hoa kết trái. Đúng vậy, Đức Giêsu muốn chúng ta đạt được “hạnh phúc mà vì đó mà chúng ta được tạo thành. Ngài muốn ta phải là những vị thánh chứ không chỉ hài lòng với một cuộc sống tẻ nhạt và tầm thường.” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 1)

Tin Mừng cũng dành cho các bạn! Sứ điệp của Tin Mừng được gửi đến tất cả mọi người; đó là một lời an ủi, và đồng thời, cũng là một lời kêu gọi biến đổi. Công đồng Vatican II, khi nói về lời kêu gọi nên thánh chung, dạy rằng tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Ðức ÁiÐể đạt được sự trọn lành đó, tín hữu phải sử dụng những sức lực mà Chúa Kitô đã ban như là quà tặng, họ sẽ hết lòng tìm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân” (Hiến chế Lumen Gentium, 40).

Các sách Tin Mừng cho thấy rằng bất cứ khi nào những người khuyết tật gặp được Đức Giêsu, cuộc đời của họ đều đã thay đổi sâu sắc, và họ trở thành nhân chứng của Người. Chẳng hạn như trường hợp của một người mù từ khi mới sinh, sau khi được Đức Giêsu chữa lành, đã mạnh dạn tuyên bố với mọi người rằng Đức Giêsu là một ngôn sứ (x. Ga 9,17). Nhiều người khác vui mừng công bố những gì Đức Chúa đã làm cho họ.

Tôi biết rằng một số các bạn sống trong những hoàn cảnh không hề dễ dàng. Tôi muốn ngỏ lời một cách riêng tư với từng người trong các bạn và tôi xin rằng, nếu cần, các thành viên trong gia đình của các bạn hoặc những người thân thiết nhất với các bạn đọc những lời này của tôi cho các bạn hoặc truyền đạt lời kêu gọi của tôi. Tôi xin các bạn cầu nguyện. Đức Chúa chăm chú lắng nghe lời cầu nguyện của những ai tín thác vào Người. Đừng ai nói rằng: “Tôi không biết cầu nguyện”, bởi vì, như Thánh Tông đồ đã nói, Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26). Thực vậy, trong các sách Tin Mừng, Đức Giêsu luôn lắng nghe những ai hướng về Người, dù chỉ bằng một dấu hiệu nhỏ (x. Lc 8,44) hoặc một lời kêu cứu (x. Mc 10,46). Cầu nguyện là một sứ mạng, một sứ mạng có thể tiếp cận được với tất cả mọi người, và tôi muốn giao sứ mạng đó một cách cụ thể cho các bạn. Không có ai yếu đuối đến mức không thể cầu nguyện, tôn thờ Đức Chúa, tôn vinh Danh thánh của Người và cầu bầu cho ơn cứu độ của thế giới. Trong cái nhìn của Đấng toàn năng, chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng.

Anh chị em thân mến, ngày nay lời cầu nguyện của anh chị em càng khẩn thiết hơn bao giờ hết. Thánh Têrêsa Avila đã viết rằng “vào những lúc khó khăn, những người bạn của Thiên Chúa cần phải mạnh mẽ để hỗ trợ những người yếu đuối”. [5] Thời điểm đại dịch này đã cho chúng ta thấy rõ rằng tất cả chúng ta đều yếu đuối và dễ bị tổn thương: “Chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền, mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời cũng quan trọng và cần thiết; tất cả chúng ta được kêu gọi để cùng nhau chèo thuyền” [6] Cách thiết yếu để làm điều này chính là cầu nguyện. Đây là điều mà mỗi chúng ta đều có thể làm được; và ngay cả khi, giống như Môsê, chúng ta cần sự hỗ trợ (x. Xh 17,10), chúng ta tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ nghe lời cầu xin của chúng ta.

Tôi xin gửi lời chào cầu nguyện và những lời cầu chúc tốt đẹp tới tất cả các bạn. Nguyện xin Đức Chúa chúc lành cho các bạn, và xin Đức Mẹ gìn giữ các bạn luôn.


Tại Roma, Vương cung Thánh Đường Gioan Laterano, ngày 20/ 11/ 2021

Giáo hoàng Phanxicô

 

Nguồn: Phòng Báo Chí Toà Thánh (25/11/2021)
Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP - 
Dòng Đa Minh Thánh Tâm

 

-----------

[1] Rudolf Schnackenburg, Amicizia con Gesù, Brescia 2007, p. 68. [ The Friend We Have in Jesus, Westminster John Knox Press, 1997]

[2] Synod of bishops, Preparatory Document. For a Synodal Church: Communion, Participation and Mission, No. 2.

[3] Bishops’ Conference of England and Wales, Coronavirus and Access to Treatment, 20 April 2020.

[4] USCCB - Public Affairs Office, Statement on Rationing Protocols by Health Care Professionals in Response to COVID-19, 3 April 2020.

[5] Autobiography, 15, 5.

[6] Extraordinary Moment of Prayer during the Pandemic, 27 March 2020.

413    27-11-2021