Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

“Tôi Đã Giữ Vững Niềm Tin”

“Tôi Đã Giữ Vững Niềm Tin”

Việc đào tạo và thử thách của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI

BỞI: KATHRYN ELLIOTT

Thậm chí tại Rôma, môi trường cho sinh viên đại học là thế tục. Vị tuyên úy của họ, Cha Battista, ngài nhận thấy rõ ràng rằng các sinh viên này không biết gì về tâm linh và họ nghi ngờ sự tồn tại của Thiên Chúa. Để vực dậy niềm tin của họ, Cha Battista đã tổ chức những buổi tĩnh tâm cuối tuần.

Cha đã dẫn nhóm sinh viên đầu tiên trên một chuyến xe điện đi đến Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành. Đứng dưới trần nhà rộng lớn và đi bộ qua các khu vườn với họ, Cha Battista giảng thuyết. Nhiều năm sau, những sinh viên này của cha vẫn nhắc lại sức mạnh của những lời nói Cha đã dạy.

Một sinh viên nói: “Khi Cha giải trình về những lời của Thánh Phaolô với đầy sự thu hút, tính sâu sắc đầy đam mê và nhiệt huyết, những lời ấy trở nên sống động và sự hiện diện của Chúa Kitô trong Giáo Hội trở thành hiện thực”. Anh còn nói tiếp: “Lời giảng thuyết của Cha thì … quy chiếu về những yếu tố thiết yếu, làm đầy tràn với một phẩm chất mang tính thi vị và ngôn sứ”.

Dựa trên nền đào tạo theo dòng Tên của mình, vị linh mục trẻ dạy các sinh viên đọc Kinh Lạy Cha cách chậm rãi và suy niệm các đoạn Tin Mừng. Dưới sự hướng dẫn của cha, đức tin của các học sinh viên  triển nở, ngay cả khi cảnh sát tiểu bang bắt đầu đe dọa các cuộc hội họp của họ.

Nhiều năm sau, vị linh mục đã trở thành Đức Giáo hoàng Phaolô VI, tên của ngài được in dấu trên mười sáu văn kiện của Công đồng Vatican II và ngài là người đã viết Huấn thị Humanae Vitae (Sự Sống Con Người) và Huấn thị mang tính bước ngoặt về Việc Rao Giảng Tin Mừng trong Thế Giới Hiện Đại – nói cách khác, ngài là con người với một đức tin sâu sắc và lòng can đảm hay cầu nguyện đã đặt Giáo Hội Công Giáo trên một chiều hướng mới cho thời đại mới. Ngài được phong thánh tại Rôma trong tháng này.

Một Tâm Trí Sắc Bén Mài Giũa Những Người Khác. Giovanni Battista Montini sinh năm 1897. Ngài luôn luôn suy nghĩ rõ ràng và mãnh liệt, thậm chí đến mức soạn thảo các bài giảng cho linh mục giáo xứ của mình lúc mười sáu tuổi. Ngài gia nhập chủng viện vào năm 1916, nhưng vì sức khỏe kém nên ngài đã phải thực hiện nhiều khóa học của mình tại nhà với một gia sư, xa cách với các bạn cùng lớp.

May mắn thay, nhà của Giovanni Battista là một nơi sống động. Cha của ngài, ông Giorgio, một luật sư Công giáo, biên tập của tờ báo Công giáo nổi tiếng và đã làm khuấy động cuộc thảo luận chính trị giữa những người bạn và các đồng nghiệp của mình. Đó là một thời gian khó khăn để trở thành một công dân Công giáo của Ý. Trong nhiều thập kỷ, sự thù địch giữa Giáo Hội và chính phủ phát xít đồng nghĩa với việc người Công giáo đã bị cấm biểu quyết và tham gia vào các hoạt động chính trị.

Môi trường thù địch này đã định hình con người Montini. Sau khi thụ phong linh mục, cha Battista Montini sống ở Rôma và tiếp tục suy nghĩ và viết về các vấn đề chính sách công. Vào lần sinh nhật thứ hai mươi lăm của mình, cha đã được tuyển chọn là một trong những nhà ngoại giao trẻ nhất để đại diện Bộ Ngoại giao của Vatican. Sau đó, khi Đức Giáo Hoàng Pio XI đã đưa ra một thỏa thuận cho Vatican độc lập với nước Ý, Đức Giáo Hoàng đã ca ngợi Đức ông trẻ tuổi Montini (một thành viên trẻ tuổi của bộ ngoại giao) về sự hiểu biết của ngài về vấn đề này.

Năm 1923, Đức Giáo Hoàng Paolô VI đề nghị Đức ông Montini làm tuyên úy cho sinh viên đại học Công giáo ở Rôma. Đức ông Montini yêu thích việc mục vụ cho các sinh viên và ngài đã trở thành một diễn giả thường xuyên tại các hội nghị và các cuộc tĩnh tâm của họ. Trong một bài diễn thuyết, ngài kêu gọi các sinh viên phải chú ý nhiều hơn tới phụng vụ khi họ tham dự Thánh lễ. Ngài nói với họ rằng: “Không đủ chỉ để làm theo các nghi lễ với đôi mắt thể lý; mỗi người cần chú tâm tới tất cả mọi cử chỉ, nghi thức (trong Thánh Lễ) với một ý thức thiêng liêng sâu xa nhất, nếu không sẽ là một sự lãng phí thời gian”.

Một Đất Nước thời Chiến Tranh. Mặc dù đã làm việc tận tâm với Đức Giáo Hoàng, Đức ông Montini thường có cảm giác như ngài chỉ đang làm một công việc bàn giấy đơn điệu. Đức ông đã cố gắng xem nó như thể cánh đồng truyền giáo. Trong cuộc tĩnh tâm vào năm 1930, Đức ông đã xin Chúa lấy đi niềm tự hào thiêng liêng của mình và giúp ngài tập trung vào từng cá nhân những người khác. Đức ông đã viết trong nhật ký của mình: “Người ta phải nghiên cứu nhu cầu thực sự của những người khác… và cố gắng gặp gỡ họ”.

Khi Thế chiến II bắt đầu vào năm 1939, mối quan tâm của Đức ông Montini đối với mọi người trở nên mạnh mẽ hơn – và Đức ông đã được vào một vị trí tốt để làm điều gì đó về nó. Cấp trên của Đức ông, thư ký của bộ ngoại giao, vừa trở thành Giáo Hoàng XII và Đức ông Montini đã trở thành giám đốc của các nhân viên trong bộ phận của ngài. Một lượng quá lớn các “nhu cầu thực sự” đã đánh vào Vatican và Đức Ông Montini thường giải quyết cách trực diện.

Đức ông Montini đẩy mạnh các nỗ lực cứu trợ chiến tranh của Vatican, ngài xin Đức Giáo hoàng liệu có thể chuyển đổi một trong những nơi cư trú của Đức Giáo Hoàng thành viện cứu tế cho 15.000 người lánh nạn của chế độ Đức quốc xã. Đức ông thậm chí còn chỉ đạo một nhà sản xuất phim có dàn diễn viên bao gồm nhiều người Do Thái và những người tị nạn chính trị để mở rộng việc quay phim tại Vatican trong nhiều tháng để dành thời gian cho các đồng minh đến.

Đức ông đã viết thư cho cha mẹ rằng ngài cảm thấy gánh nặng của công việc của mình. Ngài nói: “Hơn bao giờ hết mọi người cần sống trong niềm hy vọng của lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì tình trạng của thế giới đã làm cho tất cả mọi người ngày thêm cảm giác đau khổ và hoang mang”.

Trong suốt một số năm có phiền hà nhất ở nước Ý, Đức Ông Montini đã làm việc vất vả đằng sau hậu trường để mang lại càng nhiều điều tốt như ngài có thể. Nó thường là các công việc độc lập bạc bẽo, nhưng ngài luôn giữ bản thân vững vàng qua việc cầu nguyện và suy gẫm nội tâm.

Năm 1954, Đức Tổng giám mục của Milanô qua đời, để lại một gánh nặng cho một người nào đó để dẫn dắt giáo phận lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Đức Giáo Pio XII đã chọn Đức ông Montini để thay thế Đức Tổng quá cố. Do đó, Đức ông Montini đã lãnh nhiệm vụ khó khăn của việc xây dựng lại giáo phận Milanô, nơi mà có những nhà thờ và nhiều người đã bị ném bom trong chiến tranh. Đức ông Montini được phong chức Tổng Giám Mục trước cuối năm đó. Đức Tổng Giám mục Montini cảm thấy choáng ngợp và không được chuẩn bị gì cho công việc mới lãnh nhận, vì khác với công việc của ngài tại Phủ Quốc vụ khanh. Đức Tổng Giám mục Montini đã viết thư cho một người bạn linh mục rằng ngài đã nhìn thấy “một loạt các khó khăn” khiến ngài sợ hãi. Khi ngài bắt đầu công việc của mình, ngài tăng gấp đôi sự phó thác của mình để cậy dựa vào sự giúp đỡ của Thiên Chúa.

Khơi Dậy Niềm Tin ở Milanô. Milanô là thành phố công nghiệp lớn ở miền bắc nước Ý. Những người Công Giáo Milanô bị kiệt quệ vì chiến tranh đã cảm thấy hơi bị lãng quên bởi Giáo hội Công Giáo. Ngay lập tức, Đức Tổng Montini đã lên kế hoạch thực hiện những cuộc thăm viếng thăm cá nhân với những người bình thường ở bất cứ nơi nào họ đang làm việc. Ngài bắt tay với công nhân nhà máy và những ánh mắt gặp nhau, ngay cả – với những người thù địch – ngài nhìn họ với cái nhìn kiên định của mình. Không lâu sau, Milanô gọi ngài là “Đức Tổng giám mục của giới lao động”.

Tiếp đó, Đức Tổng Giám mục Montini đã quy tụ hàng giáo sĩ của Milanô để tĩnh tâm với nhau: chiến lược cũ của ngài với các sinh viên. Ngài nói với họ: “Cha sai các con đi vào thế giới. Các con phải chia sẻ những hy vọng và những nỗi buồn của con người, đừng theo thói hèn hạ và thô tục của thế gian. Các con phải sống thanh cao”.

Khi đến thăm mọi người dân trên khắp thành phố Milanô, Đức Tổng Montini nhận ra rằng những gì họ cần là một hương vị thật sự của sứ điệp Tin Mừng. Ngài muốn mọi người cảm thấy trong nhà thờ như ở nhà của mình để Thiên Chúa có thể làm mới họ ở đó. Vì vậy, trong năm 1957, ngài tuyên bố một sáng kiến bất ngờ: “Truyền giáo tới Milanô”.

Trong ba tuần, dưới sự hướng dẫn của Đức Tổng Giám mục Montini, hàng ngàn linh mục đứng trên các góc phố và trong các hội trường công cộng, rao giảng một Tin Mừng đơn sơ. Ngay cả trong các khu phố Cộng sản, các lời mời gọi đã được gửi đến cho mọi người nam, nữ và trẻ em để trở về với Giáo Hội. Đức Tổng Montini cảm thấy rằng mọi người cần nhận biết Giáo Hội như người mẹ của họ để biết Thiên Chúa là Cha của họ.

Đức Tổng nói với họ rằng: “Chúng ta hãy nghĩ đến mọi nhà thờ như nhà của Thiên Chúa nơi các nước láng giềng và bạn bè đến viếng thăm, để thưởng thức bản thân, để cảm thấy được chào đón”. Trong nhiều năm sau đó, Đức Tổng Montini đã xây dựng được hơn bốn mươi nhà thờ mới. Ngài đã nhận lấy rắc rối lớn khi phải đến thăm hầu hết mỗi một trong những chín trăm các giáo xứ trong tổng giáo phận. Và bất cứ nơi nào ngài đến, ngài đã viết những bài giảng mới phát xuất từ việc cầu nguyện cá nhân và việc đọc sách của mình.

Được đặt ở Trung Tâm. Thời gian sống của Đức Tổng Giám mục Montini ở Milanô thì ngắn ngủi. Người bạn cũ và đồng nghiệp Bộ Ngoại giao của ngài, Đức Hồng Y Angelo Roncalli, đã trở thành Đức Giáo hoàng Gioan XXIII vào năm 1959 và một trong những hành động đầu tiên của Đức Gioan XXIII là phong cho Montini làm hồng y. Đức Thánh Cha cũng đã công bố sáng kiến đầy tham vọng riêng của mình: một Hội đồng giám mục trên thế giới để thảo luận về cách thức Chúa Thánh Thần có thể khai mở một sức sống mới vào Giáo Hội Công Giáo.

Chỉ sau một năm kể từ khi Công đồng bốn năm bắt đầu, Đức Gioan XXIII đã băng hà và Đức Hồng y Montini được bầu làm người kế nhiệm vị Giáo hoàng quá cố. Ngài lấy tên Phaolô VI, sau vị “Tông Đồ Dân Ngoại” người đã viết những lá thư Kinh Thánh mà ngài trân quý.

Mặc dù một số giám mục thúc giục Đức Giáo Hoàng Phaolô VI kết thúc Công đồng, ngài hứa sẽ tiếp tục tiến hành. Khai mạc kỳ họp tiếp theo, Đức Giáo hoàng Phaolo VI liệt kê ba mục tiêu: “Việc cải cách của Giáo Hội, sự hiệp nhất Kitô giáo và việc “đối thoại của Giáo Hội với thế giới đương đại”. Chính Đức Phaolô VI đã thiết lập phong thái cho điều này trong bài phát biểu tương tự bằng cách công khai xin lỗi các quan sát viên Tin Lành, những người đã ngồi ở một nơi danh dự, đối với bất kỳ vai trò nào mà Giáo Hội Công Giáo đã giữ trong sự chia tách của họ.

Khi công việc của Công đồng được tiến hành và trong vài năm tiếp đó, Đức Phaolô VI đã bị chỉ trích rộng rãi. Những người theo chủ nghĩa truyền thống đã đả kích chống lại những cải cách phụng vụ của ngài, trong khi những người thuộc giới cấp tiến thì chế giễu lập luận vững chắc của ngài về vấn đề chống lại việc tránh thụ thai, điều ngài đã giải thích trong thông điệpHumanae Vitae. Nhưng Đức Giáo Hoàng Montini vẫn kiên định. Các chỉ trích và công kích cá nhân là thập giá ngài phải chịu đựng. Cha giải tội của ngài, cha Paul Dezza, chứng thực rằng những năm này sau đó (nếu không phải là những người trước đây) thực sự đã khiến Đức Giáo hoàng Montini trở thành một thánh nhân.

Cha Paul Dezza còn nói: “Những đau khổ của Đức Giáo hoàng Montini đã đưa ngài vào nỗi đau nội tâm sâu sắc, nhưng. . . tôi đã được cảm hóa bởi thái độ của ngài đối với những người gây ra quá nhiều đau khổ cho ngài. Không giận dữ, nhưng với sự tha thứ của Tin Mừng và tình yêu”. Khi một vị hồng y lên án ngài cách công khai, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: “Hãy nói cho Đức Hồng y ấy tất cả nỗi ưu phiền của tôi cũng như tất cả những tình cảm của tôi”.

Tôi Đã Giữ Vững Niềm Tin”. Trên giường bệnh của mình vào năm 1978, những suy nghĩ của Đức Giáo hoàng Montini dựa trên sứ điệp cuối cùng của Thánh Tông đồ Phaolô gửi Timôthê: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp; đã chạy hết chặng đường; đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4,7). Những lời này đã trở thành những lời cuối cùng của Đức Giáo Hoàng.

Năm 1978, thế giới đã thay đổi đáng kể. Nước Ý đã chuyển mình từ một chế độ độc tài phát xít thành một nước cộng hòa dân chủ. Chiến Tranh Thế Giới II đã đến và đã đi, chỉ để được thay thế bằng Chiến Tranh Lạnh. Các vụ ám sát chính trị gieo rắc những náo loạn trên đường phố, trong khi cuộc cách mạng tình dục đã làm khuấy động bao thế kỷ nền đạo đức truyền thống. Và vượt qua tất cả, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nỗ lực hết sức để mang lại những tin tốt lành của Phúc Âm cho người dân và thế giới của họ đã thay đổi nhanh chóng.

Kathryn Elliott là chủ bút các bài đặc biệt cho Báo The Word Among Us.

 
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

587    16-10-2018