Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

“Tôi mong muốn tôi là người linh mục như thế nào?”


Đức Phanxicô đặt câu hỏi cho việc đào tạo linh mục

Đức Phanxicô và Hồng y Stella trong buổi tiếp kiến hội Giáo sĩ Đào tạo Linh mục 

Hội nghị của bộ Giáo sĩ về Đào tạo Linh mục

“Tôi mong muốn tôi là người linh mục như thế nào?”, Đức Phanxicô đã đặt câu hỏi này cho 268 thành viên tham dự hội nghị quốc tế do bộ Giáo sĩ tổ chức ngày thứ bảy 7 tháng 10 tại Phòng Clémentina, Vatican.

Qua câu hỏi “Tôi mong muốn tôi là người như thế nào?”, Đức Phanxicô đưa ra một hình ảnh khác: “Một linh mục phòng khách, yên lặng ở giáo xứ hay là môn đệ truyền giáo với quả tim bừng cháy cho Thầy và cho dân Chúa? Một linh mục an nhiên tự tại trong góc của mình hay một môn đệ đang trên đường đi?”

Như thế một linh mục phải tự tôi luyện mình để “tránh xa loại thiêng liêng không tâm hồn, tránh xa con đường thời thượng không có Chúa”.

Theo Đức Giáo hoàng, việc đào tạo linh mục là vấn đề thiết yếu cho sứ mệnh của Giáo hội: “Làm mới lại đức tin và tương lai của ơn gọi là chuyện chỉ có thể làm được nếu chúng ta có được các linh mục được đào tạo tốt”.

Theo ngài, việc đào tạo này trước hết tùy thuộc vào Chúa, sau là nhờ quyết tâm của con người: của linh mục, giám mục và dân của Chúa.

Hành động của Chúa

“Đào tạo linh mục trước hết tùy thuộc vào tác động của Chúa trong đời sống và trong các sinh hoạt của chúng ta”, Đức Phanxicô nhắc đến hình ảnh của bình gốm trong tay người thợ gốm: chính Chúa “biến đổi quả tim chúng ta” và ngài làm biến đổi trong suốt cuộc đời của chúng ta. Đức Phanxicô cảnh báo: “Ai không để cho Chúa nhào nặn mình mỗi ngày thì sẽ thành linh mục tắt lịm trong một sứ mệnh bất động, không say sưa với Tin Mừng, cũng không nhiệt thành với dân Chúa”.

Đáp trả tự nguyện với ơn Chúa

Theo Đức Phanxicô, người linh mục phải đóng góp phần của mình vào công việc của người “thợ gốm thiêng liêng”: trong xưởng gốm có ba thợ chính, linh mục, giám mục và dân Chúa.

Người linh mục với chính chọn lựa của mình: “Thay vì theo tiếng gọi ồn ào của thế gian, người linh mục theo tiếng gọi của thinh lặng và cầu nguyện, thay vì tin tưởng vào chính bàn tay mình, người linh mục biết phó thác vào bàn tay của người thợ gốm thiêng liêng và vào sự quan phòng sáng tạo hơn là theo các thành kiến, họ để mình được hướng dẫn bởi sự hướng dẫn lành mạnh theo thao thức của quả tim, hướng sự bất toàn của mình về niềm vui gặp Chúa và người anh em. Không tự mình cô lập, họ tìm tình bạn nơi anh em đồng hữu của mình, nơi người thân, biết rằng, ơn gọi của mình nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu và với dân của Ngài”.

Các nhà đào tạo và các giám mục

Giám đốc chủng viện, các nhà hướng dẫn thiêng liêng, các nhà giáo, các giám mục được mời đến “xưởng gốm” để “nhào nặn” các ơn gọi vào chức thánh, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến việc phân định và nhắc lại sự “gần gũi dịu dàng, có tinh thần trách nhiệm với các linh mục, có khả năng phân định, xem phân định là khí cụ hàng đầu cho mọi con đường chức thánh”.

Đức Phanxicô cũng chú trọng đến việc “cùng làm việc chung”, có nghĩa vượt qua biên giới các giáo phận, đối thoại nhiều hơn, có tiến trình đào tạo ở tầm cao với công việc quan trọng này, để khơi lên niềm vui hy vọng trong đám tro tàn bao phủ cuộc sống, khơi lên đức tin trong sa mạc của cuộc đời”.

Dân Chúa

Đức Phanxicô cho rằng “dân Chúa là người thợ thứ ba trong xưởng gốm đào tạo chức thánh” và chúng ta đừng bao giờ quên người thợ thứ ba này.

Nêu lên hình ảnh người thợ gốm, Đức Giáo hoàng cho rằng dân Chúa cũng góp phần trong việc đào tạo linh mục.
Ngài khuyên các linh mục “hãy để mình được đào tạo qua các mong chờ của giáo dân, để mình đụng chạm đến các tổn thương của họ, đi giữa họ dù có các kháng cự hay những chuyện chưa thông hiểu”. Rõ ràng, Đức Phanxicô nói như một kinh nghiệm.
Ngài cảm nhận, “dân Chúa có những hành vi chú tâm đặc biệt, trìu mến đặc biệt với các linh mục”. Ngài kết luận, và đó là “trường đào tạo nhân bản, thiêng liêng, trí tuệ và mục vụ đích thực” vì “linh mục là người phải ở giữa Chúa Giêsu và giáo dân”.

Nguyễn Tùng Lâm dịch

1759    09-10-2017