Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Tôi tin

GÓC NHÌN ĐỨC TIN VÀ CUỘC SỐNG
TÔI TINTÔI TIN

- - - - -

TÔI TIN

 

Đến một lúc nào đó chúng ta sẽ tự hỏi việc mang danh nghĩa Ki-tô hữu có ý nghĩa gì. Có phải vì chúng ta đã biết đạo và đang giữ đạo. Có phải vì chúng ta thường xuyên dự Thánh lễ, thường xuyên lãnh nhận các Bí tích, thường xuyên đọc kinh cầu nguyện, thường xuyên giữ trọn mười điều răn Chúa và các điều răn Hội thánh dạy vv. Và chúng ta bằng lòng và tự hào với việc giữ đạo và sống đạo như thế...

 

Thực ra, xét cho kỹ thì đó mới chỉ là bề nổi của người có đức tin. Bề nổi đó chúng ta có thể tự “cân-đo-đong-đếm” được. Còn chiều sâu bản chất thực sự của việc sống và thực hành đức tin thì chúng ta chưa quan tâm tới. Đây không phải là việc đề cao “ Đạo-tại-tâm”, nhưng là nhấn mạnh đến cái cốt lõi của đức tin Ki-tô giáo. Đức tin Ki-tô giáo là một ơn huệ nhưng không Chúa ban, nhưng cũng là một hành trình trong cuộc đời theo Chúa và là một đời sống mà mỗi tín hữu chúng ta phải tích cực dấn thân vào. Là tín hữu của Chúa Ki-tô, chúng ta phải luôn luôn thao thức về đức tin của mình. Chúng ta nên thường xuyên tự hỏi, “Tôi đang tin ai, tôi đang tin những gì và tôi tin như thế nào”...

 

TIN AI – TIN GÌ

Thánh Phao-lô từ khi được ơn trở lại và theo Chúa, vẫn luôn xác tín về Đấng-phục-sinh đã gọi ngài. Thánh nhân đã khẳng định, “Tôi biết là tôi tin vào ai”. Suốt cuộc đời theo Chúa, làm tông đồ phục vụ Chúa và Hội thánh, ngài luôn tự hào mình là người đã theo Chúa, tin Chúa và sống mật thiết với Chúa. Thánh nhân đã khẳng định, “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).

Tín hữu chúng ta cũng cần có một niềm tin như vậy. Chúng ta không tin vu vơ, vớ vẩn. Chúng ta cần loại bỏ những mê tín, dị đoan vì những niềm tin ấy sẽ làm lu mờ đức tin chân thật của chúng ta vào Chúa. Thiên Chúa, Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa Thánh Thần, Hội thánh Công giáo, ơn cứu rỗi vv...luôn phải là những thực tại chi phối đời sống đức tin của chúng ta.

Chẳng hạn, khi chúng ta tuyên xưng vào sự hiện hữu của Thiên Chúa thì chúng ta cần loại bỏ tất cả những thần tượng khác không phải là Người. Kinh Tin Kính chúng ta đọc, “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất...”. Kinh Lạy Cha chúng ta đọc, “Lạy Cha chúng con ở trên trời...”. Trong thánh lễ, chúng ta nghe, “Mọi vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng...”. Hoặc trong Cựu Ước có câu, “Ta không nhường vinh quang của Ta cho ai” vv...

Trong cuộc sống của người tín hữu, không nhiều thì ít, mỗi người chúng ta đều bị cám dỗ đam mê những thần tượng của riêng mình. Có thứ thần tượng thuộc lãnh vực tâm linh, như khi chúng ta đi xem bói toán, đi cúng bái chùa chiền, đi xin xăm, đi cầu bái những thần không phải là Thiên Chúa. Có thứ thần tượng thuộc lãnh vực con người, vật chất. Điều này khá phổ biến.

Một bạn trẻ Công giáo nào đó có thể không biết gì hết về Thánh Kinh, nhưng lại say mê và biết rất nhiều về thần tượng âm nhạc, phim ảnh hay nghệ thuật nào đó.

Một người mang danh Công giáo trưởng thành làm nghề kinh doanh buôn bán, có thể chẳng biết gì về Giáo lý nhưng lại rất sành sỏi trong việc chặt chém khách hàng, tỏ ra bình thản trong việc buôn gian bán lận, kinh doanh hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng. Họ là những tín hữu coi tiền bạc, vật chất là “chúa tể” của mình. Họ tôn thờ đồng tiền và những vật chất có từ những đồng tiền bất chính...

Một người Công giáo đạo gốc, bề ngoài xem ra rất đạo đức, thuộc nhiều kinh nhưng thực chất lại là người ăn gian nói dối, sống vô lương tâm, cư xử vô cảm, thiếu tình người...

Vậy thì những tín hữu kể trên có đáng nghe lời trách móc này không, “Dân này thờ Ta ngoài môi ngoài miệng, nhưng lòng nó thì xa Ta” (I-sa-ia).

Đức tin chân chính của Ki-tô hữu luôn coi Thiên Chúa và những gì thuộc về Người là đối tượng duy nhất cho sự thờ phượng, tôn kính và yêu mến. Khi chúng ta cảm thấy mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa mờ nhạt, lỏng lẻo thì đó chính là lúc chúng ta phải xét mình. Có thể đức tin của chúng ta đang gặp khủng hoảng, đang lung lay. Bởi vì khi tin ai, thì người ta biết rõ người ấy và dần dần đi vào tương quan mật thiết với người ấy.

Chẳng hạn, khi xét mình về Điều Răn thứ nhất, chúng ta sẽ suy tư những gợi ý sau (nguồn: https://tonggiaophanhanoi.org/tu-lieu/phung-vu/7151-ban-huong-dan-xet-minh-va-cac-xung-toi):

"Ta là Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta" (Xh 20,2-3).

- Tôi có thực sự yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự không? Hoặc tôi có đặt những thứ khác – chẳng hạn như: công việc, tiền bạc, ma túy, truyền hình, danh vọng, lạc thú, hay người nào đó – trên Thiên Chúa không?

- Tôi có dành thời gian cầu nguyện với Chúa mỗi ngày không?

- Tôi có hành động ngược lại với đức tin, không hoàn toàn tin tưởng và Chúa bằng việc tham gia vào những điều huyền bí, ma thuật, cầu cơ, bói toán, đồng cốt, bùa ngải, xem giờ, ngày lành tháng tốt... hoặc qua việc đọc, xem, hay chơi những trò trái ngược với đức tin và luân lý không?

- Tôi có hoàn toàn đón nhận và làm theo thánh ý Thiên Chúa, hay tôi chỉ chọn và tuân giữ những phần "dễ chịu" trong giáo huấn của Người? Tôi có cố gắng trau dồi sự hiểu biết về đức tin của tôi, hay là tôi thờ ơ không chịu tìm hiểu các chân lý mà Chúa đã dạy?

- Tôi có cố ý nghi ngờ hoặc chối bỏ các chân lý mạc khải, mà trở thành rối đạo, bỏ đạo, hoặc ly khai khỏi Hội Thánh không? Tôi có sẵn sàng xác quyết, bảo vệ, và thực hành đức tin của tôi nơi công cộng chứ không phải chỉ ở nơi riêng tư không?

- Tôi có tuyệt vọng hoặc nghi ngờ lòng thương xót của Thiên Chúa không?

Vậy khi nói chúng ta tin Chúa, thì điều đó có nghĩa là chúng ta đang ở trong mối tương quan thân tình với Người. Không nghi ngại. Không gian dối hai mặt. Không bất trung bất hiếu. Không phản bội. Không chạy theo thần tượng nào khác. Không sống thờ ơ lãnh đạm như người không có đức tin vv.

 

TIN THEO

Trong cuộc sống đức tin của mình, người tín hũu không chỉ tin Chúa mà còn được mời gọi theo Ngài nữa. Tin và theo là hai hành động liên kết với nhau. Một khi đi vào mối tương quan thân mật với Chúa, chúng ta sẵn sàng từ bỏ tất cả để theo Chúa. Theo Chúa là kết quả của một cuộc tìm kiếm và gặp gỡ Chúa trong đức tin. Một khi đức tin khai mở cho chúng ta hành trình theo Chúa, chúng ta sẽ nhận ra mình phải thực hành hai việc sau. Đó là:

Từ bỏ chính mình: Đây không phải là khuyến khích một nếp sống khổ hạnh, một cuộc đời chán chường, ủ dột, nhưng là một cuộc sống dấn thân tích cực. Một cuộc sống mới, đổi đời của công dân Nước Trời. Từ bỏ chính mình để được đồng hóa với Đấng kêu gọi mình, để tháp nhập mình vào cộng đoàn của Chúa Cứu Thế. Chẳng hạn: thực thi Hiến Chương Nước Trời (x. Mt, 5); sống theo lời mời gọi từ bỏ của Chúa (x. Mt 19 – Mc 10 – Lc 18); liều mạng sống vì Đức Ki-tô (x. Ga 12) vv.

 

Lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa: Người tín hữu theo Chúa sẽ luôn quan tâm việc nghe và giữ Lời Chúa. Chúng ta nghe Chúa nói qua Thánh Kinh, qua những biến cố hằng ngày, qua những lời giáo huấn của Hội thánh, qua những lời chỉ dạy của những người có trách nhiệm dạy dỗ. Lời Chúa cần phải được lắng nghe, suy niệm và thực hành.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất nhiều gia đình Công giáo chưa có quyển Thánh Kinh, khá nhiều tín hữu không bao giờ đọc và suy gẫm Lời Chúa, khi dự Thánh lễ phần đông chúng ta chưa chú tâm nghe bài giảng, và có thể khẳng định là rất hiếm khi chúng ta tham khảo những giáo huấn của Hội thánh thông qua các phương tiện truyền thông vv. Đó là một thực tế đáng buồn. Và chúng ta nhớ lại lời của Thánh Giê-rô-ni-mô đã nói: "Không biết Thánh Kinh là không biết Ðức Ki-tô".

Nhưng nghe chưa đủ. Chúng ta phải thực hành Lời Chúa. Như thánh Gia-cô-bê đã nói: “...Hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo vào lòng anh em; Lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào. Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo – luật mang lại tự do -, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gc 1, 21-25).

 

TIN TƯỞNG

Tin tưởng cũng có nghĩa là tin cậy và tín thác. Có thể nói người có đức tin mạnh mẽ sẽ không sợ hãi bao giờ. Họ giống như đứa trẻ luôn an tâm bám víu lấy cha mẹ mình khi gặp phải hiểm nguy, khốn khó.

Chúng ta đều biết câu chuyện Chúa Giê-su dẹp yên biển động (x. Mt 8). “Đức Giê-su xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người, và kìa biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền. Nhưng Người vẫn ngủ. Các ông lại gần đánh thức Người và nói: ‘Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!’ Đức Giê-su nói: ‘Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!’ Rồi Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ” (Mt 8,22-26). Các môn đệ đã theo Chúa nhưng các ông chưa đủ đức tin mạnh mẽ để tin tưởng tuyệt đối vào Thầy Giê-su. Họ cần gặp nhiều biến cố hơn nữa để chịu thử thách và được đào luyện, nhờ đó lòng tin vào Chúa được củng cố và lớn mạnh.

Một trong những cám dỗ lớn nhất của người Ki-tô hữu, đó là dễ ngã lòng khi gặp khó khăn, trở ngại. Khi cuộc sống bình lặng, chúng ta yên tâm sống đạo. Nhưng khi sóng gió ập đến, chúng ta chao đảo, thất vọng và dễ dàng đánh mất niềm tin. Đó là lúc chúng ta không còn tin tưởng vào Chúa nữa. Có thể chúng ta sẽ đi tìm một sức mạnh khác để cứu giúp chúng ta. Sức mạnh của bản thân chúng ta. Sức mạnh của quyền lực thế gian. Sức mạnh của vật chất, tiền bạc vv...

Người có lòng tin tưởng vào Chúa sẽ không bao giờ thất vọng. Họ sẽ có tâm trạng an bình phó thác như chị em gia đình Bê-ta-nia tiếp đón Chúa Giê-su khi Ngài nghe tin La-da-rô đã chết. “Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi ... Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: ‘Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy’... ” (Ga 11, 17-21).

 

TIN YÊU

Đức tin luôn là động lực thúc đẩy chúng ta thực thi lòng mến Ki-tô giáo. Thánh Gia-cô-bê đã nói rõ, như sau: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,14-16).

Thánh Gio-an tông đồ cũng đã liên kết hai điều “Tin” và “Yêu” như một lệnh truyền không tách rời nhau được. “Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta ” (1Ga 3,23).

Ở chỗ khác, thánh Gio-an TĐ còn quả quyết mạnh mẽ hơn: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy ” (1Ga 4,20). Vậy niềm tin của chúng ta dù có mạnh mẽ đến mấy đi nữa mà chúng ta lại bỏ qua việc thực thi lòng mến Ki-tô giáo, thì đức tin ấy là đức tin què quặt, giả dối. Tin và yêu phải luôn đi đôi với nhau như “bóng với hình” vậy. Nếu chúng ta chỉ tin mà không yêu, thì chúng ta không khác gì như một cái cây khô cằn, thiếu sức sống, không hoa trái.

Khi “tôi tin” để tỏ ra vênh vang tôi là người có đạo, khi “tôi tin” để mong làm đẹp lòng cha mẹ, vợ chồng, con cháu tôi, khi “tôi tin” để an tâm mình là người giữ đạo tốt, để cầu xin những gì tôi muốn, để mong được rỗi linh hồn, để người khác ca tụng mình là người đạo đức, khi “tôi tin” để thỏa mãn thị hiếu cá nhân và những cảm xúc nhất thời... Lúc đó, đức tin của tôi chỉ là một cái cây khô cằn, rỗng tuếch và khi có cơn gió thổi qua, nó có thể bị ngã đổ tan nát ngay lập tức.

 

Vậy khi nói “Tôi tin” thì có nghĩa là tôi đã trao phó cả cuộc đời của tôi cho Chúa để Ngài uốn nắn tôi được nên đồng hình đồng dạng như Đức Ki-tô, là Thầy và là Chúa của tôi. Đức tin của tôi sẽ là nhịp cầu sống động nối liền tôi với Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót. Đức tin của tôi sẽ tạo thành trong tôi một mối tương quan thân mật với Đức Ki-tô là Đấng cứu chuộc tôi và mối quan hệ thân tình với mọi người anh em của tôi./.

 

Aug. Trần Cao Khải

1042    26-04-2018