Sidebar

Chúa Nhật

19.05.2024

Trọn một vòng – Từ sách truyện đến linh đạo

Tình yêu đầu đời của tôi, chính là văn học, tiểu thuyết và thơ ca. Lúc còn nhỏ, tôi mê sách truyện, kiểu huyền bí và thám hiểm. Vào cấp một, tôi được dạy học thuộc lòng các bài thơ, và tôi thích việc này lắm. Đến trung học, tôi lại được tiếp cận dòng văn học nghiêm túc hơn, là Shakespeare, Kipling, Keats, Wordsworth, Browning. Nhưng tôi vẫn đọc truyện, những câu chuyện về các chàng cao bồi ở Viễn Tây nằm trên giá sách của bố tôi.

Những năm đại học, văn học chiếm phần lớn giáo trình của tôi, và tôi đã học được rằng văn học không chỉ là những câu chuyện, mà còn là bình luận xã hội và tôn giáo, cũng như là một dạng mỹ học. Trong lớp, chúng tôi đọc các tiểu thuyết kinh điển: Một chín tám tư (Nineteen Eighty-Four), Chúa Ruồi (Lord of the Flies), Heart of Darkness, The Heart of the Matter, Phía Đông Vườn Địa đàng (East of Eden). Giáo trình ở Canada thời đó nặng về các tác phẩm Anh quốc. Chỉ sau này, tôi mới khám phá ra vẻ phong phú của các nhà văn Canada, Hoa Kỳ, Châu Phi, Ấn Độ, Nga, và Thụy Điển. Thưở nhỏ tôi được học giáo lý vững vàng, và giáo lý căn bản giữ vững đức tin, còn văn học giữ vững thần học cho tôi.

Nhưng sau văn học là triết học. Để làm linh mục, chúng tôi cần phải có bằng Triết học. Tôi có duyên được gặp một số giảng viên giỏi và được thấm nhuần lòng yêu mến triết học. Các khóa học nặng về chủ nghĩa kinh viện (Aristotle, Platon, Augustino, Aquino) nhưng chúng tôi cũng được học về lịch sử triết học và triết học hiện sinh căn bản cũng như một vài phong trào triết học đương đại. Tôi như bị ám ảnh, triết học trở thành thần học của tôi.

Nhưng sau triết học, tôi được đào sâu thần học. Cần phải có bằng bốn năm thần học để được truyền chức. Và tôi lại có duyên với các giảng viên giỏi, cũng như có dịp được học thần học khi Công đồng Vatican II và một trường phái thần học mới bắt đầu được áp dụng vào các trường học và chủng viện. Phong trào thần học lúc đó rất sôi nổi, và tôi cũng dự phần vào đó. Trong Giáo hội Công giáo La Mã, chúng tôi đọc các bài của Congar, Rahner, Schillebeeckx, Schnackenburg, và Raymond Brown. Tôi cũng học hỏi được bên phía Tin Lành từ những tác phẩm của Barth, Tillich, Niebuhr, và rất nhiều học giả kinh thánh lỗi lạc. Đức tin thời trẻ của tôi có được một nền tảng tri thức tồn tại vững bền. Thần học trở nên đam mê mới của tôi.

Nhưng sau thần học, tôi lại được tiếp cận linh đạo. Sau khi chịu chức, tôi có cơ hội lấy bằng thần học cấp cao hơn. Và dịp này đã đào sâu tình yêu và sự tận tâm của tôi đối với thần học. Nó cũng cho tôi một công việc giảng dạy, và sáu năm tiếp theo, tôi dạy thần học ở cấp đại học. Đấy là những năm tháng tuyệt vời, tôi được làm việc mình mong muốn, được ở trong lớp thần học. Nhưng trong sáu năm đó, tôi bắt đầu khám phá ra các tác phẩm của những nhà thần nghiệm và ướm thử một vài khóa học về linh đạo, bắt đầu từ khóa học về nhà thần nghiệm lớn người Tây Ban Nha, Gioan Thánh Giá.

Sau đó tôi nghiên cứu lấy bằng tiến sỹ, và dù tôi tập trung luận án vào thần học Hệ thống, và thần học tự nhiên, nhưng đã có gì đó bắt đầu khơi lên trong tôi. Tôi thấy mình ngày càng ham thích giảng dạy và viết bài về lĩnh vực linh đạo, đến nỗi nhiều năm sau có lúc tôi quên bẵng tên của các khóa thần học Hệ thống tôi từng học lúc trước. Và nói thật, tôi quá ham thích về linh đạo.

Mà linh đạo là gì? Nó khác thế nào với thần học? Ở một mức độ nào đó, thì cả hai chẳng khác nhau gì cả. Linh đạo là thần học áp dụng. Cả hai chỉ là một, cả hai đều hướng đến cùng một mục đích. Nhưng có một điểm khác biệt. Thần học là xác định địa hạt, giáo lý, phân biệt đúng sai, và tìm cách khơi dậy trí tưởng tượng tri thức. Theo kinh điển, thì thần học là: Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết.

Nhưng dù phong phú và quan trọng, thần học không phải là một sân chơi. Thần học thiết lập các luật cho cuộc chơi, nhưng không chơi cũng không quyết định kết quả. Vai trò đó là của linh đạo, dù cho linh đạo phải tuân theo thần học. Không có thần học đúng đắn, thì linh đạo bị rơi vào sùng tín quá đáng, một kiểu chủ nghĩa cá nhân không lành mạnh và chủ nghĩa chính thống cực đoan chỉ vì bản thân mình. Chỉ có một thần học tốt đẹp, nghiêm khắc, và hàn lâm mới cứu được chúng ta khỏi mối nguy này.

Nhưng nếu không có linh đạo, thì thần học dễ dàng trở thành một mỹ học tri thức mà thôi. Có được sự thật và giáo lý đúng đắn là một chuyện, nhưng đưa những điều đó vào trong con người xác thịt, ra đường phố, vào gia đình và vào những chất vấn hoài nghi của chúng ta lại là chuyện khác. Thần học cần phải cho chúng ta sự thật, linh đạo cần phải mở đường vào sự thật đó.

Và tôi cảm kích vì mình đã đi trọn một vòng này. Từ những sách truyện thời thơ ấu, qua Shakespeare ở thời trung học, những tiểu thuyết gia và nhà thơ thời đại học, qua triết học Aristotle và Aquino, qua thần học của Rahner và Tillich, qua kinh thánh học của Raymond Brown và Ernst Kasemann, qua các lý giải của trường phái triết học Hậu Hiện đại, qua bốn mươi năm giảng dạy thần học, tôi được trở lại nơi tôi đã bắt đầu – là vẫn tiếp tục tìm kiếm những câu chuyện tốt đẹp nuôi dưỡng tâm hồn.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

1310    31-10-2017