Có những vấn đề không xảy ra mỗi ngày, nhưng chúng vẫn xảy ra. Những thời điểm khi chúng ta quay trở lại và đặt những câu hỏi bắt đầu bằng chữ tại sao. “Tại sao tôi hạnh phúc ngày hôm nay nhưng lại kích động ngày hôm qua?” “Tại sao nhà của chúng tôi đã rất yên bình trong tuần này nhưng lại hỗn loạn tuần trước?” “Tại sao tôi đã rơi vào cuộc cãi vã khác không cần thiết với anh trai tôi ngày hôm nay?” Khi những câu hỏi này phát sinh, chúng ta thường lướt qua chúng hoặc đẩy chúng sang một bên, hãy có ý định nhìn vào chúng khi chúng ta có nhiều thời gian hơn.

Rồi đến câu hỏi mà chúng ta hiếm khi hỏi nhưng nó chỉ ẩn núp ngay dưới bề mặt: “Tôi đang làm gì ở đây?” “Liệu cuộc sống của tôi có mục đích gì” “Tại sao những người tốt phải đau khổ, trong khi những người xấu dường như được thoát ngay khỏi tội lỗi của họ?” “Trong khi thỉnh thoảng chúng ta suy nghĩ về một loạt những câu hỏi đầu tiên, một loạt những câu hỏi thứ hai này lại ít được chú ý hơn. Khi những vấn đề nảy sinh, chúng ta nghi ngờ rằng những câu trả lời thì quá xa chúng ta, hoặc chúng ta có thể cảm thấy sợ hãi về những gì chúng ta có thể tìm thấy nếu chúng ta lưu ý quá chặt chẽ.

Tuy nhiên, đối với tất cả nỗi sợ hãi và sự miễn cưỡng của chúng ta, sự thật là những câu hỏi này chỉ cho chúng ta một câu trả lời tràn ngập niềm hy vọng và sự khuyến khích. Đó là bởi vì chúng đem chúng ta mặt đối mặt với chính Thiên Chúa, Đấng là tác giả của cuộc sống chúng ta. Một mình Người nhìn thấy ánh sáng và bóng tối trong mỗi trái tim của chúng ta. Một mình Người cai quản thế giới với công lý hoàn hảo. Chỉ một mình Người có thể giải thích cho chúng ta về chính bản thân chúng ta. Và tin tốt lành là Người muốn giải thích cho chúng ta về chính chúng ta. Người muốn chia sẻ sự khôn ngoan và kế hoạch của Người với chúng ta.

Vì vậy, trong tháng này, chúng ta hãy cầu xin Cha trên trời của chúng ta ban cho chúng ta một phần tầm nhìn siêu nhiên của Người.

Nhận Lấy một Cái Nhìn Toàn Diện (Toàn Cảnh). Ngày nay, phương pháp tiếp cận cuộc sống phổ biến nhất là phải để cho Thiên Chúa một chỗ vinh dự trong tâm trí của chúng ta, nhưng dường như chúng ta chỉ tìm kiếm Thiên Chúa cách tha thiết trong những thời gian khủng hoảng. Chỉ khi có một điều gì đó nghiêm trọng, chẳng hạn như một căn bệnh trầm trọng, sự bất ổn gia đình, hoặc đe dọa phá sản tài chính xảy ra cho chúng ta, khi đó chúng ta mới cầu xin Chúa Giêsu giúp đỡ và hướng dẫn.

Tuy nhiên, Kinh Thánh một lần nữa cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn giúp đỡ và hướng dẫn chúng ta mọi giây phút, không chỉ khi có những việc khó khăn. Người muốn ở với chúng ta trong mọi giây phút thăng trầm của chúng ta. Người muốn chúng ta đến với Người và chia sẻ những hy vọng và những ước mơ cũng như những lo lắng và thất vọng của chúng ta với Người.

Trong những trang tiếp theo, chúng tôi muốn đề nghị một phác thảo đơn giản, dưới hình thức của một dòng thời gian, giúp thực hành điểm này. Chúng tôi gọi phác thảo này “Panorama (Toàn Cảnh)” bởi vì nó trình bày cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh từ trên xuống về kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa cho sự sáng tạo của Người. Toàn cảnh nhấn mạnh bốn sự can thiệp quan trọng của Thiên Chúa trong lịch sử: sự sáng tạo thế giới, Chúa Giêsu đến thế gian như một con người, sự tuôn đổ Thánh Thần vào ngày Lễ Ngũ Tuần và sự Tái Lâm của Chúa Giêsu vào thời gian cuối cùng.

Dĩ nhiên, Kinh Thánh mô tả nhiều sự “can thiệp” khác từ Chúa: sự xuất hành khỏi Ai Cập chẳng hạn, hoặc bất kỳ một trong những phép lạ của Chúa Giêsu hoặc sự hoán cải của Thánh Phaolô. Chúng ta cũng có thể xác định những sự can thiệp của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng bốn biến cố trên nổi bật vì chúng có ảnh hưởng trên toàn thể tạo vật. Thực vậy, bạn có thể nói rằng hai sự can thiệp đầu tiên (sáng tạo và sự xuất hiện của Đức Kitô) hình thành nên những dấu ngoặc xung quanh thời kỳ chuẩn bị trong kế hoạch của Thiên Chúa, và hai sự can thiệp thứ hai (Lễ Ngũ Tuần và Sự Tái Lâm) hình thành nên những bước ngoặc xung quanh thời kỳ thực hiện đầy đủ kế hoạch của Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta hãy cùng khám phá mỗi một trong các sự can thiệp này để xem chúng ta phải học hỏi những gì.

Sáng tạo. Cốt lõi của những câu chuyện về sự sáng tạo là sự thật rằng tình yêu hạ sinh tình yêu. Cũng giống như một người chồng và vợ có con cái như một dấu hiệu của tình yêu của họ dành cho nhau, tình yêu của Thiên Chúa cũng mang lại kết quả kỳ diệu. Tình yêu của Người luôn luôn tràn đầy sự sống và sự sáng tạo, và chúng ta là kết quả của tình yêu đó. Từ giây phút đầu tiên của sự sáng tạo, Thiên Chúa đã muốn chia sẻ tình yêu của Người cho một dân tộc, dân tộc ấy sẽ đón tiếp Người vào trong trái tim của họ và chúng ta chính là dân đó.

Chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã tạo dựng những người nam và người nữ một cách độc đáo – với khả năng lựa chọn Người, yêu mến Người và để trở nên giống như Người. Như Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng: “Con người… là thụ tạo duy nhất trên trái đất Thiên Chúa đã dựng nên vì chính họ, chỉ con người được kêu gọi tham dự vào sự sống của chính Thiên Chúa, bằng sự nhận biết và tình yêu” (CCC 356).

Khi dựng nên chúng ta, Thiên Chúa ban cho mỗi người trong chúng ta một loạt những quà tặng và tài năng độc đáo của riêng của chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta sử dụng những quà tặng này để xây dựng một thế giới phản ánh vinh quang của Người. Người đang mời gọi chúng ta hãy tham dự với Người trong hành động của việc sáng tạo nên một thế giới được đánh dấu bằng công lý, hòa bình và lòng thương xót.

Sự kỳ diệu của việc tạo dựng nên chúng ta cho thấy Thiên Chúa như một người Cha yêu thương, Người vui thích chia sẻ tình yêu với dân của Người. Điều đó cũng cho chúng ta biết rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa, là các thành viên của gia đình Thiên Chúa và là một dân mà Thiên Chúa có thể gọi là dân riêng của Người. Chúng ta có thể trở thành những người đồng sáng tạo với Thiên Chúa khi chúng ta xây dựng một trên trái đất này ngôi nhà ở đây xứng đáng với Người Cha quảng đại và tốt lành của chúng ta.

Sự Nhập Thể. Chúng ta biết những câu chuyện của Vườn Eden. Cha mẹ đầu tiên của chúng ta đã sa vào tội lỗi bằng cách cố gắng để trở nên những vị thần theo đúng nghĩa của họ. Bây giờ, để hoàn thành kế hoạch mà Thiên Chúa đã dự định cho chúng ta, sức mạnh của tội lỗi phải bị tiêu diệt; các rạn nứt giữa Thiên Chúa và dân của Người đã phải được chữa lành. Điều quan trọng là để thấy rằng ngay cả khi chúng ta đã bị lạc mất và làm nô lệ cho tội lỗi, thì Thiên Chúa không bao giờ ngừng yêu thương chúng ta. Thiên Chúa vẫn muốn chúng ta ở với Người. Thiên Chúa vẫn giữ cam kết với kế hoạch ban đầu của Người. Trong thực tế, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta quá đỗi đến nỗi Người đã sai con trai duy nhất của Người đến để cứu độ chúng ta.

Trong trường hợp chúng ta đã không vâng lời Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã phó dâng chính mình cho thánh ý của Chúa Cha (x. Ga 5,30; Lc 22,42). Trên thập giá, Chúa Giêsu đã chết cho tội lỗi và cứu chuộc chúng ta khỏi quyền lực của tội lỗi (x. Rm 6,10; 1 Pr 1,18-19). Bằng việc sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu tiết lộ quyền lực của Người trên cả cái chết. Một lần nữa, con đường đến với Thiên Chúa lại được mở ra.

Thông qua việc Nhập Thể, Thiên Chúa đã làm cho rõ ràng rằng tội lỗi của chúng ta đã không ngăn cản Người. Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Bằng cách nêu bật sự kiện trung tâm này là việc Chúa Giêsu đến để chết cho chúng ta, bức tranh toàn cảnh chứng minh tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng tôi.

Lễ Ngũ Tuần. Có lẽ hơn cả hai sự can thiệp trước đó, Lễ Ngũ Tuần cho thấy cách sâu xa Thiên Chúa yêu thương chúng ta và muốn thu hút mọi người đến với chính Người – bằng cách ban tràn đầy Thánh Thần của Người trên Giáo Hội. Khi nói với đám đông tụ họp trước mình, Phêrô đã tuyên bố, “Đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi” (Cv 2,39). Món quà của Chúa Thánh Thần không chỉ dành cho các tông đồ. Nó không phải chỉ dành riêng cho những ai đã biết Chúa Giêsu. Nó không phải chỉ dành riêng cho những người Do Thái. Thiên Chúa đã tuôn đổ Thánh Thần của Người “trên hết thảy người phàm” (2,17).

Nhờ Chúa Thánh Thần, mỗi người chúng ta có thể trải nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa một cách cá vị, thân tình. Tất cả chúng ta có thể lãnh nhận được tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu ấy có khả năng làm cho chúng ta quay lưng lại với tội lỗi và trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Thánh Thần thúc đẩy chúng ta nhận lấy kế hoạch của Thiên Chúa để chúng ta có thể làm cho thế giới này trở nên một sự phản ánh rõ ràng hơn về vẻ đẹp, công lý và hoà bình của Thiên Chúa. Thánh Thần liên kết chúng ta lại với nhau như Giáo Hội của Người và sai chúng ta ra đi để chia sẻ tình yêu của Người với những người xung quanh chúng ta.

Năm này qua năm khác, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa vẫn tiếp tục thúc đẩy kế hoạch của Người. Ngay bây giờ, kế hoạch đó có liên quan đến tất cả chúng ta. Chúng ta đều có một phần quan trọng để thực hiện. Được cứu chuộc nhờ Đức Kitô, được đầy tràn Chúa Thánh Thần và được hiệp nhất trong một Hội Thánh, mỗi người chúng ta có thể góp phần mình vào việc xây dựng Nước Thiên Chúa cho đến ngày mà Chúa Giêsu trở lại một lần nữa.

Sự Tái Lâm (Sự Đến Lần Thứ Hai). Kế hoạch của Thiên Chúa sẽ không được hoàn thành cho đến cuối thời gian, khi Chúa Giêsu trở lại thiết lập một trời mới và đất. Sau đó, Thiên Chúa sẽ có “toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28). Cái chết sẽ bị tiêu diệt; nghèo đói, chiến tranh và bệnh tật sẽ biến mất mãi mãi. Sẽ không còn hận thù, phá thai, giết người, hoặc lạm dụng bất cứ loại nào nữa. Thiên Chúa sẽ lau khô hết nước mắt và chúng ta sẽ được sung mãn hoàn toàn bằng sự sống và tình yêu của Người.

Chỉ ở giây phút cuối cùng, khi tất cả chúng ta hoàn toàn hiệp nhất với Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ thấy đầy đủ như thế nào tất cả mọi sự đã xảy ra trong cuộc sống này góp phần vào việc mở ra các kế hoạch của Thiên Chúa. Chỉ sau đó, khi chúng ta nhìn lại qua con mắt của Cha trên trời của chúng ta, chúng ta sẽ thấy sự khôn ngoan và sự quan phòng tuyệt vời của Người.

Đây là lý do tại sao tất cả những ai biết sức sống của Chúa Thánh Thần trong đời sống của họ được thúc đẩy để cầu xin, “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20). Tất cả những gì Thiên Chúa đã có ý định dành cho dân của Người sẽ đến lúc phải hoàn thành khi Thiên Chúa và sự sáng tạo của Người được liên kết trong một giao ước tình yêu vĩnh viễn và không thể phá vỡ.

Hãy Nếm Thử và Hãy Nhìn Xem. Sự Sáng Tạo. Sự Nhập Thể. Lễ Ngũ Tuần. Sự Tái Lâm. Bốn biến cố bao gồm kế hoạch hoàn hảo của Thiên Chúa đối với chúng ta. Các biến cố này giải thích nơi chúng ta xuất thân và chỉ cho chúng ta đến nơi mà chúng ta đang hướng đến.

Vì vậy, bạn hãy cố gắng dành chút thời gian suy ngẫm về cái nhìn toàn cảnh này trong kế hoạch của Thiên Chúa. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho bạn một cái nhìn mới và sâu hơn vào vai trò của bạn trong kế hoạch này. Hãy cầu xin Người chỉ cho bạn thấy rõ Người muốn bạn trải nghiệm sự hiện diện của Người trong những hoàn cảnh hàng ngày của bạn. Nói tóm lại, hãy để Chúa Thánh Thần nâng bạn lên và ban cho bạn một tầm nhìn siêu nhiên (trên trời)!

Theo the Word Among us

Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương