Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Xin để cánh cửa mở

 

 

Giáo hội của Bergoglio thì cởi mở và có tính cách truyền giáo. Năm 2007, trả lời phỏng vấn của bà Stefania Falasca cho nguyệt san 30 Ngày, vị giáo hoàng tương lai giải thích: “Tôi không nói các hệ thống mục vụ là vô ích. Ngược lại. Tự chính nó, những gì dẫn đến con đường đưa đến Chúa là tốt. Với các linh mục của tôi, tôi nói: “Xin các cha làm tất cả những gì các cha phải làm, các cha đã biết sứ vụ của mình: xin nhận trách nhiệm và xin để cánh cửa mở ra.” Các nhà xã hội học về tôn giáo cho biết vùng ảnh hưởng của một giáo xứ có chu vi là sáu trăm mét. Ở Buenos Aires, khoảng cách giữa hai giáo xứ là hai cây số. Tuy vậy, một ngày nọ tôi đề nghị với các cha xứ thuộc quyền của tôi, tôi sẽ thuê cho họ một nhà xe, với điều kiện họ tìm một giáo dân rỗi rãnh đến đó, để ở gần dân chúng một thời gian, dạy giáo lý, cho người bệnh rước lễ hay những ai cần rước lễ. Một cha xứ nói nếu làm như vậy thì người ta sẽ không đi lễ nữa. Tôi nói: “Tại sao vậy? Bây giờ có nhiều người đi lễ không?” Cha xứ trả lời: “Không.” Vậy thì! Phải đi ra khỏi chính con người mình, ra khỏi tường rào của chính hình ảnh cá nhân, nếu nó trở thành trở ngại, nếu nó đóng cửa con đường đến với Chúa. Và đối với giáo dân cũng vậy…”

Tân giáo hoàng xem tu hội hóa giáo dân là một sai lầm: “Các linh mục muốn tu hội hóa giáo dân và giáo dân thì yêu cầu được tu hội hóa… Đó là một thông đồng đáng lên án. Chỉ có rửa tội là đủ. Tôi nghĩ đến những cộng đồng kitô ở Nhật, họ vẫn duy trì được cộng đồng dù hơn hai trăm năm không có linh mục. Khi các nhà truyền giáo trở lại, họ thấy ai cũng được rửa tội, học giáo lý, làm đám cưới theo đúng nghi thức Giáo Hội. Hơn nữa họ còn thấy người chết được an táng theo nghi thức công giáo. Đức tin vẫn còn nguyên, được bảo vệ nhờ ân sủng và đời sống của giáo dân được thánh hóa; là người được rửa tội, các giáo dân này đã sống được sứ vụ tông đồ của họ. Đừng sợ mình bị lệ thuộc vào sự Hiền Dịu của Ngài.”

Về vấn đề này, trong cuộc phỏng vấn của nguyệt san 30 Ngày, cha nhắc lại đoạn Thánh Kinh của tiên tri Giôna: “Giôna đã có những ý nghĩ minh bạch. Về Thiên Chúa, về điều thiện điều ác. Trên những gì Thiên Chúa làm và những gì Ngài muốn, về các tín hữu trung thành và không trung thành với Giao Ước. Ông là mẫu tiên tri giỏi. Và Thiên Chúa bỗng xuất hiện trong cuộc đời của ông. Chúa gởi ông đến thành phố Ninivê. Ninivê tượng trưng cho tất cả những người bị cô lập, những người thất bại, những nơi sâu thẳm của nhân loại. Của tất cả những người ở bên ngoài, ở xa. Giôna hiểu công việc Chúa giao phó cho ông: Nói với tất cả những người này, bàn tay Chúa vẫn mở rộng, Chúa ở đó để chờ họ, để chữa lành bằng tấm lòng tha thứ của Ngài, nuôi dưỡng họ bằng tấm lòng êm ái dịu dàng của Ngài. Chỉ chính vì điều này mà Chúa gởi ông đi. Chúa gởi ông đến Ninivê, nhưng ông lại trốn về vùng khác, về Tarsis.”

Bà Stefania Falasca hỏi: “Có lẽ ông muốn trốn một sứ vụ khó khăn?” Cha Bergoglio trả lời: “Không, điều ông ấy trốn không phải là thành phố Ninivê nhưng là trốn tình yêu không bờ bến của Thiên Chúa đối với con người. Điều này không đóng khung trong kế hoạch của Ngài. Ngày xưa Chúa đã đến một lần… “Còn tôi, tôi sẽ lo phần còn lại”: đó là câu Giôna đã nói. Ông muốn làm mọi sự theo cách của ông, ông muốn điều khiển! Sự ngoan cố của ông khép ông trong các thành kiến, các phương pháp, các ý kiến đã được ước định của ông. Những sợi chỉ có gai có ngạnh quấn chặc tâm hồn ông với những xác quyết mà theo lẽ phải để Thiên Chúa mở lòng ông ra với người khác, nhưng rốt cuộc tâm hồn bị nghẽn. Nhận thức cách biệt đã làm tâm hồn bị chai cứng như thế nào! Giôna không biết thế nào là Thiên Chúa, Chúa Cha đã dẫn dắt dân mình như thế nào.”

Vị giáo hoàng tương lai nói tiếp: “Các xác quyết của chúng ta có thể trở thành bức tường, nhà tù giam hãm Thần Khí. Ai để nhận thức của mình đi xa con đường của dân Chúa sẽ không biết niềm vui của Thần Khí, đấng mang hy vọng. Đó là nguy cơ của một nhận thức cách biệt, từ thế giới Tarsis khép kín của họ, họ than thở mọi chuyện hoặc cảm nhận bản sắc riêng của họ bị đe dọa, họ lao mình trong những trận chiến mà cuối cùng họ chỉ quay vòng vòng chung quanh mình.” 

Nguyễn Tùng Lâm dịch

721    23-12-2017