Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Ý nghĩa Mùa Vọng

Ý NGHĨA MÙA VỌNG
 
Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu.” (Is 40, 4-5)

Đoạn sách Isaia nổi tiếng trên đây nói về quyền năng và sự hiện diện của vinh quang Thiên Chúa biến đổi thế giới theo mọi khía cạnh. Không có phần nào của tạo thành mà sự hiện diện của Thiên Chúa qua biến cố nhập thể không chạm đến. Nói khác đi, việc Thiên Chúa đến trong thế gian qua Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, làm biến đổi mọi sự.
 
Đó là lời tuyên tín về việc Chúa Giêsu đến lần thứ hai: việc Người trở lại sẽ mở ra trời mới đất mới; tội lỗi và cái chết, sự dữ và sai trái sẽ chấm tận; đời sống chúng ta, và mọi điều chúng ta biết, sẽ được biến đổi. Đây là chiến thắng mà thập giá, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu sẽ mang lại; đây là sự hoàn tất và kiện toàn công trình tạo dựng của Thiên Chúa và sự cứu độ của công trình ấy; đây chính là yếu tính của Nước Thiên Chúa.

Điều chúng ta thường bỏ sót là Nước Thiên Chúa chỉ là cái gì đó sẽ đến. Nếu Nước Thiên Chúa chỉ được thiết lập trong tương lai – cái gì đó sẽ đến nhưng hiện giờ chưa có – thì chúng ta thật sự là một dân tộc đi trong tối tăm. Nước Thiên Chúa sẽ đến, nhưng cũng đã hiện diện ở đây, hôm nay, trong Giáo hội của Đức Giêsu Kitô. Nói rằng Nước Thiên Chúa chỉ là cái gì đó tương lai, và không phải cái gì đó đã hiện diện trong Giáo hội hôm nay, là chối bỏ Thần Khí hoạt động và hiện diện trong Thân thể Đức Kitô, tức Giáo hội. Tuy Nước Thiên Chúa chưa hoàn hảo cũng chưa hoàn tất nơi Giáo hội hôm nay, nhưng chúng ta tuyên xưng Giáo hội là sự nếm trước và sự biểu lộ thật sự Nước Thiên Chúa trọn hảo đang đến.

Sự hiện diện của Thiên Chúa trong biến cố nhập thể của Đức Giêsu, sự Hiện Diện thật sự của Người với chúng ta trong Giáo hội, và trong việc Đức Kitô trở lại phán xét thế giới, là tất cả ý nghĩa của Mùa Vọng.

“Hừm! Nhưng tôi nghĩ Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị đón mừng Chúa Giêsu sinh ra mà!” Đúng, nhưng còn hơn thế nữa. Nếu chúng ta xem qua các bài đọc dành riêng cho bốn Chúa nhật Mùa Vọng thì chúng ta thấy rõ chúng ta bắt đầu mùa này bằng việc tập chú vào việc trông đợi Đức Giêsu đến lần thứ hai. Các bài đọc đề cập đến việc Đức Giêsu trở lại, với sự xuất hiện bất ngờ của “Vua vinh quang”, và với nhiệm vụ của chúng ta là “tỉnh thức” chờ Người đến. Những sứ điệp chờ mong Chúa tái giáng và thiết lập trọn hảo Nước Thiên Chúa mở đường cho các đoạn văn Kinh thánh tập trung sự chú ý của chúng ta vào việc Chúa đến lần thứ nhất, như một hài nhi, sinh bởi một trinh nữ, tại Bêlem miền Giuđê. Vì thế, suốt phần một Mùa Vọng, chúng ta tập chú vào cuộc tái giáng của Đức Giêsu trong đám mây vinh quang, và vào sự hiện diện hiện tại và tương lai của Nước Thiên Chúa; suốt phần còn lại Mùa Vọng chúng ta tập chú vào cuộc giáng sinh của Đức Giêsu.

Từ “Mùa Vọng” (Advent, tiếng Anh; Adventus, tiếng Latinh) có gốc tích từ thực hành của người Rôma tiền Kitô giáo. Họ tổ chức lễ hội kỉ niệm hằng năm lễ đăng quang của Hoàng đế. Tương tự, Kitô hữu sơ khai đã thâu nạp thuật ngữ này dùng cho việc cử hành Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đến trong thế gian và Vương quốc hiện tại của Người, Giáo hội.

Lúc đầu, kể từ những năm 300, đó chỉ là kì lễ hội trước lễ Giáng sinh, một lễ hội tương đối nhỏ. Tuy nhiên, vào những năm 500, Mùa Vọng đã phát triển thành giai đoạn gồm sáu Chúa nhật trước lễ Giáng sinh. Giống như Mùa Chay, Mùa Vọng là khoảng thời gian suy tư thinh lặng, nội tâm và chuẩn bị thiêng liêng. Đầu thế kỉ VII, Đức Giáo hoàng Grêgôriô giảm số lượng Chúa nhật Mùa Vọng xuống còn bốn, trong khi tăng tầm quan trọng của chúng thành giai đoạn cử hành và chuẩn bị không chỉ cho việc giáng sinh của Hài Nhi Giêsu, nhưng còn cho việc Đức Kitô đến lần thứ hai.

Theo dòng lịch sử, màu sắc dành cho lễ phục của giáo sĩ, bàn thờ và đồ trang trí bục giảng trong suốt Mùa Vọng là màu tím. Không giống như Mùa Chay, màu tím Mùa Vọng không phải là màu sám hối và tha thứ, nhưng đúng hơn, màu tím của hoàng triều – của vua chúa và vương quyền. Nó nhắc nhớ chúng ta rằng cuộc hạ sinh Hài Nhi Kitô là cuộc hạ sinh của Vua các vua và Chúa các chúa, vì thế màu tím thích hợp dùng cho mùa quan trọng này.

Một trong những truyền thống mà nhiều người yêu thích là thắp nến vòng hoa Mùa Vọng. Lịch sử của vòng hoa Mùa Vọng thì rất cổ xưa, thật vậy, trở lui về đến Bắc Âu tiền Kitô giáo và các thực hành thờ phượng mùa đông của dân Xcăngđinavi. Trước khi trở lại Kitô giáo, họ thắp nến như hình thức thờ phượng thần ánh sáng. Họ cầu khẩn mặt trời ấm áp trở lại và mùa xuân đến. Họ đặt những ngọn nến này trên vành bánh xe phủ cỏ xanh để biểu thị vòng quay của trái đất và chu kì các mùa. Giáo hội tiếp nhận và Kitô hóa những vòng hoa này thành dụng cụ chuẩn bị lễ Giáng sinh. Bởi lẽ, Đức Kitô được tuyên xưng là “ánh sáng đến thế gian” để đẩy lui bóng đêm tội lỗi và sự chết và chiếu giãi chân lý và tình yêu.

Bốn ngọn nến trên vòng hoa Mùa Vọng tượng trưng bốn tuần. theo truyền thống, ba ngọn màu tím và một ngọn màu hồng. Các ngọn tím biểu trưng cho vương triều của Vị Vua đang đến và cho nhu cầu cầu nguyện, chuẩn bị và suy niệm ý nghĩa của việc Người chào đời. Ngọn nến hồng nói lên rằng nửa Mùa Vọng đã trôi qua (ngọn này nên thắp vào Chúa nhật thứ ba). Ở trung tâm vòng hoa Mùa Vọng là “Ngọn Nến Kitô”, được thắp lên vào đêm Vọng Giáng sinh và cháy mãi, trên bàn thờ, suốt Mùa Giáng sinh. Nó nhắc nhớ Đức Kitô thật sự là Ánh Sáng thế gian, Ánh Sáng của đời sống chúng ta.

Trong Mùa Vọng và Giáng sinh này, chúng ta hãy vui lên trong sự hiện diện của Ánh Sáng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nơi đời sống chúng ta và chúng ta hãy sẻ chia Ánh Sáng ấy cho mọi người chúng ta gặp gỡ!

 
Tiến sĩ Gregory S. Neal

995    07-12-2017