Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Yêu Mến Thánh Thể

Chúng ta hãy đón nhận Mầu Nhiệm Đức Tin Lớn Lao Này bằng Tình Yêu

Bởi: MOST REVEREND WILLIAM E. LORI

Không lâu trước đây, một người giáo dân nói với tôi rằng cô ấy không nhận thấy có nhu cầu đi tham dự Thánh Lễ mỗi ngày Chúa Nhật. Cô ấy nói rằng: “Thỉnh thoảng tôi đi Lễ, khi tôi nghĩ là điều ấy sẽ giúp ích cho tôi”.

Thật đáng tiếc, nhiều người Công Giáo ngoan đạo cũng có cùng thái độ này, một thái độ không cân xứng với quà tặng và mầu nhiệm của Thánh Thể. Chỉ khi nào Tin Mừng mới có được một chỗ trong trái tim trong chúng ta và chúng ta đã thực sự cho phép chính mình gặp gỡ Thiên Chúa, thì chúng ta mới bắt đầu nhìn nhận Thánh Lễ hoàn toàn khác. Thánh lễ không chỉ đơn thuần là một nghi lễ có thể giúp hay truyền cảm hứng cho tôi. Nhưng đó chính là nơi và cách thức mà Chúa Kitô được gặp gỡ một cách cá vị sâu sắc và thực sự. Đó chính là nơi mà tình yêu Chúa có thể thực hiện những cuộc đột nhập sâu sắc hơn vào trong cuộc đời của tôi. Đó là cách thức tôi có thể lớn lên như người môn đệ trong cộng đoàn Giáo Hội. Đó chính là nơi tôi có thể diễn tả tốt nhất tình yêu của tôi đối với Thiên Chúa qua lời ngợi khen hoàn hảo.

Bản Trích Yếu (của Giáo Lý Công Giáo) trình bày một tóm tắt ngắn về mầu nhiệm đức tin vĩ đại này: “Bí tích Thánh Thể là chính hy tế Mình và Máu của Chúa Giêsu” (271). Đó không đơn thuần là một lời nhắc nhớ rằng Chúa Kitô đã trao ban Mình và Máu Người vì lợi ích cho chúng ta; đúng hơn, đó là một sự dâng hiến. Chính Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể “để lưu tồn hy tế thập giá của Người qua bao thế kỷ cho đến khi Người trở lại trong vinh quang” (271). Bí tích Thánh Thể, trung tâm của đời sống Giáo Hội, là bàn tiệc và sự tưởng niệm sống động của hy tế của Chúa Kitô. Khi chúng ta tham dự cách xứng đáng vào Thánh Thể, thì ngay bây giờ chúng ta dự phần vào sự sống của chính Thiên Chúa.

Sự Hiện Diện Thực Sự

Mỗi lần cử hành Thánh Thể, hy tế của Chúa Giêsu thực sự được hiện diện: “Hy tế thập giá và hy tế Thánh Thể là một và là cùng một hy tế” (Compendium, 280). Chúa Kitô vừa là tư tế vừa là của lễ. Điều khác biệt trong cách hiến dâng: hy tế của Chúa Kitô trên thập giá có đổ máu, còn Bí tích Thánh Thể được trao ban trong một cách thức không đổ máu, nhưng qua những dấu hiệu của bánh và rượu (280).

Chúa Giêsu đã sẵn sàng hiến dâng hy tế tình yêu của Người cho chúng ta để chúng ta có thể dâng hiến cuộc sống của chúng ta – những niềm vui, những nỗi buồn và công việc hằng ngày của chúng ta – kết hiệp với Người dâng lên Chúa Cha như một hy tế tạ ơn có thể được chấp nhận. Đó là lời cầu nguyện hoàn hảo nhất mà chúng ta có thể dâng lên Chúa để cầu nguyện cho những người thân yêu của chúng ta và cho tất cả những người đang còn sống cũng như đã qua đời.

Chúng ta có thể hiểu nhu cầu của chúng ta đối với Thánh Thể bằng cách tập trung vào cách thức Chúa Giêsu hiện diện “cách đích thực, thực sự và theo bản thể: với Mình và Máu Người, với linh hồn và thần tính của Người” (Compendium, 282). Thật vậy, Giáo Hội đã đúc kết một từ để diễn tà sự biến đổi hoàn toàn của bánh và rượu thành Mình và Máu của Chúa Kitô: “Sự biến đổi bản thể” (283).

Điều này hướng dẫn chúng ta suy niệm về việc tôn kính mà chúng ta dành cho những hình sắc Thánh Thể, bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô. Chúa Kitô hiện diện toàn thể và hoàn toàn trong mỗi phần nhỏ của Bánh Thánh và trong từng giọt của Máu huyết Chúa Kitô. Vì thế, những hình sắc Thánh Thể phải được tôn kính và gìn giữ hết sức cẩn thận. Bởi vì Chúa Kitô hiện diện thực sự và bản thể, nên chúng ta phải tôn thờ Thánh Thể trong suốt Thánh Lễ và ngoài Thánh Lễ.

Được ban tặng vẻ đẹp và tâm điểm của món quà cao quý này, Giáo Hội thật có lý khi buộc chúng ta phải tham dự Thánh Lễ mỗi ngày Chúa Nhật (Compendium, 289). Và Giáo Hội đòi buộc chúng ta phải rước Mình Thánh Chúa ít nhất một năm một lần, trong suốt mùa Phục Sinh, và Giáo Hội khuyến khích chúng ta thường xuyên rước Lễ khi tham dự Thánh Lễ (290). Để lãnh nhận cách xứng đáng, chúng ta phải là thành viên của Giáo Hội Công Giáo và sống trong tình trạng ân sủng (291). Nếu chúng ta ý thức về bất cứ tội luân lý nào chúng ta đã phạm, trước hết chúng ta nên lãnh nhận Bí tích Hòa Giải. Chúng ta cũng nên chuẩn bị tâm hồn để rước Chúa trong Bí tích Thánh Thể bằng cách cầu nguyện sám hối và bằng cách giữ chay một giờ trước Thánh Lễ. Cuối cùng, chúng ta nên biểu lộ lòng tôn kính đối với Thánh Thể bằng thái độ cầu nguyện và bằng việc ăn mặc cách xứng hợp khi tham dự Thánh Lễ. Trong mỗi phần của những cách thức này, chúng ta hãy để cho mình được chìm ngập vào trong tình yêu của mầu nhiệm đức tin vĩ đại này.

Theo the Word Among us
Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

1834    22-03-2018