Sidebar

Thứ Tư
16.10.2024

Sống Đạo Bằng Tình Cảm

Tháng năm chúng ta kính nhớ lời thưa vâng của Mẹ Maria, và cũng thấy tác động của Giuse tuân phục, lãnh sứ mạng. Hai Ngài có phải vì cảm tình, ham làm Mẹ Chúa, làm Đấng bảo trợ Chúa...cho nên Vâng và Phục. Cả hai Đấng đều đòi dấu, chứng lý lẽ thích hợp mới lãnh nhận.

Trong vấn đề sống đạo chúng ta cũng phải tìm thấy khía cạnh hợp lý, nếu chỉ do tình cảm thôi, thì nói được giữ đạo chưa mấy tốt, và cũng có thể không có nền tảng vững chắc.

Chúng ta hãy thử tìm nhận định, thế nào là giữ đạo theo tình cảm? Phải đặt vấn đề, vì thực tế có thể quả quyết đa số tín hãu Việt Nam thường là giữ đạo theo tình cảm. Cho đến nay trong chúng ta có mấy ai đặt vấn đề. Tại sao tôi tin có Chúa? Nhờ đâu tôi được hiện hữu ở đời, và tôi sống để làm gì, đi về đâu, vì lẽ nào mà tôi phải tuân giữ luân lý....Đa số chúng ta không mấy ai đặt vấn đề nhưng vẫn giữ đạo. Tại sao giữ đạo?

1.Vì mình là con nhà có đạo, cha mẹ đạo thì con cũng đạo, thế thôi.

2.Khi còn bé, mẹ cho bú, cho ăn để sống; bé không biết gì; cha mẹ đi nhà thờ đọc kinh, mình theo đó sống, không biết gì! Thấy làm sao, thì làm theo như vậy. Lớn hơn một ít, cha mẹ bảo quét nhà, thì quét nhà, không nghĩ tại sao quét nhà, quét nhà để làm gì?

3.Đến giai đoạn dậy thì (có thể nói là giai đoạn lý trí, ý chí bắt đầu tác động) nhận định phân biệt được lành dữ, tốt, xấu, chưa vận dụng lý trí, ý chí đúng mức. Thấy người lành làm việc lành, thì ham bắt chước. Đó là chỉ theo tình cảm. Thanh niên nam nữ mới gặp nhau, không biết do đâu mà nảy sinh ra tiếng sét ái tình (yêu nhau tha thiết) tình cảm lay động mạnh!

Hình ảnh cuộc sống tự nhiên giúp chúng ta nhận định về sống siêu nhiên.

Sống tình cảm:

1.Nói được là sống vô ý thức, ấu trĩ.

2.Sống chưa trưởng thành, chưa tràn đầy là con người, vì chưa dùng lý trí, ý chí.

3.Ít nhiều còn là nô lệ, giữ luật vì người ta dẫn, người ta bắt buộc.

4.Giữ đạo theo tình cảm thì thiếu nền tảng "vô tri bất mộ". Tình cảm phai nhạt có thể đưa đến nghịch cảm (khác thiện cảm), rồi đến đổ vỡ.

5.Chúng ta nhớ dầu là tình cảm cũng phải có lý do để cảm, để yêu (Le coeur a des raisons que la raisons ne connait pas!).

Sống đạo do tình cảm, theo tình cảm chưa đủ, chưa tốt lắm!

Chúng ta biết giữ đạo bề ngoài thì không gọi là sống đạo. Giữ đạo theo lệ thì cũng chưa phải là giữ đạo. Còn giữ đạo do tình cảm, theo tình cảm thì chúng ta phải nhận định như thế nào? Thế nào là do tình cảm, theo tình cảm?

Khi còn bé, mẹ dạy mình thuộc kinh, thuộc cả những câu thiệu nói về Chúa, thuộc mà cũng không biết và cũng không hiểu chi cả.

Đến tuổi Rước Lễ, Thêm Sức, nghe cha thầy dạy, mình cũng nghe, cũng thuộc, nói thì mình tin? Như thế cũng nói được phần nào là sống đạo; nhưng thực ra, phần lớn chúng ta chưa suy nghĩ tới: người lớn, người thông đã nói thì mình nhận, thế thôi!

Thấy ông bà cha mẹ, hoặc những thần tượng (như Dì phước chẳng hạn) giữ đạo nhiệt thành, nên mình có chút cảm nhận: Giữ đạo là tốt, thấy người ta giữ đạo thì bắt chước; cũng có trường hợp bị bát buộc, không giữ đạo thì đòn. Giữ đạo nhưng thiếu suy nghĩ!

Đến giai đoạn trưởng thành, biết dùng lý trí nhiều rồi, đáng lý phải tự suy nghĩ tạo sao tôi tin có Chúa, tại sao tôi giữ đạo, nhưng vì từ nhỏ đã bị uốn nắn, nằm trong khuôn khổ nên bây giờ cảm thấy tốt, là giữ thôi! Tóm tắt lại: giữ đạo vì nghe người ta dạy, thấy hay hay mình giữ, mình bắt chước (cũng có thể giữ để được lợi).

Cũng có người lầm tưởng: cảm động, cảm xúc, lúc suy nguyện về cuộc tử nạn, hay tình yêu Chúa, rồi rơi lệ và cho đó là sốt sắng, là giữ đạo nhiệt thành. Không đúng.

Qua cái nhìn trong thực tế cuộc sống do tình cảm, theo tình cảm, chúng ta có thể quả quyết, giả như không có hại, thì ít nữa giữ đạo, sống đạo như thế là chưa đủ, chưa tốt hẳn.

Sao nói được như thế?

Xin nêu lên một vài ý nghĩ: Tình cảm chưa hẳn là tình yêu! Đạo chúng ta là thương yêu và kết hợp, mà tình cảm chưa hẳn là tình yêu. Nếu nghĩ về thú tính thì cảm xúc chỉ là một nhu cầu, còn con người thì nói được có chút ít tình yêu. (Le coeur a des raisons que la raisons ne connait pas! Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không biết).

Dầu sao tình cảm không thôi, thì không có nền: Vô tri bất mộ, không biết đối tượng thì yêu thể gì! Không biết người ta thiện hảo, người ta cần cho mình thì làm sao yêu?

Kinh thánh cũng bảo: Justus ex fide vivit: người công chính (có thể hiểu người được Chúa yêu và yêu Chúa) sống bởi đức tin; đức hiểu biết). Cần có biết mới yêu.

Trường hợp đặc biệt như Thánh Phaolô trên đường Đamát, có thể nói đây là tiếng sét ái tình mà Chúa ban cho ngài: vừa biết, vừa yêu.

Tình cảm của dân chúng trong cuộc Chúa huy hoàng tiến vào Giêrusalem, đã bị cải biến hoàn toàn trong vài ngày sau đó.

Tình cảm của Maria Mađalêna ở Bêtania khá dồi dào, ngồi cạnh chân Chúa và đến khi Chúa sống lại, nghe tiếng Chúa, Maria rung động quá nên đã nhào đến ôm chân Chúa! Chúa phản ứng thế nào? Chúa bảo: đừng làm thế, Ta chưa về với Chúa Cha! Chúa không nói rõ, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu, đừng để cảm xúc lôi cuốn, tình yêu phải cao siêu, linh thiêng hơn!

Vậy, việc sống đạo của chúng ta không nên chỉ dựa vào tình cảm, mà phải sống hiểu biết, ý thức, nhờ đức tin nâng đỡ soi sáng.

Kết luận:

Thường nên kiểm điểm đời sống của mình, lối sống đạo của mình.

Không nên dựa vào những cảm tình trong lối giữ đạo mà cho mình là tốt, là sốt sắng. Cảm tình, động lòng trong lối giữ đạo chưa phải là đạo chính đáng.

Cố gắng tìm hiểu sâu về đạo và thấy được những lý do tin Chúa, lý do giữ đạo. Giữ đạo không những với tình cảm mà cũng phải sống với lý trí.

Xin Chúa thêm đức tin cho con, để chúng con tin mến nhiệt thành, nhờ đó bảo đảm cho chúng con được mục đích tối chung là kết hợp với Chúa, sáng Danh chúa và hạnh phúc đời con

Tháng 05 - 2007

1219    01-01-2011 07:32:16