Sidebar

Chúa Nhật

05.05.2024

Tháng Mân Côi

Hội Thánh dùng tháng 10 để khuyến khích thúc đẩy tín hữu hâm mộ lần chuỗi Môi Khôi. Lần chuỗi là một việc tôn sùng, dĩ nhiên không hoàn toàn khẩn thiết, nhưng rất lợi ích.

Những thế kỷ trước không những ở Việt Nam mà cả thế giới ham lần chuỗi.

Cả đất nước mỗi nhà thờ, mỗi Chúa Nhật đều lần chuỗi Môi Khôi: sớm, trưa, chiều. Gia đình nào không dự được buổi trưa thì giờ kinh tối đọc một chuỗi 50.

Buồn thay! Hiện giờ, giáo hữu không còn giữ lòng ham mộ lần chuỗi. Có khi còn cho là việc kém giá nữa! Thời xưa giới Tin Lành thường xuyên tiếp xúc với Chúa (semper orare) thì đã đọc 150 Thánh Vịnh. Giới tính hữu bình dân thấy vậy ham quá nhưng không đọc Thánh Vịnh được nên thay vào đó đọc 150 Kinh Kính Mừng.

Thánh Vịnh, tôn thờ Chúa, tỏ tình với Chúa cách thông thái sâu rộng; còn lần chuỗi, vẫn có tình, dẫu đơn sơ, vẫn nồng ấm...

Về vấn đề thông thái sâu rộng thì Hội Thánh thêm vào kinh Tin Kính, Lạy Cha, Sáng Danh. Kinh Tin Kíh gồm các điều phải tin. Kinh Lạy Cha (Kinh chính Chúa đã dạy) là Kinh gồm tất cả các lời kinh. Sau cùng Kinh Sáng Danh là tuyệt đỉnh của công trình tạo dựng và cứu chuộc.

Đặc điểm của lần chuỗi là phần suy niệm: Đọc kinh, đọc Thánh Vịnh, dẫu sao cũng thường kể là khẩu nguyện. Còn lần chuỗi vừa là khẩu nguyện vừa là tâm nguyện. Ngoài miệng vừa đọc, mà tâm trí vừa nhìn vừa suy nghĩ về Chúa.

Nhìn như trong ngắm (gẫm)

- Đức Bà được truyền tin... Chúng ta có thể nhìn bức tranh Thiên Thần hiện đến, loan truyền Lời Chúa. Mẹ Maria bàn luận... Nhìn kể được là tâm nguyện. Nhờ biết nhìn mà Chúa chiếm lấy tâm hồn.

- Vừa đọc vừa suy niệm. Tại sao Chúa giáng trần, với hình thể một trẻ bé? Tại sao Chúa quá trọng một trinh nữ nghèo? Vì đâu mà Chúa trọng tự do của con người.v.v.

- Nhìn Chúa, suy nghĩ về Chúa để được biết Chúa hơn, để lần lượt nên người thân của Chúa và liên kết với Chúa.

- Nghe lời Mẹ Hội Thánh khuyến khích, chúng ta hãy ham mộ lần chuỗi. Việc tôn sùng lần chuỗi đã có lâu đời trong Hội Thánh. Mẹ Maria, những lần hiện ra ở Lộ Đức, ở Fatima cũng đã khuyến khích.

Việc lần chuỗi vừa đơn sơ, vừa cao siêu, nhiều lợi ích, có thể nói là trường học của nhiệm hiệp.

Tôn sùng Mẹ Maria qua việc lần chuỗi:

Có thể nói, gần như toàn thể các thánh đều tôn sùng Mẹ Maria, Đấng mà Chúa đã trối lại cho nhân loại "Này là Mẹ con".

Thời xưa, lúc mới truyền đạo, các nhà thừa sai đã dạy, đã tập cho chúng ta mỗi tuần đọc nguyên chuỗi Môi Khôi (150 kinh).

Như thế có nói được là tôn sùng Đức Mẹ chưa? Tôn sùng vì mình thường chạy đến nương nhờ cầu xin, chưa đủ!

1. Trước tiên phải nhận thức việc mình làm, không làm theo lệ thói máy móc.

2. Đúng ra, phải là việc đạo đức, cho nên việc cầu xin để thi đậu, để hết bệnh, để được may mắn trong công ăn việc làm... chưa phải là tôn sùng mà có thể là lạm dụng.

3. Lần nhiều chuỗi để được tiếng là tôn sùng, chưa phải là tôn sùng.

4. Xin cho chính việc tôn sùng (lần chuỗi) được tốt hơn, đúng hơn, đẹp hơn...

5. Vì mộ mến đức hạnh của Đấng mình tôn sùng nên mong ước, noi gương, lại cũng vì mộ mến, nên thường giao tiếp cầu xin; xin giúp cho biết xem lễ, làm việc lành tốt hơn. Đó chính là tôn sùng đích thực.

Thật ra, chăm chú, ý thức thường xuyên đọc 50 kinh Kính Mừng, kể là quá tầm trí của con người. Cho nên, Hội Thánh ghép vào 15 mầu nhiệm Vui - Thương - Mừng chuyển đổi nhau. Khi nhớ kinh, khi nhớ Chúa.

Nhờ Mẹ giúp, nhìn Chúa, thân với Chúa và kết hợp với Chúa. Có người quả quyết: lần chuỗi không suy niệm là xác không hồn. Nếu biết dùng suy niệm trong "lần chuỗi" thì lần chuỗi là trường dạy chiêm niệm (kết hợp với Chúa).

Chúng ta lần chuỗi thế nào? Có dám quả quyết tôn sùng Mẹ Maria không? Thời nay, tín hữu lần lần quên hẵn việc lần chuỗi, có thể cho là phận khó nhọc trong cuộc sống đạo. Giá như còn giữ lệ thói của tiền nhân thì như máy móc.

Xin Chúa canh tân đời sống chúng ta, để chúng ta hiểu biết, dùng việc lần chuỗi, tôn sùng Mẹ Maria, nhờ đó, chúng ta tìm gặp Chúa, thân với Chúa và kết hợp được với Chúa.

Lạy Mẹ Maria, xin dẫn dắt chỉ dạy chúng con.
Nhờ Mẹ Maria đến cùng Chúa Giêsu.
(Per Maria ad Jesum!)

1593    23-01-2011 21:50:07