Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Thư Mục Vụ_08_2010

THƯ MỤC VỤ 08/2010


Tòa Giám Mục Vĩnh Long
103 đường 3/2
Vĩnh Long

Ngày 27.07.2010

V/v Vai trò của Gia Đình trong việc dạy Giáo lý

1. Ta có thể nói Kitô hữu là tên gọi cao quí của con nhà có Đạo. Tại Cêsarêa, trước mặt tổng trấn Festô và vua Agrippa, Thánh Phaolô đã mạnh dạn rao giảng Đức Kitô chịu đau khổ và sống lại từ cõi chết, đúng như lời các tiên tri và Môisen đã báo trước.

Vua Agrippa nói với Phaolô: "Chút nữa là ông thuyết phục được tôi trở thành Kitô hữu rồi đấy" . Phaolô trả lời: "Chút nữa hay nhiều nữa, thì tôi cũng xin Thiên Chúa cho, không những ngài, mà hết mọi người đang nghe tôi nói hôm nay, được trở thành như tôi" (Tđcv 26,28-29).

Đức Tin làm cho ta gắn bó với Chúa Kitô, trở thành người Kitô hữu. Tin là Ơn Chúa ban, chớ không phải là một xác tín của lý trí do suy nghĩ tìm tòi. Thiên Chúa dùng những đường lối khác nhau để dẫn ta đến đức tin. Thánh Phaolô nói: "Làm sao họ kêu cầu Đấng mà họ không tin? Làm sao họ tin Đấng mà họ không được nghe? Làm sao nghe, nếu không có ai rao giảng" (Roma 10,14).

2. Hội Thánh đã lãnh lấy sứ mạng rao giảng và làm chứng về Chúa Kitô Đường cứu rỗi, Đường hạnh phúc (x. Mc 16,16). Ơn gọi Kitô hữu là một hồng ân. Sự cộng tác vào việc làm phát sinh và triển nở đức tin là quyền và bổn phận của kẻ làm cha mẹ đối với con cái.

"Các Kitô hữu còn phải biết ơn đặc biệt những ai đã giúp mình lãnh nhận hồng ân đức tin, ân sủng Bí Tích Rửa Tội và sự sống trong Hội Thánh, Những người nầy có thể là cha mẹ, những phần tử khác trong gia đình, ông bà, các vị mục tử, các giáo lý viên..." (Giáo Lý của HTCG, 2220).

"Sự phong phú của tình yêu phu phụ không chỉ giới hạn ở việc sinh sản con cái, mà còn phải mở rộng đến cả việc giáo dục luân lý và đào tạo thiêng liêng cho con cái. Nhiệm vụ của cha mẹ trong việc giáo dục hết sức quan trọng đến nỗi, nếu thiếu, chắc chắn là không gì thay thế được (Vaticanô II, GD, 3). Quyền và bổn phẩn giáo dục con cái là quyền và bổn phận hàng đầu và bất khả nhượng của cha mẹ" (Gioan Phaolô II, FC , 16).

Giáo dục đức tin cho con cái là lo cho tương lai của gia đình, "Triều thiên của người già là đàn con cháu, vinh dự của con cái là chính người cha" (Cn 17,6; Giáo Lý của HTCG, 2219).

Quyền và bổn phận giáo dục đức tin cho con cái trong gia đình bắt nguồn từ Bí Tích Hôn Phối : "Nhờ ân sủng của Bí Tích Hôn Phối, cha mẹ nhận trách nhiệm và đặc ân loan báo Tin Mừng cho con cái. Cha mẹ khai tâm cho con cái về mầu nhiệm đức tin ngay từ lúc đầu đời, chính họ là những sứ giả đầu tiên của đức tin đối với con cái mình" ( GL của HTCG, 2225).

3. Gia đình nào mà cha mẹ quan tâm lo cho con cái về đời sống đạo đức, là nhà có phúc. Còn ngược lại thì tổ ấm bị đe dọa ly tán. Để trở thành những nhà giáo dục đạo đức cho con cái, ngày nay các bạn trẻ phải được chuẩn bị chu đáo hơn bao giờ hết, trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Nếu đúng như ta thường nghe "lời nói bay qua, gương lành lôi kéo", thì cha mẹ phải nêu gương cho con, trong lời nói, trong cách sống quảng đại với nhau, chuyên cần học hỏi Lời Chúa, sớm hôm cầu nguyện chung với nhau, tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các Bí Tích. Điều nầy thật khó thực hiện trong gia đình khi cha mẹ không có cùng một niềm tin, không cùng một tôn giáo.

Nếu chúng ta nghĩ đến hạnh phúc của mọi thành viên trong gia đình, nếu chúng ta muốn Hội Thánh có một tương lai tốt đẹp, phải quyết tâm bảo vệ gia đình, nâng đỡ những gia đình gặp khó khăn,cũng như giúp cho những người làm cha mẹ trung thành sống ơn gọi hôn nhân, bênh vực các quyền và bổn phận của họ.

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
...............Giám Mục Vĩnh Long


1268    19-02-2011 08:07:34