Sidebar

Thứ Tư
15.05.2024

Lấy lửa dập tắt lửa

 

Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser

Trong tập Tứ tấu khúc, thi sĩ T.S Eliot phân biệt hai loại lửa:

Không còn hy vọng ngoài phải chọn

Khúc gỗ này hay khúc gỗ kia

Để được đốt lên bằng ngọn lửa chuộc lại.

Những gì thi sĩ Eliot gợi lên đây thì thật là sâu sắc và đau đớn cho chọn lựa khó khăn của con người, chọn lựa giữa ngọn lửa của Chúa và ngọn lửa của con người. Nó có ngụ ý gì?

Bẩm sinh, chúng ta đã bứt rứt, gợi dục, đầy căng thẳng, dao động không ngừng, nóng như thiêu đốt. Là người, là bị lửa thiêu đốt; khát vọng được nghỉ an, được yêu thương, được hoà điệu mà cuộc sống này không cho phép chúng ta có. Trong từng tế bào của xác thân, trong từng góc cạnh của tâm trí, có một ngọn lửa, một cơn nhức nhối không ngừng, một ước muốn nóng bỏng của một ai, một cái gì đó mà chúng ta chưa trải nghiệm.

Một cách tự nhiên, tình trạng này gợi lên nơi chúng ta một năng hoạt nóng bỏng, chẳng đặng đừng. Vì bị thiêu đốt, chúng ta háu trải nghiệm và thấy khó được thỏa mãn hay muốn ở yên. Bao nhiêu việc chúng ta làm trong cuộc sống, không nảy sinh từ tự do nội tại nhưng từ tình trạng bứt rứt và nhu cầu chẳng đặng đừng phải làm một cái gì. Chúng ta bất mãn kinh niên và không thể nào sống với chính tâm trí mình. Cuộc sống của chúng ta dường như lúc nào cũng quá nhỏ bé, quá đơn điệu, quá hạn chế, quá tầm thường bởi vì chúng ta đốt cháy ngọn lửa ham muốn cho những gì vĩ đại hơn, địa vị quan trọng hơn, nơi chốn huy hoàng hơn.

Và ngọn lửa này, ngọn lửa dao động không ngừng này, không nhất thiết cho rằng chúng ta đang sống sai lầm. Căn nguyên của nó là bề sâu, trong tận sâu thẳm tâm trí chúng ta. Các triết gia và nhà nhân chủng học thường phân biệt con người và động vật dựa trên cơ sở của tính duy lý. Trong các bài giảng về nhân chủng học của tôi, tôi thích nói một cách hài hước rằng sự khác nhau giữa con người và động vật là, động vật thì thích thú gặm cỏ trong đồng cỏ, con người thì thích ngồi bất mãn hít khói trong các quán rượu! Sự khác biệt là ở tầng sâu khác nhau của tâm trí. Động vật không có tầng sâu, con người có.

Vì tầng sâu của chúng ta không dò tìm được, và các khát khao của chúng ta thì vô tận, nên trọn cuộc sống, chúng ta đốt cháy toàn ham muốn. Ngọn lửa này không bao giờ bị dập tắt dù chúng ta có được kinh nghiệm thích hợp, bạn đời thích hợp, công việc thích hợp, thành phố thích hợp, bạn bè thích hợp, được công nhận. Chúng ta không có chọn lựa giữa day dứt và thanh thản, nhưng chọn lựa giữa hai loại dao động, hai loại lửa – “giữa ngọn lửa này hay ngọn lửa kia.”

Số phận chúng ta là sẽ bị ngọïn lửa này hay ngọn lửa kia đốt, mà tia lửa của nó thì rất khác nhau: Lửa của Thiên Chúa và lửa của chúng ta làm ra.

Giải pháp cho nỗi day dứt, cho ngọn lửa chúng ta, là để cho nó cháy và chuyển hóa thành một ngọn lửa cao hơn, một tình yêu cao hơn, một day dứt cao hơn: tình yêu của Thiên Chúa.

Nó ngụ ý gì? Ngắn gọn, nó có nghĩa chúng ta phải trải rộng khao khát của mình, đào sâu thêm cơn nhức nhối của mình, tăng cường thêm sức mạnh tâm lý của mình để ước muốn của mình được cháy trọn, bản nhạc được hoàn tất, có được nước Chúa.

Cách đầy nhiều năm, sau một buổi nói chuyện về đời sống độc thân cho một nhóm chủng sinh, một em đến gặp tôi than phiền: “Con chán mấy bài nói chuyện mơ hồ về dục tính này rồi. Nó chẳng giúp gì vì không có ai có thể nói cho chúng con biết thật sự phải làm gì với sự căng thẳng tính dục cả.”

Làm gì với sự căng thẳng không xử lý được, dù về mặt tình dục hay các mặt khác? Chúng ta có thể giữ lấy nó, thấm nhập nó, làm cho nó rộng lớn lên, đào sâu thêm và để nó chuyển hóa bởi một cái gì sâu đậm hơn, sự cô đơn của Đức Ki-tô. Ngọn lửa phải được chuộc lại bởi ngọn lửa, tình yêu chuộc lại bằng Tình Yêu, cơn đau đớn chuộc lại bằng cơn đau đớn, bất mãn chuộc lại bằng thành tựu, dao động chẳng đặng đừng chuộc lại bằng cưu mang.

Các tác giả thiêng liêng lớn luôn nhắc chúng ta noi gương Chúa Kitô không phải cố gắng giống Người hay làm những gì Người làm. Nhưng đúng hơn, cảm nhận như Người cảm nhận, tìm cách bắt chước động lực của Người, đó chính là ước muốn sâu xa được thấy mọi người, mọi việc được bừng lên trong một cộng đoàn của tình thương và hòa bình.

Ước muốn đó là ngọn lửa, là dao động, là đau đớn, là khơi dục. Nhưng đó là ngọn lửa không đẩy chúng ta đi tìm trải nghiệm, không ngăn chúng ta đón nhận tinh thần cuộc sống của mình. Đúng hơn đó là dao động dẫn chúng ta sống đích thực sự lên ngôi, có nghĩa là mang trong mình ơn Chúa Thánh Thần – bác ái, hân hoan, hòa bình, kiên nhẫn, lòng tốt, chịu đựng, kiên định, dịu dàng, khiết tịnh – và tạo điều kiện để mọi ngọn lửa, mọi khao khát nóng bỏng được dập tắt bởi ngọn lửa và khao khát của Thiên Chúa.

Như thế ai là người thai nghén cho dao động này? Tình Yêu.

Nguyễn Kim An dịch

1792    30-03-2019