Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Sửa lỗi huynh đệ: “Các cáo buộc dị giáo không có cơ sở”



Bài viết gây ồn ào. Trong bản sửa lỗi huynh đệ gởi Đức Phanxicô ngày 11 tháng 8, đưa ra công chúng ngày 24 tháng 9, một nhóm giáo dân, tu sĩ và thần học gia cáo buộc ngài loan truyền bảy điểm dị giáo trong Tông huấn Amoris Laetitia (Tông huấn Niềm vui Yêu thương) của ngài. Các cáo buộc này có căn bản không? Tông huấn Niềm vui Yêu thương có đụng đến giáo huấn của Giáo hội không? Sau đây là các câu trả lời của linh mục Thomas Michelet, Dòng Đa Minh, giáo sư tại Angelicum, Giáo hoàng Học viện Thánh Tôma Aquinô, Rôma.

Bản sửa lỗi huynh đệ cho rằng Đức Phanxicô đã loan truyền bảy điểm dị giáo. Đây là một cáo buộc nặng và có phải đây là lần đầu tiên có cáo buộc này không?

Chúng ta không nên nói quá điều gì. Đây không phải là lần đầu tiên tín hữu kitô cáo buộc giáo hoàng dị giáo. Đây là chuyện bình thường của những nhóm ly khai hoặc trên đường muốn ly khai, họ muốn biện luận cho sự ly khai của mình.

Trong trường hợp Tông huấn Niềm vui Yêu thương thì từ tháng 6 năm 2016 đã có một bài viết gồm 45 chữ ký mà bản cáo buộc hiện nay có nhắc đến. Đó là danh sách 19 đề nghị kèm theo các phê phán: 11 cho rằng dị giáo và ngược với Mạc khải (tai tiếng, hung bạo, tồi bại, hủy hoại, bạo lực, phạm thượng, vv, scandalosa, prava, perversa, perniciosa, impia, blasphema, etc.); các đề nghị khác ít nặng hơn (đi ngược với đức tin, liều lĩnh hay đơn giản là sai). Báo chí chỉ nói qua, rồi họ cũng chẳng nói gì thêm. Rụng rơi như bong bóng xẹp.

Bài viết hiện nay làm vang lên lại bài viết năm ngoái, 18 người cùng ký lại. Cho đến bây giờ, bài viết này có vẻ thành công hơn. Có thể do “đơn giản” hơn: từ 11 xuống còn 7! Số 7 mang tính tượng trưng mạnh, con số nhắc đến sách Khải huyền. Có tiếng vang cũng nhờ có kiến nghị trên mạng (đến bây giờ đã có 233 chữ ký). Nhưng chúng ta còn nhớ, năm 2015, một “đơn thỉnh cầu Đức Phanxicô về Thượng Hội đồng” của Hồng y Burke đã có gần 500 000 chữ ký…

Nhưng người ta thường có ấn tượng với uy tín của các người ký, các vị có chức trách trong hàn lâm, trong lãnh vực dân sự hay các mục tử. Nhưng nhìn kỹ, ở đây không có một thần học gia nổi tiếng nào, không một giám mục tại chức nào. Bản hoài nghi dubia của bốn hồng y nghiêm túc hơn, đây cũng là bốn cọng sự thân cận của Đức Giáo hoàng. Cáo buộc một giáo hoàng là dị giáo, đương nhiên là trầm trọng. Nhưng nó sẽ trầm trọng hơn nếu các cáo buộc này có căn bản, nhưng ở đây nó không có căn bản.

Đức Giáo hoàng có “trực tiếp hay gián tiếp chuẩn chi các điều phải tin, theo đó sự vâng lời luật Chúa có thể trở nên không thể được hay không nên” như bản sửa lỗi nêu lên không?

Gần đây linh mục Guillaume de Tanoüarn, Viện Mục tử Nhân lành có tuyên bố trên đài: “Tất cả đối với tôi là không phù hợp và không thích đáng. Giáo hoàng là giáo hoàng […] Tôi chưa bao giờ thấy, trong bài viết của ngài, trong bài giảng của ngài có một cái gì có thể nói là dị giáo. Trên thực tế, người ta phê phán một thinh lặng. […] Người ta có thể chống các lý do Đức Giáo hoàng giữ im lặng, nhưng không thể nói sự thinh lặng này là từ dị giáo. Theo tôi nó không đúng lý”.

Điểm nổi bật trong bản sửa lỗi này là sự tố cáo, ngược với bản có 45 chữ ký, đây không phải là các lời trích trong Tông huấn Niềm vui Yêu thương nhưng là các đề nghị mà họ không thấy trong bản văn, và họ đặt trong ngoặc kép. Một kiểu làm hoàn toàn không tư cách. Dù họ tạo ra nguồn cho chính họ; và nếu họ không thể làm thì họ nên im lặng.

Theo các tác giả ký tên, giáo hoàng thừa nhận “ngoại tình được xem là phù với tư cách của một tín hữu công giáo giữ đạo”. Có đúng không?

Đó là họ nói như vậy. Nhưng bản tông huấn không nói như vậy, bản tông huấn nói đến “các tình trạng khách quan của tội” (AL 305). Đó luôn là một tội, và vẫn là một tội. Nhưng phải phân biệt lãnh vực khách quan và chủ quan, hành động bên ngoài, các chủ hướng và bối cảnh.

Đây là những gì giáo hoàng nói: “Do các điều kiện hoặc các yếu tố giảm nhẹ, thì có thể, trong trường hợp khách quan của tội – không thể quy một cách chủ quan hoặc hoàn toàn không chủ quan – thì họ có thể sống trong ân sủng của Chúa, họ có thể yêu thương, và họ có thể lớn lên trong đời sống ân sủng, trong đức ái, và nhận từ kết quả này sự trợ giúp của Giáo hội” (AL 305).

Đúng hơn đây là một tin vui. Chứ không phải vì ở trong tình trạng có tội mà họ không nhận được ân sủng – bắt đầu bằng ân sủng của sự hoán cải. Có gì cần phải nói lại ở đây? Cái gì ở đây là không có tinh thần công giáo?

Chúng ta nhớ lại Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Các người thâu thuế, các cô đĩ điếm vào Nước Trời trước các ngươi”. Chúa Giêsu cũng bị cho là dị giáo và phạm thượng. Tính hợp lý của Tin Mừng thường làm xáo trộn các thói quen suy nghĩ và các khái niệm luân lý của chúng ta. Anh chị em hãy rao giảng tình yêu và người ta sẽ đóng đinh anh chị em.

Các tác giả ký tên, họ dựa trên bản văn nào? Các bản văn này có cùng một giá trị không?

Chính xác, khó để tìm các bản văn nào các tác giả muốn nói đến. Ít nhất trong bài viết năm 2016, các tác giả còn trích Tông huấn Niềm vui Yêu thương, rồi họ đưa ra lập luận khả dĩ và họ cho rằng các bản văn giáo huấn đi ngược hướng của họ. Ở đây không có gì. Họ gán cho Đức Giáo hoàng những lời mà ngài không không nói; hay nếu ngài có nói, họ không đưa ra nguồn, vì thế không kiểm chứng được. Điều này quá thấp so với tiêu chuẩn tối thiểu của công việc nghiên cứu trong môi trường đại học hay báo chí. Một công việc không nghiêm túc.

Tại sao Tông huấn Niềm vui Yêu thương lại gây nhiều chống đối?

Phải cần thì giờ để hiểu các thay đổi. Bởi vì ở đây có sự thay đổi. Trước hết là thay đổi thái độ mục vụ: đón nhận chứ không loại trừ; không khép các cánh cửa nhưng mở các con đường. Tháp tùng trong lâu dài thay vì bằng lòng với một giải pháp nhất thời (dù là cho rước lễ hay từ chối không cho rước lễ). Ngắn gọn, tìm sự cứu rỗi cho tâm hồn thay vì sự yên ấm cho người mục tử. Tiếp đó là một sự thay đổi về sự đánh giá: phải phân định trong tinh thần mục vụ. Ngày xưa, nếu bị ở trong tình trạng tội mà mọi người đều biết, thì đương sự bị xét đoán một cách chính thức, cấm không được rước lễ. Bây giờ, chúng ta phân định dưới ánh sáng nhận định theo lương tâm, không chỉ nhìn bề ngoài mà phải xem thực tế tình trạng của các tâm hồn. Không được lên án vơ đũa, cân nhắc điều thiện cái gì có thể làm được, để tiến đi trên con đường hướng đến điều thiện (via caritatis). Có nên tức tối vì chuyện này không?

Người ta có thể cho rằng bản văn Tông huấn Niềm vui Yêu thương quá dài, không thực tế trong tiến trình tháp tùng cụ thể, trong các giai đoạn phải vượt qua và trong các điều kiện phải có đủ để cho những người ly dị tái hôn về mặt dân sự được rước lễ. Một vài người nghĩ rằng giáo hoàng muốn bỏ đi giáo huấn truyền thống, đề nghị một khái niệm mới về hôn nhân, một đề nghị không còn mang tinh thần công giáo, cho phép ly dị hay cho phép những người phạm tội công khai được rước lễ. Họ tạo ra một bản án bất công đối với ngài. Bản văn không nói gì về chuyện đó và thường khẳng định một cách ngược lại. Điều chắc chắn, Đức Giáo hoàng không muốn cho người nào cố ý phạm tội trọng mà đi rước lễ. Tất cả những gì ngài xin, là kiểm chứng đó có phải là trường hợp cụ thể, chứ không lên án một cách trừu tượng.

Tông huấn Niềm vui Yêu thương có phạm đến giáo huấn truyền thống của Giáo hội không?

Linh mục Basile Valuet, giám chức các nghiên cứu của Đan viện Barroux đã công bố một bài viết dài trên Tạp chí Tôma (Revue thomiste), chứng minh Tông huấn Niềm vui Yêu thương không có gì là cách mạng. Cha còn thấy đây là một sự phát triển thuần nhất giáo huấn của Huấn quyền về sai lầm bất phân thắng bại, ngày xưa chỉ áp dụng cho các người ngoài đạo, bây giờ cũng dành cho chính các tín hữu kitô. Các sự thật ngày xưa hiển nhiên ở những nước kitô giáo, bây giờ không buộc phải khả thi cho tất cả mọi người ở những nước không còn đi trên con đường kitô giáo, các não trạng ngày càng biến dạng theo tinh thần thế gian của thế giới họ đang sống. Phải xét đến trường hợp này.

Mặt khác, mọi văn bản của giáo quyền phải được đọc dưới ánh sáng của đức tin công giáo, của Sách Thánh, của Truyền thống và của Huấn quyền trước đó, đánh dấu cho sự liên tục và phát triển thuần nhất, chứ không cắt đứt. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch của mọi chú giải. Khởi đi từ nguyên tắc nói ngược với giáo huấn truyền thống là cắt đứt với Truyền thống, vì nó áp dụng một loại “chú giải bản văn cổ của sự cắt đứt” thay vì chia sẻ với những người muốn làm Cách mạng trong Giáo hội. Nếu cứ cho rằng Tông huấn Niềm vui Yêu thương cho phép làm những gì trước đây bị cấm, thì càng làm cho những người đòi hỏi này thêm quan trọng. Những người chống đối của cả hai phía sẽ gặp nhau; các cực đoan thường cùng loại.

Giáo hoàng có phải trả lời cho các người chống đối, những người sửa lỗi huynh đệ cũng như các hồng y của hoài nghi dubia không?

Người ta không thể trách cứ các hồng y đã viết dubia cho Đức Giáo hoàng. Họ hoàn toàn có quyền và họ làm theo luật. Nhưng dù trong bất cứ trường hợp nào, họ cũng không được công bố công khai.Đó là một lỗi nặng và dứt khoát ảnh hưởng đến việc có thể có một câu trả lời.

Một cách nào đó, một năm sau, ngày 8 tháng 9 vừa qua, Đức Giáo hoàng đã trả lời qua việc ngài bỏ Viện Gioan-Phaolô II mà hồng y Caffara là nhà sáng lập, hai ngày sau khi hồng y qua đời. Bây giờ là: Giáo Hoàng Thần Học Viện Gioan-Phaolô II, với một nhà sáng lập mới. Nếu muốn biết làm thế nào để chú giải Tông huấn Niềm vui Yêu thương thì nên nhìn ở khía cạnh này. Trong sự việc người ta không bằng lòng một mô hình lý tưởng của các gia đình, nhưng phải khởi đi từ thực tế cụ thể, hiện sinh với các khó khăn họ gặp, để chứng tỏ thế nào là con đường tăng trưởng trong tinh thần phúc âm mở ra cho họ, dù họ ở trong tình trạng nào.

Trong trường hợp “sửa lỗi huynh đệ”, bức thư này đã được gởi cho Đức Giáo hoàng ngày 11 tháng 8-2017, và được công bố ngày 24 tháng 9-2017. Nó không hợp lý. Ngay cả đối với chính quyền Pháp, phải cần một thời gian là hai tháng để có thể xem đó là sự từ chối (tuy nhiên từ năm 2014, nguyên tắc bị đổi ngược: im lặng có nghĩa là đồng ý, ngoại trừ các trường hợp ngoại lệ). Điều này chứng tỏ thực chất họ không đi tìm một câu trả lời thật, nhưng chỉ muốn tạo ra dư luận. Nhưng Giáo hội không phải là một nền dân chủ; lại còn không phải là một xã hội tiêu thụ bị chi phối bởi các áp lực truyền thông hay các vận động ngoài hành lang.

Đức Giáo hoàng là người tối cao: ngài có tự do trong việc trả lời hay không. Đòi hỏi ngài phải có một câu trả lời là đặt ngài ngang mức với mình. Để ngài ở trong tình trạng bị cáo buộc một cách công khai thì đó không phải là bằng chứng cho sự tôn trọng đạo làm con đối với Đức Thánh Cha. Nếu có một sự thiếu tôn trọng truyền thống, thì chính ở đây là điều cần phải tôn trọng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

1343    12-10-2017