Sidebar

Thứ Bảy
07.12.2024

Suy niệm Thứ Năm Tuần Thánh - Di chúc rửa chân

image-361

Thánh Gioan tường thuật Biến Cố Rửa Chân với 6 động từ: Đức Giêsu (1) chỗi dậy, (2) cởi áo ra, và (3) lấy khăn thắt lưng, (4) đổ nước vào chậu, (5) rửa chân cho các môn đệ, và (6) lấy khăn mà lau. Tin Mừng Gioan được viết theo một cấu trúc chặt chẽ. Các từ ngữ, các con số được lựa chọn kỹ càng và đều có chủ đích riêng. Trong trình thuật Rửa Chân, thánh sử cố tình: chỉ dùng 6 động từ mà thôi. Con số 6 là con số chưa trọn vẹn, mang nghĩa tiêu cực. Con số 7 mới là con số trọn vẹn, thuộc về Chúa. Tại sao thánh Gioan chỉ dùng 6 động từ để tường thuật một biến cố có thể nói là trọng đại, bởi vì, đây chính là lời trăn trối của Đức Giêsu dành cho các môn đệ của mình?

Sáu động từ trong trình thuật Rửa Chân của Đức Giêsu, gợi nhớ 6 chum đá được dùng vào việc thanh tẩy của người Do thái trong trình thuật dấu lạ Biến Nước Thành Rượu. Ở tiệc cưới Cana, có nhắc đến chú rể, nhưng không nói gì đến cô dâu, và Đức Giêsu đã trả lời cho Mẹ của Người: Giờ của Con chưa đến. Giờ của Người là Giờ: cử hành Hôn Lễ Chiên Thiên Chúa, trên đồi Canvê, trong biến cố Thập Giá, ở nơi đó, Đức Giêsu chính là tân lang, còn hiền thê chính là Hội Thánh, mà Mẹ của Người là đại diện. Giờ: mà Đức Giêsu sẽ đổ máu mình ra, Giờ: mà rượu của Giao Ước Mới sẽ được “múc ra” để cứu độ muôn người. 

Trong trình thuật Rửa Chân của Đức Giêsu, thánh Gioan cố tình dùng chỉ 6 động từ để nhắc nhớ rằng: Thầy là Thầy, là Chúa, mà Thầy còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau, phải yêu thương phục vụ lẫn nhau, như Thầy đã nêu gương cho anh em, nhưng, gương yêu thương của Thầy chỉ được hoàn tất vào cuối bữa ăn này, với hành động thứ 7: là trao hiến chính Thịt Thầy, Máu Thầy cho anh em, và anh em phải làm việc này mà nhớ đến Thầy. Nhớ đến Thầy không phải là gợi nhớ về một nhân vật lịch sử, nhưng, chính là hiện thân hóa, để trở nên giống như Thầy: đổ máu mình ra để yêu thương và phục vụ.

Bài học yêu thương, phục vụ mà Đức Giêsu để lại cho các môn đệ, không chỉ dừng lại ở việc đổ nước vào chậu rửa chân, mà phải đi đến tận cùng là: đổ máu mình ra kết hợp với hy tế của Chúa để tẩy rửa tội lỗi muôn người. Có tình thương, ắt sẽ có phục vụ, nhưng, phục vụ, chưa chắc có yêu thương: phục vụ để được tiếng khen, được vui vẻ, được quý mến. Đôi bàn tay đưa ra phục vụ phải có những giọt mồ hôi của đôi bàn tay chắp lại để cầu nguyện, phải có những cục chai sạn của hy sinh, bỏ mình, và phải có cả những vết tích của cuộc thương khó Đức Giêsu, khi đó, chúng ta mới trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy Chí Thánh trong yêu thương và phục vụ. 

Muốn phục vụ, chúng ta (1) phải đứng dậy rời bỏ chỗ ngồi vinh dự, nơi bàn ăn, mà chúng ta đang hưởng thụ, đang được phục vụ, (2) phải cởi bỏ chiếc áo đính đầy những quyến luyến, tham vọng của thế gian, (3) phải thắt đai lưng của người đầy tớ, (4) phải đổ con người cao ngạo vào trong chiếc chậu tình yêu, (5) phải hạ mình xuống thấp để rửa và (6) lau chân cho chủ, và cuối cùng, (7) phải đổ máu ra trong tình yêu hiến tế: tự hủy, xóa mình hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa. Nước trong 6 chum đá của Lề Luật sẽ vẫn mãi mãi là nước, chỉ khi được “múc ra” đem cho chủ tiệc, lúc bấy giờ, nó mới trở thành rượu ngon, chúng ta cũng phải “trút cạn” con người mình trong hy tế của Đức Kitô, chúng ta mới được cùng với Người trở thành rượu của Giao Ước Mới mang ơn cứu độ đến cho muôn người.

Khi chiêm ngắm biến cố Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ, chúng ta hãy để cho mình thật lắng đọng: chìm vào trong từng cử chỉ yêu thương của Chúa. Ước gì chúng ta quyết tâm thực hành cho bằng được hành động cuối cùng của Chúa trong Bữa Tiệc Ly: là dám đổ máu mình ra như Chúa, để tình yêu và ân sủng của Chúa sẽ tràn lan đến khắp mọi người và khắp mọi nơi. Ước gì được như thế!

Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

538    26-02-2024