Sidebar

Thứ Năm
16.05.2024

Tìm kiếm thời gian cho sự thinh lặng trong Mùa Vọng này

shutterstock1866839950660x3501
Ảnh: Shutterstock


TÌM KIẾM THỜI GIAN CHO SỰ THINH LẶNG TRONG MÙA VỌNG NÀY

Ngày nay chúng ta đang phải hứng chịu một cuộc tấn công dữ dội của tiếng ồn, và hơn hẳn những gì được gọi một chút ô nhiễm tiếng ồn! Không phải tiếng ồn lúc nào cũng xấu, nhưng đúng là trái tim, tâm trílinh hồn con người luôn khao khát những giây phút thinh lặng. Khi chúng ta bước sâu hơn vào Mùa Vọng, thì bây giờ là một khoảng thời gian tuyệt vời để học cách trau dồi sự thing lặng.

Đêm Giáng sinh đầu tiên được gọi là Đêm Thing lặng (Silent Night). Đêm tăm tối, lạnh lẽo mà Chúa Kitô giáng sinh được ẩn giấu trong một sự thing lặng thâm sâu nhất - Đêm Thinh lặng đã đưa Con Thiên Chúa từ trời cao xuống cõi đất để chúng ta có thể bước lên từ cõi đất để đến với trời cao.

Thậm chí trước ngày thánh này, vị ngôn sứ vĩ đại Êlia đã đến được chân núi thánh (x. 1V 19,11-13). Thiên Chúa được tìm gặp ở đâu? Trong sấm chớp, trong lửa, hay trong gió bão? Thiên Chúa không được tìm thấy nơi những điều đó. Đúng hơn, Thiên Chúa đã tự bày tỏ chính Người trong làn gió nhè nhẹ mà đôi tai của con người khó có thể nghe thấy được.

Lợi ích của sự thinh lặng

Mặc dù nhiều người trong thế giới hiện đại chạy trốn khỏi sự thing lặng, nhưng không thể phủ nhận rằng sự thing lặng lại có nhiều lợi ích tích cực. Hãy để chúng tôi đề cập đến đôi điều về những lợi ích đó.

1. Nơi gặp gỡ Thiên Chúa

Không thể gặp gỡ được Thiên Chúa giữa những ồn ào và xáo động, nhưng chỉ ở nơi trung tâm của một con tim thấm nhuần và tràn ngập sự thing lặng. Hãy nhớ lại kinh nghiệm của ngôn sứ Êlia: Thiên Chúa đã được tìm thấy trong sự thing lặng của làn gió nhè nhẹ (x. 1V 19,12).

2. Chúa Thánh Thần

Sau chín đêm ngày cầu nguyện - điều đã được thực hiện trong sự thinh lặng cùng với Đức Trinh Nữ Maria - Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các Tông đồ vào ngày Lễ Ngũ Tuần đầu tiên xưa kia và Giáo Hội đã được khai sinh. Vì vậy, nếu chúng ta thực sự muốn cảm nghiệm được sự hiện diện thường trực của Chúa Thánh Thần, chúng ta cần phải thinh lặng cách khẩn thiết.

3. Nghe thấy tiếng Thiên Chúa

Chỉ trong thing lặng, cậu bé Samuen mới cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đền thờ. Đây là câu trả lời của cậu: Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe.” (1Sm 3,10) Tiếng nói của Thiên Chúa chỉ có thể được nghe thấy nơi sâu thẳm tâm hồn của chúng ta trong sự thinh lặng sâu xa.

4. Bình an nội tâm

Tiếng ồn quá mức tạo nên áp lực, lo lắng, căng thẳng, và nhiều hơn thế nữa! Khi chúng ta có thể bước vào một bầu khí thinh lặng thì đó là lúc Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta cảm nghiệm được một trong những hoa trái tuyệt diệu của Chúa Thánh Thần, và đó là sự bình an. Trái tim con người khao khát sự bình an nội tâm hơn tất cả những gì là giàu sang mà thế giới vật chất hiện đại có thể mang lại. Ơn ban Phục Sinh của Chúa Giêsu chính là shalom - bình an cho anh em!

5. Học cách để xét mình

Chỉ khi chúng ta ở riêng với chính mình và đồng thời ở riêng với Thiên Chúa, thì chúng ta mới có thể tự biết mình, mới có thế biết mình thực sự là ai - cao quý cũng như thấp hèn, đức hạnh cũng như suy đoài, ánh sáng chiếu rọi trong cuộc đời cũng như những bóng đen ghê rợn ẩn sâu trong tâm hồn chúng ta.

6. Sám hối, tha thứ và thương xót

Trong thinh lặng, chúng ta cũng có thể kiểm điểm đời sống luân lý của mình, chúng ta đang hành động ra sao dưới ánh sáng của Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta có thể nhận ra tội lỗi của mình và đem chúng đến với lòng thương xót của Thiên Chúa qua Bí tích Giải tội.

Một ví dụ điển hình về điều này là cuộc đời của Thánh Inhaxiô Loyola. Vì bị thương trong chiến trận, nên ngài buộc phải lui vào trong thinh lặng ở quê nhà Loyola. Sau thời gian dưỡng bệnh này, Thánh Inhaxiô đã đi hành hương đến Tu viện Montserrat. Lúc ở trong tu viện, được bao trùm trong sự thinh lặng, vị thánh tương lai đã có thể đi sâu vào lương tâm của mình, kiểm điểm nó một cách kỹ lưỡng, xưng tội với một linh mục và nhận lãnh Bí tích Giải Tội ơn tha thứ về nhiều tội lỗi của mình. Nếu Thánh Inhaxiô không để cho bản thân được chìm đắm và bao bọc trong thinh lặng, thì rất có thể việc xưng tội và hoán cải này sẽ không bao giờ diễn ra!

7. Trau dồi thói quen lắng nghe người khác

Một hoa trái tích cực khác của sự thinh lặng sâu xa và hữu hiệu, một sự thinh lặng mà trong đó chúng ta có thể nghe được tiếng Thiên Chúa, có thể kiểm điểm lương tâm và ăn năn sâu sắc về những lỗi tội của mình, là sự cởi mở để lắng nghe người khác trong đức ái. Thật vậy, lắng nghe là một nghệ thuật quan trọng mà rất ít người thực sự có được. Lắng nghe đòi hỏi sự kiên nhẫn, chú tâm, khiêm tốn, vị tha và trên hết là lòng bác ái - tình yêu đích thực và sự quan tâm dành cho người kia. Một người không coi trọng sự thinh lặng khó có thể lắng nghe bằng sự quan tâm và lòng bác ái đối với người khác.

Người lắng nghe tốt nhất là Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng ta. Chúa Giêsu thực sự đã dành phần lớn ba mươi năm đầu tiên trong cuộc đời của Người trong thinh lặng. Có nhiều sự thinh lặng nơi quê nhà Nadarét. Khi cùng làm nghề thợ mộc với Thánh Giuse, thì hầu như lúc nào cả hai cũng miệt mài làm việc trong sự thinh lặng bao la.

8. Cởi mở với những gợi hứng từ trời cao

Một thái độ thinh lặng chứa đựng tầm quan trọng to lớn trong việc cởi mở với Thiên Chúa, đặc biệt nhất là cởi mở với những gợi hứng phát xuất từ Chúa Thánh Thần. Xôn xao, ồn ào, môi trường huyên náo, tiếng tạp âm - tất cả đều cản trở việc cởi mở với Chúa Thánh Thần. Thật vậy, Thiên Chúa của chúng ta là một vị Thiên Chúa hay ghen và Người sẽ không chọn lấy vị trí thứ hai để nhường chỗ cho con người, nơi chốn hay sự vật nào khác. Nếu tiếng ồn chiếm ưu thế trong đời sống của chúng ta, thì tiếng nói nhẹ nhàng nhưng kiên quyết của Chúa Thánh Thần - điều mà chúng ta gọi là sự soi dẫn - sẽ không bao giờ được lắng nghe. Chúa Thánh Thần là Người Bạn Tốt Nhất của chúng ta, là Đấng Làm Chủ Nội Tâm, và cũng là Vị Khách Ngọt Ngào của tâm hồn. Chúng ta hãy sống một cuộc đời hồi tưởng và thinh lặng để thường xuyên nghe được những gợi hứng ngọt ngào, dịu dàng và đầy an ủi của Người.

9. Thăm dò chiều sâu trí tuệ của chúng ta

Nếu chúng ta gắn chặt bản thân vào những khoảnh khắc thinh lặng thường xuyên, thì chúng ta có thể đạt đến một đời sống tư tưởng sâu sắc hơn, điều vốn đi kèm với việc sử dụng lý trí một cách hợp lý và dẫn đến việc đưa ra những quyết định đúng đắn, có ích cho bản thân cũng như cho người khác. Einstein, Dante, Shakespeare, Thánh Augustinô và Thánh Tôma Aquinô - tất cả những nhà tư tưởng uyên bác này đã dành thời gian lâu dài trong sự thinh lặng để các ngài có thể trau dồi trí năng uyên thâm mà Thiên Chúa đã ban cho mình.

10. Noi gương Đức Maria

Đức Mẹ có nhiều tước hiệu. Mẹ là Nữ Tử của Chúa Cha, là Từ Mẫu của Chúa Con, là Hiền Thê Huyền Nhiệm của Chúa Thánh Thần, là Kiệt Tác của công trình sáng tạo! Đức Maria có một cuộc đời huyền nhiệm và chiêm niệm sâu sắc và điều này chỉ có thể thực hiện được bởi vì Mẹ vốn yêu thích những khoảng thời gian lâu dài của sự thinh lặng. Thiên Chúa đã sai Tổng lãnh Thiên thần Gabrien đến với Đức Maria khi Mẹ đang chìm đắm trong thinh lặng, chìm đắm trong lời cầu nguyện.

Xin cho chúng con biết noi gương Đức Maria và yêu thích sự thinh lặng để Thiên Chúa có thể dẫn đưa chúng con vào trong sa mạc và thổ lộ với tận đáy lòng chúng con.

Tác giả: Cha Ed Broom, OMV - Nguồn: Catholic Exchange (07/12/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

383    10-12-2021