Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Đan sĩ André Louf, một đan sĩ có tầm vóc vĩ đại



Khi lần theo hành trình của đan sĩ André Louf cao cả, tác giả Charles Wright mời chúng ta đi về nguồn của kitô giáo. Một câu chuyện thật cảm động.

Đầu những năm 1960 cho đến cuối những năm 1990, Đan sĩ André Louf (1929-2010) được ghi dấu như một nhân vật có tầm vóc vĩ đại của đời sống đan tu Âu châu. Đan sĩ là người gốc thành phố Bruges, Phần lan, năm 33 tuổi, đan sĩ được chọn làm đan viện trưởng dòng Xitô Mont des Cats vì đặc sủng ngoại thường của ngài. Năng khiếu bẩm sinh của ngài trải rộng ra trên rất nhiều lãnh vực. Ngài nói được mười mấy thứ tiếng, là dịch giả, là người say mê nghệ thuật, là nhà diễn thuyết xuất sắc, là nhà tháp tùng thiêng liêng khiêm tốn, là chuyên gia về các Tổ phụ Giáo hội, cũng như là người khai phá các con đường mới, người chủ trương đại kết, người mê say các gốc rễ Xitô lâu đời nhất.

Đời sống phong phú này tìm thấy nơi Charles Wright người thợ gặt đúng tầm vóc của mình (tác giả Charles Wright là cộng tác viên báo Sự Sống (La Vie), người phụ trách tập sách Thiết Yếu(Essentiels) trong nhiều năm. Không những đọc hàng ngàn trang, nghe hàng hà sa số các chứng nhân đã từng quen biết Đan sĩ André Louf, tác giả Wright còn tìm được trong thư khố tài liệu vô giá: nhật ký thiêng liêng của đan sĩ, trong đó đan sĩ nói chuyện với Chúa Giêsu như nói chuyện với người bạn thân. Không phải là chuyện nhỏ!

Như một cuộc tĩnh tâm

Hấp dẫn, bởi vì nó soi sáng cho một giai đoạn trọng yếu của lịch sử Giáo hội – nhất là việc bùng ra của tinh thần đại kết và việc cập nhật hóa đời sống tu viện trong những năm 1960 -, quyển tiểu sử này cũng rất đặc biệt, vì nó như một cuộc tĩnh tâm mà chúng ta như nghe nhà thiêng liêng vĩ đại này giảng từ thế giới bên kia, chung quanh ba trụ chính.

Trụ thứ nhất khởi đi từ chứng từ nền tảng của đan sĩ Louf, hiểu được sự thánh thiện đích thực là phải dứt khoát đánh đổ các tham vọng toàn hảo của chúng ta. Tác giả Wright tinh tế lần tìm các giai đoạn thanh tẩy đau khổ mà đan sĩ André Louf đã nếm qua – ngài đụng đầu vào các giới hạn của đời tu khổ hạnh, thích vuốt ve tính kiêu ngạo của mình hơn là thờ phượng Chúa. Chính trong sự nghèo khó tận căn này thì chúng ta mới gặp được Ân Sủng và nhất là khi mình để Chúa tác động qua các thất bại của mình.

Trụ thứ nhì là ý thức mình là đền thánh nội tâm, với một người đã được rửa tội, nội tâm mình trong mọi lúc phải là “nơi rửa tội vĩnh cửu” trong sự hoạt động cực mạnh của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Như thế, đời sống thiêng liêng không thực hiện trên thành tích, mà trong sự hiện diện trước bí mật đặc biệt này, và đó là mục đích của cầu nguyện.

Một bài học khôn ngoan

Trụ thứ ba là bài học khôn ngoan. Qua cuộc hiện sinh của chúng ta, Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta thấy, ước muốn sâu xa nhất của chúng ta vượt khỏi các hoang tưởng muốn thành tựu của chúng ta, kể các hoang tưởng cao cả nhất và nó thường lẫn lộn với Ý của Chúa. Như thế công thức của đan sĩ Dom Louf là: “Vâng thuận, lạy Chúa, con chỉ là tác phẩm mà Chúa đã kiên nhẫn xây dựng với các mảnh vụn của các tuyệt tác của giấc mơ chúng con.”

Nhưng đan sĩ Louf lại bị xâu xé, nếu không muốn nói là bị bứt rứt giữa hai ơn gọi ít tương hợp nhau: một mặt là đời sống của một đan viện trưởng(trách nhiệm của một đan tu lớn và đảm đương trách nhiệm nặng nề của Dòng Xitô), mặt khác là mong muốn sống đời sống ẩn tu, ẩn mình trong thinh lặng trước mặt Chúa. Món quà này ngài đã được ban tặng vào 12 năm cuối đời của mình ở vùng Provence, nước Pháp. Khi về nơi ẩn mình hạnh phúc này, đan sĩ đã có nhiều bài giảng mà tác giả Charles Wright vừa gom lại trong một tuyển tập chưa từng xuất bản “Phó thác cho tình yêu, suy niệm ở Sainte Lio” (S’abandonner à l’amour, méditations à Sainte Lioba, Salvator). Một dịp để thấm nhập vào quả tim nóng bỏng của một vị thầy thiêng liêng cao cả. 

Con đường của quả timKinh nghiệm thiêng liêng của André Louf, tác giả  Charles Wright (Chemin du coeur. L’expérience spirituelle d’André Louf, 1929-2010, Charles Wright, Salvator).

Marta An Nguyễn dịch

1287    24-08-2017