Sidebar

Chúa Nhật

12.05.2024

Cách thức Truyền giáo trong Tin Mừng thánh Gioan

Cùng với những mục tiêu như cũng cố đức tin của người kitô hữu, hộ giáo..., Tin Mừng thứ IV cũng quan tâm đặc biệt đến chủ đề truyền giáo. Đây là một thực tế của đời sống Kitô hữu tiên khởi, phát xuất từ lệnh truyền của Đức Giêsu: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16,16), thể hiện trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm và và thư của Phaolô. Tuy nhiên, tính cách truyền giáo trong tin Mừng Gioan lại mang một nét đặc sắc riêng so với quan điểm về truyền giáo của các Tin Mừng khác. Chiều kích truyền giáo của TM Gioan bắt nguồn từ Thiên Chúa qua việc Ngài sai Đức Giêsu, nhà truyền giáo đích thực đến thế gian để thực hiện sứ vụ cứu độ nhân loại. Đến lượt mình, Đức Giêsu lại sai phái các môn đệ đi gặt hái "hoa quả", sản phẩm mà Ngài đã có công gieo vãi vào thế giới qua cuộc đời và giáo huấn của Ngài. Và sứ vụ truyền giáo đó được tiếp diễn trong lịch sử Giáo hội cho đến mỗi người chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau.

Nhân Chúa Nhật Truyền Giáo, xin chia sẻ với anh chị em vài nét chấm phá về cách thức truyền giáo trong Tin Mừng Gioan, hầu giúp chúng ta có một niềm xác tín vào tình yêu bao la của Thiên Chúa, và ý thức hơn vai trò và sứ vụ truyền giáo mà chúng ta đã nhận lãnh từ Đức Giêsu.

I. ĐÔI NÉT VỀ TRUYỀN GIÁO TRONG TIM MỪNG GIOAN

1. Sứ vụ truyền giáo của Đức Giêsu

Đọc các Tin Mừng Gioan chúng ta nhận thấy, Đức Giêsu ý thức sâu sắc rằng Chúa Cha đã sai Ngài đến thế gian, để thực hiện một sứ mạng đặc biệt là "truyền giáo". Toàn bộ cuộc sống của Ngài được nhìn dưới sứ vụ đó. Thánh Gioan đã mở đầu Tin Mừng bằng một Lời Tựa (Ga 1,1-18), đặt ra viễn tượng chủ đạo cho phần còn lại của Tin Mừng. Nó diễn tả nguồn gốc, mục đích và sứ vụ của Đức Giêsu là phát xuất từ Chúa Cha, và thực hiện ý muốn của Cha Ngài.

Đức Giêsu được Chúa Cha sai đến thế gian

Trong Tin Mừng Gioan, hơn 30 lần Chúa Giêsu đề cập đến việc Ngài được "sai phái". Điều này nhấn mạnh sứ vụ của Ngài bắt nguồn từ ý định của Chúa Cha. Ngài như ánh sáng đến thế gian để soi chiếu mọi người: "Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người" (Ga 1,9). Chính Ngôi Lời đã trở thành xác phàm, làm người thật, mỏng giòn và phải chết, và bằng cách đó Ngài đã đến hiện diện trong thế giới như ánh sáng cho loài người. Ngôi Lời đó chính là Con Một duy nhất và vô song của Thiên Chúa, mà Chúa Cha đã cử xuống trần gian, là "Đấng đầy tràn ân sủng và sự thật" (Ga 1,14). Nhờ thế, Đức Giêsu là sự thật của Thiên Chúa đã được ban xuống cho loài người như quà tặng (ân sủng); đồng thời Ngài cũng mặc khải cho chúng ta về Thiên Chúa: "Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha" (Ga 14,9).[1] Và ý định của Ngài là "Ai tin thì sẽ được hưởng ơn cứu độ" (x.Ga 3,17).

Nhiều đoạn văn nòng cốt trong Tin Mừng Gioan nói lên sứ mạng của Đức Giê-su, Đấng được Chúa Cha sai đến trong thế gian. Ở Ga 3, 16-17: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời". Ở đây, tác giả dùng từ "ban" Con Một, để diễn tả sáng kiến của Thiên Chúa, Đấng ban Con Một từ trời xuống. Đây là lần duy nhất từ "ban" được sử dụng trong Ga, ở chổ khác dùng từ "sai","sai phái"[2] . Và như thế, một lần nữa Gioan nhấn mạnh đến sứ mạng truyền giáo của Đức Giêsu là mặc khải tình yêu của Thiên Chúa, để những ai tin thì có sự sống đời đời hay "được cứu độ". Nhờ thế, Thiên Chúa ban cho con người quyền làm "con Thiên Chúa" và được thiệp thông với Ngài trong đời sống viên mãn. Ở chỗ khác, chúng ta thấy được vai trò thừa sai của Đức Giêsu vừa qua hành động Chúa Cha sai vừa qua sứ mạng của việc sai đi đó: ""Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi" (Ga 12,44-45). Hơn nữa, Đức Giêsu cũng cho ta biết về thẩm quyền giảng dạy của Ngài là từ Chúa Cha: "Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi."(Ga 12, 49-50)

Thực vậy, từ sứ mạng thừa sai đó, Tin Mừng Gioan đã phác hoạ chân dung Đức Giêsu là một nhà truyền giáo thực thụ, nhờ Ngài mà chúng ta biết được ý định mầu nhiệm từ ngàn đời của Chúa Cha. Là muốn cho con người được hiệp thông với Ngài trong cuộc sống vĩnh cửu: "Chúa Con Đấng mạc khải Thiên Chúa như là Cha và sự hiệp thông trong Thiên Chúa, vẫn đang soi sáng thế gian, Ngài xán lạn vinh quang, Ngài chính là mạc khải về Thiên Chúa và sự quan tâm đầy tràn ân sủng của Thiên Chúa và Ngài ban sự sống đời đời cho những ai tin vào Ngài"[3] .

Tóm lại, bằng hành động "ban", "sai" của Chúa Cha, các trình thật của Gioan giúp chúng ta hiểu Đức Giêsu "được sai đi" như thế nào. Để từ đó, dẫn chúng ta đến sứ mạng truyền giáo của Đức Giêsu.

Đức Giêsu thực hiện sứ vụ truyền giáo

Đức Giêsu đã ý thức sâu sắc, việc Ngài đến thế gian để thực hiện sứ vụ truyền giáo mà Chúa Cha đã trao ban cho Ngài: "Tôi từ trời mà xuống không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi...Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết."( Ga 6, 38-40). Qua đó, chúng ta thấy Đức Giêsu không bận tâm đến việc đề cao chính mình, nhưng thực hiện ý muốn của Chúa Cha, là Đấng đã sai Ngài (c.38); và ý muốn của Chúa Cha là "Tất cả những kẻ Ngài ban cho tôi, tôi không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại ngày sau hết"(c.39).

Thực thế, trong Tin mừng Gioan Chúa Giêsu đã đến và đã thực hiện công việc của Cha một cách hăng say, đến nỗi Ngài ví "ý muốn của Cha" như là lương thực của Ngài: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người" (Ga 4,34). Thiên Chúa muốn mọi người được tin vào Đức Giêsu để được hiệp nhất với Thiên Chúa. Điều này được thể hiện qua lời cầu nguyện của Đức Giêsu (Ga 17,21). Đó là một sứ vụ phổ quát mà Đức Giêsu đã đã thực hiện, không chỉ giới hạn trong một quốc gia hay dân tộc, nhưng chạm đến một thế giới rộng lớn là "vũ trụ" tạo thành. Như thế, sứ mạng của Ngài được mở ra một chân trời rộng lớn cho mọi người, mọi thời." (x. Ga 8, 12; Ga 1, 29; Ga 6, 51.

Với sứ mạng đó, Đức Giêsu ví mình như một vị Mục tử nhân lành, chăn dắt đoàn chiên, và cho chúng một cuộc sống sung mãn: "Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào" (Ga 10,10). Thực vậy, Chúa Giêsu đã từ trời xuống thế và trở thành một phàm nhân trong chúng ta. Ngài biết Chúa Cha và biết tình trạng con người của chúng ta. Tin Mừng Gioan đặt Ngài trong một vị trí hoàn hảo để làm trung gian, cầu nối liên kết giữa trời và đất. Ngài đến để chia sẻ với chúng ta sự sống từ trời. Qua đó, Ngài mạc khải cho chúng ta biết: "Thiên Chúa là tình yêu" (1Ga 4,9). Chân lý ấy cũng được quảng diễn bằng những từ ngữ khác trong Gioan 3, 16: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời". Điều này được thánh sử Gioan trình bày qua bảy "dấu lạ" trong các cuộc gặp gỡ khác nhau như: việc Hoá bánh ra nhiều (Ga 6,15); Chữa lành Anh mù từ bẩm sinh (Ga 9.1-40) ...Đây là một phản ánh rõ ràng sự sống mới mà Ngài muốn mặc khải cho con người.

Không dừng lại ở đó, Đức Giêsu còn mang đến cho nhân loại sự sống dồi dào trong tình yêu. (x.Ga 15, 1-20). Ngài đã thực hiện sứ mạng truyền giáo mà Chúa Cha giao phó một cách quyết liệt qua việc chấp nhận đau khổ và cái chết, hầu để lại cho các môn đệ bài học về yêu thương: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em phải yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em"(Ga 13, 34). Đó là một cách hay nhất để Ngài thực hiện ý muốn của Chúa Cha: "Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta (Ga.17, 21). Thật vậy, qua việc thực hiện sứ mạng thừa sai, Đức Giêsu đã hy sinh tính mạng vì người mình yêu và từ đây ơn cứu độ được tuôn tràn cho toàn thế giới. Sứ mạng này Ngài trao cho các môn đệ như là quà tặng của Chúa Thánh Thần. Đấng đã cộng tác với Ngài trong sứ vụ truyền giáo.

Chính Thánh Thần làm chứng cho Chúa Giêsu, qua lời chứng của ông Gioan cho chúng ta biết điều đó (x. Ga 1, 31-34). Ở đây, Gioan có khả năng nhận biết Đức Giêsu và loan báo Ngài là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần (c.33). Đức Giêsu không chỉ cất đi tội lỗi và củng cố tương quan với Thiên Chúa, nhưng còn nhờ Thánh Thần, ban sự sống sung mãn của Thiên Chúa và thiết lập mối tương quan với Ngài[4] .

Tóm lại, Đức Giêsu là nhà thừa sai đầu tiên, Ngài được sai đến để thực hiện thánh ý Chúa Cha là lôi kéo mọi người về cùng Thiên Chúa. Điều này làm sáng tỏ sứ vụ giáo truyền giáo của Đức Giêsu trong Tin Mừng Thứ IV: "Truyền giáo như được hiểu trong sách Tin Mừng quy chiếu nỗi bật nhất vào việc Thiên Chúa sai phái Đức Giêsu đến thế gian như một dấu chứng tình yêu bền vững của Thiên Chúa đối với nhân loại (3,16). Việc sai phái này là nguồn gốc của mọi phúc lành được thể hiện trong sách Tin Mừng. Đức Giêsu là người duy nhất thi hành ơn cứu độ của Thiên Chúa, chẳng có một ai đi trước Người, cũng chẳng có một ai một ai nối tiếp Người"[5] . Các môn đệ cũng được Đức Giêsu sai đi để gặt hái hoá trái "ơn cứu độ" mà Ngài đã có công gieo vãi trong thế giới.

2. Sứ mạng truyền giáo của các môn đệ

Chúa Giêsu sai các môn đệ

Chúng ta thấy, các Tin Mừng đều kết thúc bằng các trình thuật của họ bằng cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu Phục sinh và các môn đệ với mệnh lệnh truyền giáo (x. Mt 28,18-20; Mc 16,15-18; Lc 24,46-45). Tin Mừng Gioan cũng trình bày lệnh truyền này của Chúa Giêsu trong chương 20,21-23. Đây là một lệnh truyền rất rõ ràng thể hiện được căn tính của Ngài là Đấng được Chúa Cha sai đến thế gian và đến lượt mình Ngài cũng sai các mô đệ: "Như Cha đã sai thầy Thầy cũng sai anh em" (20, 21).

Như thế, Tin Mừng thứ IV làm nỗi bật mệnh lệnh lớn nhất của Chúa Giêsu là yêu thương và hiệp nhất. Đây là một mệnh lệnh mang nặng tính truyền giáo của Gioan so với các Tin Mừng khác: Những người đi theo Đức Giêsu phải cùng sống trong yêu thương và hiệp nhất, để thế gian tin (x. Ga 17,21-32). Do đó, cộng đoàn được Chúa Giêsu sai đi làm chứng cho Ngài bằng sự hiệp thông của họ, như Ngài đã sống sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Điều này được thể hiện trong lời nguyện hiến tế của Đức Giêsu: "Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta...; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con" (Ga 17, 20-23).

Theo cha Vũ Phan Long thì qua lời nguyện hiến tế của Đức Giêsu cho chúng ta thấy được sứ mạng truyền giáo mang tính phổ quát của các môn đệ: "Đức Giêsu cầu nguyện không những cho các môn đệ hiện tại, nhưng còn cho các mô đệ tương lai nữa, những người nhờ nghe lời các mô đệ hôm nay rao giảng mà tin vào Ngài (c.21): Đức Giêsu đang nhìn đến hoa trái của sứ mạng các môn đệ tương lai. Các môn đệ tương lai cũng thuộc về cộng đoàn được xây dựng trên chứng từ của các môn đệ đang ở với Đức Giêsu hôm nay...Ngài xin cho các môn đệ hiệp nhất nên một như Chúa Cha và Chúa Con là một (c.21; sự hiệp nhất này chính là nguồn mạch và sức mạnh giúp các môn đệ sống hiệp nhất: ở đây tình yêu là điểm quan trọng nhất (c.23). Chỉ nhờ sự hiệp nhất của các môn đệ, thế gian tin rằng "Cha đã sai Con" (c.21)[6] .

Bằng việc trao phó sứ mạng hiệp nhất và yêu thương, các môn đệ được Đức Giêsu sai đi để gặt hái hoa quả ơn cứu độ qua việc làm chứng bằng cuộc sống và lời rao giảng đức tin, nhờ thế sứ mạng này được tiếp diễn trong đời sống của Giáo hội: "Xuyên qua mọi thời đại cộng đoàn Kitô hữu là một đại gia đình duy nhất đang uống tại một nguồn mạch duy nhất ban sự sống, sự sống của Đức Chúa hằng sống. nơi đây họ khám phá ra nguồn của mọi nguồn là Chúa Cha"[7] .

Trong khi đi thực hiện sứ mạng này, các môn đệ không còn đơn độc, nhưng Đức Giêsu đã hứa ban "Đấng Bảo trợ" cho các ông.

Chúa Thánh Thần trong sứ vụ truyền giáo của các môn đệ

Trước hết, Chúa Giêsu trước khi về trở đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ, để Thánh Thần làm chứng cho sứ mạng của Ngài (Ga 15, 26). Trong bối cảnh các môn đệ đang đối diện với sự thù ghét và bách hại, các ông không đủ can đảm để thực hiện lệnh truyền của Đức Giêsu, thì Chúa Thánh Thần làm chứng trước các ông để các ông tin vào Ngài, và làm chứng trong các ông để các ông can đảm đi làm chứng cho Chúa Giêsu. Thực vậy, nhờ lời chứng của Thánh Thần mà lòng tin của các ông được vững mạnh và các ông có khả năng làm chứng. Chính lời hứa của Đức Giêsu về vai trò của Thánh Thần, sẽ giúp các môn đệ giữ vững niềm tin[8] .

Kế đến, Chúa Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ rằng Ngài và Chúa Cha là một, Ngài cũng cho các ông biết một Đấng khác, "Đấng Bảo Trợ" hay "Đấng Yên Ủi", mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Ngài, để nhắc lại cho họ mọi sự Chúa Giêsu đã nói với họ (x. Ga 14, 10-26). Theo các nhà chú giải thì từ Hy lạp "Parakletos", có nghĩa là trạng sư, người bào chữa, người trợ giúp, người bênh vực. Tin Mừng Gioan làm nỗi bật ý nghĩa này[9] . Dựa trên ý nghĩa của từ này trong các chương 14-16, chúng ta thấy rằng khi Đức Giê-su đi rồi, thì Đấng Bảo Trợ sẽ duy trì cùng một mối quan hệ ban sự sống mà các môn đệ đã được hưởng khi Ngài đang còn thi hành sứ vụ ở trần gian. Thánh Thần do Chúa Cha sai đến sẽ làm cho cộng đoàn những gì mà Đức Giê-su đã làm cho các môn đệ của Người. Như thế, Đấng Bảo Trợ sẽ "ở" với các ông (c.16), "dạy bảo" (c.26), "hướng dẫn", mạc khải ý của Chúa Cha cho các ông (x. Ga 16, 13) và cùng với các môn đệ đi vào cuộc đối đầu với thế gian (x.Ga 16, 8-11)[10] . Trong sứ mạng này, Chúa Thánh Thần, thúc đẩy, hướng dẫn và cùng các môn đệ trên hành trình thực hiện sứ mạng truyền giáo mà Đức Giêsu đã uỷ thác cho các ông.

Tóm lại, sứ vụ truyền giáo của các môn đệ là một sứ vụ được bắt nguồn từ lệnh truyền của Đức Giêsu, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thấn Thần: "Các ông tham gia thật sự vào công cuộc truyền giáo với tư cách là những người thu hoạch, chứ không phải những kẻ gieo vãi. Vì thế, chính việc thi hành truyền giáo là phần thưởng cho các ông. Đức Giêsu không bao giờ có thể bị thay thế trong cộng đoàn các tín hữu, vì Người tiếp tục giúp cho và nâng đỡ các tín hữu sinh hoa quả lâu dài nơi Người (15,1-17; 21,1-14). (x. 21,15-19)"[11] Sứ mạng này được tiếp diễn và nối dài trong đời sống của Giáo hội qua sứ vụ của các Kitô hữu.

II. SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO CỦA CÁC KITÔ HỮU HÔM NAY

Ngày nay, Giáo hội đang hiện hữu trong một thế giới đa tôn giáo, đa văn hoá, việc truyền giáo không chỉ là "áp đặt" những giáo thuyết, nhưng quan trọng hơn là việc làm chứng cho Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu cho con người thời đại. Và như thế, quan điểm truyền giáo trong Tin Mừng Gioan lại rất thích hợp cho đời môn đệ của Kitô hữu hôm nay.

Trước hết, Giáo Hội hiện nay quan điểm truyền giáo không phải việc của con người, nhưng là sứ mệnh của Chúa Giêsu, và sứ mệnh của Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu nói: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em" (Ga 20:21). Từ đó, Kitô hữu được mời gọi thực hiện sứ mạng truyền giáo trong thế giới theo cung cách và gương mẫu của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ sẽ thực hiện sứ vụ mà Ngài đã thực hiện[12] . Để đáp lời mởi gọi của Đức Kitô, người Kitô hữu cần ý thức về mục tiêu của truyền giáo hôm nay. Những mục tiêu cấp thiết là canh tân, củng cố đức tin và căn tính Kitô hữu. Điều này đã được đức Thánh Cha lưu ý: "Sứ mạng truyền giáo canh tân Giáo Hội, củng cố đức tin và căn tính của người kitô hữu, mang lại một sự hồi sinh lòng nhiệt thành và những động cơ mới mẻ... Việc Tân Phúc Âm hóa các dân tộc Kitô giáo sẽ tìm thấy sự gợi hứng và nâng đỡ trong sự dấn thân cho sứ mạng truyền giáo phổ quát"[13] .

Thực tế ở một số nước Á Châu như: Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái ... Tin Mừng Chúa Kitô đã được các nhà thừa sai gieo vãi từ nhiều thế kỷ nay, nhưng trải qua bao thăng trầm của lịch sử quốc gia, đất nước mình, Tin Mừng ấy đang mai một dần ở nhiều nơi. Kinh nghiệm của những anh chị em ở vài họ đạo ở Campuchia, sau hàng chục năm không được hướng dẫn về đức tin, giáo lý một cách bài bản...thì nay đời sống đạo của họ chỉ còn là "tại tâm". Họ đang đánh mất dần căn tín Kitô hữu của mình. Họ không còn bận tâm nhiều đến các thực hành tôn giáo như xem lễ Chúa Nhật, lãnh nhận bí tích, thực hành luân lý Kitô giáo...Vì thế, các giá trị Tin Mừng trong cuộc đời của họ hình như đang như ngọn đèn leo lét không biết sẽ tắt lúc nào trong luồng gió của thời đại. Chúng ta không được phép trách họ, nhưng cần tự vấn chúng ta về sứ vụ truyền giáo của mình. Các anh chị em này đang cần những nhà truyền giáo đến giữa họ, nói cho họ về Đức Giêsu đang yêu họ, để đời sống đức tin của họ và con cháu họ được hồi sinh. Và ngọn đèn đức tin của họ khi được bùng lên sẽ có sức lan tỏa tuyện vời cho những người lương dân trong cộng đồng mà họ đang sống cùng.

Kế đến, các Kitô hữu trong tư cách là những môn đệ, cũng được mời gọi tham gia vào sứ vụ của Chúa Cha. Cốt lõi của sứ vụ đó là làm chứng cho Vương Quốc Thiên Chúa, bằng sự hòa giải, hoà bình và phục vụ mọi người và mọi thụ tạo. Đây là sứ vụ truyền giáo toàn diện của người môn đệ. Sứ vụ này không thể giao cho một ít người, nhưng là sứ vụ của cả cộng đoàn Giáo Hội. Mọi người trong hoàn cảnh và điều kiện của mình được mời gọi thực hiện công việc truyền giáo bằng đời sống chứng tá của mình. Sức mạnh giúp cho chúng ta hoàn thành sứ vụ truyền giáo đến từ Chúa Giêsu Đấng đã Phục sinh để ban sức mạnh cho các môn đệ, và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Các năng lực cho sứ vụ truyền giáo là cuộc sống trong Thiên Chúa Ba Ngôi thông qua các cộng đoàn Kitô giáo (x. Ga 17).

Điều này có lẽ anh chị em Tin Lành đang áp dụng trong sứ vụ truyền giáo của họ. Họ cắm các anh chị em giáo dân ở giữa các vùng truyền giáo, để sống chứng nhân và rao giảng về Chúa Kitô cho người khác. Đằng sau lưng các nhà truyền giáo này là một tập thể, một tổ chức hay một giáo xứ ở đâu đó bên Hàn Quốc, Mỹ ...Các đơn vị ấy luôn hậu thuẫn và sát cánh với họ. Nhờ vậy, việc truyền giáo của họ xét về 'bề ngoài' thì gia tăng không ngừng. Hơn nữa, các nhà thừa sai Tin Lành có được một hăng say và thúc bách từ nội tâm. Một nhà thừa sai trẻ từ Việt Nam chia sẻ: "Tôi được đánh động bởi tiếng gọi của Chúa Giêsu từ Kinh Thánh, nên tôi lên đường để thực hiện sứ mạng đó". Cô bạn trẻ này từ bỏ một công việc tốt ở một công ty nước ngoài, đến Canpuchia truyền giáo với một nhóm bạn trẻ khác. Họ mở một quan cơm từ thiện ở Ph-nôm-pênh và đi truyền giáo trong khu vực này, và các vùng khác.

Thực vậy, chúng ta luôn ý thức rằng, các Kitô hữu không phân biệt giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, đều được Chúa Kitô mời gọi và sai đi thực hiện sứ vụ truyền giáo. Làm sao chúng ta phát huy được tinh thần sức mạnh này, để sứ vụ truyền giáo của Giáo hội có được sự đa dạng và chiều sâu hơn, hầu Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu được sinh hoa kết quả trong tâm hồn của mọi người?

III. KẾT LUẬN

Cách thức truyền giáo trong tin Mừng Thứ IV được thể hiện qua việc Chúa Cha sai Đức Giêsu đi để làm chúng về Cha và làm công việc của Cha (x. Ga 4, 34); Đấng Bảo Trợ được cả Chúa Cha và Chúa Con sai đi để làm chứng về Đức Giêsu ; và sau cùng các môn đệ được Đức Giêsu sai đi để làm như Ngài đã làm, với sự "Bảo trợ" của Chúa Thánh Thần. Các sứ mạng truyền giáo đó đều xoay quanh Đức Giêsu nhưng không chấm dứt ở nơi Đức Giêsu mà còn liên quan đến một sự tìm kiếm sâu xa hơn, đó là khuôn mặt của Chúa Cha, Đấng không được sai đi, vì Ngài chính là nguồn gốc và mục tiêu của mọi chứng tá của Tin Mừng. Đó cũng là quan điểm truyền giáo hiện nay của Giáo hội.

Trong quan niệm truyền giáo của Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu là nhà truyền giáo có quyền chỉ định, còn tất cả những người khác là hoa quả của truyền giáo. Trọng tâm của truyền giáo là ban sự sống cho các tín hữu và tập họp con cái Thiên Chúa tản mác lại (Ga 10,10; 11,52). Hội Thánh hiện nay định nghĩa "đúng là truyền giáo" hay là "đang sống truyền giáo". Định nghĩa như thế, được nhìn từ viễn tượng truyền giáo của Gioan, là bao gồm nghiêm túc cho mọi Kitô hữu[14] . Đây cũng là điểm nhấn của Đức Bênêđictô: "Sứ mạng truyền giáo phổ quát bao gồm tất cả mọi người, tất cả và luôn luôn. Tin Mừng không phải là một thiện ích độc chiếm của người đã lãnh nhận nó, nhưng là một ân huệ phải chia sẻ, một tin mừng phải truyền đạt. Và ân huệ-dấn thân này được giao phó không chỉ cho một số người, nhưng cho tất cả các tín hữu chịu phép rửa"[15] .

Như thế, cách thức truyền giáo theo Tin Mừng Gioan mở ra một chân trời mới cho mỗi người tín hữu, trong mọi nơi và mọi lúc. Họ được mời gọi đồng hành với mọi người trong cuộc tìm kiếm Thiên Chúa và cuộc sống vĩnh cửu. Ánh sáng của tin thần truyền giáo trong Tin Mừng Gioan sẽ giúp chúng ta thực hiện cách sung mãn sứ vụ mà Chúa Giêsu đã uỷ thác, hầu công trình cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất trong hiệp nhất và yêu thương "chỉ có một đoàn chiên và một mục tử." (Ga 10,16).

Chú thích:

[1] X. Lm Vũ Phan Long, Các bài tin Mừng Gioan dùng trong phụng vụ, NXB, VHTT, 2010, tr 27.
[2] X. Lm Trịnh Văn Thậm, Tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Gioan, tài liệu học tập, lưu hành nội bộ, 2010, tr 143.
[3] Lm Vũ Phan Long, Sđd., tr 31.
[4] Lm Vũ Phan Long, Sđd., tr 31.
[5] Lm Trịnh Văn Thậm, Sđd., tr 23.
[6] X. Lm Vũ Phan Long, Sđd., tr 383.
[7] Sđd., tr 384.
[8] X. Lm Lê Minh Thông, Đấng Pa-Rác-Lê, Thần Khí sự thật trong Tin Mừng Thứ tư, NXB Tôn Giáo, 2010, tr 212 và tr 28.
[9] X.Kinh Thánh Tân Ước, Phần chú giải, bản dịch và chú giải của Nhóm CGKPV, NXB, Tp.HCC, 1994, tr 457.
[10] X.Nền tảng truyền giáo trong Tân Ước, www. tinmưng.net, cập nhật ngày 28/03/2011.
[11] Lm Trịnh Văn Thậm, Sđd., tr 24.
[12] X. Howard A. Snyder, Mission Dei, www.tyndale.ca, cập nhật ngày 16/3/2011.
[13] Đức Gioan-Phaolô II, Redemptoris missio, 2.
[14] X. Lm Trịnh Văn Thậm, Sđd., tr 24.
[15] Đức Bênêđictô XVI, Sứ điệp ngày truyền giáo lần thứ 85, Vatican, ngày 06/01/2011.

Vạn Thành (nguồn danchuausa.net)

3792    27-10-2011 10:09:38