Sidebar

Thứ Năm
16.05.2024

Đạo và Phẩm Giá

Đạo có thể hiểu là đàng đi (đường đi) dẫn đưa con người đến đích điểm nào đó.
Đạo đức có thể hiểu là lề lối, là luật lệ dẫn đưa con người tiến trên con đường đức hạnh, con đường làm nên con người tốt, con người chính đáng, đúng với phẩm chất của mình.

Theo Lão giáo thì "Đạo" có thể hiểu là nguyên lý tuyệt đối sinh nên muôn loài. Theo Phật giáo thì "Đạo" là đường. Phật đưa đường cho con người đến bờ vĩnh cửu phúc hạnh. Còn theo Nho giáo hay theo lối hiếu thông thường thì đạo là luật lệ hướng dẫn con người sống thích đáng với nhân phẩm.

Đối với người Công giáo, người thờ Chúa, thì đạo là luật lệ chỉ dẫn con người sống thích đáng với chức vị làm con Chúa. Luật lệ như thế thì phải do Trời ban (Minh đạo chi căn nguyên xuất ư Thiên). Mặc dầu con người có lương tâm nhận định, phân biệt tốt xấu, lành dữ, nhưng con người tâm trí vẫn hạn hẹp, hiểu biết không hoàn toàn xác đáng, không thể đưa ra một hệ thống đạo đức luân lý đầy đủ, chân chính. Vì thế, đạo phải phát xuất từ Trời nghĩa là phải do Chúa chỉ dạy hướng dẫn qua mạc khải. Hay nói rõ ra: nhờ Chúa mạc khải mới có đạo, luật lệ luân lý chân chính đầy đủ.

Chúng ta thường nhận định: người có đạo giữ đạo là người tốt, người lành thánh, còn người vô đạo là người xấu, người ác. Vì đạo chỉ dạy cho ta biết phẩm giá của Chúa, phẩm giá của xã hội, phẩm giá con người, phẩm giá của sự vật. Đạo chỉ dạy chúng ta tiếp xúc, liên hệ với Chúa, với xã hội, với người, với vật như thế nào cho đúng, cho tốt và như thế mới bảo vệ chính phẩm giá của mình.

Xã hội đạo đức thì mới loại trừ những mầm mống giặc giã, cướp bóc, hỗn loạn.... Xã hội đạo đức thì con người biết thương nhau, nhường nhịn nhau, tương trợ nhau... Có thể không còn tình trạng nghèo đói, vì hạng người khốn khó có người thương giúp.

Người có đạo hiểu là người sống đạo thì không đúng. Sống đạo một vài phương diện nhự đọc kinh nhiều....chưa sống đạo đầy đủ, thì chưa đáng gọi là người có đạo. Mang tiếng có đạo mà sống theo đời: ham tiền, ham vui, ham nhục dục.... có thể kể là đạo giả hiệu.

Đạo khẩn thiết cho cuộc sống, khẩn thiết hơn cơm ăn, áo mặc. Sống không đạo thì đời không đáng sống. Không đạo thì nhân phẩm cũng tiêu tan!

Do đó quả quyết được "đạo" là cái chi rất cần cho cuộc sống - Ăn mặc cần cho cuộc sống đã đành mà đạo thì có thể nói cần hơn cho cuộc sống; vì ăn mặc cần cho cuộc sống thể xác, còn đạo thì cần cho sống tinh thần - ăn uống giúp cho cho thể xác lớn mạnh, cũng phần nào cung cấp cho thể xác chút ít khoái lạc, nhưng không làm được cho phẩm giá tăng trưởng, thiện hảo. Vả lại, ăn mặc cũng nhờ đạo hướng dẫn mới ăn mặc hợp lý hợp tình, không trở thành sa đọa.

Chúng ta cũng thường nghe nói vô đạo là tai hại, giặc giã còn hữu đạo thì thiện hảo an vui. Sống vô đạo thì không đáng sống, sống như thế không đúng hẳn là con người mà gần với con vật hơn. Sống đạo mới đúng với nhân phẩm.

Phần khác, nếu nhận định có Ông Trời tạo dựng, ta thử hỏi: Trời (Chúa) tạo dựng con người để làm gì? Vì mục đích gì? Nếu tạo con người để ăn mặc sung sướng, hưởng thụ sung sướng vài năm rồi chết thì kiếp sống con người quá vô lý! Vì thế, khi tạo dựng con người thì phải chỉ định cho con người một mục đích sau cùng, cho được đạt mục đích tối chung thì cũng phải hướng dẫn, chỉ định một đường lối, nghĩa là truyền đạo, chỉ đường để đạt mục đích.

Vì thế, đạo là một đường lối, một luật lệ cho con người đạt mục đích tối chung. Không có đạo thì không đạt mục đích tối chung. Do đó, đạo là nhu cầu khẩn thiết cho cuộc sống. Vậy, giữ đạo không vì ông trời đòi hỏi, giữ đạo không phải để ông trời ban cho mình được thỏa mãn tạm qua, giữ đạo không phải để nhờ Chúa ban cho mình khỏe mạnh, giàu sang, sung túc....

Nhưng giữ đạo là khẩn thiết, vì vật thọ tạo phải thờ Đấng Tạo Dựng. Giữ đạo cần thiết cho con người sống đúng phẩm giá của mình. Giữ đạo mới đạt được mục đích tối chung Chúa đã chỉ định.

1235    13-02-2011 08:40:33