Sidebar

Thứ Năm
16.05.2024

Đời Là Khổ

Phật giáo khi nói: Sinh - lão - bệnh - tử, là có ý nói đời toàn là khổ.

Đạo chúng ta cũng nói: đời là sũng khóc lóc. Văn chương lại tả: đời là bọt trong bể khổ.

Đời có khổ, không ai cãi, ai ai cũng nhận; nhưng nếu nói đời là toàn khổ thì quá đáng. Ông Trời tạo ra con người, bắt con người chịu khổ, rồi đến cái khổ sau cùng là chết... Tạo dựng như vậy nó vô lý quá! Tạo dựng làm gì? Không nên tạo dựng.

Thật ra Chúa tạo ra con người để con người được phúc; mà muốn được phúc thì phải khổ công, có khổ công mới đáng thương.

Khổ công không phải là mục đích của con người mà là phương tiện để đạt mục đích, nghĩa là đạt phước. Phật giáo dùng tứ diệu đế để diệt khổ, diệt vô thường, đạt hữu thường. Chúng ta không chấp nhận lập luận này và cái diệt khổ trong hiện sinh, trong thực tế chưa diệt được.

Không diệt được thì nên dùng chúng như phương tiện để đạt phúc. Ngay trong đời thường, muốn có cơm ăn, phải chịu khó, chịu khó nấu cơm; muốn có lúa phải khổ công cày cấy; muốn có một tác phẩm nghệ thuật cũng phải khổ công đụt đẽo mài giũa; ngay nhà trí thức muốn hiểu rộng, cần phải khó nhọc nghiên cứu.

Xem ra cái khổ nhọc là khẩn thiết cho con người. Cả ngày không việc làm (không ngủ nghỉ) chính là cái khổ. Có việc là thoải mái, là vui tươi. Do đó cái khổ không hoàn toàn là khổ.

Cái khổ để biểu lộ năng khiếu tái tạo, có thể là điều sở thích. Khổ nhọc để biểu lộ tình yêu, có thể là một khoái lạc. Có khó nhọc mới có được một đời sống thiện hảo.

Đối với Thiên Chúa, ngoài khổ nhọc chúng ta có gì dưng cho Chúa. Chịu khó, chịu chết để cứu người, cứu đời là một vinh hạnh đáng được hãnh diện.

Cái khổ, không hẳn là khổ, càng không phải là khổ hoàn toàn mà là phương tiện để đạt hạnh phúc, góp phần cho hạnh phúc. Tự cái khổ cũng đem đến cho chúng ta ít nhiều an lạc.
Vì thế, đã không thể diệt, càng không nên ghét, mà đón nhận khó, thích chịu khó để đạt hạnh phúc.

Những nhà bi quan kể đời là khổ: sinh, lão, bệnh, tử. Bốn bộ mặt của đời sống đều là khổ. Con người chỉ là bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê. Đời khổ mà lại ngắn ngủi nữa. Chỉ là bọt bèo thôi. Ngay những cái thiên hạ cho là sướng: tửu, sắc, tài, khí (tứ đỗ tường)... Vẫn có người kể là tình trạng nô lệ.

Ngay đạo chúng ta cũng có lời kinh: Chúng con ở nơi khóc lóc, ...Như thế thì đời đáng sống không?

Qua mạc khải chúng ta nhận định: Chúa vì thương mà ban cho chúng ta được hiện hữu (được có).

Không những có, mà có bản tính để hướng về Chúa, kết hợp với Chúa. Đó là đạt phúc thật. Nói tóm lại, Chúa tạo nên con người là muốn cho con người được phúc. Nhưng tại sao còn để đời người phải khó nhọc?

Cũng nhờ mạc khải, chúng ta biết được nguyên tổ đã phá hoại chương trình đầu tiên của Chúa. Chương trình: Cha làm quan, con hưởng phụ ấm. Nguyên tổ đã đem khổ sầu, bệnh hoạn vào trần thế - lại làm mất quyền hưởng phụ ấm.

Mỗi người phải tận dụng khả năng của mình để chuộc lại phần ân huệ nguyên khởi.

Vậy tôi phải sống thế nào cho đúng, cho tốt? Sống bi quan thì không đúng. Sống hoàn toàn lạc quan, không thể được. Vì đời đâu có tươi đẹp và cái khổ vẫn đeo đẳng không rời.

Tôi phải sống đúng ý Chúa. Đúng với mục đích Chúa đã định. thực tế giữ 10 Điều Răn, lánh tội và thể hiện yêu thương, hướng tất cả những biến cố, những tác động, về mục đích tối chung: kết hợp với Chúa.

Các việc tôi làm có hiệu quả tốt, đúng hơn là thi hành lệnh Chúa. Bởi vì kết quả do tài năng tôi thực hiện là của Chúa. Đúng ra phần riêng của con người là chịu khó. Chịu khó có thể nói là đặc phẩm của chính con người, ngay cả những bệnh hoạn, tật nguyền bởi vì: ai theo Thầy thì phải vác Thánh giá.

Chịu khổ, vác thánh giá, làm cho con người giống Chúa. Chịu khổ vì Chúa có hiệu lực đền tội, lập công, chuộc lại được tình trạng làm con, đạt được mục đích tối chung là kết hợp với Chúa.

Đời không hẳn chỉ có khổ. Chính cái khổ giúp cho con người mua được phúc lạc.

Cái khổ giúp cho ta không còn bám vào vui sướng tạm qua. Chính cái khổ giúp cho con người hướng về vĩnh cửu.

Đời đáng sống! Phải biết sống, thì ngay giữa cảnh ô trọc, con người cũng đạt được bình an và cũng hưởng được một phần hạnh phúc tối chung.

1897    13-02-2011 08:37:41