Sidebar

Thứ Hai
06.05.2024

Giáo Hội Là Dân Thiên Chúa - Tháng 01 năm 2012

LỜI CHỦ CHĂN

TOÀ GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2

Vĩnh Long

Lễ Thánh Gia 30.12.2011

V/v Giáo Hội là Dân Thiên Chúa

Kính gởi: Các Linh Mục, các Tu Sĩ

                Và Anh Chị Em giáo dân Địa Phận Vĩnh Long,

Hiện tượng xảy ra hôm nay tại nhiều nơi nhât là trong xã hội Tây Phương:  nhiều người rời bỏ Giáo Hội. Có những  nguyên do khác nhau, từ phía cá nhân cũng như từ phía xã hội. Có người tuyên bố rời bỏ Giáo Hội, vì những gương mù gương xấu, họ cho rằng không cần đến một Giáo Hội như vậy. Có người thắc mắc: Thiên Chúa có thật sự muốn có một Giáo Hội? và, nếu có, thì Giáo Hội đó phải như thế nào? Giáo Hội Công Giáo có phải là Giáo Hội của Chúa?

Có một Bài Thánh ca rất quen thuộc không thể thiếu trong Mùa Giáng Sinh: Hôm nay muôn dân đã được thấy Ánh Sáng. Hôm nay Thiên Chúa đến viếng thăm dân Ngài. Người là Vua Uy quyền, là Vua Vinh quang, là Vua Thái Bình, Vua Muôn Đời. Bài hát nầy diễn tả những gì ?

Thiên Chúa tỏ lòng thương xót phàm nhân khốn khổ. Đây Con Thiên Chúa làm Người ở cùng chúng ta. Hài Nhi mới sinh nằm trên máng cỏ trong hang đá  là Vị Cứu Tinh:  "Người sẽ được gọi tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội" (Mt 1,21; Luca 1,31; 2,21).  Người là Chúa quyền năng: "vì Người là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai báu David tổ phụ Người và Người sẽ cai trị đời dời trong nhà Giacob và triều đại Người sẽ vô tận" (Lc 1, 32-33).

Do Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mà giờ đây  các tín hữu được phước làm Dân riêng của Thiên Chúa: "Anh em là dòng dõi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa... Xưa kia anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em được xót thương"  (1 Pr. 2,9-10).

TrongThư gởi Các Tín hữu thành Eâphêsô, Thánh Phaolô  quả quyết: "Chính do ân sủng mà anh em được cứu chuộc , nhờ lòng tin, và không phải do tự anh em; đó là ơn Thiên Chúa ban; không phải do tự việc làm, để đừng có ai vinh vang tự đắc" (Eph 2,8-9).

Thánh Tông đồ còn nhắc bảo họ: "Anh em hãy nhớ lại xem, xưa kia anh em bẩm sinh là dân ngoại, bị giới mệnh danh là cắt bì , chê là hạng không cắt bì,...

Nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu,anh em những kẻ xưa kia ở xa, thì đã nên gần nhờ bửu huyết của Đức Kitô. Vì chính Người là sự bình an của ta, Đấng đã làm cho đôi bên nên một" (Eph 2,11.13).

Hội Thánh của Chúa Kitô không phải là một tổ hợp làm ăn, một công ty kinh doanh để mỗi người kiếm lời. Khi gặp trục trặc, họ có thể rời bỏ.  Ở trong Hội Thánh là như ở trong tay lưới của Chúa, được thả xuống nước sâu  của cõi chết và kéo lên các thứ cá tốt xấu, để đưa vào  đất sự  sống. Có thể tôi đang ở bên cạnh những con cá xấu, hay tôi cảm thấy như vậy. Hội Thánh là đoàn dân bao gồm nhiều dân tộc, đó là Dân của Chúa. Ở trong Hội Thánh, thuộc về Hội Thánh, tôi tập chịu đựng và hành động chống  lại những gương mù, nhưng vẫn ở lại trong Hội Thánh là tay lưới rộng rãi của Chúa (x. Bênêđitô XVI, Trả lời phỏng vấn trên chuyến máy bay đi thăm Đức quốc, ngày 22.9.2011) .

Đối với những người tuyên bố công khai rời bỏ Hội Thánh, Đức Thánh Cha Bênêđitô nói rằng đó chỉ là bước sau cùng của một chuỗi dài những bước đưa họ dần dần ra xa Hội Thánh (Trả lời phỏng vấn ngày 22.9.2011). Trong số 1,2 tỷ tín hữu Công Giáo có nhiều người trong thâm tâm chẳng ở trong Hội Thánh. Thánh Augustinô đã nói vào thời của ngài: Có nhiều người ở ngoài mà xem ra như ở trong; và có nhiều người ở trong , nhưng hình như là ở ngoài (Bênêđitô XVI, Aùnh sáng thế gian, trang 21). Chúa cũng đã nói với chúng ta là trong ruộng lúa có cả cỏ lùng cùng mọc lên (Mt. 25-30), dầu vậy hạt giống, hạt giống của Chúa, vẫn sẽ tiếp tục lớn lên . Chúng ta tin tưởng vào lời đó (Bênêâđitô XVI, Ánh Sáng thế gian, tr.44).

Tiếc thay, hoàn cảnh tội lỗi gây ra gương mù  cũng có trong Hội Thánh và nó đã mang đến cho Hội Thánh những hậu quả khủng khiếp. Tuy nhiên, theo Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, điều cũng quan trọng không kém, đó là không nên vì thế mà không thấy cái đẹp trong Hội Thánh. Không thấy Hội Thánh đã làm được bao nhiêu điều hữu ích, đã giúp đỡ bao nhiêu người đau khổ, bệnh tật, bao nhiêu trẻ em. Ta càng không được coi nhẹ sự ác bao nhiêu, thì càng phải nhận chân và cám ơn Hội Thánh Công Giáo về những mặt sáng của nó, và phải làm sao cho người ta thấy được ánh sáng đó. Nếu Hội Thánh mất đi, thì toàn thể mọi không gian sống có thể sụp đổ (Ánh Sáng thế gian, 51).

"Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai" (Gioan 6,68). Rời bỏ Hội Thánh thì cũng có nghĩa là chối bỏ Chúa Kitô, vì Chúa hứa sẽ luôn luôn ở cùng Hội Thánh (x. Mt 28,20). Ngày 22.12.2011, ngỏ lời với Giáo Triều Rôma, Đức Thánh Cha Bênêđitô đã nêu lên một cách thức mới mẻ để sống Kitô hữu: Tham dự các sinh hoạt của Hội Thánh, để có cảm nghiệm mới về tính phổ quát của Hội Thánh : cảm nhận mọi người là anh chị em của nhau;

Sống cho tha nhân: cống hiến thời giờ, cuộc sống cho tha nhân hơn là chỉ để lo cho chính mình;

Tôn Thờ Chúa Giêsu Thánh Thể: Thiên Chúa hiện diện thật sự ở giữa chúng ta,  cho chúng ta và với chúng ta;

Lãnh Bí Tích Hoà giải: không những để được ơn tha thứ, mà còn giúp ta từ bỏ thói ích kỷ, trút bỏ gánh nặng và mở ra cho tình thương;

Tín thác vào  tình thương của Chúa;  tin chắc mình được Chúa thương  mời gọi, đón nhận.

Để sống hạnh phúc, cần phải hoà nhập, cống hiến, tin tưởng, khiêm tốn, tin vào tình thương.

Mừng Xuân Mới,  mọi người cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp. Điều tốt đẹp nhất cho Anh Chị Em là VUI SỐNG.

Ước mong Anh Chị Em sẽ đón nhận và thực hành cách thức sống mới, sống đẹp nầy giữa lòng Dân Chúa trong Năm Mới.

Thân ái trong Chúa Kitô,

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
          Giám mục của Anh Chị Em

THƯ MỤC VỤ

Tháng 01/2012
CHỦ ĐỀ: GIÁO HỘI LÀ DÂN THIÊN CHÚA

Thiên Chúa không muốn cứu rỗi con người cách riêng rẽ nhưng quy tụ họ thành một dân tộc, một cộng đoàn, một gia đình của Ngài, vượt lên trên những khác biệt về thể lý và chủng tộc, văn hoá. Giáo Hội là Dân Thiên Chúa được tuyễn chọn từ ngàn xưa (x. St 17, 4-7), trở thành dấu chỉ và khí cụ của Thiên Chúa tình yêu giữa lòng lịch sử nhân loại, một lịch sử vốn xen lẫn bóng tối và ánh sáng, đang rên xiết chờ ngày vinh quang của con cái Thiên Chúa được tỏ hiện (x. Rm 8, 19-22) (Thư  Chung Hâu Đại Hội Dân Chúa của HĐGMVN, số 10).

DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ 

Khi Thiên Chúa quyết định chọn một dân tộc làm Dân Riêng Ngài, để tỏ mình ra cho họ và để họ làm chứng nhân truyền bá mạc khải của Ngài,hầu cho muôn dân nhận biết và tôn thờ một mình Ngài là Thiên Chúa duy nhất và chân thật. Ngài đi phỏng vấn từng dân tộc.

Trước hết, Chúa đến gặp người Hy-lạp và hỏi:

-     Nếu Ta là Thiên Chúa của các người và các ngươi là Dân Riêng của Ta, các ngươi có thể làm gì cho Ta?

Người Hy-lạp đáp:

-     Lạy Chúa, nếu Chúa chọn chúng con làm Dân Riêng của Chúa, chúng con sẽ tôn thờ Chúa qua những công trình nghệ thuật tinh xảo, sẽ dùng những hệ thống tư tưởng cao siêu để diễn tả những đặc điểm về Chúa, các văn hào và triết gia của chúng con sẽ ca tụng Chúa qua những tác phẩm kiệt tác mà không dân tộc nào có thể sánh kịp.

Chúa phán:

-     Cám ơn lòng tốt và đề nghị của các ngươi.

Rời Hy-lạp, Chúa đến với người Rô-ma và Ngài cũng hỏi họ cùng một câu hỏi:

-     Nếu Ta là Thiên Chúa của các người và các ngươi là Dân Riêng của Ta, các ngươi có thể làm gì được cho Ta?

Người Rô-ma thưa:

-     Lạy Chúa, nếu Chúa chọn chúng con làm Dân Riêng của Chúa, chúng con sẽ xây những đền thờ thật nguy nga vĩ đại, sẽ mở những xa lộ thật tối tân để muôn dân tuôn về các đền thờ mà tôn vinh Thiên Chúa.

Chúa phán:

-     Ta ghi nhận lòng tốt của các ngươi và cám ơn đề nghị của các ngươi.

Từ Rô-ma, Chúa đi vòng quanh khắp thế giới, phỏng vấn hết dân tộc này đến dân tộc khác. Mỗi dân tộc đều hứa sẽ phụng sự Chúa qua những đặc tính độc đáo của mình.

Nhưng Chúa không hài lòng với bất cứ đề nghị nào. Sau cùng, Ngài tới miền Trung Đông, phỏng vấn một nhóm nhỏ mệnh danh là người Do Thái, được nổi tiếng là những người buôn bán và mặc cả giỏi.

Một lần nữa, Chúa hỏi người Do Thái:

-     Nếu Ta là Thiên Chúa của các người và các ngươi là Dân Riêng của Ta, các ngươi có thể làm gì để phụng sự Ta?

Người Do Thái đáp:

-     Lạy Chúa, chúng con chẳng có biệt tài gì độc đáo cả, chúng con không sáng tác được hệ thống triết học cao siêu hay những tác phẩm thi văn nghệ thuật tuyệt tác. Chúng con cũng không có khả năng xây cất những đền đài nguy nga vĩ đại, kiến thiết những xa lộ tối tân. Chúng con chỉ biết kể chuyện thôi. Nếu Chúa chọn chúng con làm Dân Riêng của Chúa, chúng con sẽ kể cho cả thế giới biết về Chúa và những kỳ công của Chúa.

Nghe vậy, Chúa hớn hở phán:

-     Hay! Đề nghị của các ngươi rất hợp ý Ta! Chấp thuận.

Câu truyện trên đây nói lên tầm quan trọng của các truyện tích trong lãnh vực truyền bá tư tưởng. Vì nhờ những tình tiết ly kỳ hấp dẫn. Các truyện tích dễ lôi cuốn người nghe, đồng thời cũng giúp người ta dễ hiểu và dễ nhớ những sứ điệp được gói ghém trong đó. Đây chính là lý do khiến Chúa Giê-su thường dùng dụ ngôn để nói với dân chúng.

Đồng thời cũng cho thấy Israen chính là dân ưu tuyển của Chúa. Chính Chúa đã chọn lựa và quy tụ họ lại, để qua họ, thực hiện chương trình yêu thương cứu độ của Người.

Trước khi diễn giải Thư mục Vụ, chúng ta tóm lược một vài ý về Chủ đề Giáo Hội là Dân Thiên Chúa như sau:

  1. Loài người tội lỗi, Chúa muốn cứu rỗi, nhưng không cứu rỗi từng người, mà cứu rỗi tập thể, nên Chúa đã thiết lập một cộng đoàn dân Chúa là Hội Thánh.
  2. Trong đời cảnh tối sáng tranh nhau: theo sáng thì được rỗi, theo tối thì hư mất.
  3. Theo sáng là làm dân Chúa làm chứng cho Chúa và dấu chỉ tình yêu của Chúa mới được cứu rỗi và hạnh phúc.

"Thiên Chúa không muốn thánh hoá và cứu độ con người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc, để họ nhận biết Người trong chân lý, và phụng sự Người trong thánh thiện. Vì thế, Người chọn dân Ít-ra-en làm dân Người, thiết lập với họ một giao ước, giáo huấn họ dần dần... Tuy nhiên, tất cả những điều ấy chỉ là chuẩn bị và hình bóng của Giao Ước mới hoàn hảo sẽ được ký kết trong Đức Ki-tô ... Đó là Giao Ước mới trong máu Người, Người triệu tập một dân đến từ dân Ít-ra-en và từ các dân ngoại, họp thành một khối duy nhất trong Thánh Thần" (Hiến chế Hội Thánh,  9; GLCG,  781).

Khi nói "Thiên Chúa không muốn thánh hoá và cứu độ con người cách riêng rẽ, thiếu liên kết" là Công Đồng Vat. II muốn chúng ta phải liên kết với Chúa Giêsu trong niềm tin và liên kết với đồng loại của mình bằng tình mến của Chúa. Đó cũng chính là điều kiện để chúng ta trở nên thành viên của dân Chúa là tin và chịu Phép Rửa và sống theo luật mới của Chúa Thánh Thần (Rm 8, 2; Gl 5, 25): luật yêu thương.

Liên kết với Chúa Giêsu bằng đức tin

Sống đức tin là sống gắn bó với Chúa Giêsu và Lời của Người, là bước theo Vị Thủ Lãnh của mình là Đức Kitô, Đầu của Hội Thánh (x. Mt. 2,6) nhờ đó mà chúng ta được sống. Cũng giống như đoàn chiên đi theo mục tử (hình ảnh tuyệt hảo về một dân tộc), thì các tín hữu chính là những "con chiên" bước theo Đức Kitô Vị Mục tử nhân lành (x. Ga 10, 4tt). Thật vậy,  Đức Kitô là Thủ Lãnh, là Đấng phát khởi, là "Đấng khai mở và kiện toàn đức tin" (Dt 12: 2), là "vị lãnh đạo thập toàn dẫn đưa... tới nguồn ơn cứu độ" (Dt 2,  10); do đó,  có theo Ngài, thì các tín hữu mới nên xứng đáng với Ngài (x. Mt 10,  38).

Sống đức tin là tin rằng "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời" (Ga 3,16 ). Đức tin ấy của mỗi thành phần dân Chúa sẽ ảnh hưởng hổ tương lẫn nhau, giúp nhau thăng tiến và nên thánh, đích đến của sự trọn lành. Bởi vì Giáo Hội là một cơ chế, một cộng đoàn xã hội, là  "bí tích hữu hình của sự hiệp nhất." Mỗi người chịu trách nhiệm không những đối với chính bản thân của mình, nhưng còn đối với hay theo tương quan liên đới với hết mọi anh chị em khác nữa, tức là điều xấu một người gây ra sẽ ảnh hưởng xấu đến các anh chị em khác; và ngược lại, làm tốt thì tạo ảnh hưởng tốt cho tất cả. Ngoài ra, đã là tương quan liên đới tất có qua có lại, có gây/làm ra và có chịu/nhận vào những hậu quả của những chuyện tốt xấu của nhau.

Liên kết với mọi người bằng đức mến

Dân mới này do  chính Đức Kitô đích thân gầy dựng và lấy máu mình mà chuộc lại: "Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã tỏ hiện, đem ơn cứu độ đến cho mọi người... Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện" (Tt 2, 11-14). Do đó, Dân mới phải sống theo luật mới: luật yêu thương.

Sở dĩ con người có bản tính xã hội là vì được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa: một Thiên Chúa Ba Ngôi; mà dây nối kết Ba Ngôi chính là Tình yêu, cho nên tình yêu cũng phải là dây kết hợp các phần tử trong loài người thành một xã hội. Sự chia rẽ, ích kỷ chỉ làm cho mối dây liên kết trong xã hội bị cắt đứt đi. Để chữa lành vết thương ấy Thiên Chúa Giavê đã ban bố luật yêu thương: "Hãy yêu mến người thân cận như chính mình" (Lv 19,18; x. Mc 12, 31; Rm 13, 9; Gl 5, 14). Chúa Giêsu còn đưa luật yêu thương lên đến tột đỉnh khi dạy: "Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13,  34). Yêu như Chúa yêu! Hơn nữa, điều mới lạ là khi yêu mến người khác, không những người kitô yêu mến giống Đức Giêsu, nhưng còn yếu mến chính Ngài nữa, vì Ngài đồng nhất hóa chính mình với mọi người, với những anh em hèn mọn nhất. "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy"  (Mt 25,40).

Tình yêu ấy có được là nhờ chúng ta gắn bó mật thiết với Chúa. Chính Thiên Chúa yêu mến qua tấm lòng của con cái Người: "Nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta, Thiên Chúa đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta" (Rm 5: 5). Dó đó, điều quan trọng là giữ mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa. Người là Cha của mọi người và hằng muốn cứu rỗi hết thảy mọi người trong nhân loại (x. 1Tm 2, 4); thế nên, Người muốn nhờ con cái mình tỏ tình yêu ấy cho hết mọi người. Không phải vì con người đáng yêu nên được Thiên Chúa yêu thương, nhưng phải nói ngược lại là chính nhờ được Thiên Chúa yêu thương nên con người trở thành đáng yêu: tình yêu của Chúa là ân huệ thuần túy sáng tạo. Vì vậy, người kitô yêu mến người khác, chủ yếu không phải là vì họ tốt, nhưng là để nhờ tình mến ấy, họ trở nên xứng đáng với tình yêu (x. Ga 4, 4tt).

Giáo hội hợp thành từ những con người yếu đuối

Giáo hội hay cộng đoàn Dân Chúa tuy xuất phát từ ý định Chúa Cha và được thực hiện qua Chúa Con và được thánh hoá bởi Chúa Thánh Thần, nhưng Giáo Hội ấy vẫn mang trong mình yếu tố nhân loại và yếu tố thần linh, hay nói cách khác Giáo hội vừa là thánh thiện nhưng cũng là vừa ôm ấp trong mình những con người tội lỗi. Vì thế Giáo hội thánh thiện thật nhưng một trật cũng luôn đòi được thanh tẩy, vì tội lỗi vẫn tồn tại trong Giáo hội, nhưng Giáo hội lại được Chúa Thánh Thần thánh hoá sâu xa. Chính điều này nói lên hình ảnh rất thực về Giáo Hội, đó là Giáo Hội độc nhất của Chúa Kitô mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền

Tóm lại, Giáo Hội (Dân Chúa) là một cộng đoàn của đức tin, đức cậy và đức mến đồng thời là một cơ cấu khả giác, một xã hội phẩm trật và nhiệm thể Chúa Kitô, một nhóm người hữu hình và một cộng đoàn thiêng liêng, hiện hữu trên trần gian và được ban những ân huệ thiên quốc (x. Giáo Hội là Dân thiên Chúa, Hợp Tuyển Thần Học 18&19, htth.org).

Từ những nhận định trên, chúng ta thử kiểm điểm cách sống của chúng ta như là Dân của Chúa như  thế nào:

  1. Có sống đạo cá biệt không? Không nghĩ đến người khác?
  2. Có biết sống hiệp thông không?
  3. Có nhận định sống đạo là làm chứng cho Chúa và cũng là phương tiện để Chúa biểu lộ tình yêu?

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Giữa các dân tộc, Thiên Chúa chọn một dân Israel, để Ngài bày tỏ lòng yêu thương của Ngài, và để họ gìn giữ các lời hứa của Thiên Chúa. Ngày nay, dân riêng mới của Thiên Chúa chính là Hội Thánh. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1.      Chúa phán: "Thầy chọn các con ở giữa thế gian". Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, ý thức mình đã được chọn giữa thế gian và không thuộc về trần gian, nhưng luôn hướng mọi sự đến Nước Trời.

2.      Chúa phán: "Thầy không gọi các con là tôi tớ, nhưng là bạn hữu". Chúng ta cầu nguyện cho các kitô-hữu luôn nhớ rằng mình là dân Thiên Chúa, là con Thiên Chúa, phải thể hiện sức sống và tình yêu của Thiên Chúa.

3.      Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng, và chúng theo Ta". Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu luôn lắng nghe và thực hành lời Chúa, trở nên hiện thân của Chúa Kitô ở giữa xã hội trần gian hôm nay.

4.      Chúa phán: "Cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn Mình Ta sẽ sống muôn đời". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, ý thức mình là dân Thiên Chúa, sốt sắng lãnh nhận Mình Máu Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa tuyển chọn Hội Thánh làm dân riêng Chúa, để hưởng gia nghiệp Nước Chúa. Xin cho mọi thành phần Hội Thánh hiệp thông trong chức tư tế của Chúa Kitô, nên dân Thiên Chúa mà đáng hưởng hạnh phúc Nước Trời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

GIÁO HỘI LÀ DÂN THIÊN CHÚA

Giáo hội là Dân Thiên Chúa ta phải hiểu danh từ này thế nào? Từ ngữ Giáo Hội được sử dụng để dịch từ La-tinh "Ecclesia" có nghĩa là "triệu tập", và được dùng để chỉ những cuộc tụ họp dân chúng, thường có tính cách tôn giáo. Cựu Ước sử dụng từ này để chỉ sự tập họp của Dân Israel trước mặt Thiên Chúa. Khi tự đặt tên cho mình là "Giáo Hội", cộng đoàn đầu tiên đã tự nhận mình là thừa kế của "tập họp" kia trong Cựu Ước. Trong Giáo Hội, Thiên Chúa "triệu tập" Dân Ngài từ tất cả mọi miền trên trái đất.

Trong ngôn ngữ Kitô giáo, từ "Giáo Hội" chỉ cộng đoàn phụng vụ, nhưng cũng chỉ cộng đoàn địa phương hoặc tất cả cộng đoàn các tín hữu trên khắp thế giới. Ba ý nghĩa này không thể tách biệt ra khỏi nhau được. Như vậy "Giáo Hội" là Dân do Thiên Chúa tập họp lại trên toàn thế giới.

Giáo hội là Dân Thiên Chúa, danh hiệu này cho thấy tiến trình liên tục trong lịch sử cứu độ. Ítraen vẫn tồn tại trong Giáo hội, với tư cách là dân được chọn hầu mang ơn cứu độ đến cho toàn thể nhân loại.

Cũng như dân Israel hai yếu tố cấu tạo nên Dân Thiên Chúa là ơn tuyển chọn và giao ước.

Thiên Chúa chọn dân Israel là dân riêng không phải vì họ lớn mạnh, đông đảo, thánh thiện...hơn các dân tộc khác mà là "Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân. Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà Đức Chúa đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharaon vua Ai Cập" (Đnl 7,7-8).

Như vậy, ơn được tuyển chọn làm dân riêng là một ơn hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa, vì tình thương mà Thiên Chúa đã chọn để bao bọc chở che, để thánh hoá và làm thành dân riêng của Ngài. Cũng vậy, người Kitô hữu được trở nên con cái Chúa không phải vì công nghiệp riêng mình, hay sự phấn đấu của bản thân mà là vì lượng hải hà của Thiên Chúa tình thương. Ta không đáng được chọn nhưng Thiên Chúa đã chọn để ta được làm con cái của Người qua Giáo hội.

Khi chọn dân Israel làm dân riêng Thiên Chúa đã thiết lập với họ giao ước Sinai. Qua giao ước này Thiên Chúa hứa sẽ bảo vệ gìn giữ họ, cho họ được ở trong sự  bảo vệ của Thiên Chúa quyền năng. Còn phần họ, họ phải trung thành tôn thờ chỉ một mình Thiên Chúa và chỉ phụng sự một mình Ngài mà thôi để họ được ở mãi trong sự chở che của Thiên Chúa. Giao ước Sinai đã được ký kết bằng máu chiên bò như là hình ảnh của một giao ước mới được thiết lập sau này.

Cũng vậy, dân mới phát sinh từ giao ước mới, được đóng ấn bằng máu của Chiên vượt qua là Đức Kitô. Và nếu có một giao ước mới, ắt phải có một lề luật mới và một dân mới. Theo Tân Ước, giữa Thiên Chúa và nhân loại chỉ có một vị trung gian duy nhất là Đức Giêsu Kitô: đây là đặc nét chính yếu của kitô giáo. Ngài là Đấng trung gian mạc khải, không chỉ vì Ngài là thầy, là ngôn sứ,...mà còn chính vì Ngài là Lời nhập thể. Ngài là tư tế duy nhất cùng là lễ vật duy nhất cho đến muôn đời, Ngài dâng một hy lễ duy nhất trên bàn thờ thập giá, và truyền cho Giáo hội "hiện tại hoá" hy lễ ấy cho tới khi Ngài đến lại. Thánh Phêrô kết luận như sau: "Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người... Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa..." (1Pr 2: 9-10). Theo Phêrô, Giáo hội không những là một dân tộc đích thực, nhưng còn là dân tộc duy nhất của Thiên Chúa, vì được xây dựng trên hòn đá góc tường duy nhất là Đức Kitô. Như vậy, Giáo hội sơ khai quả đã thấy mình có những nét đặc trưng của Dân Thiên Chúa, và vì thế thật sự là "dòng dõi Abraham, thừa kế theo lời hứa", nghĩa là "Ítraen của Thiên Chúa"

Dân Thiên Chúa nói lên một khái niệm căn bản: với tính cách là chi thể của Đức Kitô, mọi tín hữu đều bình đẳng như nhau. Trong Giáo hội, "mọi người đều có Đức Kitô làm Đầu " (LG 9). Những khác biệt trong Giáo hội, dù có thật, nhưng nếu hiểu theo nhãn quan của quyền bình đẳng căn bản ấy, thì cũng chỉ là phụ thuộc, và chỉ có ở trong bình diện chức vụ và phận sự. Giáo hội không phải đơn thuần là giáo phẩm, không chỉ gồm có giáo phẩm, và cũng chẳng phải là của giáo phẩm.

Mọi kitô hữu đều nhận được những ân huệ khác nhau của Thánh Thần, nhưng chỉ với một mục đích chung là xây dựng Thân thể Đức Kitô và phục vụ lẫn nhau. Nhiệm vụ căn bản của Dân Chúa là sống hiệp thông trong mọi sự, chia sẻ mọi sự với nhau, để vinh quang Thiên Chúa tỏa sáng và để phục vụ mọi anh chị em.

HỌC KINH THÁNH

Bài 13.  THƯ GỬI TÍN HỮU ÊPHÊSÔ (Eph)

1/ Ai là tác giả thư Êphêsô ?

Thánh Phaolô, như ngài đã tự giới thiệu đầu thư: "Phaolô tông đồ của Đức Kitô"  ( Eph 1,1). Một số tác giả cho rằng thư này do đồ đệ của Phaolô viết dưới danh nghĩa của ngài, nhưng điều này chẳng có chi bảo đảm là không phải của Thánh Phaolô.

2/ Dựa vào đâu một số tác giả quả quyết thư Êphêsô không phải của Phaolô ?

Dựa vào lối hành văn và ngữ vựng, trong thư Êphêsô có tới 90 danh từ không thấy có trong thư khác. Hoặc xét theo lối hành văn, thư Êphêsô vừa dài vừa khác lạ với lối hành văn ngắn gọn mạnh mẽ và bình dân của Thánh Phaolô. Tuy thế, chúng ta không thể phủ nhận được rằng tư tưởng không phải tư tưởng của Phaolô. Dựa vào sự tin tưởng và xác tín của Giáo hội xưa nay vẫn thừa nhận Phaolô là tác giả thư Êphêsô.

3/ Thư Êphêsô được việt cho ai?

Thư được viết cho "hàng thánh hữu và tín đồ trong Đức Giêsu" (Eph 1,1).

4/ Thư được viết vào lúc nào và ở đâu ?

Có thể thư được viết năm 61 hoặc 62. Theo truyền thống thì thư được viết trong tù và được gửi từ Rôma (Cv 28, 16. 30). Nhưng cũng có nhiều lý chứng khác cho rằng Phaolô viết khi bị tù ở Êphêsô (1 Cr 15, 32) hay ở Cêsarêa (Cv 25,4).

5/ Phaolô viết thư này nhằm mục đích gì?

Ngài viết nhằm mục đích:

-   Đề cao những vinh quang mà Thiên Chúa đã hoàn tất cho Giáo hội nhờ Đức Kitô (Eph 1, 4-5).

-   Để ngợi khen Đức Kitô và quyền năng cao cả tuyệt vời của Người thể hiện qua chúng ta là những kẻ tin (Eph 1, 19).

-   Để kêu gọi các tín hữu cảm tạ vì những hồng ân đã nhận lãnh (Eph 5,20-21).

-   Để kêu gọi các tín hữu sống một cuộc sống biết ơn vì nhờ Hội Thánh mà sự khôn ngoan muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa đã nhận biết (Eph 3,10).

Lời Chúa:  "Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa vì đó là điều phải. Những người làm cha mẹ thì đừng chọc tức con cái nhưng hãy dưỡng dục, biết răn bảo sửa dạy theo đạo Chúa"  (Eph 6,1.4).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì Chúa đã chọn để con được làm con Chúa. Xin cho con biết sống hết tâm tình con thảo đối với Chúa. Amen.

SỐNG ĐẠO

SỐNG ĐẠO CẦN PHẢI CÓ ĐẠO

Chúng ta hiểu đạo là lối sống, là luật lệ làm cho chúng ta sống tốt, sống nên người, sống liên kết với nhau, và sống thích hợp với vũ trụ.

Vậy nếu không có đạo thì đời không còn đáng sống nữa!

Chúa dựng nên chúng ta không những có các yếu tố trong vũ trụ, mà còn thêm cho con người có phần linh tính, có lý trí, có ý chí, tình yêu và được phần nào tự do, để làm chủ vũ trụ.

Bởi có lý trí nên chúng ta nhận biết mối liên kết của con người (vật thọ tạo) với Thiên Chúa đấng tạo dựng.

Mối liên kết với toàn nhân loại- tứ hải giai huynh đệ- Và mối liên kết với vạn vật, thay vạn vật hướng về Thiên Chúa, nhận định lệ thuộc và yêu mến Chúa.

Mà đạo là đường lối, là luật lệ hướng dẫn chúng ta biết tự trọng, biết bảo vệ phẩm giá của mình.

Đạo giúp nhận biết mối liên kết với Thiên Chúa, biết vật thọ tạo phải tôn thờ, tuân phục, nương tựa vào Chúa.

Đạo cũng giúp chúng ta nhận định phận sự của mình đối với vạn vật, giúp cho biết sử dụng thích đáng. Không lạm dụng bất cứ sự vật nào.

Thử hỏi nếu đời chúng ta không có đạo, khống có luật lệ nào hướng dẫn thì đời ta sẽ ra sao? Sống tự do phóng túng, chạy theo tiền tài danh vọng, đam mê tính dục, bất đếm những người, những vật xung quanh...thì đời mình không có giá trị mà đối với người thì có thể gây tranh tụng, gây gỗ, giặc giã!

Hữu đạo - nghĩa là có luật lệ hướng dẫn mới bảo vệ phẩm giá của mình, mới tạo nên thế giới an vui, hạnh phúc.

SỐNG ĐẠO NHƯ THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC GỌI LÀ SỐNG ĐẠO TỐT, ĐÚNG?

Chúng ta biết Chúa dựng nên chúng ta có xác có hồn, và đã chỉ định cho chúng ta mục đích sáng danh Chúa và rỗi linh hồn. Để đạt mục đích Chúa mạc khải cho chúng ta biết đạo, nghĩa là đường lối phải đi hay lề lối, luật lệ phải đi phải giữ để đạt mục đích.

Chúng ta hãy tự hỏi, tôi đã sống đạo như thế nào? Lối sống của tôi có giúp tôi đạt mục đích hay không? Chúng ta thử kiễm điểm.

Giữ luật Chúa không giống như giữ luật đời, vì luật đời áp đặt, hễ sai luật là phạt ngay, giữ luật tốt không mấy khi được thưởng - còn luật Chúa, mặc dầu có buộc nhưng không áp đặt có phạm lỗi cũng không phạt ngay, còn giữ tốt thì thường Chúa cũng ngầm ban thưởng.

Đời ra luật thường dùng quyền, ra luật là ra lệnh, bắt buộc làm cho thường dân phải sợ và tuân lệnh. Còn luật Chúa, mình thường vui mừng tuân phục.

Vậy chúng ta có thể quả quyết: vì khiếp sợ Chúa mà tôn thờ Chúa thì việc tôn thờ Chúa chưa đúng.

Tôn thờ Chúa để khỏi bị Chúa phạt cũng chưa đúng, chưa tốt. Hãy tôn thờ Chúa để Chúa ban ơn, nhứt là ơn phần xác, ơn khỏi bệnh, on làm ăn khá, ơn thi đậu v.v. có thể nói là một thứ lạm dụng Chúa, chưa hẳn là giữ đạo.

Giữ đạo phải nhờ Chúa mạc khải để chúng ta biết Chúa, biết đời, biết người, biết vạn vật nhưng là nhờ mạc khải chúng ta biết đạo là luật lệ. Chúa dẫn dắt chúng ta sống tốt, sống đẹp với Chúa và với vạn vật.

Sống đạo như thế mới có thể nói được phần nào sống đạo tốt, sống đạo đúng.

Đừng ỷ lại vào những hiện tình ngày nay mà kể là mình giữ đạo đúng, giữ đạo tốt.

Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết nhận định rõ đời con, và xin giúp con giữ đạo đúng theo ý Chúa.

 

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

GIẢI THÍCH VỀ VIỆC PHẠT VẠ
KHI TỔ CHỨC ĐÁM CƯỚI KHÔNG THEO PHÉP ĐẠO

Chúa Giêsu khi ra đi rao giảng Tin Mừng đã quy tụ những người tin theo Ngài và thành lập Hội Thánh. Qua cây thập giá Người tự hiến mình để thánh hoá Hội Thánh và kết hợp mọi người trong một dân tộc và trong một "Đấng Thánh duy nhất" là Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần. Nhờ sự kết hợp nầy, Hội Thánh được gọi là "dân thánh của Thiên Chúa", là chi thể trong Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Ngài cũng luôn mời gọi mọi thành phần của Hội Thánh luôn tiến tới "sự thánh thiện trọn hảo như Chúa Cha là Đấng trọn hảo", và hợp nhất với nhau như Ngài với Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Vì là chi thể trong thân thể mầu nhiệm thánh của Chúa Giêsu Kitô, nên khi chúng ta làm một điều xấu, nghĩa là tội, thì không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mình, mà còn ảnh hưởng tới những chi thể khác trong cùng một thân thể; tới sự thánh thiện và hợp nhất của  Hội Thánh.

Xét riêng việc tổ chức đám cưới hỏi mà không theo phép đạo là việc làm trái lại với lời dạy của Chúa (giới răn thứ sáu và bí tích hôn phối), gây nên những hậu quả xấu cho mình và cho người khác. Chúng ta xét từng trường hợp:

Về phía chủ tiệc:

1. Bí tích Thánh Thể là bí tích của sự hiệp thông và tình yêu (bàn tiệc Lời Chúa, bàn tiệc Thánh Thể và sự hiến tế của Chúa Giêsu). Khi tổ chứ đám cưới hỏi mà không theo phép đạo là cố tình làm trái với lời dạy của Chúa và Hội Thánh, là tự  tách mình ra khỏi sự hiệp thông và tình yêu với Chúa và Hội Thánh, thì chúng ta không còn đủ điều kiện để lãnh nhận bí tích Thánh Thể nữa.

2. Hơn nữa, cha mẹ biết rằng việc hai người nam nữ "sống chung" không có phép đạo là sống trong tình trạng tội, cha mẹ không lo liệu sao cho phải phép, mà cố tình đưa con mình vào trong trình trạng tội đó; cũng vậy, người Việt Nam chúng ta sống nặng chử "tình": tình anh em, tình làng nghĩa xớm, tối lửa tắt đèn có nhau, khi bà con làng xóm có đám tiệc mời mình không đi thì coi không được. Vì vậy, khi tổ chức đám tiệc không theo phép đạo là cố tình đưa con cái vào tình trạng sống trong tội và làm cớ cho người khác "tham gia" vào sự xấu. Lời Chúa dạy: "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn" (Mt.18,6).

Phía những người dự đám cưới hỏi không theo phép đạo: dù biết việc làm đó là trái luật Chúa và Hội Thánh, người can dự không tránh xa, mà còn đến "chung vui" (bởi lẽ đám cưới ai đến tham dự cũng nói chung vui, rồi "chúc nhau trăm năm hạnh phúc". Trong khi đó việc làm lỗi luật Chúa và giáo huấn của Hội Thánh mà họ lại vui! Thông công hay đồng tình trong chuyện xấu thì những người tham dự cũng phải có trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, vì can dự nên lỗi của họ nhẹ hơn những người chủ tiệc. Cũng vậy, để lãnh nhận bí tích Thánh Thể họ cũng phải lãnh nhận bí tích giao hoà trước. 

Điều kiện để được tha lỗi:

1. Một trong những yếu tố để được lãnh nhận bí tích hoà giải là phải có lòng ăn năn dốt lòng chừa thật sự. Vấn đề đặt ra là khi những người nầy ăn năn dốt lòng chừa thì cha sở có giải tội cho họ liền không? Đối với Chúa thì Chúa biết họ ăn năn thật hay giả. Nhưng với con người, chúng ta làm sao biết được đâu giả đâu thật! Cho nên, cũng phải có thời gian để kiểm chứng. Hơn nữa, khi có tội, đi xưng tội thì được tha tội, nhưng còn nợ thì cần phải được đền bù. Việc mình làm điều xấu xúc phạm đến Chúa, thiệt hại cho sự thánh thiện và hiệp nhất của Hội Thánh, thì phải có thời gian đền bù lại sự thiệt hại đó.

2. Do việc tổ chức đám tiệc cách công khai mà không có phép đạo là làm sự xấu cách công khai, ảnh hưởng tới chính bản thân của mình đã đành, lại gây nên sự xấu ảnh hưởng tới Hội Thánh, cụ thể là cộng đoàn họ đạo. Cho nên, điều kiện để được tha phải có việc làm sám hối công khai để đền bù những sự xấu mà mình đã gây ra. Vậy thì việc sám hối và đền bù như thế nào? Thưa: đối với Chúa là lãnh nhận bí tích hoà giải; đối với Hội Thánh thì cũng phải lãnh nhận sự giao hoà. Bằng cách nào? Thưa: làm lỗi thì phải xin lỗi: những người trực tiếp tổ chức đám cùng nhau tới xin lỗi cha sở và qua cha sở, xin ngài làm thỉnh nguyện xin Đức Giám Mục Giáo phận tha lỗi. Khi được Đức Giám mục ký thỉnh nguyện thư, ngày Chúa nhật nào đó, Cha sở  công bố sự tha thứ nầy trong nhà thờ để họ chính thức đi xưng tội rước lễ, giao hoà với cộng đoàn họ đạo.  

Phía Giáo hội:

Cha mẹ nào khi thấy con cái mình làm điều xấu mà không đau buồn? Nhiều khi đánh con không phải vì ghét bỏ, nhưng để sửa dạy con nên người. Cha mẹ đánh con đau một, nhưng cha mẹ đau gấp bội. Đau vì thấy con chưa nên người, đau vì đòn roi con lãnh lấy. Không đánh thì không được, vì con cái chưa trưởng thành đủ hoặc ngang bướng. Cũng vậy, Hội Thánh là Mẹ khi nhìn thấy con mình "hư" thì đau buồn, và sửa dạy. Dạy bằng biện pháp dược hình để ngăn ngừa sự xấu và muốn cho con cái mình tốt hơn. Khi dạy như vậy Hội Thánh cũng đau buồn như người cha, người mẹ đánh con, và hơn thế nữa, Giáo hội phải quan tâm ưu tiên lo cho những đứa con đó nhiều hơn. Bởi  lẽ khi những con cái nầy đau cần chết vội thì các mục tử phải túc trực lo cho phần rỗi của họ là trên hết (luật phần rỗi các linh hồn).

Tóm lại:

Khi có những sự xấu sắp xảy ra, các mục tử phải tìm cách tiếp xúc với con cái mình để xem có cách nào giải quyết hợp lẽ đạo hay không, tránh mọi sự xấu ảnh hưởng tới sự thánh thiện và toàn vẹn của Hội Thánh (xin phép chuẩn, khuyên nhủ không tổ chức đám tiệc).

Khi sự xấu đã xảy ra, nghĩa là cha mẹ cố tình dọn đám tiệc cho con cách linh đình thì phải giải quyết làm sao? Còn nếu Cha mẹ không đồng tình trong chuyện xấu nầy thì sao? Xin xem bài tháng tới.

 

TRANG LINH MỤC

ĐỜI SỐNG CỦA LINH MỤC LÀ ĐỜI TẬN HIẾN

Một khi đã thưa vâng rồi, thì cả cuộc đời không còn là riêng của mình mà thuộc về Chúa, thuộc về Hội Thánh, về nhân loại.

Đời như thế thật là cao siêu, vì chính là theo gương mẫu của Chúa Giêsu, giáng trần để cứu chuộc, để chết cho nhân loại.

Vì tận hiến cho nên linh mục không bao giờ nên sống riêng cho mình.

Bước vào nhà tu, phải khởi đầu tập luyện quên mình: không lo nghĩ đến ăn uống - ăn uống không phải để khoái khẩu, để khoả mãn cho thể xác - nhưng ăn uống theo ý Chúa, đón nhận những kham khổ để có sức khoẻ sống đời tu luyện.

Tới điểm học hành, đời tận hiến không học cho mình mà học cho người, nghĩa là không học để mình nên thông thái biết nhiều, hiểu rộng, để phần nào tự phụ, kể như mình hơn thiên hạ, mà học biết để giúp đỡ, hướng dẫn cho tín hữu biết đạo, giữ đạo khả quan hơn.

Ngay đời sống tu trì cũng thế, cố gắng sống đạo đức, thánh thiện không vì bổn phận mình phải thánh, mà nên thánh để giúp người.

Thời kỳ sống trong chủng viện, là thời kỳ đào luyện chưa đạt hiệu quả hoàn toàn, nhưng phải có tính cách tập luyện luôn.

Thời kỳ hành sự, thể hiện nhiệm vụ hiến thân bằng cách sống phục vụ. Chúa đến để phục vụ chớ khổng để được phục vụ. Về điểm nầy, nhiều linh mục phải nhận định mình còn khiếm khuyết. Hãy nhớ mình thay thế Chúa Giêsu là Đàng, là Sự Thật và là Sự Sống!!! Nhớ mà không phục vụ, nhưng hành quyền, độc tài, quở phạt, hách dịch, không biết tôn trọng giáo dân v.v.

Như thế thì sao gọi được là hiến thân phục vụ? Nhớ nhiệm vụ thì phải khiêm tốn vui lòng phục vụ. Ngay việc dạy dỗ cũng không được tự phụ. Kể mình là Thầy, mà phải khiêm tốn phục vụ.

Những trường hợp giáo dân cần nhờ linh mục không nên từ chối, vì phận sự phục vụ. Cần những gì, cần giờ phút nào, dầu đêm hôm cũng sẵn sàng phục vụ.

Chúa Giêsu đã phục vụ đến chết thì tôi tớ tín cẩn của Chúa (linh mục) cũng phải sẵn sàng như Chúa.

Có được như vậy thì đời linh mục mới đáng là đời tận hiến..

Môsê, vị lãnh đạo của Dân Chúa: cô độc và liên đới

"Tôi không muốn một mình sống hạnh phúc bên cạnh Chúa, nếu ở đó tôi không có Dân của tôi!" 

Có lẽ đó là lời tóm tắt đời sống và sứ vụ của Môsê; và có lẽ cũng qua lời đó, Môsê phơi bày con người chân thật của mình trước mặt Thiên Chúa, khi ông dừng chân bên ngưỡng của Hứa Địa và nằm xuống đó.        

Thật vậy, dựa trên Kinh Thánh và truyền thống dân Chúa, khuôn mặt của Môsê nổi bật như một người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa (Xh 14,31; Ds 12,7; Tl 34,5; cf. Yôs 1,1-2; Tv 105,26; Ma 3,22; Đn 9,11; Ba 2,28; Kng 10,16; Hr 3,5; Kh 15,3) đồng thời như một vị lãnh đạo quảng đại, đầy lòng xót thương, tuyệt đối liên đới với dân Chúa. Hai tâm tình nầy đã chi phối hoàn toàn con người Môsê, đã giằng co xâu xé con người ông đến độ ông muốn sống trọn vẹn cùng một lúc cả hai tâm tình xem ra mâu thuẫn, không thể hoà hợp với nhau.  

Xuất thân từ một gia tộc tư tế (Xh 2,1), và bản thân ông là tư tế (Tv 99,6), Môsê đã quá rõ những trách nhiệm đòi buộc ở chức vụ mình. Đó là con người luôn luôn hiện diện trước mặt Thiên Chúa để 'hành lễ' - shèrèt - (Xh 28,35.43; 29,30) đảm nhiệm mọi điều liên quan đến Tế đàn và phần bên trong Bức Màn - abad - (Ds 18,7); 'tiến lại gần trước Nhan Yavê' -arab, nagash - (Lv 16,1; 21,17); 'vào cung thánh trước Nhan Yavê' - bô-el-haqôdesh - (Xh 28,35). Có thể nói, nhiệm vụ của một tư tế là gắn liền với bàn thờ và Lời Chúa (A. GELIN, Le sacerdoce dans l'Ancienne Alliance, trong La tradition sacerdotale, trang 48-52).  Rồi, từ ngày được Thiên Chúa mời gọi để lãnh đạo Dân Chúa (Xh 3,10), Môsê dần dần thấu hiểu và thâm tín rằng: vị tư tế ở giữa dân Chúa không những phải sống hoàn toàn liên đới với Thiên Chúa, mà còn phải hoàn toàn liên đới với dân Chúa! Mà vì thường xuyên và hằng ngày phải đồng hành, chia sẻ cuộc sống và liên đới với một đoàn dân 'cứng cổ', tội lỗi, bất trung, nên ông cảm thấy thấm thía sự cô độc của mình ngay trong lúc ông muốn thật sự trung thành và tuyệt đối liên đới với Thiên Chúa. Vì thế, khuôn mặt và đời sống của Môsê không những là lời mời gọi mà còn là tiếng nói chất vấn lương tâm mọi thành phần dân Chúa, cách riêng hàng tư tế của Thiên Chúa trong sứ mạng phục vụ ơn cứu độ, mưu cầu hạnh phúc cho mọi người. 

I. Môsê, con người cô độc với Thiên Chúa   

Trên cương vị tư tế, Môsê đã 'thay cho dân đối với Thiên Chúa' và trình việc của dân 'lên Thiên Chúa' (Xh 18,19). Ông đàm đạo và nhận chỉ thị của Thiên Chúa trong Trướng tao phùng (Xh 33,9); ông thể hiện vai trò trung gian của vị tư tế, môi giới giữa Thiên Chúa và dân, nối kết hai bên bằng máu giao ước (Xh 24,6- ; ông còn chọn Aharôn và con cái Aharôn để sung vào chức tư tế (Xh 28,1), cũng như thay mặt Thiên Chúa để tác thánh họ (Xh 29,1-46). Chính việc tiếp xúc thường xuyên với 'lãnh vực thánh' đã dần dần khiến ông đi sâu về phía Thiên Chúa, đến độ Kinh Thánh đã không ngần ngại gọi ông là 'người của Thiên Chúa' (Tl 33,1; Yôs 14,6).    


Là 'người của Thiên Chúa', Môsê đã sống trọn vẹn hai chiều kích của tình yêu: thân mật và kính trọng. Trong mọi tiếp xúc của ông với Thiên Chúa, tâm tình kính trọng luôn xen lẫn với thân mật. Ông quả xứng đáng tước hiệu cao quý và sáng chói mà sách Kinh Kôran đã giới thiệu ông như 'người tâm phúc của Thiên Chúa' (Najiy, Le confident de Dieu).        


Ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên với Thiên Chúa, Môsê đã sống hai tâm tình trên (Xh 3,1-12). Còn gì êm ái, thân mật hơn, khi một mình đơn độc ở giữa hoang địa Madian, Môsê được Thiên Chúa âu yếm gọi tên mình: 'Môsê! Môsê!' (Xh 3,4), để rồi kể ông như người bạn tri kỷ, giải bày tâm sự ra với ông: 'Ta thấy rõ nỗi khổ của dân Ta bên Ai cập và Ta đã nghe tiếng than chúng kêu lên trước mặt đốc công, quả Ta đã biết các nỗi khổ đau của chúng. Nên Ta xuống giựt chúng thoát tay Ai cập và dẫn chúng ra khỏi xứ ấy, lên xứ vừa đẹp vừa rộng, lên xứ chan hoà sữa mật... Bây giờ, này tiếng oán thán của con cái Israel đã lên thấu Ta và Ta đã thấy việc người Ai cập hành hạ chúng. Vậy bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pharaô; ngươi hãy đem dân Ta, con cái Israel ra khỏi Ai cập' (Xh 3,7-10).

Được nghe tiếng Thiên Chúa mời gọi, được chia sẻ tâm tình, quyết định của Thiên Chúa... nhưng Môsê, trong tư thế lắng nghe, trong lúc tiến lại gần, vẫn phải cởi dép khỏi chân, che mặt lại và cúi đầu phủ phục (Xh 3,5-6)! Rồi có những lúc tiếp xúc tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa, được chan hoà sự hiện diện của Người, mặt ông đã rạng sáng lên, dọi chiếu lại vinh quang của Thiên Chúa, vinh quang mà không một người phàm nào có thể nhìn thẳng được: 'Aharon và toàn thể con cái Israel trông thấy Môsê và này da mặt ông chói lọi và họ sợ không dám tiến lại với ông' (Xh 34,30). Khi ông vào Trướng tao phùng đàm đạo với Thiên Chúa, toàn dân phủ phục (Xh 33,7-11). Ở đó, Thiên Chúa nói chuyện với ông như nói chuyện với một người bạn thân 'diện đối diện' (Xh 33,11). Ông thật sự trở nên con người mà Thiên Chúa 'biết' đích danh và không ngần ngại đồng hành với ông (Xh 33,12-17). Câu chuyện Môsê thỉnh cầu được nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa (Xh 33,18-23) được nhiều nhà nghiên cứu Kinh Thánh xem như cao điểm trong tương quan giữa ông và Thiên Chúa: có lẽ một lúc nào đó trong thời gian cuối đời, Môsê bộc lộ với Thiên Chúa nguyện vọng sâu xa và thầm kín trong tâm hồn mình, là ước mong được 'thấy' dung nhan của Người. Ông muốn thật sự giữa ông và Người không còn một quãng nào ngăn cách nữa. Ông khát vọng phá vỡ những bức tường mầu nhiệm bao quanh Người. Chính lúc ấy, bằng những lời nói thật tế nhị nhưng đồng thời cương quyết, Thiên Chúa đã đặt Môsê vào đúng vị trí của ông trong tương quan với Người. Người đòi buộc ông luôn có tâm tình kính trọng, suy phục: 'Ngươi không thể nhìn thấy Nhan Ta mà lại vẫn sống' (Xh 33,20); Người đồng thời bày tỏ lòng ưu ái, thân mật một cách diệu kỳ đối với ông 'Này, có chỗ bên Ta, Người đứng trên tảng đá..., Ta sẽ đặt Ngươi trong khe đá và lấy bàn tay úp lại trên Ngươi cho đến khi Ta đã ngang qua' (Xh 33,21-22). Và rồi, để đáp trả lời thỉnh cầu táo bạo của Môsê, Thiên Chúa đã nhượng bộ cho ông nhìn thấy Người...Nhưng từ phía sau lưng: '... Ta sẽ cất bàn tay Ta đi và Ngươi sẽ nhìn thấy phía sau Ta, nhưng Nhan Ta, người ta sẽ khôngnhìn thấy được' (Xh 33,23).

Thật là dị thường! Tương quan giữa Môsê và Thiên Chúa như tương quan của một đôi tình nhân! Môsê muốn xáp lại gần, muốn ôm trọn trong vòng tay, muốn chiếm hữu Thiên Chúa - lưu ý động từ 'thấy' Môsê dùng trong Xh 33,18 -, và cũng chính lúc đó Môsê đụng chạm đến lằn mức, đến ranh giới của đức tin mà bất cứ phàm nhân nào trong quá trình tiến đến gần Thiên Chúa đều cảm nghiệm một cách sâu xa, thấm thía trong cuộc đời mình.   

Trên chiều hướng đó, như để minh họa ra một Môsê tuyệt đối đứng về phía Thiên Chúa, trọn vẹn thuộc về Người, trong khi vẫn muốn hoàn toàn và triệt để liên đới với dân Chúa, truyền thống Do Thái giáo đã không ngần ngại hiểu lệch câu Kinh Thánh nói về cái chết của Môsê: 'và Môsê, tôi tớ Yavê,đã chết ở đó, trong xứ Moab, trên miệng Yavê' (Tl 34,5). Từ ngữ 'trên miệng Yavê' được bản Targum Yêrusalem quảng diễn rõ hơn, khi nói: 'và Môsê, tôi tớ Yavê, đã chết ở đó, trong xứ Moab, trong cái hôn của Yavê'(nguyên bản hipri: 'al pi Yhwh'. Nghĩa đen từng chữ: trên miệng Yavê; nhưng nghĩa chính xác là: 'theo lời Yavê' hoặc 'theo lệnh Yavê').     


Như vậy, không phải truyền thống Do thái giáo không hiểu ý nghĩa lời Kinh Thánh trong Tl 34,5; nhưng khi cố tình hiểu lệch đi, niềm tin Do thái giáo như muốn lịch sử dân Chúa đừng nghĩ rằng sự kiện Môsê nằm chết bên ngưỡng cửa Hứa Địa là do lỗi phạm của cá nhân ông. Ngược lại, Môsê là người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa, luôn gắn bó và thuộc về Người cho đến độ trở nên 'cô độc' ở giữa một dân mà Kinh Thánh khoác cho danh hiệu 'cứng cổ' ( xh 32,9; 33,3; 34,9; Tl 9,13 ); và sự kiện ông không được vào Hứa Địa -xem như hình phạt- chính vì ông muốn hoàn toàn liên đới với đoàn dân mà ông đã theo lệnh Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, tiến qua Biển Đỏ, lãnh nhận Giao Ước Sinai, hành trình trong sa mạc và đã được Thiên Chúa thanh luyện vì tội bất trung của mình!       


II. Môsê, con người liên đới với dân Chúa   


Thật vậy, nhìn kỹ vào con người của Môsê, chúng ta sẽ nhận ra: ngay trong lúc ông được sống bên cạnh, thân mật với Thiên Chúa, thì tâm trí ông lại hướng về dân Chúa. Qua câu chuyện Môsê được nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa từ phía sau lưng -câu chuyện mà nhiều nhà Kinh Thánh đã dám sánh với một câu chuyện khác được tác giả Tin Mừng thứ tư thuật lại: 'Người Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha' (Yn 1,18) khi so sánh mối tương quan giữa Môsê với Thiên Chúa cũng như mối tương quan giữa Đức Yêsu Kitô với Thiên Chúa Cha-, chúng ta lại bắt gặp một Môsê hoàn toàn đứng về phía dân của ông: 'Nếu quả tôi được nghĩa với Người, xin Chúa tôi khấng đi làm một với chúng tôi, vì đó là một dân cứng cổ và Người sẽ tha thứ tội lỗi chúng tôi và cho chúng tôi làm cơ nghiệp của Người' (Xh 34,9). Từ ngữ 'chúng tôi' ở đây thật cảm động! Môsê đã không đặt mình trên dân, cũng không ở ngoài dân; nhưng hoàn toàn liên đới đến đồng hoá với dân, ngay cả nhận lãnh trách nhiệm về tội lỗi của dân. "Yavê phán với Môsê và Aharôn: - Bởi vì các ngươi đã không tin vào Ta để làm Ta được hiển thánh nơi mắt con cái Israel, cho nên các ngươi sẽ không đem đoàn hội này vào đất Ta định ban cho chúng" (Ds 20,12). 


Tìm hiểu về hình phạt này, nếu chúng ta dựa trên Tl 32,51; 1,37; 3,26; 4,21, thì rõ ràng không phải do hành động Môsê đã đập vào tảng đá hai lần (Ds. 20,12), nhưng Môsê bị phạt vì chính tội của dân, vì ông muốn liên đới với tội của dân ông: "Yavê đã phẫn nộ với cả ta nữa vì cớ các ngươi, mà rằng: - cả ngươi nữa,ngươi cũng sẽ không vào!' (Tl 1,37).  

Hình phạt này đối với Môsê thật nặng nề và đau khổ. Đã có lần ông biện bạch và khẩn nài Thiên Chúa: "Thuở ấy ta đã van nài Yavê rằng: lạy Chúa Yavê, chính Người đã khởi sự tỏ cho tôi tớ Người thấy sự lớn lao và tay mạnh mẽ của Người, vì có thần nàotrên trời dưới đất làm được như những việc của Người và những chiến công của Người. Xin cho phép tôi qua mà nhìn thấy đất lành bên kia sông Yordan, núi non tốt lành kia và dãy Liban' (Tl 3,23-25). Nhưng rốt cuộc, ông đã phải nằm xuống trên núi Nêbô, tại vùng đất Môab. Với cái chết bi thảm này, cái chết của con người chưa được toại nguyện, Môsê không những chia sẻ hoàn toàn số phận của dân ông mà dường như ông còn muốn ôm vào lòng cả thế hệ xuất Ai cập, thế hệ mà ông đã lãnh đạo, đã cầm tay đưa đến gặp gỡ Thiên Chúa tại Sinai, đã yêu thương cũng như đã chịu đựng... Thế hệ đó đã nằm xuống trong sa mạc. Môsê vì thế cũng 'không muốn' vào Hứa Địa một mình khi vắng bóng họ!     

Về cái chết của Môsê, một chi tiết nhỏ mà Kinh Thánh ghi lại đã gợi lên suy nghĩ cho các nhà chuyên  môn; đó là tương quan giữa nơi Môsê yên nghỉ và địa danh Bet-Pơor. "Và người ta đã chôn cất ông trong thung lũng, ở xứ Môab, trước mặt Bet-Pơor" (Tl 34,6).           


Đối với Kinh Thánh, địa danh Bet-Pơor trong xứ Môab nhắc lại hành động điên cuồng của dân Chúa khi họ từ bỏ Giao ước, quay lại cuộc sống như dân ngoại, chạy theo các tà thần để thờ kính.  Bet-Pơor được ghi lại trong lịch sử dân Chúa để phơi bày thái độ bất trung, cuộc sống phản bội của họ (Ds 25,1-18; 26,16). Hành động điên cuồng ấy sau nay sẽ được ngôn sứ Yêrêmya đánh giá bằng những lời lẽ thẳng thắn, dứt khoát: "Nơi Ta, cha ông các ngươi đã gặp gì trái để chúng rời xa Ta, và đi theo đồ khí gió, mà như ra đồ khí gió?" (Yr 2,5). Và như để làm nổi bật tính chất nghiêm trọng của vụ Bet-Pơor, Yêrêmya đã cảnh cáo dân Chúa: "Dân Ta đã làm hai điều bất hảo: - chúng đã bỏ Ta, Mạch nước hằng sống,để đào cho mình bể nước, nhưng các bể rò không chứa được nước" (Yr 2,13). Vì thế Bet-Pơor đối với truyền thống Kinh Thánh được đồng hoá với tội lỗi.   


Vậy, khi ghi lại nấm mồ của Môsê đối diện với Bet-Pơor, đối diện với tội lỗi, tác giả Kinh Thánh muốn chúng ta phải hiểu thế nào? Truyền thống Do thái giáo khi nhận định sự kiện này đã cho chúng ta những dòng suy niệm thật lạ kỳ và quý báu. Bản Targum Yêrusalem giải thích đoạn sách Tl 34,6 đã viết: "Và người đã chôn cất ông trong thung lũng, ở xứ Môab, trước mặt Bet-Pơor,để toàn dân Israel, mỗi khi hướng nhìn về Bet-Pơor, có thể nhớ lại tội lỗi của mình". Rabbi Haam, con của Rabbi Hanina còn nói thêm: "Tại sao lại chôn cất Môsê trước mặt Bet-Pơor? - Ấy là để Môsê xóa sạch vụ bê bối Bet-Pơor" (Sotah 14).        


Từ suy nghĩ đó, truyền thống Cựu ước đã kết luận: cái chết của Môsê - vì muốn liên đới với dân ông  đã khơi nguồn cứu rỗi cho cả thế hệ đó: "Tại sao Môsê phải chết trong sa mạc? - là để nhờ công trạng của ông,thế hệ hành trình sa mạc được trở về (với Thiên Chúa) (Pesiqta K. Trang 159b; Pesiqta R. Trg 199)      


Dựa vào các suy niệm trên, nhìn lại toàn bộ cuộc đời của Môsê, chúng ta có thể quả quyết: Môsê đã đau khổ cùng dân Chúa và cho dân Chúa! Môsê đã chết với dân Chúa và cho dân Chúa! Khuôn mặt và đời sống của Môsê đã in đậm nét trong lịch sử dân Chúa, đến nỗi 7 thế kỷ sau, một tác giả Thánh Kinh đã vẽ lại cho dân Chúa thời bấy giờ dưới dung mạo 'NGƯỜI TÔI TỚ CỦA YAVÊ': "Chính các bệnh tật của chúng tôi, ngài đã mang, chính các đau khổ của chúng tôi, ngài đã vác. Còn chúng tôi, chúng tôi lại kể ngài như kẻ bị trời đánh, bị Thiên Chúa trừng phạt và đày đọa. Nhưng ngài đã bị đâm vì những sự ngỗnghịch của chúng tôi, và vì tội vạ của chúng tôi, ngài đã bị nghiền nát. Đã giáng xuống ngài hình phạt đổi lấy an bình cho chúng tôi. Và nhờ những vết hằn ngài chịu, chúng tôi có phương được lành... Huyệt ngài, người ta đặt giữa bọn ác ôn, và nấm mồ ngài nơi quân trọc phú, dẫu rằng ngài không làm điều gian ác và gian dối không có ở nơi miệng ngài... Chính vì ngài đã thí mạng mình không màng cái chết và đã bị liệt hàng những kẻ ngỗ nghịch, là đã mang lấy tội lỗi nhiều người và đứng ra bầu chữa cho những kẻ ngỗ nghịch" (Yr 53,4-5.9.12).


Ngoài ra, một nét khác biểu hiện sự liên đới của Môsê đối với dân Chúa - và đây cũng là một trong những nét nổi bật nhất của Môsê - đó là ông luôn luôn đứng lên bênh đỡ, cầu bàu cho dân ông trước mặt Thiên Chúa: "Môsê thưa với Yavê: - Sao Người lại làm khổ tôi tớ Người? Sao tôi lại không được nghĩa trước mắt Người khi Người đặt trên tôi gánh nặng là tất cả dân này? Phải chăng tôi đã cưu mang tất cả dân này? Phải chăng tôi đã sinh ra chúng?... Tôi không thể gánh nổi một mình tất cả dân này, vì nó quá nặng cho tôi! Quả nếu Người xử với tôi như vậy, thì thà giết quách tôi đi, nếu tôi đã được nghĩa trước mắt Người, xin đừng để tôi phải thấy tôi khổ như thế này nữa" (Ds 11,10-15). "Phải! Dân này đã phạm một tội rất lớn... Nhưng bây giờ, ước gì Người miễn chấp tội chúng; bằng không, xin Người hãy xoá tôi đi khỏi sách Người đã viết..." (Xh 32,30-32).    


Lòng yêu thương, tình liên đới, thái độ bầu chữa, bênh vực dân của Môsê xuyên suốt trong quá trình ông lãnh đạo dân.  Lòng thương xót quảng đại đó khiến cho chúng ta khi đọc lại những trang trong bộ Ngũ Kinh có khi lại hình dung ra một Môsê phải vì dân mà 'đương đầu' với Thiên Chúa. Ông xem ra như kiên nhẫn, chịu đựng đoàn dân cứng cổ, lòng chai dạ đá, thường xuyên ngụp lặn trong tội lỗi hơn cả Thiên Chúa. "Yavê phán với Môsê: - Cho đến bao giờ nữa dân sẽ còn khi thị Ta? Cho đến bao giờ nữa chúng sẽ không tin vào Ta, trước bấy nhiêu dấu lạ Ta đã làm giữa chúng? Ta sẽ đánh phạt chúng bằng ôn dịch, Ta sẽ hủy diệt chúng đi, rồi Ta sẽ làm cho ngươi thành một nước lớn mạnh hơn chúng!" (Ds 14,10-12).           


Đứng trước phán quyết nghiêm khắc và quyết liệt của Thiên Chúa, Môsê đã 'nhắc khéo' Người, nại đến danh dự của Người (Ds 14,13-16) và nhỏ nhẹ thưa với Người: "Vậy bây giờ xin để cho sức mạnh của Chúa tôi ra uy, chiếu theo điều Người đã phán, rằng: Yavê bao dung và đầy nhân nghĩa,chịu đựng lỗi lầm quá phạm, nhưng không coi tội dường thể vô can, Đấng trị tội cha ông trên con cháu ba bốn đời. Xin tha thứ tội của dân này, chiếu theo lượng nhân nghĩa lớn lao,cũng một thể như Người đã từng chịu đựng dân này từ Ai cập cho đến đây" (Ds 14,17-19).           


Thật lạ kỳ! Thật mầu nhiệm! Tấm lòng quảng đại, đầy tình thương xót của một Môsê tư tế, một Môsê trung gian Giao ước, một Môsê lãnh đạo đối với đoàn dân thường xuyên quên lãng Giao ước, thất kính và bội phản. Tuy nhiên, trong tư thế đầy lòng thương xót đối với dân, Môsê vẫn hoàn toàn và trọn vẹn trung tín, đứng về phía Thiên Chúa!           


III. Chứng từ Môsê như một thách đố          


Cuộc đời và sứ mạng của Môsê cô độc với Thiên Chúa và liên đới với dân Chúa vẫn luôn luôn sống động để trở nên một sức mạnh lớn lao và kỳ diệu trong lịch sử dân Chúa. Đúng như cha  Albert Gelin đã nhận định: 'Toàn bộ Kinh Thánh đều nói về Môsê, bởi vì Kinh Thánh sống nhờ Môsê, nhờ công trình và tính chất nền tảng của Môsê' (A.Gelin, Moise dans l'Ancien Testament, trích trong tuyển tập 'Moise, l'homme de l'Alliance', trang 47). Vì thế, trong lịch sử dân Chúa, khuôn mặt này đã in sâu vào lòng dân Chúa, để trở nên không những là một lời mời gọi, mà còn là một thách đố cho bất cứ ai đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa sứ mạng lãnh đạo phục vụ dân Người.     


Được tuyển chọn, mời gọi, gắn bó mật thiết với Thiên Chúa và theo lệnh Người mà lãnh đạo dân, thế nhưng sứ mạng của Môsê hình như thất bại; vì dân ông, dân của Giao ước Sinai, dân mà ông đã dùng máu mà nối kết với Thiên Chúa (Xh 24,  đều ngã gục trong sa mạc; ngay cả bản thân ông cũng phải chia sẻ hoàn toàn số phận của họ khi ông nằm xuống bên kia ngưỡng cửa Hứa Địa! Máu ông dường thể máu Abel luôn luôn đối diện với trời để tìm một lời đáp trả của Thiên Chúa: ông đã trung thành với Thiên Chúa cũng như liên đới với dân Chúa. Tại sao ông không thể đưa tất cả họ vào Hứa Địa, vào phần đất mà cả ông và dân ông có thể tìm gặp sự nghỉ ngơi, hạnh phúc bên cạnh Thiên Chúa?   


Nguyện vọng và lời thách đố của Môsê bắt gặp lời đáp trả xuất phát từ một con người trong số đoàn dân của ông. Đó là Yêsu, người Nazarét, người mà lịch sử dân Chúa sẽ xưng tụng là Đấng Kitô, người mà tác giả Thư gửi tín hữu Hipri quả quyết: "Trong mọi sự,Ngài đã nên giống các anh em Ngài, để trở thành vị Thượng tế lo việc Thiên Chúa, vừa biết xót thương, vừa trung tín, cốt để lo tạ tội cho dân" (Hr 2,17). Chính Người đã đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa để trở nên Vị Thượng Tế cô độc với Thiên Chúa, đứng về phía Thiên Chúa (Hr 5,5-6), đồng thời người cũng đã thể hiện một cách trọn vẹn sự liên đới với mọi người (Hr 5,9) qua hành động tự nguyện dâng hiến con người của mình làm lễ tế để kéo tình thương tha thứ cho dân Chúa .         


Phải chăng, để đền tội cho dân và đem ơn cứu độ đến cho mọi người mà Đức Yêsu-Kitô đã dùng chính máu mình để thiết lập Giao Ước Mới, một lần nữa nối kết Thiên Chúa với con người (Mc 14,24; Mt 26,28; Lc 22,20; I C 11,25; cf Xh 24,  và dùng cái chết tự nguyện tủi nhục trên thập giá, bị liệt vào hàng tội nhân (Mc 15,22-37; Mt 27,39-50; Lc 23,33-46; Yn 19,17-30; Rm 8,3; cf Tl 34,5-6) để đáp trả lời thách đố của Môsê? Từ đó, qua Đức Yêsu- Kitô Cứu Thế, chắc hẳn Môsê sẽ được chứng kiến và nghe lại lời này:

"Tôi muốn sống hạnh phúc bên cạnh Chúa,
và ở đó có cả dân của tôi nữa!"         

(gpnt.net)

TRANG TU SĨ

PHỤC VỤ LÀ YÊU THƯƠNG

Ngồi trên chiếc ghe máy lạch tạch từ Nhà Dòng đến nhiệm sở trong lòng cứ nao nao lo lắng không biết Họ Đạo mình sắp đến như thế nào? Giáo dân ở đó có đông không? Có đạo đức và có dễ dàng cộng tác giúp đỡ mình trong công tác mới này? Còn Dì Trưởng có dễ tính không và thông cảm cho khả năng giới hạn của mình? Liệu mình có làm tốt việc bổ phận nơi Họ Đạo ấy không??? Rất  rất nhiều câu hỏi đặt ra mà chưa thể giải đáp càng làm lòng tôi bồn chồn chùn xuống, nghe thấy nhịp tim như đập nhanh hơn khi chiếc ghe vừa cập bến . . . Vắng tanh, chẳng có ai hết. Dì Sáu, người đưa tôi vội nói như trấn an tôi:

-    Đến nơi rồi, không khí ở đây thật an bình!

-    Dạ! - Tôi đáp lí nhí rồi xách túi đồ vội vã bước sau Dì.

Ngôi nhà thờ trong trí tôi thật không giống với thực tế chút nào. Đó là một dãy nhà hai mái được lộp bằng tôn với nền lót gạch tàu, có hai dãy ghế cũ kỷ khoảng mười lăm cái dành cho giáo dân ngồi dự Lễ, phía trên cung thánh được xây cao hơn một chút đủ để vừa một cái bàn thờ gỗ và chiếc ghế cho cha chủ tế dâng Thánh Lễ. Nơi đây không có Cha ở, chỉ có Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật. Nhìn nhà Chúa nhỏ bé đơn sơ làm tôi chợt nghĩ đến háng đá Bêlem năm nào, rồi tôi tự nhủ lòng sẽ cố gắng hết sức để lám cho ngôi nhà này của Chúa trở nên ấm áp hơn. Đang mong lung với dòng suy tưởng thì tiếng gọi của Dì Út trưởng cộng đoàn kéo tôi trở về hiện thực:

-     Ngân ơi, con mang túi đồ vào phòng, rửa mặt cho mát mẻ rồi chuẩn bị ăn trưa.

Sau cơm trưa, Dì Út trao cho tôi một manh chiếu cũ kỷ có nhiều chỗ rách rồi bảo tôi:

-    Con đem chiếu này trãi phía sau phòng thánh nghỉ lưng một chút cho khỏe. Bên đó mát lắm, chứ trong phòng giờ này nóng không chịu nổi đâu.

Đúng như Dì nói căn phòng nhỏ lộp tôn trời nắng thì nóng còn trời mưa thì dột. Tôi thật cảm phục Dì Út đã bao năm trời sống trong cảnh này nhưng không bao giờ nghe Dì phàn nàn vì thiếu thốn phương tiện, nhưng ngược lại nét mặt tươi vui ân cần với mọi người... điều này làm tôi thấy mắc cở với bản thân. Tôi đến sau phòng thánh trãi chiếu ra nằm nghỉ nhưng sao nước mắt cứ chảy hoài không biết vì cảm thông cho hoàn cảnh nơi Họ Đạo hay đang thương nhớ chiếc nôi ấm áp của Hội Dòng... có lẽ là cả hai.

Ngôi nhà bếp cũ kỷ đã bị mối mọt ăn nhiều, Cha cho tiền sửa lại cho chắc chắn một chút trước khi mùa mưa đến. Nhà bếp tạm được dời ra bụi chuối phía sau, ông táo kê nồi cơm là ba viên gạch... Ngồi nấu cơm giữa trời đất gió thổi ngược xuôi làm lửa tắt nhiều lần khói bay ngợp cả một khu vực.... nước mắt lại rơi không biết có phải vì khói cay... Một ngày sắp kết thúc khi nắng chiều sắp xuống ngọn cây, nhiều người đi làm vườn về ngang qua í ới chào hỏi Dì Út, thấy có người mới đến nên cũng tò mò dừng lại xem xem mặt mũi như thế nào.

-     Chào Dì, Dì tới hồi nào vậy sao không nói trước để tụi con tới đón?

-     Dì tên gì vậy Dì? Năm nay bao nhiêu tuổi mà nhìn thấy nhỏ xíu vậy....

Nhiều câu hỏi cứ vồn vả khiến tôi không kịp trả lời. Không bao lâu tin "Dì Mới" đến đã loan khắp xóm, người có đạo cũng như người không có đạo cũng tới chơi. Tôi gật đầu chào mọi người, có người bẻn lẻng cười không dám nói, có người vồn vả cười nói uyên thuyên như đã thân nhau từ kiếp trước, còn mấy đứa nhỏ thì chạy giởn phía trước sân nhà thờ ... không khí rộn ràng hẳn lên phá tan nổi buồn nhớ Nhà Dòng trong lòng tôi, bên cạnh đó tôi cảm nhận một sự thân thiết chất phác của người dân quê, rất giống  quê hương tôi ngày trước.

Về giúp không được bao lâu tôi đã biết nhà hết các gia đình giáo dân và hoàn cảnh của họ ở đây. Nói cho oai vậy thôi chứ chỉ có trên dưới hai mươi gia đình công giáo. Phần đông là người ngoại giáo nhưng họ rất tốt và quý mến các Dì. Mỗi tuần hai ngày Dì cháu tôi đi thăm người ta bất kể trời mưa hay nắng, những lúc có người già bệnh sắp chết cần sự giúp đỡ... Dì Út đều nhiệt tình tới thăm dù họ có đạo hay không đạo Dì đều tận tình giúp đỡ. Nhìn thấy Họ Đạo còn nhiều khó khăn nghèo khổ, các em bé không được đến trường vì hoàn cảnh gia đình nên tôi bàn với Dì Út mở 1 lớp học tình thương miễn phí, tôi liên lạc xin tập viết cho các em. Chẳng bao lâu lớp học nhỏ của tôi đã không còn chổ ngồi. Các em thích tới nhà thờ chơi hơn không còn đi quậy phá người khác. Thỉnh thoảng các em mang đến cho các Dì túm rau con cá: - "Ba má con kính biếu Dì ăn lấy thảo".... Tuy Họ Đạo nhỏ nhưng chúng tôi cố gắng lập một nhóm các ban trẻ, giúp các em từ dần tham gia các hoạt động trong Họ đạo đặc biệt các dịp lễ, các ngày hành hương trong Giáo Phận... Dần dần chúng tôi thân thiết với nhau hơn, mọi người rất có tinh thần nhất là đối với công việc nhà thờ.

Thời gian qua đi rất nhanh, mới ngày nào tôi chân ướt chân ráo đến đây, bây giờ lại phải chia tay nơi đã dạy cho tôi nhiều bài học quý báo của tính nhẫn nại - sự đơn sơ mộc mạc và tình yêu thương chân thành giữa người.  Cám ơn Chúa đã đưa con đến nơi đây để con cảm nhận được Tình Yêu của Chúa, và con tin Giáo Hội Chúa thưc sự cần những con người có tấm lòng quản đại để Nước Chúa lan rộng vì Người đã xây dựng Giáo Hội Người trên nền tảng là sự YÊU THƯƠNG - PHỤC VỤ.

MTG Cái Nhum

 

GIÁO HỘI TRONG TÌNH YÊU CHÚA

Trong kịch bản chuẩn bị cho đêm canh thức Giáng Sinh tại Hội Dòng, một trích đoạn trong lịch sử Cựu Ước đã được chọn để nói lên tình yêu quan phòng của Thiên Chúa đối với Dân riêng Người là Israel.  Đó là đoạn từ lúc Thiên Chúa gọi Môisen cho đến khi Chúa ban Mười Điều Răn trên núi Sinai.  Phần trình bày diễn tả phần nào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa.  Qua đó, làm nổi bật những thử thách của Dân Chúa cùng với sự bất trung của họ, sự can thiệp tài tình của Giavê Thiên Chúa, nhất là tình yêu và lòng trung thành của Chúa đối với dân của Người.

Sau đó, trong giờ học hỏi về Giáo Hội của lớp Thỉnh sinh, tôi lấy kịch bản này làm đề tài thảo luận khía cạnh "Giáo Hội là Dân Thiên Chúa".  Một em đã hỏi tôi:

-     "Dì Hai ơi, sao Chúa chọn dân Do Thái là dân riêng mà không gìn giữ họ, lại để cho họ phải bị lưu đày rồi tìm mọi cách để cứu họ?" 

-     "Vì Chúa yêu thương họ và muốn tỏ ra Chúa luôn yêu thương, và đồng hành với Dân Người trong mọi hoàn cảnh, cho dù khi họ bị lưu đày.  Cũng qua đó, Chúa cho họ biết quyền năng Chúa có thể giải thoát họ khỏi mọi gian nan khốn khó.  Nhờ đó, họ tin tưởng vào tình thương Chúa hơn."  Tôi trả lời.

-     "Nhưng sao con vẫn thấy họ không tin Chúa, rõ ràng là họ luôn kêu trách Chúa, lại còn muốn phản bội Chúa nữa!"  Em thắc mắc.

-     "Dân Do Thái là một điển hình cho thấy sự bất toàn của con người chúng ta đối với Thiên Chúa tình yêu và đầy quyền năng.  Khi được sung túc no nê thì họ vui mừng; nhưng khi gặp thử thách thì than trách Chúa đủ điều.  Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn trung tín với lời đã hứa. Người không bỏ mặc họ nhưng luôn tha thứ và sửa dạy, cho họ cơ hội quay về, dẫn dắt họ trong sự kiên nhẫn và bằng tình thương. 

"Bài học của chúng ta hôm nay: Giáo Hội chính là hình ảnh của Dân Do Thái ngày xưa, là Dân Thiên Chúa, được Giavê Thiên Chúa chuẩn bị từ trước, được Chúa Kitô thiết lập và dùng chính giá máu của Người để cứu chuộc, và được Chúa Thánh Thần thánh hoá..." Giáo Hội ngày nay không còn bị giới hạn trong một đất nước, một dân tộc, nhưng là một đoàn Dân Thánh đông đảo gồm nhiều thành phần, với cơ cấu và phẩm trật. Nhưng đó lại là một thực tại vô hình, một mầu nhiệm thiêng liêng mà tôi được tham dự vào khi nhận Bí tích Rửa Tội.  Được ở trong Giáo Hội, tôi như một trẻ thơ, luôn được Mẹ che chở, bảo bọc, nhất là được uống dòng sữa mát là chính nguồn tình yêu của Thiên Chúa. Chính nơi lòng Giáo Hội mà tôi được nhận lãnh biết bao ân huệ từ Thiên Chúa qua Lời Chúa và các Bí Tích.

Như Dân Do Thái ngày xưa, tôi cảm nhận Giáo Hội luôn được Chúa chăm sóc, giữ gìn.  Dân Thiên Chúa bản chất thánh thiện, nhưng với thành phần là những con người mỏng giòn yếu đuối, Giáo Hội vẫn mang trong mình một sự thánh thiện chưa hoàn hảo, sự khiếm khuyết bất toàn và luôn cần ơn Chúa thanh lọc.

Trải qua bao thăng trầm, nhờ ơn Chúa, Giáo Hội vẫn đứng vững và đang tiến về miền Đất Hứa là Nước Trời.  Trên con đường này, Giáo Hội vẫn phải đối đầu với những khó khăn bên ngoài như: trào lưu tục hoá và nền văn minh sự chết làm ảnh hưởng đời sống Giáo Hội. Thêm vào đó, những đau khổ bên trong như sự chia rẽ, bất tuân, chống đối Giáo Hội, và những tội lỗi của mọi thành phần dân Chúa càng làm cho thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô không ngừng bị thương tích.  

Tôi là phần tử của Giáo Hội, thành phần Dân Thiên Chúa, là chi thể Chúa Kitô. Tôi có cám ơn Chúa vì được ở trong đoàn Dân Chúa là Giáo Hội, luôn được Chúa thương yêu không?  Tôi có thường xuyên cầu nguyện cho Mẹ Giáo Hội không? Tôi phải làm gì trước những thử thách mà Giáo Hội đang gặp phải, nhất là khi người ta phỉ báng và ức hiếp Giáo Hội? Tôi đã và đang sống thế nào để làm chứng cho tình yêu Chúa trong lòng Giáo Hội?

MTG Cái Mơn

TRANG SỐNG ƠN GỌI

ĐỘNG LỰC ƠN GỌI

Giáo Hội Việt Nam hiện nay là một trong số các Giáo Hội tại Châu Á đang có nhiều ơn gọi linh mục, tu sĩ. Đặc biệt là vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long có nhiều bạn trẻ đang tiếp tục tìm đến các chủng viện, các dòng tu, đan viện, tu hội để xin được tìm hiểu ơn gọi tu trì. Động lực nào đã thúc đẩy đời sống ơn gọi ở Việt Nam phong phú và dồi dào như thế?

Động lực thúc đẩy một người tìm đến một hướng sống hay một mục tiêu cho cuộc đời, có thể là do thần tượng một nhà truyền giáo, một hình ảnh linh mục thánh thiện, hoặc một tu sĩ dâng mình phục vụ tha nhân...Các nhà nghiên cứu cho thấy rằng, trên bình diện ý thức, một bạn trẻ ước muốn trở nên linh mục hay tu sĩ thường bị lôi cuốn bởi lòng khao khát đi theo Chúa Giêsu qua việc dâng hiến đời mình để phục vụ tha nhân.

Có bạn nói mình muốn đi tu để có thời giờ cầu nguyện và tìm sự bình an trong tâm hồn trong khung cảnh tĩnh lặng của đời chiêm niệm. Có những bạn khác khẳng định mạnh mẽ ước muốn trở nên một vị thánh.   

Lại không thiếu các bạn trẻ nghĩ rằng, nếu mình vào được nhà dòng, mình sẽ có cơ hội học tập tốt hơn, có thời giờ cầu nguyện nhiều hơn cho những người thân thuộc. Và ở Việt Nam họ còn ước muốn có cơ hội đi đây đi đó, ra nước ngoài du học để mở mang tầm nhìn và kiến thức!

Bên cạnh những giá trị cao đẹp thì cũng có những quyến rũ có phần "tính toán trần gian" không mấy phù hợp với các giá trị Tin Mừng, thậm chí hoàn toàn lệch lạc! Họ tìm kiếm để bù đắp một thiếu thốn sâu thẳm trong cuộc sống gia đình thời thơ ấu. Đời sống tu trì lúc này trở thành một môi trường thuận tiện có thể giúp họ thoả mãn những nhu cầu căn bản này, nhưng chắc chắn sẽ không đưa họ đến hạnh phúc. Đó có thể là những động lực sau:

1. Đi tu để thực hiện ước muốn của cha mẹ

Người ta vẫn thường quan niệm rằng: "Người con có hiếu là người con biết làm cho cha mẹ vui lòng và hạnh phúc". Vì thế, mà với sự "ép buộc" cao đẹp của cha mẹ, và ông bà... làm cho người ứng sinh luôn bị mang "một ám ảnh nặng nề" với hai chữ "phải tu". Trong khi đó vì ép mình mà chính người bạn trẻ không hề có xác tín cá nhân rằng mình nghe thấy tiếng Chúa kêu gọi và hoàn toàn muốn đáp trả tiếng gọi ấy. Khi nhận ra điều này, ứng sinh nhiều khi không đủ can đảm xin chuyển hướng khi biết rõ mình không có ơn gọi vì sợ làm cha mẹ buồn và thất vọng về mình. Hoặc nặng hơn có thể đem đến cái chết cho cha mẹ, với những câu mà người ứng sinh vẫn còn nhớ trước khi đi tu như: "Con về là ba má chết ngay", hoặc "Con về là má bỏ xứ má đi".

Vì thế, mà khi cha mẹ mất đi, thì việc chuyển hướng sẽ xảy ra vì không còn áp lực tình cảm nữa. Khi ấy, có thể ứng viên đã là một linh mục hay nữ tu nhưng lại không đủ sức tiếp tục con đường mình chọn chỉ để làm vui lòng cha mẹ! Nếu không bỏ cuộc thì đời sống tu trì lúc đó sẽ không còn ý nghĩa nữa. Nó chỉ là một chuỗi ngày kéo lê với tất cả mọi sự hỗn độn của nó, gây ra không ít khó khăn cho bản thân của người ấy vì không tìm được niềm vui và hạnh phúc, cho đời sống cộng đoàn và cho sứ mạng phục vụ của Giáo Hội.

2. Đi tu nhằm thăng tiến bản thân

Ngày hôm nay một số nhà dòng đã hạn chế nhận các tu sinh, vì có khá nhiều trường hợp các bạn trẻ xin được dâng hiến để thăng tiến bản thân chứ không phải để phục vụ, họ nhằm tiềm kiếm tương lai cho bản thân, hơn là tìm kiếm thánh Ý Chúa. Họ muốn vào các dòng tu nước ngoài  để có cơ hội học hành tốt hơn, thậm chí là để được đi ra nước ngoài. Khi mục tiêu này trở thành đích nhắm của ơn gọi, người ta sẵn sàng chấp nhận uốn mình vào kỷ luật đời tu, hoặc mặc "chiếc áo của người biệt phái" trong thời gian huấn luyện để ráng "nín thở qua cầu". Qua tới bờ bên kia, họ trồi lên khỏi mặt nước và tiếp tục con đường của riêng mình!

3.  Đi tu nhằm thoát khỏi cảnh nghèo

Vùng đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng nghèo nhất nước, có thu nhập thấp, trình độ văn hoá thấp..., nhưng ơn gọi lại nhiều, và thường xuất phát từ những gia đình nghèo vùng quê. Vì vậy có những trường hợp đi tu để bù trừ về đời sống vật chất, vì quan niệm "một ông cha bằng ba việt kiều", họ muốn tìm kiếm đời sống vật chất thoải mái hơn. Đời tu được xem như bảo đảm chắc chắn về đời sống vật chất và sự an toàn cho tương lai. Lúc đó đời sống mục vụ của họ giống như "những công chức đền thờ" ngày ngày chỉ đi tìm kiếm vật chất và lợi lộc. Đời tu cũng sẽ chẳng còn ý nghĩa!

4. Đi tu nhằm tìm kiếm danh vọng

Người Việt Nam chúng ta còn rất quý mến đời sống ơn gọi tu trì, họ không chỉ được kính trọng trong gia đình, trong họ đạo làng xã mà còn được "ăn trên, ngồi trước" trong đám tiệc. Để rồi, đời tu trở thành một cuộc tìm kiếm ngầm hư danh của thế gian đối với các ứng sinh, họ muốn hy sinh sống đời tu trì để được bù đắp bằng việc đạt đến một vị trí đáng được người khác kính trọng không chỉ cho bản thân mà còn cho cả gia đình và dòng họ. Đặc biệt, yếu tố danh dự gia đình dễ gây ảnh hưởng lớn đến quyết định theo đuổi ơn gọi của ứng sinh, làm cho ứng sinh mất đi thái độ tự do nội tâm cần thiết trong việc nhận định, tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa trong cuộc đời mình.

5. Sợ hãi người khác phái

Quyết định theo đuổi ơn gọi trong đời sống độc thân khiết tịnh vì Nước Trời vốn là một giá trị thiêng liêng tích cực, có thể trở thành sự che đậy nỗi sợ hãi đối với người khác phái khi bạn trẻ chọn đời sống tu trì như một tránh né những phiền toái của đời hôn nhân. Điều này lại càng đúng nếu vết thương tâm lý do một biến cố quá khứ để lại vết thương khó chữa trị trong đời sống tinh thần và tâm linh của ứng sinh. Nỗi sợ hãi này có khi làm tê liệt khả năng thiết lập những tương quan tốt đẹp và lành mạnh trong sứ mạng phục vụ đối với tất cả mọi người khác phái. Ngoài ra còn có thể đưa đến tình trạng nguy hiểm hơn là bị lệnh lạc về tâm lý, do quá mặc cảm tự ti, thù ghét người khác phái đã làm cho họ trở thành bệnh hoạn trong đời sống cộng đoàn với người cùng phái. Điều nay đã và đang gây ra nhiều rắc rối và phiền phức cho Giáo hội.

Nếu tình trạng này không được đưa ra ánh sáng ý thức để hiểu biết về chính mình, để được thanh luyện và điều chỉnh, thì tiến trình theo đuổi ơn gọi của một bạn trẻ sẽ dễ bị lệch lạc và thiếu vắng sự tự do nội tâm cần thiết cho mọi quyết định của một người trưởng thành về tâm cảm, về thiêng liêng và chín chắn trong ơn gọi.

LỜI KẾT

Ơn gọi là một mầu nhiệm, là một tình yêu phát xuất từ hai chiều: Thiên Chúa kêu gọi và con người đáp trả. Để vun trồng ơn gọi nơi người trẻ, ước muốn mà thôi vẫn chưa đủ. Cần giúp các bạn trẻ hiểu biết và nhận ra điều gì đang thúc đẩy mình tìm đến với ơn gọi.

Sau cùng, ơn gọi tu trì hướng đến tâm điểm là chính con người của Đức Giêsu, mẫu mực của mọi ơn gọi. Đáp lại tiếng Chúa mời gọi là noi theo cung cách sống và hành xử của chính Chúa trong sứ mạng yêu thương và phục vụ cho sự sống của tha nhân như Chúa Giêsu: "Tôi đến để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào" (Ga 10,10).

TRANG THIẾU NHI

Dạy con cầu nguyện theo lời Chúa

Dạy con cầu nguyện là tâm nguyện của những người cha, người mẹ Công Giáo. Các cha mẹ dạy con cầu nguyện, nhất là trong giờ kinh tối của gia đình. Để con lớn lên mãi trong đạo lý Chúa, cha mẹ cần biết cách hướng dẫn con cầu nguyện theo Lời Chúa trong Kinh Thánh. Lúc đầu có thể các em chưa hiểu những lời Kinh Thánh, nhất là Cựu Ước, nhưng được cha mẹ giải thích sáng tỏ và đơn sơ, dần dần các em sẽ hiểu. Chính nhờ cầu nguyện theo Lời Chúa, các em sẽ từng bước làm quen với Kinh Thánh, chăm chỉ cầu nguyện, rồi tự nhiên nhớ Lời và sống Lời.

Để hướng dẫn các em cầu nguyện, cha mẹ nên kiên nhẫn, ân cần. Dĩ nhiên, không phải tối nào chúng ta cũng đòi các em cầu nguyện theo Kinh Thánh nhưng có thể tuần tự thay đổi và xen kẽ những lối cầu nguyện khác nhau: cầu nguyện bằng lời kinh truyền thống, cầu nguyện bằng thánh ca, cầu nguyện theo tâm tình tự phát... Chúng tôi hân hạnh giới thiệu những bài viết vắn gọn dành cho các cha mẹ hướng dẫn con cầu nguyện theo Lời Chúa. Những bài viết này dựa theo cuốn Teaching Your Child To Talk To God của Roberta Hromas và Todd Temple, do Inspiration Press xuất bản năm 1994. Loạt bài này được soạn lại để thích ứng với bối cảnh văn hóa các gia đình Việt Nam.

Bài 1: CẦU NGUYỆN VỚI CHA TRÊN TRỜI

Hãy khuyến khích con cầu nguyện với Chúa là Cha trên trời vì Đức Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện với Cha trên trời: "Lạy Cha chúng con ở trên trời". Chính Đức Giêsu đã gọi Thiên Chúa là Cha, như chúng ta vẫn gặp trong Tin Mừng. Hơn thế, các em có thể gặp gỡ Thiên Chúa như gặp gỡ Cha trên trời ngay cả khi các em thiếu vắng một người cha trần thế làm mẫu cho tình phụ tử. Như thế, các em sẽ hiểu cha mình là ai và Cha trên trời là ai.

Trong nguyên bản Tân Ước, "Abba" nghĩa là "Cha ơi" hay "Ba ơi", là Đấng yêu thương, săn sóc, che chở "gia đình của Chúa". Các cha mẹ có thể chia xẻ với con những chuyện trong Kinh Thánh về lòng yêu thương ấy. Nhiều đoạn của Xuất Hành mang nội dung này, thí dụ những trận mưa manna trong sa mạc, cột lửa soi sáng ban đêm, cột mây che nắng ban ngày cho Dân Chúa đi tìm Đất Hứa, hay việc Chúa ban sức mạnh để Dân chiến thắng những thế lực muốn tiêu diệt Dân... Các cha mẹ nên khẳng định với con: Cha trên trời đầy quyền năng và luôn che chở con cái mình. Hãy dạy con cầu nguyện để ngỏ lời cám ơn Cha.

Khi cầu nguyện với Cha, các em mở lòng đón nhận hết những người con khác của Cha cũng là anh em của mình. Càng thấm cảm Thiên Chúa là Cha, các em càng dễ đón nhận mọi người là anh em. Như thế, cha mẹ đã đưa con tới nhận gia đình thiêng liêng của Thiên Chúa, nhận họ nhận hàng với nhau, một họ hàng tuyệt vời đang chung nhau mục đích của đời sống, chung nhau khát vọng, cùng thân ái nhìn nhận mọi người và thế giới. Làm thế cũng là cha mẹ khai tâm nề nếp đạo đức Kitô giáo trong tâm hồn con.

(còn tiếp)

Thành Tín  (dunglac.org)

 

Mọi ý kiến, thắc mắc của các bạn trẻ về đức tin và luân lý có thể thể gửi về cha đặc trách giới trẻ theo địa chỉ  dưới đây để tham vấn:

Cha Tôma Nguyễn Ngọc Tân
Nhà Thờ Chánh Toà Vĩnh Long
141, Lê Thái Tổ, P. 2 - Tp. Vĩnh Long

Email: gioitrevinhlong@gmail.com

TRANG GIỚI TRẺ

TUỔI TRẺ - ĐỨC TIN - CUỘC SỐNG

BẠN NGHĨ GÌ VỀ VIỆC PHÁ THAI
VÀ VỀ CÁC TRẺ EM SINH RA TRONG ỐNG NGHIỆM? (tiếp theo)

5. Tại sao cần đến định chế?

Định chế hôn nhân giúp cho tình yêu được biểu lộ ra, được nói lên và được cử hành long trọng: tình yêu rất đáng được mở hội ăn mừng. Hơn nữa, tiếng ưng thuận mà ta nói lên trước mặt một người thứ 3 làm cho cuộc dấn thân của ta được kiên vững: khi đã thề hứa một cách long trọng cũng đáp ứng được khát vọng của tình yêu là vô điều kiện. Định chế cũng biểu lộ được chiều kích xã hội của mọi tình yêu: dù muốn hay không, đôi vợ chồng cũng cần đến những người khác, và những người khác cũng cần đến họ. Khi cưới hỏi theo định chế dân sự, đôi bạn ngỏ ý nhận lấy trách nhiệm xã hội này.

Định chế hôn nhân cũng giúp ta giữ vững ý chí khi không có tình yêu. Nó mang lại một cảm giác an ninh: sự ổn định rất cần thiết để đứa trẻ có thể phát triển về mặt tâm lý. Nó che chở cho người phụ nữ và con mình: một người đàn ông 40 tuổi vẫn có thể lấy vợ thêm một lần nữa còn một phụ nữ cũng ở vào tuổi đó lại thêm đùm đề con cái thì thật khó lòng.

Sau hết, định chế hôn nhân mang lại cho ta một cảm giác tự do vì đó là một nơi để mỗi người có thể an tâm thực hiện bản thân mình, theo mộng ước sâu xa của chính mình, nhờ được bạn mình kính trọng.

 6. Ta nghĩ gì về Hôn nhân Kitô giáo?

Yêu là gặp gỡ người khác, là nhận ra họ là người mà ta hằng chờ đợi, là ước mong cho người ấy được thành toàn, là muốn thăng tiến họ.

Trước tiên, yêu chính là làm cho người kia được hạnh phúc; là cho đi và trao ban chính bản thân mình trong những gì ta cho đi. Tình yêu không hề ích kỷ, không hề co cụm lại nơi mình. Yêu thương, chính là làm cho người khác được hiện hữu. Bởi vậy, yêu là hiểu biết người ta yêu với các ưu điểm và cả các khuyết điểm, với cá tính và các phản ứng riêng tư của họ. Yêu là luôn tìm cách làm vui lòng người yêu, dù gặp nhiều khó khăn và thất bại.

Yêu cũng còn là đón nhận cái mà người bạn đời trao tặng cho chính mình và vui lòng để cho người ấy làm cho mình thêm phong phú. Tha thứ chính là yêu đến những 2 lần. Tha thứ cho nhau là một điều cần thiết để mọi tổ ấm gia đình có được sức sống.

Chính vì để thực hiện cái lý tưởng đòi hỏi này mà người Kitô hữu lấy Đức Giêsu Kitô làm gương mẫu, Người là Đấng đã yêu cho đến chết. Đức Giêsu giải phóng con người khỏi các mặt trái của tình yêu. Vì Thiên Chúa là Tình yêu. Người là nguồn của mọi tình yêu. Người yêu thương hết mọi người. Người đã dựng nên con người giống như Người, nghĩa là có khả năng yêu thương. Hôn nhân Kitô giáo còn hơn cả một cuộc đính ước trước mặt người ta; đó còn là một cuộc đính ước trước mặt Thiên Chúa, và ta nài xin Người giúp ta yêu thương nhau. Ta đặt tình yêu nhân loại của mình vào trong chính tình yêu của Đấng Tối cao, Người là Đá tảng cho ta nương tựa. Ta tìm kiếm sức mạnh thần linh để yêu nhau suốt đời, vượt qua các trở ngại và sự xuống cấp do tính mỏng dòn của con người gây ra. Hôn nhân Kitô giáo là một cuộc đánh cược với ân sủng của Thiên Chúa. Người cùng dấn thân với đôi vợ chồng.

Cử hành hôn nhân theo phép đạo là dấu chỉ của Tình yêu Đức Kitô đối với Hội thánh, Thân Thể Người. Đức Giêsu yêu thương Hội thánh như người chồng yêu thương vợ mình bằng một tình yêu không thể chia lìa. Điều mà Thiên Chúa đã liên kết thì không ai có thể phân ly được.

Nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, các tín hữu có thể nhìn nhau và yêu thương nhau như những con cái của Thiên Chúa và như những người anh em của Chúa Giêsu. Thật ra, chính nhờ Đức Giêsu, là Tình yêu mẫu mực mà các đôi vợ chồng Kitô giáo trao hiến cho nhau. Như vậy, các đôi phối ngẫu được mời gọi yêu thương như Đức Kitô đã yêu, nghĩa là yêu đến độ thí mạng cho người mình yêu.

Bởi thế, đức tin được sống như một giao ước, một hôn ước giữa tình yêu Thiên Chúa và dân Người. Vậy mà Thiên Chúa không hề yêu ta theo lối yêu thử. Người đã thực sự ban Con mình cho ta, không phải chỉ ban một ngày mà thôi, mà là ban mãi mãi. Tình yêu của Chúa vốn chất chứa sự vĩnh cửu. Hôn nhân Kitô giáo vẫn luôn là một nguồn phong phú mà ta phải khám phá luôn.

QUESTIONS SUR LA VIE ET LA FOI của Jacques Lacourt
Imprimatur:  Đức Cha G. VANEL, Tổng Giám Mục Auch. 23.03.1990

Nguồn: dunglac.org

TRANG GIA ĐÌNH

Bí quyết hoà giải những xung khắc ! 

Mỗi gia đình có một cách giải quyết những xung khắc hay mâu thuẫn một cách khác nhau. Theo phong tục Việt nam thường nhịn nhục, im lặng để gia đình được êm ấm, nhất là về phía các bà thường nghĩ tới tới các con, vì chúng mà phải chịu đựng một thời gian.

Dựa vào các cặp vợ chồng có kinh nghiệm về gia đình, các chuyên viên tâm lý, và các đôi vợ chồng còn trẻ. Sau đây là một số những đề nghị để giúp các bạn có thể áp dụng xem sao.


A- Đối với những cuộc cãi vã nhỏ:    


'Ngưng nói, đứng lên đi làm vườn, đi rửa xe, lau xe, đi bách bộ ra ngoài công viên, đi thể thao, đi chợ...sẽ giúp bạn quên hẳn những bực tức nhỏ, chẳng đáng gì và sinh hoạt lại bình thường.  

B- Đối với những xung khắc lớn:      

1- Đi thăm họ hàng: nội ngoại, anh chị em, (một thời gian ngắn)            

Điều này nên làm, vì không sợ mang tiếng là mình đi bồ bịch với ai, lại có dịp đi thăm anh chị em nhà, vì cũng ít có dịp để đi thăm.           

2- Gặp gỡ bạn bè: chia sẻ cho bớt những căng thẳng...:       


Tới thăm bạn bè xa gần cho vui, về công việc làm ăn chẳng hạn, để quên những căng thẳng trong nhà, nhưng đừng nói xấu vợ chồng. Lâu lâu làm như thế sẽ tăng thêm tình bạn và bớt đi nỗi ưu phiền.         


3- Đi sinh hoạt: đi đại hội, đi tĩnh tâm, đi học hỏi cuối tuần...:         

Đây là những dịp rất tốt có lợi cho bạn được học hỏi nhiều điều, tu tâm tâm, làm việc thiện nguyện về phục vụ cho gia đình tốt hơn.         

4- Chọn thời gian: hai vợ chồng gặp nhau với thiện chí hòa hợp:     


Sau thời gian ra ngoài, tâm hồn bình tĩnh sáng suốt, bạn tìm lúc thuận tiện cùng ngồi xuống nói chuyện với nhau, nhớ chú tâm lắng nghe người kia và đừng ngắt lời khi chồng hoặc vợ đang nói.     

C- Những phương pháp giải quyết xung khắc:         

1/ Đừng nói cho thoả lòng: sau đó xin lỗi, vì sẽ gây tổn thương cho vợ hoặc chồng. Vì có người nói ít, dè dặt, vậy bạn nên cận thận.       

2/ Bình tĩnh, vui vẻ: nói vào thẳng đề tài đó, để giải quyết ôn hoà.   

3/ Mở lối thoát cho nhau: đừng đay nghiến, nhắc đi nhắc lại lỗi lầm.      

4/ Dùng lời thật ôn tồn: kính trọng nhau, ôn cố tri tân. Thẳng thắn và tỏ ra cao thượng, không ngờ vực, sẽ dễ giải quyết được vấn đề.    

5/ Cam đảm nhận lỗi: tỏ quyết tâm sửa lỗi bằng hành động cụ thể như tăng cường làm những vặt trong nhà: quyét nhà, rửa chén, làm vườn, sửa sang nhà cửa, làm cho nhau những việc cần thiết khác...      


6/ Nên để ý lặp lại những lời nói của nhau: để làm vừa lòng nhau. Vì thế. Ca dao có câu:  

Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả đường đi lối về

Vợ chồng là nghĩa già đời, ai ơi chớ nói những lời thiệt hơn.           

Chuyện kể có hai vợ chồng kia luôn luôn cãi nhau, lần này đang lúc gây cấn, kịch liệt, không bên nào chịu bên nào. Người chồng đề nghị với vợ: Bây giờ tôi đề nghị với bà lấy mỗi người một tờ giấy, viết ra những tật xấu của nhau. Người vợ đồng ý, rồi hai người ngồi xuống viết, người chồng viết được một câu rồi ngừng, trong khi người vợ viết liên tiếp, hình như cố tranh ý với chồng để kể tội xấu nhiều hơn.     


Sau vài phút người vợ đã viết đầy giấy kể tội của chồng, tỏ ra vẻ đắc ý, vì đã viết được nhiều những lầm lỗi của chồng. Sau đó hai vợ chồng cùng trao cho nhau đọc. Khi nhìn vào tờ giấy của chồng, người vợ bỗng bàng hoàng xúc động, chị vội đòi lại tờ giấy của mình và muốn làm hòa ngay. Vì trong tờ giấy của chồng, bà chỉ đọc thấy có một câu: "Anh yêu Em!" Thánh Phaolô khuyên: Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. (x.Côlôxê 3, 13)         


Phó tế Gbt. Nguyễn văn Định (vietcatholic.net)

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

BÀI 1: CHƯƠNG I: YÊU MẾN CHÚA KITÔ

Hằng ngày, qua kinh Lạy Cha, chúng ta tuyên xưng Chúa là Cha và mọi người là anh em. Như vậy đạo của chúng ta là bổn phận làm con Chúa và làm anh em của mọi người. Nói một cách giản dị: chúng ta chỉ cần sống đúng một đứa con ngoan, một người em tốt. Nhưng làm con ngoan thì phải sống thế nào? Trước hết giáo lý viên phải có lòng tôn kính Thiên Chúa, nghĩa là phải tôn thờ Ngài cách tuyệt đối và luôn chọn Ngài như điểm tựa duy nhất của đời mình.

1. ĐẶT CHÚA LÊN TRÊN HẾT

Trong cuộc sống giáo lý viên, ít khi có tình trạng một người hoàn toàn loại Chúa ra khỏi cuộc đời hay công việc của mình, nhưng điều thường xẩy ra là có những giáo lý viên không tôn kính Ngài cho đủ, nghĩa là không đặt Chúa vào đúng vị trí của Ngài. Họ dễ đặt Thiên Chúa ngang hàng hơn kém giữa biết bao giá trị khác của đời sống. Cuộc đời con người thường được hướng dẫn hay bị chi phối bởi nhiều hấp lực, mỗi lúc một hấp lực khác nhau. Vì vậy, khía cạnh thứ nhất đòi nhiều cố gắng trong đời sống của giáo lý viên là đặt Chúa lên trên hết bằng cách quy tụ tất cả cuộc sống về Thiên Chúa như đỉnh cao duy nhất để Ngài hướng dẫn và chi phối tất cả hoạt động của mình. Chúng ta quan sát hai sơ đồ sau đây :

-    Sơ đồ 1: Chúa Giêsu được xếp ngang hàng giữa các giá trị khác  

-    Sơ đồ 2: Chúa Giêsu chi phối mọi sinh hoạt của đời sống

Sơ đồ thứ nhất diễn tả một cuộc sống đặt Thiên Chúa ngang hàng với mọi tạo vật khác. Chỗ đứng của Thiên Chúa cũng là chỗ đứng của bao vấn đề trong cuộc sống. Ngài không được tôn kính cho đủ và Ngài cũng không có ảnh hưởng gì đặc biệt trên cuộc sống của họ. Trong khi đó sơ đồ hai biểu thị cuộc sống của những người biết đặt Chúa lên trên hết, chính Ngài chi phối, điều khiển mọi hành vi, mọi cung cách sống của mình. Đó là những người biết đặt Thiên Chúa vào đúng vị trí của Ngài.

Sau những ngày tháng hăng say trong việc dạy giáo lý, chắc chắn mỗi giáo lý viên đều xác tín rằng : Sứ mệnh của chúng ta không có nghĩa gì nếu không phải là do Thiên Chúa gợi ý cho chúng ta. Lời rao giảng của chúng ta không có nghĩa gì nếu không phải là chính Thiên Chúa nói. Sự tận tâm của chúng ta không có nghĩa gì nếu không phải chính Thiên Chúa đã làm cho nó phong phú thêm lên. Như vậy nền tảng của mọi việc tông đồ chính là Thiên Chúa và cái trục giao liên giữa giáo lý viên với Thiên Chúa chính là lòng yêu mến.

2. YÊU MẾN

Nếu giáo lý viên biết quy tụ tất cả cuộc sống về Chúa đã là điều tốt, nhưng như thế vẫn chưa đủ, mà còn cần phải móc nối được mối dây liên lạc cá nhân thân tình với Thiên Chúa nữa, vì nếu không có được mối dây thân tình mật thiết với Chúa thì cũng rất khó quy tụ tất cả cuộc sống về Chúa được. Vậy cụ thể, giáo lý viên biểu lộ lòng yêu mến Thiên Chúa bằng cách :

2-1. Học hỏi và sống Lời Chúa :

Giáo hội được nuôi dưỡng và được sống bằng Lời của Chúa, vì thế Giáo hội luôn kêu mời chúng ta cố gắng học hỏi và khám phá trong kho tàng Thánh Kinh, những chân lý giải thoát và dẫn đưa tới ơn cứu độ. Vậy để sống Lời Chúa, giáo lý viên cần có những thái độ sau :

-     Đọc Lời Chúa theo sự chỉ dẫn của Giáo hội để có thể tìm ra ý nghĩa đích thực. Mỗi người, tùy theo nhu cầu tâm linh và trình độ, có thể hiểu tới mức độ nào đó điều Chúa muốn nói với mình, nhưng sự hiểu biết này phải luôn nằm trong sự giải thích của Giáo hội.

-     Giáo lý viên đọc Lời Chúa với tâm tình của Phêrô : "Lạy Chúa chúng con biết theo ai ? Chúa mới có những Lời ban sự sống đời đời "(Jn 6, 67-68). Tâm tình này xác định mục đích và mọi sinh hoạt của đời sống đều phải quy chiếu về Đức Kitô. Ngài đang chờ đợi, từng người cũng như tất cả, để giúp chúng ta sống gắn bó với Ngài.

-     Đọc Lời Chúa như đọc lời tâm sự của một người bạn chí thiết muốn nói riêng với mình trong giây phút này, trong hoàn cảnh cụ thể, để thấy Lời Chúa luôn mới mẻ, thích hợp, và qua đó, ta để cho Lời Chúa chất vấn cuộc sống của ta. Như vậy giáo lý viên đón nhận Lời Chúa như một hồng ân, hồng ân này biến đổi toàn bộ đời sống giáo lý viên trở thành nhân chứng cho Lời Chúa.

2-2. Tham gia tích cực vào việc cử hành phụng vụ

Bên cạnh những việc đạo đức được Giáo hội khuyến khích, có những kinh nguyện và nghi thức được Giáo Hội lập ra và được nhận làm phương thế thờ phượng chính thức gọi là phụng vụ như Thánh Lễ, các Bí Tích và Kinh Thần Tụng. Như vậy phụng vụ là sự thờ phượng toàn diện của Nhiệm thể Chúa Kitô. Nói rõ hơn, phụng vụ là sự thờ phượng của Đức Kitô dâng lên Chúa Cha. Ngài dâng với tư cách là Đấng Cứu thế và là đầu của Giáo hội.

Phụng vụ luôn hướng về Thiên Chúa, có mục đích tôn vinh Thiên Chúa nhưng cũng để thánh hóa con người. Ta có thể nói : thánh hóa loài người là điều kiện tiên quyết để thờ phượng Chúa. Vậy toàn thể Giáo hội do ơn gọi của mình phải thờ phượng Chúa, mà ơn gọi của Giáo hội cũng giống như ơn gọi của Israel xưa là trở thành "Dân Tư tế" (Xh 19,6). Theo thánh Phêrô, Dân Tư tế thì phải tôn thờ Chúa qua việc "dâng lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa"(1 P 2,5). Lễ tế thiêng liêng này Dân Tư tế phải dâng trong suốt cuộc đời, nhưng lễ tế đó đạt tới tột đỉnh và được hoàn tất trong phụng vụ.

2-3. Cầu nguyện :

Giáo lý viên sống tương quan mật thiết với Chúa Kitô không những trong việc hăng say học hỏi Lời Chúa và trong các sinh hoạt phụng tự, nhưng còn phải trải dài trong suốt đời sống, nghĩa là một đời sống kết hợp với Chúa trong tinh thần cầu nguyện. Chúng ta cần phân biệt việc cầu nguyện và tinh thần cầu nguyện. Việc cầu nguyện là dành một số giờ trong ngày, trong tuần để cầu nguyện riêng hay để làm các phận vụ thiêng liêng của một người kitô hữu. Tinh thần cầu nguyện là bầu khí kết hợp thân mật với Chúa bao trùm cả ngày sống, 24/24 giờ. Nhưng bằng cách nào ?

Giáo lý viên, là người làm việc cho Chúa, nên không thể chỉ biết đi lễ hay tham dự các bí tích theo luật buộc, rồi cả ngày chúng ta loay hoay một mình với bao công việc. Điều quan trọng là làm sao biến đời mình thành một lời kinh liên lỉ. Cầu nguyện đích thực là một phương cách sống, sống thật tốt lành dưới sự hiện diện của Thiên Chúa. Người biết khám phá và sống sự hiện diện của Thiên Chúa thì thấy mình hạnh phúc vì đã khám phá ra Thiên Chúa là căn nguyên của mọi nguồn sống và mọi sinh hoạt cuộc đời.

Thật ra, nếu chúng ta biết tìm đúng nguồn mạch của đời sống, chúng ta sẽ thấy Chúa chan hòa trong từng phút giây. Và bất cứ ở đâu, dù có bận rộn với bao công việc, dù trong khi cầu nguyện cũng như lúc làm việc, trong khi buồn rầu hay lúc vui thỏa, Đức Kitô cũng ở đó, Ngài ở bên và đồng hành với ta trong mọi nơi mọi lúc. Sống tâm tình ấy, các hoạt động bên ngoài của chúng ta cũng được biến thành một lời cầu nguyện rất cụ thể, đơn sơ và sống động.

Tóm lại, Giáo lý viên là người mang Chúa đến cho người khác nên điểm đặc trưng của tất cả cuộc đời của họ là tình mến Chúa Kitô. Lòng mến này tiến triển theo ba cách :

Hiện diện: Sự hiện diện của Chúa là nguồn hứng khởi, là sức mạnh nâng đỡ, là điểm chi phối toàn bộ đời sống giáo lý viên.

Gặp gỡ đối thoại: Gặp Chúa để trò chuyện để khen ngợi, cám ơn, xin lỗi, xin giúp đỡ và nhất là để chia sẻ tâm tư. Nhờ vậy giáo lý viên được biến đổi trong tâm tình, lý tưởng, tiêu chuẩn sống để trở nên giống Chúa và khắng khít với Chúa hơn. Đây là mục đích của các giờ cầu nguyện và suy ngắm.

Nên một với Chúa: Trong một ngày sống, giáo lý viên cần tìm những giây phút thinh lặng để cảm nghiệm thật sâu sa sự hiện diện của Chúa, để nghe Chúa nói và để nói với Chúa. Được như thế, giáo lý viên sẽ luôn sống trong tình hiệp thông với Chúa và trở nên một với Ngài.

 

3. VÂNG THEO Ý CHÚA

Nhìn vào đời sống Giáo hội, mỗi vị thánh có một bộ mặt riêng, không ai giống ai ; mỗi tín hữu có một cách sống đặc biệt, không ai có thể sống đời sống của người khác. Nhưng trong muôn vàn cái khác biệt ấy, có một con đường chung cho tất cả, đó là nên giống Chúa Giêsu bằng việc tuân giữ các điều Chúa truyền dạy (Jn 15, 10). Điều này có nghĩa là sống tốt giây phút hiện tại, là tận dụng cách khôn ngoan thời giờ Chúa ban, là làm đầy đủ bổn phận trong tinh thần trách nhiệm.

Trong cuộc sống, chúng ta có rất nhiều mối bận tâm, nhiều lo lắng về cả tinh thần lẫn vật chất. Nhưng mối bận tâm đầu tiên luôn thúc bách tâm hồn người giáo lý viên phải là mối bận tâm tìm kiếm điều gì hợp với ý Thiên Chúa. Những bận rộn của đời sống thường ngày dễ lôi kéo chúng ta nghe theo tiếng nói của tư lợi, của danh vọng, của ảo tưởng và cả tiếng nói của thần dữ. Chúng luôn tìm cách đánh lừa để lái chúng ta đi theo đường khác. Nhưng với thái độ tin yêu phó thác vào Chúa, giáo lý viên luôn thức tỉnh lắng nghe tiếng nói của Chúa và sẵn sàng thực thi.

Tóm lại, người sống tình con thảo với Thiên Chúa là người sống trong tâm tình tôn kính, yêu mến và nghe lời Thiên Chúa. Họ là người chấp nhận để Chúa Thánh Thần nắn đúc hình hài Đức Kitô trong mình, và một khi có Chúa Kitô trong mình [1], họ hăng say đem Chúa Kitô đến cho người khác. Họ là người gắn bó với Đức Kitô là Đầu và đương nhiên họ cũng gắn bó với anh em là những chi thể của Đầu.

Nguồn: mancoichihoavn.com, Huấn Luyện Giáo Lý Viên

 

TRANG QUỚI CHỨC

QUỚI CHỨC DỰ BỊ

Ngày xưa thành phần Ban Quới Chức gồm có : Trùm, Câu, Biện, Giáp. Hiện tại theo "Điều Lệ Quới Chức" của Giáo phận Vĩnh Long, thành phần Ban Quới Chức không có ông "Giáp" nhưng thay vào đó là "Phụ tá Biện".

Giáp hay Phụ tá Biện tuy tên gọi có khác nhau nhưng cùng chỉ một "chức danh". Vậy vai trò của vị này là gì ? Phụ tá Biện, thật sự nghe không "oai" và có cảm giác cũng chẳng có trách nhiệm vì trong Ban Quới Chức bởi vì "phụ" thôi chứ đâu phải là "chánh". Thế nhưng nếu chúng ta suy nghĩ sâu hơn một chút thì chúng ta sẽ thấy làm một Phụ tá Biện không đơn giản chút nào.

Trước hết, đây là thời kỳ tập sự mà ai muốn bước chân vào hàng Quới Chức để phục vụ họ đạo đều phải trải qua. Đây không phải là thử thách khả năng cống hiến mà là thời kỳ huấn luyện để sau này ông có thể thạo việc để việc phục vụ mang lại hiệu quả cao hơn

Ông chưa chính thức lãnh trách nhiệm, điều đó càng có ích bởi ông ít bị áp lực từ công việc nhưng giúp ông đồng chia xẻ trách nhiệm, chia xẻ kinh nghiệm từ thực tế hầu dần dần ông trưởng thành và đến khi chính thức nhận trách nhiệm ông sẽ chín chắn, tự tin và can đảm hơn.

Một Phụ tá Biện cứ nghĩ mình chỉ là phụ hợ, mọi công việc ông chánh làm hết, đợi cho đến khi cờ tới tay mới phất thì lúc đó ông sẽ không biết làm sao để phất cờ! Cho nên giai đoạn làm phụ tá xem ra cũng không ít công việc hơn ông chánh, chỉ khác một điều là ông không phải chịu trách nhiệm trước cha sở và giáo dân về công việc mình đảm nhận mà thôi.

Trong thực tế, đã có nhiều ông biện không qua giai đoạn học việc này, mới chân ướt chân ráo mà đã lãnh những công việc quá khả năng nên đã không thể hoàn thành trọng trách, rồi từ một người muốn trở thành quới chức để phục vụ, lại trở thành những người chống đối, nói xấu Ban Quới Chức, gây bất hoà, xáo trộn trong họ đạo của mình.

Muốn là tre thì trước tiên phải là măng. Măng tốt thì mới thành tre tốt, nếu không học việc thì không thể thạo việc, không thạo việc gì mà làm việc đó thì sẽ rất vất vã và tỉ lệ thành công sẽ rất ít. Trăm hay không bằng tay quen. Mong rằng các Phụ tá Biện, không vì cái tên gọi không được oai đó mà nãn nhưng hãy nghĩ đến cái nghĩa của nó mà cố gắng tập luyện, để đến phiên của mình thì có thể làm với hiệu quả cao nhất.

SỐNG ĐẸP

Bài học từ Hươu cao cổ

Khi sinh con, hươu mẹ không nằm mà lại đứng; và như vậy hươu con chào đời bằng một cú rơi hơn 3m xuống đất và nằm ngay đơ. Rồi hươu mẹ làm một việc kỳ lạ: đá hươu con cho đến khi nào chú ta chịu đứng dậy mới thôi. Khi hươu con mỏi chân và nằm, hươu mẹ lại thúc chú đứng lên. Đến lúc hươu con đã thực sự đứng được, hươu mẹ lại đẩy chú ngã xuống để chú phải nỗ lực tự mình đứng dậy lần nữa.   

Điều này nghe có vẻ lạ với chúng ta, nhưng lại thực sự cần thiết cho hươu con bởi vì hươu con cần phải tự đứng được để có thể tồn tại với bầy đàn, nếu không hươu con sẽ trơ trọi với cuộc đời và trở thành miếng mồi ngon cho thú dữ.           

Chúng ta cũng thế, thật dễ nản chí khi mọi việc đều trở nên tồi tệ. Nhưng cho dù đang phải đối mặt với nhiều gian khổ thì ta vẫn phải giữ vững niềm tin. Hãy ghi nhớ rằng mỗi khi ta phải đối mặt với nghịch cảnh, trong ta luôn có một sức mạnh tiềm ẩn.

Đừng bao giờ để thất bại quật ngã mà hãy để nó trở thành thầy dạy của chúng ta. Đây chính là bí quyết để thành công. Người ta không thua khi bị đánh bại mà chỉ thua khi đầu hàng. Thomas Edison đã nói: "Tôi không bao giờ nản chí vì đối với tôi mỗi một nỗ lực không thành công là một bước tiến bộ". (songdep.xitrum.net)

 

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

Lục đục vì cách dạy con

Tôi sinh ra trong một gia đình làm nông nên rất quý đồng tiền, chi tiêu dè sẻn. Tôi luôn dạy con phải tiết kiệm, chi tiêu đúng mức, trong khi vợ tôi lại chỉ dẫn con phải sành điệu. Mỗi khi tôi góp ý, cô ấy đều bảo: "Đời anh đã khổ rồi, chẳng lẽ anh muốn con mình cũng khổ như vậy sao?". Chỉ mỗi chuyện dạy con mà vợ chồng cứ lục đục... 

Sinh con, nuôi dạy con, làm sao để con cái có một cuộc sống tốt đẹp là điều mà tất cả các bậc cha mẹ đều mong muốn. Vì thế, vợ anh suy nghĩ như vậy cũng là tự nhiên. Điều quan trọng ở đây không phải là việc anh lên án hay "trở ngược" lại những gì vợ anh đang suy nghĩ và đang làm mà cần phải tâm tình với vợ, nói cho cô ấy hiểu giá trị của một con người không phải là bộ quần áo hay trang sức bên ngoài. Anh cần làm cho vợ hiểu điều quan trọng nhất của một đứa trẻ là học hành, rèn luyện để mai sau lớn lên trở thành người có ích cho xã hội.

Đặc biệt, trước mặt con, anh chị không nên có ý kiến trái ngược nhau để không làm con trẻ băn khoăn vì bố mẹ không thống nhất. Anh chị nên bàn bạc, thỏa thuận với nhau trước khi làm bất cứ việc gì, nhất là những việc quan trọng. Ngoài ra, anh nên nói chuyện với vợ về tương lai của con, từ đó đưa ra kế hoạch chăm lo, nuôi dạy, tích lũy để tạo dựng tương lai cho con. Thiết nghĩ, một khi anh đã có thiện chí và định hướng như thế cho con, chắc chắn vợ anh sẽ đồng thuận thôi.

Chuyên gia tư vấn Nguyễn Long (nld.com.vn)

 

HỎI ĐÁP MỤC VỤ

Ngoài Giáo hội, có được ơn cứu độ không?

Hỏi: Xin cha cho biết nếu không gia nhập Giáo Hội Công Giáo thì có được cứu rỗi không?

Trả lời: Câu hỏi này gợi lại giáo lý của một số Giáo phụ xưa kia đã dạy rằng "ngoài Giáo Hội, không có ơn cứu độ". Nghĩa là, nếu không gia nhập Giáo Hội do Chúa Kitô đã thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ thì không được cứu rỗi đời đời. Lời dạy này bắt nguồn từ chân lý là chính Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội trên "Tảng Đá Phêrô" như phương tiện cưú rỗi cần thiết, căn cứ vào lời Chúa nói với Phêrô sau đây:  

"Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo gở điều gì, trên trời cũng sẽ tháo gở như vậy." (Mt 16: 18-19)       

Đây là Giáo Hội duy nhất Chúa Kitô đã thiết lập như phương tiện cần thiết để chuyên chở ơn cứu độ của Người trên trần thế này cho đến ngày mãn thời gian. Giáo Hội này được ví như Chiếc Tầu của ông Nô-e trong thời Hồng Thủy, khi loài người và mọi sinh vật trên trái đất đã bị hủy diệt trừ người và những sinh vật được đưa lên tầu này trước khi nước dâng lên cao và cuốn đi mọi sinh vật khác (x. St. 6-8). Giáo Hội này "tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo do Đấng kế vị Phêrô và các Giám Mục hiệp thông với ngài điều khiển." (x. Hiến Chế Hội Thánh, số 8))      
A. Áp dụng cho những người đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo      
Để gia nhập Giáo Hội Công Giáo và được coi là thành viên của Giáo Hội này đòi hỏi người ta phải chịu phép rửa và tuyên xưng niềm tin vào Chúa Cứu Thế Giêsu. Nhưng phải kiên trì sống niềm tin ấy cho đến hơi thở cuối cùng thì mới được ơn cứu độ. Thánh Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, đã nói rõ điều này như sau: "...Những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo, được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Giáo Hội này thì không thể được cứu rỗi." (Hiến Chế Hội Thánh, số 14) 

Nghĩa là, trước hết, phải gia nhập Giáo Hội qua phép rửa. Sau đó, phải sống và thực hành những cam kết khi lãnh nhận bí tích này. Đó là tin yêu một Thiên Chúa Ba Ngôi, tin công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô và cam kết từ bỏ ma quỉ với mọi cám dỗ của chúng.    

Tuy nhiên, xác tín trên không hoàn toàn loại bỏ những ai không gia nhập Giáo Hội không vì lỗi của họ.   
Thật vậy, chỉ những ai đã biết Giáo Hội là phượng tiện cứu rỗi cần thiết mà không chịụ gia nhập hay đã gia nhập mà laị không kiên trì sống đức tin trong Giáo Hội này thì mới không được cứu độ mà thôi.     

Không kiên trì sống có nghĩa là từ bỏ Giáo Hội nửa chừng để gia nhập một Giáo hội khác hay trở thành vô thần vì mất hết niềm tin ban đầu do những khủng hoảng gặp phải hay vì những lôi cuốn của chủ nghĩa vật chất hưởng thụ gây ra. Như thế, muốn được cứu độ, thì phải quyết tâm sống đức tin trong mọi hoàn cảnh và thực hành những giáo lý căn bản mà Giáo Hội thay mặt Chúa để giảng dạy không sai lầm trong hai phạm vi tín lý và luân lý. Nếu sống trong Giáo Hội mà không tuân thủ những giáo huấn căn bản của Giáo Hội, nhất là không thực thi đức tin, đức cậy và đức mến thì "tuy thể xác họ thuộc về Giáo Hội nhưng tâm hồn họ không ở trong Giáo Hội" và như thế, "sẽ không được cứu rỗi". (Hiến Chế Hội Thánh, số 14). 

B. Đối với những người hiện sống bên ngoài Giáo Hội Công Giáo      

Nhưng đối với những người không biết Chúa Kitô và Giáo Hội của Chúa không vì lỗi của họ thì lại là vấn đề khác. Về vấn đề này, giáo lý và tín lý của Giáo Hội dạy như sau:  

"Thực tế những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong đời sống theo sự hướng dẫn của lương tâm thì họ có thể được cứu rỗi." (x. Hiến Chế Hội Thánh, số 16; SGLGHCG, số 847). 
Nói rõ hơn, Chúa Giêsu mới xuống trần gian và hoàn tất công cuộc cứu chuộc loài người cách nay mới trên 2000 năm; trong khi con người đã có mặt trên quả đất này không biết là bao nhiêu ngàn năm rồi.          

Như thế, có biết bao triệu triệu con người đã sinh ra và chết đi trước khi Chúa Cứu Thế ra đời rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cũng như thiết lập Giáo Hội làm phương tiện chuyên chở ơn cứu độ này. Họ không biết Chúa Kitô và không gia nhập Giáo Hội của Chúa qua Phép Rửa thì hoàn toàn không phải lỗi của họ, vì không có ai rao giảng cho họ biết về việc này. Như vậy, Chúa không thể bất công bắt lỗi họ về việc không nhận biết Chúa và Giáo Hội của Người.

Tuy nhiên, vì Thiên Chúa "mong muốn cho mọi người được ơn cứu độ và nhận biết chân lý" (1Tim 2:4) và vì "Chúa Kitô-Giêsu là "Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người" nên Thiên Chúa vẫn có nhiều cách để cứu chuộc những ai không vì lỗi của họ mà không nhận biết Chúa Kitô và gia nhập Giáo Hội của Người như giáo lý của Giáo Hội dạy trên đây.. Điều này cũng áp dụng chung cho những người tin hay không tin Chúa Kitô hiện đang sống tản mát trong nhiều tôn giáo hay giáo phái bên ngoài Giáo Hội Công Giáo. Đối với những anh chị em này, Giáo Hội chưa từng lên án họ mà chỉ tha thiết cầu xin để mong sớm tiến đến hiệp nhất trong cùng một niềm tin, một phép rửa, và một Giáo Hội duy nhất do chính Chúa Kitô đã thiết lập trên "Tảng Đá Phêrô". 

Tóm lại, Giáo Hội chỉ quan ngại đặc biệt cho phần rỗi của những ai đã nhận biết Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội thật của Chúa Kitô mà không chịu gia nhập hay đã gia nhập mà không kiên trì sống đức tin trong Giáo Hội này mà thôi.    

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

 

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

TÌNH BẠN

Hai người bạn đi trên đường vắng vẻ. Đến một đoạn, họ có một cuộc tranh luận khá gay gắt và một người đã không kiềm chế được giơ tay tát vào mặt bạn mình. Người kia bị đau nhưng không hề nói một lời. Anh viết trên cát: "Hôm nay, người bạn thân nhất của tôi đã tát vào mặt tôi".

Họ tiếp tục đi, đến một con sông, họ dừng lại và tắm ở đấy.

Anh bạn kia không may bị vọp bẻ và suýt chết đuối, may mà được người bạn cứu. Khi hết hoảng sợ, anh viết lên đá: "Hôm nay, người bạn thân nhất đã cứu sống tôi".     

Anh bạn kia ngạc nhiên hỏi: "Tại sao khi tôi đánh anh, anh viết trên cát, còn bây giờ anh lại viết trên đá?"

Mỉm cười, anh trả lời: "Khi một người bạn làm chúng ta đau, chúng ta hãy viết điều gì đó trên cát, gió sẽ thổi bay chúng đi cùng với sự tha thứ... Và khi có điều gì đó to lớn xảy ra, chúng ta nên khắc nó lên đá như khắc sâu vào ký ức của trái tim, nơi không ngọn gió nào có thể xoá nhòa được..."    

Hãy học cách viết trên cát và trên đá.

(Sưu tầm)

 

Lời  Chúc  Xuân Của Đức Giám Mục  Giáo Phận Vĩnh Long

"Ăn Trái Nhớ Kẻ Trồng Cây"

Anh chị em thân mến, TẾT NGUYÊN ĐÁN mở đầu NĂM MỚI
Là thời điểm rất đặc biệt cho chúng ta hướng về Thiên Chúa,
Đấng làm cho cây mọc lên và sinh hoa  kết quả,
Ban cho ta phúc làm con của Ngài.

TẾT NGUYÊN ĐÁN nhắc ta nhớ ơn Ông Bà Cha Mẹ,
Sinh thành dưỡng dục ta.
Để thánh hoá những Ngày Đầu Năm

Anh chị em hãy sốt sắng tham dự Thánh Lễ

Tạ ơn Thiên Chúa và cầu Phúc Bình An
Để bảo vệ Truyền Thống Việt Nam,

Anh Chị Em hãy lo cho gia đình sum họp,

Con cháu chúc tuổi Ông Bà Cha Mẹ,

MỪNG XUÂN MỚI,
Xin Thiên Chúa khấng ban muôn ơn lành cho Anh Chị Em.

Mong rằng, nhờ ơn Chúa,

Anh Chị Em sẽ sống AN HOÀ THÁNH ĐỨC

Mỗi gia đình trở nên Nhà của Sự Thánh Thiện

Hội Thánh Tại Gia

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám Mục của Anh Chị Em

2506    24-04-2012 20:46:21