Sidebar

Thứ Bảy
11.05.2024

Lại Bàn Chuyện Ăn

Ăn uống rõ ràng là phần không thể tách rời của cuộc sống. Thói quen, nói đúng hơn, khuynh hướng lựa món ăn, chọn thức uống trong mỗi thời điểm là biểu tượng phản ánh gián tiếp mức độ hài hòa của nhịp sinh học trong cơ thể. Nếu không đúng như thế thì ông bà đã không dạy "ăn được, ngủ được là tiên". Nếu một mặt nhìn cách ăn uống biết được khỏe mạnh thế nào thì mặt khác cũng có thể dựa vào hình thức dinh dưỡng mà cải thiện sức khỏe. Khó là làm sao ăn mà nên thuốc, hay nếu không được như thế thì miếng ăn tối thiểu đừng thành thuốc... độc!

Ăn sáng, cần hay không?

Không ít người, đặc biệt là rất đông bạn trẻ đang có công ăn việc làm, hiện có thói quen bỏ qua bữa điểm tâm vì không thấy đói. Nghe qua tưởng đúng vì không đói làm sao ăn! Sai, vì đa số bỏ ăn không bởi no ngang mà thường do áp lực thời gian, chẳng hạn vì dậy trễ, quá cận giờ làm việc. Ai còn có thể ghi nhận nổi cảm giác đói khi phải rồ ga phóng xe bạt mạng đến sở làm! Nếu theo đúng nhịp sinh học của một cơ thể khỏe mạnh thì cảm giác đói cồn cào buổi sáng là dấu hiệu bình thường vì điều đó chứng tỏ quy trình biến dưỡng đã được tiến hành trọn vẹn trong giấc ngủ. Có như thế thì người thức dậy mới háo hức mỗi sáng, như muốn ôm trọn cuộc đời vào lòng. Chính vì thế mà bữa ăn sáng được đặt tên là "điểm tâm"! Trong mọi trường hợp, tình trạng không thấy đói buổi sáng sớm là triệu chứng cho thấy nhịp sinh học đã trục trặc ở khâu nào đó. Thỉnh thoảng thì không sao vì cuộc đời khó tránh cảnh nắng sớm, mưa chiều. Nhưng nếu dấu hiệu đó kéo dài thì không có giải pháp nào khéo hơn là sớm tìm đến thầy thuốc để truy cho ra nguyên nhân.

Nhịn đói buổi sáng đã sai, nhưng tệ hơn nữa là chỉ uống cà phê mà không ăn. Mới uống thì đúng là có tỉnh người. Nhưng hậu quả khó tránh là không đầy hai giờ sau đó lượng đường trong máu tụt xuống bất ngờ. Người chỉ có chút cà phê lót dạ dễ gì mà tỉnh táo để tập trung vào công việc ngay trong giờ cao điểm. Bữa điểm tâm với đủ thời giờ thưởng thức vì thế là nhân tố quyết định cho hiệu năng suốt ngày. Đã ăn thì nên chọn món có nước như phở, hủ tíu... Nói thế không để đánh bóng món ăn xứ mình, mà là "nói có sách, mách có chứng" theo nhận xét của chuyên gia ngành dinh dưỡng ở Pháp sau khi so sánh thói quen ăn sáng của nhiều chủng tộc. Món ăn có nước không chỉ giúp trung hòa lượng chất chua còn đọng trong bao tử, nhất là khi chủ nhân đêm qua thao thức vì lo lắng, mà còn tạo điều kiện sinh học để món ăn được tiêu hóa tối đa. Người chọn phở thay vì bánh mì nhờ đó vừa ít bị đau bao tử, vừa khỏe khoắn yêu đời trong suốt buổi sáng. Tất nhiên chỉ khi có được tô phở đúng điệu!

Ăn trưa, nhiều hay ít?

Vẫn còn nhiều người quan niệm không cần ăn trưa cho đầy đủ, vì đã ăn sáng cách đó mấy tiếng đồng hồ. Hơn nữa, ăn nhiều sợ sau đó nặng bụng buồn ngủ. Sai! Nếu theo đúng nhịp sinh học thì cơ thể rất cần bữa ăn trưa với đầy đủ dưỡng chất vì nhiều lý do:

- Cơ thể chắc chắn đã tiêu dùng hết sạch bữa điểm tâm nếu bạn thực sự làm việc trong vòng hai giờ đồng hồ. Như thế, không cần ăn trưa lúc 12 giờ nếu bạn vừa ăn sáng lúc 10 giờ 30, hay nếu bạn chỉ ngồi không tán gẫu suốt buổi sáng.

- Chức năng biến dưỡng của lá gan có cường độ hoạt động tối đa vào giữa trưa. Dạ dày vì thế cũng tiết nhiều chất chua trong khoảng đúng ngọ. Thiếu bữa ăn trưa chỉ có hại.

Do đó, nên có bữa ăn trưa cho đàng hoàng nhưng cần lưu ý:

- Thu xếp thời gian làm việc để có bữa ăn thoải mái, chậm rãi.

- Uống nhiều nước trước và trong bữa ăn.

- Có món tráng miệng với các loại trái cây chứa men tiêu hóa như đu đủ, thơm, dưa hấu... để chống tình trạng nặng bụng rồi nặng luôn mi mắt sau bữa ăn.

- Có giờ nghỉ, nói đúng hơn, giờ ngủ trưa, dù chỉ 15 phút sau bữa ăn, sau khi đã vận động ít phút. Nếu có từ bàn ăn về thẳng giường ngủ thì cũng nên đi... bộ!

Ăn chiều, sớm hay muộn?

Bữa ăn chiều đương nhiên tùy thuộc vào nhiều yếu tố, từ giờ tan sở cho đến thời gian nấu nướng. Không có lý do gì phải hấp tấp với bữa ăn chiều vì bữa ăn này nên cách bữa trưa không dưới sáu tiếng đồng hồ. Đừng lo nếu bụng quá đói khi lên bàn ăn. Ngược lại là khác, không nên vì tinh thần kỷ luật mà dọn bàn đúng giờ dù chưa đói. Lượng đường trong máu càng thấp thì bữa ăn chiều càng có ích. Bên cạnh đó, đừng tưởng cần nhiều thịt cá sau một ngày làm việc. Bữa cơm chiều, nếu trễ hơn 19 giờ, lại quá nhiều chất đạm, chất béo động vật, chính là một trong các lý do gây trì trệ chức năng biến dưỡng vì hoạt động của lá gan giảm thiểu từ thời điểm này cho đến sáng.

Một bữa ăn chiều với thành phần rau quả, mễ cốc chiếm tối thiểu 50% tổng lượng của khẩu phần không chỉ thuận lợi cho chức năng tiêu hóa nhờ có đủ chất xơ, mà còn tạo điều kiện tối ưu cho hoạt động của hệ miễn nhiễm khi gia chủ say giấc nồng.

Ăn nhiều bữa, nên hay không?

Một bữa ăn cung ứng được dưỡng chất và năng lượng theo đúng yêu cầu của cơ thể khi bữa ăn được chuyển hóa trọn vẹn. Nên ăn đúng ba bữa/ngày hoặc chia thành nhiều bữa nhỏ là tùy theo khả năng tiêu hóa và nhu cầu năng lượng của cơ thể. Với người có bệnh cần giảm áp lực trên đường tiêu hóa, như người bị viêm loét dạ dày, người bị viên gan mạn, hay với người cần được cung ứng năng lượng mỗi lần không nhiều nhưng đều đặn, như người làm việc thêm giờ, người trực đêm thì ngày ba bữa không đủ để chống bệnh. Trong mọi trường hợp, bữa ăn cuối trong ngày không nên trong khoảng hai giờ trước khi đi ngủ.

Ăn vặt, tốt hay xấu?

Cho dù bỏ ra ngoài ý nghĩa dinh dưỡng thì cuộc sống không thể gọi là đủ chất lượng nếu thiếu món ăn vặt. Vấn đề chỉ là ở số lượng và tần số. Như thế nào là tốt? Một câu hỏi khó trả lời dứt khoát vì còn tùy động cơ của người cứ mấy giờ thì lại thòm thèm! Ăn vặt tốt nếu cần tiếp hơi cho cơ thể, như ở người phải chống chọi với stress. Ăn vặt, ngược lại, là thói quen xấu, nếu không có nhu cầu dinh dưỡng để trục tiêu hóa, đặc biệt là tụy tạng với chức năng điều chỉnh lượng đường trong máu, qua đó càng thêm stress vì phải làm việc không nghỉ.

"Miếng ăn là miếng tồi tàn". Biết vậy nhưng không ăn không xong. Đã thế thì chỉ còn cách làm sao ăn cho đúng cách. Muốn thế chỉ cần áp dụng nguyên tắc trái ngược với ăn hối lộ. Quá ít thì tiếc. Cố nuốt cho nhiều khó tránh có ngày tức bụng. Ăn thì ai cũng ăn, nhưng ăn sao cho khỏe mới hay, ăn sao cho yên mới khéo!

858    11-01-2011 21:38:34