Sidebar

Chúa Nhật

12.05.2024

Một Mẫu Gương Truyền Giáo

Truyền giáo, một từ có vẻ đã quá quen thuộc đối với người tín hữu Công giáo nhưng lại là một sứ mạng mà không phải ai cũng có thể hiểu rõ và thực hiện trong đời sống đức tin của mình.

Có người nghĩ rằng truyền giáo là việc của ai đó, của ông cha, của bà phước, của mấy ông trùm, câu, biện...của những người "có ơn gọi" truyền giáo... còn tôi, tôi có biết bao công việc phải làm: học hành, kiếm tiền, lo tìm danh vọng, lo kinh tế gia đình...làm sao mà tôi có thể truyền giáo. Sống đức tin đã là một cố gắng lớn rồi thôi việc truyền giáo xin dành lại cho ai đi, những ai ăn không ngồi rồi ấy... tôi xin miễn việc này.

Người tín hữu nào thoái thác như vậy thì quả là có cái nhìn thiển cận và chưa hiểu hết sứ mạng mà mình lãnh nhận khi được làm con cái Chúa qua Bí tích Rửa tội. Qua Bí tích Rửa tội người tín hữu ngoài bổn phận giữ đạo và sống đạo còn có bổn phận là làm chứng và giới thiệu Chúa cho người khác, hay nói cách khác là có bổn phận phải truyền giáo. Nhưng truyền giáo bằng cách nào khi tôi bộn bề những công việc trần thế, bằng cách nào khi tôi không phải là những nhà chuyên môn, hay khi tôi không có dịp nói Chúa cho nhiều người.... Ở đây trong phạm vi hạn hẹp của bài viết xin được đưa ra một mẫu gương truyền giáo đơn giản như là một suy nghĩ cho động lực truyền giáo nơi mỗi người chúng ta.

Trong Tin Mừng theo thánh Gioan chương 4 (Ga 4, 1 - 42) có thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacop. Trong trình thuật này chị phụ nữ Samaria đã được Chúa Giêsu mời gọi trở thành người truyền giáo đích thực. Tiến trình của nhà truyền giáo (Chị phụ nữ Samaria) được thực hiện theo 4 bước này:

Thứ nhất Chị được mời gọi: Không biết vô tình hay hữu ý mà hôm nay Chúa Giêsu ghé lại ở Xứ Samaria đúng vào lúc người phụ nữ này đem vò ra giếng kín nước. Nhưng sự vô tình hay hữu ý đó trở thành ý nghĩa thật sự khi Chúa Giêsu mời gọi chị chia sẻ cùng Ngài trong sứ mạng khi Ngài xin chị "Chị cho tôi xin chút nước uống"(Ga 4, 7). Thiên Chúa mời gọi ai là do quyền của Thiên Chúa, Người không phân biệt người ấy là Do Thái hay dân ngoại, là công chính hay tội lỗi...Ngài kêu gọi những ai Ngài muốn.

Thứ hai Chị sống thân tình với Chúa: với những ngạc nhiên bở ngỡ ban đầu "Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?"(Ga 4, 9). Chị phụ nữ Samaria đã đi vào trong sự thân tình với Chúa, chị thắc mắc, chị tìm hiểu, chị khiêm tốn nhìn nhận sự yếu kém thuộc về chị, chị khao khát một đời sống tốt lành hơn (tuy còn mang nhiều tính vụ lợi nhưng qua đó Chúa đã nâng lên). Từ cảm nhận ban đầu "Ông là người Do Thái" rồi "Ông là một tiên tri"....và sau cùng Chúa Giêsu tự giới thiệu với chị Chúa chính là Đấng Mêsia mà chị đang tìm kiếm. Với sự liên hệ với Chúa niềm tin của chị phụ nữ này ngày càng được Chúa nâng lên mạnh mẽ.

Thứ Ba Chị nói về Chúa cho người khác: "Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao? " (Ga 4, 29). Có lẽ lời của Chị nói về Chúa còn đầy nhứng khiếm khuyết nhưng lại là một lời đầy xác tín cho chính cuộc sống của chị. Chị không nói nhiều nhưng chị nói về kinh nghiệm của chính bản thân chị. Trong cách sống, trong niềm vui tươi, trong cách diễn tả...người ta nhận ra có một sự đổi mới thật sự trong con người của chị mà người đem đến có lẽ chính là người mà chị đang nói đến "Đấng Kitô".

Thứ Bốn Chị ẩn mặt đi để người ta đến với Chúa: "Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian." (Ga 4, 42). Có thể nói những người ở tại thành Samaria này vô ơn, khi nhận ra Chúa, khi tin vào Chúa mà lại quên ơn đối với người phụ nữ Samaria đã rao giảng cho họ. Nhưng đây mới chính là nhà truyền giáo thực sự. Hay nói theo thánh Gioan Tiền Hô "Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại". Truyền giáo là giới thiệu Chúa cho người khác đó chính là mục đích cao cả của nhà truyền giáo. Chính Chúa mới là trung tâm của mọi sự kết hợp.

Có lẽ hành trình trở thành nhà truyền giáo của chị phụ nữ tại Samria cũng là hình trình của mỗi người chúng ta. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta để chúng ta được trở nên môn đệ của Người qua Bí tích Rửa tội, Người không cần biết ta như thế nào mà chỉ mong muốn ta cộng tác, Cộng tác bằng việc sống thân tình với Chúa trong niềm tin, trong việc giữ đạo và sống đạo, Người mời gọi chúng ta truyền giáo bằng đời sống của chúng ta, có thể là nói, có thể là sống, có thể là chứng nhân của lòng bác ái yêu thương... qua cuộc sống của chúng ta anh chị em chung quanh nhận thấy hình ảnh của một Thiên Chúa đầy yêu thương. Đó chẳng phải là cách ta đang truyền giáo sao.

Và cuối cùng nhà truyền giáo cũng phải biết giống người phụ nữ Samaria "phải nhỏ lại để cho anh chị em mình đến với Chúa".

Xin Chúa cho chúng con luôn nhớ mệnh lệnh truyền giáo Chúa truyền và thực tâm sống mệnh lệnh ấy trong cuộc sống chúng con.

3205    02-11-2011 15:05:21