Sidebar

Thứ Năm
16.05.2024

Thờ Trời

Đáng lý ra nhận biết có Trời, thì phải thờ Trời.
Mặc dầu, đa số nhân loại nhận có Trời, nhưng thờ Trời thì xem ra chỉ có số ít.

Ngay đất nước chúng ta, nhà có Bàn Thiên rất ít. Nho giáo tin có Trời, Đấng duy nhất lớn, nhưng chỉ có vua chúa mới thờ Trời. Lão giáo thì nghĩ Trời là Đạo. Phải hiểu Đạo hay Trời như thế nào? Tất cả phải quy hướng về Đạo.

Trong chính trị thì phải theo đường lối của Đạo mới đạt kết quả tốt. (vô vi nhi vô bất vi). Phật giáo mong tìm đạt được Hữu thường, có thể nói là tìm Ông Trời và mong cho con người vô thường đạt đến tình trạng hữu thường (thường còn). Đạo chúng ta, nhờ Chúa mạc khải mới xác tín có trời, nhờ đó chúng ta mới nhận định phải thờ trời và thờ như thế nào cho đúng cho tốt.

Trước tiên chúng ta hãy nhận định: thờ nghĩa là gì? Theo nhà đạo của chúng ta thì thờ có nghĩa là nhìn nhận Trời (Thiên Chúa) là Đấng Tối Cao, Tuyệt đối, không có ai, không có vị nào, đấng nào lớn lao, quý trọng, quyền phép như Thiên Chúa là Ông Trời.

Á Đông chúng ta, chịu ảnh hưởng của Nho giáo, mặc dầu tin Ông Trời là trên hết nhưng đến việc tôn thờ, thì trời cao cả quá, thường dân không khả năng tôn thờ, chỉ có vua, chúa mới thờ Trời. Còn mọi người thờ vua, con cái thờ cha mẹ.

Tiếng thờ dùng cho vua quan, cha mẹ, hay một bậc hiền triết (Khổng Tử chẳng hạn), một nhân vật có công trình đặc biệt với quốc gia, với dân tộc. Chúng ta vẫn dùng tiếng thờ: tiếng thờ này có nghĩa là cung kính đặc biệt.

Chỉ có những người theo Thiên Chúa giáo, Công Giáo, Hồi giáo là thờ trời rõ rệt...Còn thờ vua, thờ thầy, thờ cha mẹ, thờ nhân vật siêu việt có thể nói đó là tôn kính đặc biệt quyền hành, tài lực của Ông Trời biểu lộ qua con người, kể được là thay thế cho Ông Trời. Thờ chính đáng thì đòi phải:

Nhìn nhận Chúa là Đấng cao cả hơn hết, Đấng tạo dựng muôn loài. Việt Nam chúng ta thường nói. Trời sinh, Trời dưỡng; sống thác nhờ Trời. Do đó, con người hoàn toàn tuỳ thuộc Thiên Chúa (ông Trời).

Nhờ Trời trong tất cả mọi sự, sống thác nhờ Trời, Tin Trời (Trời sinh, trời dưỡng; Trời thương, Trời phạt).

Đạo chúng ta dạy như thế, nhờ đó mà chúng ta ít nhiều biết lề lối tôn thờ cho đúng đắn hơn. Nhưng thực ra chúng ta thờ như thế nào?

Thờ theo truyền thống: ông cha thờ thì con cháu thờ.
Thờ theo lệ thói: thiên hạ giữ, mình cũng giữ, không ý thức chi cả.

Không thờ, không giữ, sợ Trời phạt. Thờ Trời để nhờ Trời ban cho mùa màng, cho khoẻ mạnh, sống sung mãn. Nếu Chúa không ban cho như ý, thì không thờ Chúa nữa, bỏ đọc kinh, xem lễ.v.v... Vì danh, lợi, có thể bỏ Chúa.
Nota: Có người lại thờ tà ma, nghịch mạng với Chúa nữa!

Chúng ta tin, hiểu là tin có Chúa; nhưng thờ Chúa thì thế nào? Có quả quyết được là chúng ta thờ Chúa cách chính đáng, trung tín, nhiệt thành không?

Người Công giáo thờ Chúa thế nào? Tin có ông Trời thì dĩ nhiên phải thờ Trời. Theo lương tâm, lý trí tự nhiên thì con người tìm cách thờ Trời: Bàn Thiên, Cúng Trời, Xin ơn Trời... Nhưng nếu muốn thờ Trời, đúng ý Trời, thì phải nhờ Trời mạc khải (chỉ dạy). Xưa có dân Do Thái được Chúa mạc khải đã biết thờ Trời như ý Trời. Hiện thời có đạo Thiên Chúa, Đạo Công Giáo, nhờ Chúa Kitô hoàn hảo hóa đạo Do thái dạy người ta nhận biết phải thờ Trời thế nào cho đúng, cho tốt. Dầu vậy, vẫn thấy có bao nhiêu đạo thờ Trời, ngay trong Công giáo vẫn có nhiều phe nhóm. Vì vậy, trong số người tin đạo, giữ đạo, chưa chắc đã thờ Chúa một cách chính đáng.

Thờ nghĩa là gì? Tiếng Việt chúng ta, động từ "thờ" không có nghĩa rõ rệt. Nghĩa đúng hơn cả : Thờ là nhìn nhận, tôn xưng một Đấng Tuyệt Đối, cao trọng hơn mọi loài, mọi ngôi vị. Không ngôi vị, Thần, Phật nào lớn hơn, cao trọng hơn, quyền phép hơn. Đó là thờ đúng nghĩa.

Nho giáo nhìn nhận Thiên hay Trời là Đấng duy nhất lớn. (chữ Thiên gồm có chữ nhất và chữ đại hợp thành). Còn người Việt Nam dùng tiếng thờ để chỉ lòng tôn kính đặc biệt: thờ thần, thờ vua, thờ cha mẹ, thờ vật linh như cây cối, thú lạ, bình vôi, ông táo. Cách thờ như thế làm giảm phần tôn kính lại làm cho người ta kiêng sợ.

Người tín hữu chúng ta thờ Chúa, chắc rồi, nhưng thờ có đúng không? Chúng ta giữ đạo, thờ Chúa, vì ông bà, cha mẹ thờ; ngay khi còn thơ ấu đã được ghi vào tâm ý cách phượng thờ như thế.

Chưa có đạo, khi lớn lên, thấy đạo vui, đẹp, nhiều người theo, giữ nên mình cũng theo vui.
Thờ không có ý thức! Thờ Chúa để được Chúa ban ơn phước, giúp cho khỏi hoạ, thưởng cho làm ăn khá, được Chúa phù hộ khỏi tai ương hoạn nạn....

Đôi khi lại nghĩ không thờ Chúa thì sợ bị phạt...

Thờ Chúa cách đúng đắn là: Không những nhìn nhận mà còn xác tín Chúa là Chủ Tể, là Đấng Tạo dựng. Vì vậy, chúng ta phải phụ thuộc Chúa hoàn toàn.

Phải nhận thấy mình phải tùy thuộc hoàn toàn.
Chúa sinh, Chúa dưỡng, sống thác, nhờ Chúa; do đó phải luôn nương tựa vào Chúa (tin thì đòi phải tưởng).

Tin tưởng còn đòi phải thương yêu. Bởi vì nếu thờ mà không yêu thương thì là tâm ý nô lệ, vì sợ hãi mà thờ, chưa đúng. Mỗi người cố gắng chấn chỉnh để thờ Chúa cho phải đạo.

4916    12-02-2011 10:16:14