Sidebar

Thứ Tư
08.05.2024

Vai Trò Nhà Giáo - Tháng 06 năm 2008

CHỦ ĐỀ: VAI TRÒ NHÀ GIÁO

TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 Đường 3 tháng 2
P.1 Thị Xã Vĩnh Long - VIỆT NAM
Tel : (070) 824016
Email : tgmvinhlong@gmail.com

Vĩnh Long, ngày 18.05.2008

 Kính gởi :Các Linh mục,
Các Tu sĩ
Toàn thể Giáo dân trong Giáo phận Vĩnh Long,


Anh Chị Em thân mến,
Trước những bức xúc của Anh Chị Em, của các Nữ Tu Dòng Thánh Phaolô về cơ sở Đại Chủng Viện Vĩnh Long, đường Nguyễn Huệ và Tu Viện Dòng Thánh Phaolô, đường Tô Thị Huỳnh (tên cũ là Nguyễn Trường Tộ), tôi muốn ngỏ lời với Anh Chị Em.

Ngày 7.9.1977 nói được là ngày ‘đại nạn’ của Giáo Phận Vĩnh Long: Nhà Cầm Quyền Tỉnh lúc đó đã sử dụng công lực phong tỏa, khám xét Thánh Giá Học Viện, đường Phạm Thái Bường (tên cũ là Khưu Văn Ba), Dòng Thánh Phaolô và Đại Chủng Viện ; sau đó quản lý toàn bộ cơ sở và tài sản, bắt giữ điều tra những người phụ trách trong số đó có Linh mục Nguyễn Văn Tân (nay là Giám mục Giáo phận Vĩnh Long).

Đại Diện Tỉnh Dòng Thánh Phaolô cũng như Tòa Giám Mục đã nhiều lần đệ đơn lên Chính Quyền từ địa phương đến Trung Ương, tới nay vẫn chưa có một giải đáp thỏa đáng. Nay được biết Chính Quyền Tỉnh Vĩnh Long đã có quyết định tiến hành việc xây dựng Khách Sạn trên phần đất 10.235 m2 của Dòng Thánh Phaolô, bất chấp những ý kiến của các Linh Mục tại Mặt Trận Tổ Quốc Vĩnh Long , và đã họp dân phố trong Thị xã, thông báo sẽ có những biện pháp ngăn cấm những ai cản trở công trình nói trên.

Đây là nỗi thống khổ của các Nữ Tu Dòng Thánh Phaolô – Dòng đã có mặt tại Vĩnh Long từ năm 1871 và còn đang phục vụ tại nhiều Họ Đạo trong ba Tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long – và cũng là nỗi thống khổ của cả Giáo Phận. Chúng ta không thể tán thành cách giải quyết có tính cách áp đặt của những người có quyền lực trong tay, cũng không được im lặng, vì im lặng trong lúc nầy là đồng lõa, là thỏa hiệp với bất công. Tin chắc rằng Anh Chị Em sẽ hợp nhất với nhau, cương quyết tôn trọng lẽ phải, và trong tinh thần liên đới với nhau, xin Anh Chị Em cầu nguyện cho Giáo Phận, cho Dòng Thánh Phaolô mau vượt qua những khó khăn. Mỗi ngày, xin cùng nhau dâng 3 Kinh Kính Mừng và Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô.

Thân ái trong Chúa Kitô, 

Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám mục Vĩnh Long

Tháng 06/2008
CHỦ ĐỀ: VAI TRÒ GIÁO DỤC CỦA CÁC NHÀ GIÁO

I. THƯ MỤC VỤ SỐ 26

Trách nhiệm giáo dục đức tin thuộc về mọi Kitô hữu. Tuy vậy, trong thực tế, các “nhà giáo” mới thực sự là những người được trao phó trách nhiệm giáo dục chuyên nghiệp. Đức Gioan Phaolô II trong Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân đã thiết tha kêu gọi các giáo viên đang giảng dạy tại các trường Công giáo hay không Công giáo tích cực làm nhân chứng cho Tin Mừng (x. TH/KTHGD 6). Như thế ngoài cuộc sống mẫu mực của một nhà giáo, họ còn là đại sứ của Đức Kitô nơi học đường bằng chính đời sống và lương tâm Kitô hữu. Mọi người sẽ nhìn thấy họ mà gặp được Thiên Chúa.

II. DẪN GIẢI

Chúng ta phải nhận định gia đình là trường học tự nhiên và căn bản.

Mỗi người đều có nhiệm vụ dạy dỗ, hướng dẫn. Ngay những trẻ nhỏ cũng có thể giúp cha mẹ nên tốt hơn, nhờ lời nói, cách sống của chúng giúp cha mẹ thay đổi cách tâm tính của mình.

Không những chỉ dạy bằng giáo án, bằng những chỉ dẫn, nhưng là bằng tất cả: lời nói, việc làm, ngay cả những biến cố, những đức hạnh.

Giá dục tốt liên hệ đến điểm tôn thờ Chúa và lợi ích cho xã hội.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

ĐEM CHÚA VÀO ĐỜI

Sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ, con gái của một vị giảng thuyết nổi tiếng được mời trả lời phỏng vấn trên truyền hình và người hướng dẫn chương trình đã hỏi cô như sau:
- Tại sao Thiên Chúa lại có thể để xảy ra một thảm hoạ khủng khiếp như vậy?

Câu trả lời của thiếu nữ nầy thật là thâm thuý:

- “Tôi nghĩ là Thiên Chúa rất buồn về điều đó, ít nhất Ngài cũng buồn bằng chúng ta. Nhưng từ bao năm nay, chúng ta đã yêu cầu Ngài đi ra khỏi trường học, khỏi chính phủ và khỏi đời sống của chúng ta. Ngài là “Người quân tử” nên đã lẳng lặng rút lui. Làm sao chúng ta có thể mong Chúa ban ơn lành và che chở chúng ta, khi chúng ta đã khẩn thiết xin Ngài hãy để mặc chúng ta một mình?

- Về những biến cố mới xãy ra như: tấn công khủng bố, bắn giết trong trường học, chiến tranh, v.v… Tôi nghĩ rằng mọi sự đã bắt đầu với Madeleine O’Hare, khi bà ấy than phiền là không muốn cho đọc kinh trong trường học nữa.
Và chúng ta đã đồng ý!

-
Rồi một người khác có ý kiến là chúng ta không nên đọc Kinh Thánh nơi trường học, nhưng cũng chính Quyển Kinh Thánh đó dạy chúng ta: “Chớ giết người, chớ trộm cắp, hãy yêu chính bản thân mình, v.v…Và chúng ta cũng đã đồng ý!

-
Sau đó, bác sĩ Benjamin Spock lại nói là chúng ta không được đánh con mình khi chúng làm điều xấu, vì chúng ta có thể làm sai lệch nhân cách bé nhỏ của chúng và làm cho chúng không biết tự quý trọng bản thân mình nữa. Con trai của chính vị bác sĩ ấy, khốn thay đã tự tử! Họ nói rằng một chuyên viên phải biết mình nói gì, còn ông ấy nói với chúng ta điều gì, thì cũng chẳng quan trọng, vì chúng ta cũng đã đồng ý luôn!

-
Bây giờ chúng ta lại tự hỏi là tại sao chúng ta không có lương tâm, tại sao chúng ta không phân biệt được thiện ác, và tại sao chúng ta có thể nhẫn tâm giết chết một người lạ, một người thân hay chính mình?

-
Có thể sau khi suy nghĩ chín chắn, chúng ta đi đến kết kuận là điều nầy có liên quan đến nguyên tắc: “Chúng ta gieo nhân nào thì sẽ gặt quả nấy”!

- Thật kỳ lạ là con người có thể vất bỏ Chúa một cách dễ dàng rồi sau đó lại tự hỏi tại sao thế giới biến thành địa ngục.

- Thật kỳ lạ là chúng ta có thể tin những gì báo chí nói mà lại nghi ngờ những gì Kinh Thánh nói.


- Thật kỳ lạ là chúng ta có thể cho nhau những chuyện vui cười qua email và chúng được chuyền đi như lửa rơm; nhưng khi gửi những thông điệp về Chúa, thì chúng ta lại đắn đo suy nghĩ trước khi gửi đi tiếp.


- Thật kỳ lạ là khi chúng ta lại lo sợ người đời nghĩ sao về chúng ta, hơn là những gì Thiên Chúa nghĩ về chúng ta. (Theo internet)

Làm sao chúng ta có thể giải quyết mọi vấn nạn của đời người, nếu không có Chúa trong cuộc đời chúng ta? Cần tìm kiếm, học hỏi, tin tưởng để gặp được Chúa.

IV. DIỄN GIẢI

Theo Thư Mục Vụ, “trách nhiệm giáo dục đức tin thuộc về mọi Kitô hữu. Tuy vậy, trong thực tế, các “nhà giáo” mới thực sự là những người được trao phó trách nhiệm giáo dục chuyên nghiệp.” (TMV số 26)

Khi nói trách nhiệm giáo dục chuyên nghiệp, Thư Mục Vụ muốn nhắm đến những người mang sứ mạng cao cả hướng dẫn, đào luyện người khác, mà trong hoàn cảnh hiện nay, khi thiếu vắng các trường Công giáo, chúng ta có thể hiểu đó là các giáo sĩ, tu sĩ, các giáo lý viên và dĩ nhiên, các thầy cô Công giáo, đang thực hiện chức năng cao quýcủa mình là trồng người.

Nhằm huấn luyện con người trở thành những “công dân liêm chính và Kitô hữu thánh thiện” (Thánh Don Boscô), các nhà giáo cần ưu tiên giúp mọi người phát triển một cuộc sống công bằng và bác ái.

Công bằng ở đây hiểu theo hai nghĩa: một đàng, sự công chính mà chúng ta có được “do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” (Phil. 3,9), không do công trạng của chúng ta nhưng do lòng thương xót của Chúa, đó là công bằng thương xót; đàng khác, đó chính là công bình xã hội mà nếu không có nó, lợi ích chung và quyền lợi của mỗi người không thể có được.

Muốn có công bằng thì nhất thiết phải có sự thật. Không có sự thật thì không thể có công bằng cũng chẳng có bác ái được.

Nền tảng công bằng của con người phát xuất từ Thiên Chúa là Đấng Công Chính. Tuy nhiên, công bằng của Thiên Chúa là công bằng thương xót - như đã nói ở trên – do đó, nói đến giáo dục về công bằng có nghĩa là giúp con người phát triển toàn diện, là mở rộng tầm nhìn và con tim để không khép lại nơi chính mình, sống ích kỷ, nhưng mở lòng ra, hướng về Thiên Chúa và về anh em mình. Có được như vậy, giáo dục về sự công bằng mới giúp chúng ta trở nên những con người mới, sống gắn bó mật thiết với Chúa và tương thân tương ái với anh em, nhất là những người nghèo khó.

Tựu trung giáo dục về công bằng cũng là giáo dục về yêu thương. Giáo dục Kitô giáo cơ bản là dạy con người biết yêu thương. Yêu thương theo Thánh Phaolô: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả “ (1Cor 13,4-7)

Muốn được như vậy, các nhà giáo phải nêu gương sáng yêu thương. Lời nói, cử chỉ, cách sống của “người thầy” phải biểu lộ đậm nét dấu ấn yêu thương. Yêu như Chúa yêu. Một tình yêu hiến thân, vô vị lợi và đến cùng. Một tình yêu như thế giúp chúng ta cảm nhận những giới hạn của mình, những khiếm khuyết của mình và có cái nhìn bao dung, quảng đại hơn đối với người khác. (Trong tiếng Latinh, magister (thầy) có nghĩa là magis quam alter: hơn người khác). Không chỉ hơn về tuổi tác, về kiến thức, về khả năng, mà người làm thầy còn phải hơn về nhân cách, về đức hạnh, về chiều sâu tâm linh, để có khả năng vươn tới những tầm cao của kiến thức, yêu thương và tôn giáo: khả năng nhận biết Thiên Chúa.

Lối sống đạo đức, gương mẫu của người thầy sẽ khắc đậm dấu ấn vào tâm trí của người trẻ, trở nên điểm tựa cho họ trong cuộc đời, nhất là khi họ gặp phải những phong ba bão tố trong cuộc sống sau nầy.

Giáo dục con người toàn vẹn nhắm đến ba yếu tố: lý trí, con tim và tôn giáo. Giáo dục lý trí giúp trẻ phát triển kiến thức về con người, vạn vật, vũ trụ…nhất là hiểu biết những lý lẽ để củng cố niềm tin. Giáo dục con tim giúp khơi dậy khả năng yêu thương và biết cách đón nhận tình yêu của người khác. Giáo dục tôn giáo giúp con người đi đến cùng sự biết của mình để gặp được Thiên Chúa và thông dự vào tình thương và vinh quang của Người.

Giáo dục Kitô giáo hướng con người đến một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa của mình. Vì thế, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết: "Khởi đầu cho cuộc sống Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một tư tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố với một Con Ngườl là Đức Giêsu Kitô, Đấng đem lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và từ đó có một định hướng dứt khoát.” (Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, 1). Nhờ gặp gỡ Thiên Chúa, mỗi người sẽ tự mình đáp trả lời mời gọi của Chúa, để quyết tâm theo Chúa, sống với Chúa, vì Chúa và cho Chúa.

Giáo dục là công việc khó khăn, thường phải bắt đầu lại để đạt mục tiêu. Việc giáo dục không phải là dội những kiến thức từ trên xuống, theo một khuôn mẫu, chung cho mọi người…nhưng là hiểu tâm tính từng trẻ và giúp chúng phát triển những khả năng tiềm tàng của mình, sao cho chúng có thể phát triển nhân cách của mình một cách thích đáng. Giáo dục không phải là giúp trẻ em mãi mãi là trẻ em, hay chỉ là những đứa trẻ lớn xác, nhưng là những con người trưởng thành, sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Giáo dục vừa đào tạo người khác, nhưng qua đó, cũng đào tạo chính mình: “Mỗi người chúng ta vừa là đích điểm, vừa là khởi điểm của việc huấn luyện: chúng ta càng tự rèn luyện mình, càng có khả năng huấn luyện người khác” (TH/KTHGD 7). (Theo Mgr Francesco Follo, L'éducation, un chemin vers l'amour,10.11.2006)

Mỗi người chúng ta đều có quyền hy vọng vào một tương lai tươi sáng cho Giáo Hội Việt Nam, nếu chúng ta biết ưu tiên quan tâm đến việc giáo dục đức tin cho con em chúng ta.

KIỂM ĐIỂM

Có bao giờ tôi nghĩ tôi có nhiệm vụ giáo dục trong gia đình?

Tôi có nghĩ các tác động của tôi đang gây ảnh hưởng hoặc ít nhiều đến lối sống của các gia đình?

Tôi có nghĩ gia đình xấu thì khó giữ đạo tốt và cũng không giúp cho xã hội nên tốt?

Tôi có cố gắng loại bỏ tính ích kỷ hầu giúp cuộc sống tốt đẹp hơn, đem lợi ích cho mình và cho người?

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Mọi Kitô-hữu đều có bổn phận đối với sứ mạng giáo dục Kitô-giáo. Tuy nhiên, có một số người, được gọi là các nhà giáo, đảm trách sứ mạng này cách chuyên biệt hơn. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

  1. Chúa phán: “Thầy sai các con, như chiên non ở giữa sói rừng”. Chúng ta cầu nguyện cho giới nhà giáo, tận tâm chu toàn sứ mạng giáo dục, nhất là về phương diện siêu nhiên, về các giá trị tâm linh và phẩm giá con người.
  2. Chúa phán: “Các con đã lãnh nhận cách nhưng không, thì cũng hãy cho cách nhưng không”. Chúng ta cầu nguyện cho giới nhà giáo có được sự ổn định về lương bỗng, hầu chuyên tâm hơn cho sứ mạng giáo dục.
  3. Chúa phán: “Các con hãy làm cho muôn dân nên môn đệ Thầy”. Chúng ta cầu nguyện cho các nhà giáo của Hội Thánh, biết dùng hết thời gian và năng lực mình, vào công tác giáo dục Kitô-giáo.
  4. Chúa phán: “Các con hãy đến và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng”. Chúng ta cầu nguyện cho các nhà giáo, thường xuyên gặp gỡ Chúa Giêsu, kết hợp với Chúa, để múc lấy nguồn lực giáo dục đức tin.

Kết thúc : Lạy Chúa, Chúa ban Con Chúa và Thánh Thần Chúa để cải hoá trần gian. Xin Chúa ban nghị lực, tài năng cho giới nhà giáo, giúp những người này nhiệt tâm phụng sự Danh Thánh Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

CHỨNG NHÂN CHÚA KITÔ

Thơ chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2007 được mang tên là: Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo hội ngày mai. Qua chủ đề được đặt cho thơ chung ta thấy được rằng các Đức giám mục muốn nhấn mạnh đến việc lưu tâm về vấn đề giáo dục trong năm mục vụ này.

Khi nói đến giáo dục ta sẽ nghĩ ngay đến hai đối tượng trong việc giáo dục đó là: Ai giáo dục và giáo dục ai? Khi đặt ra câu hỏi này ta liên tưởng ngay đến các nhà giáo những người được nhìn nhận một cách minh nhiên là những người đứng mũi chịu sào trong công tác đào tạo thế hệ tương lai. Vậy vai trò của họ trong công tác giáo dục là gì và họ phải đào tạo gì cho thế hệ tương lại?

Từ xưa đến nay, trong xã hội Việt Nam, nghề giáo được coi là nghề cao quý và được tuyên dương vì nghề giáo là nghề đặc biệt tạo ra những “sản phẩm” là con người, những con người có được cái nhìn trong sáng và có khả năng nhận biết chân lý để thực sự trở nên những người hữu ích cho xã hội và Giáo hội. Vì thế các nhà giáo không được phép tạo ra những “phế phẩm” con người, những con người “đui chột” về khả năng nhận biết chân lý. Như thế vai trò của các nhà giáo thực sự quan trọng vì xã hội và Giáo hội có phát triển, có tiến xa hơn là nhờ vào sự hỗ trợ nhiệt thành của các nhà giáo trong công tác giáo dục. Vậy các nhà giáo phải giáo dục điều gì cho thế hệ tương lai?

Số 26 trong thơ chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có viết như sau: “Đức Gioan Phaolô II trong Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân đã thiết tha kêu gọi các giáo viên đang giảng dạy tại các trường Công giáo hay không Công giáo tích cực làm nhân chứng cho Tin Mừng (x.TH/KTHGD 6). Như thế, ngoài cuộc sống mẫu mực của một nhà giáo, họ còn là đại sứ của Đức Kitô nơi học đường bằng chính đời sống và lương tâm Kitô hữu. Mọi người sẽ nhìn thấy họ mà gặp được Thiên Chúa”. Sứ mạng mà các nhà giáo được lãnh trọng trách là làm chứng cho Tin mừng. Vậy họ sẽ thực hiện như thế nào trong cuộc sống của họ?

Trước hết họ phải là những người dạy cho thế hệ tương lai nhận thức đúng đắn về chân lý. Chân lý viên mãn là Chúa Kitô, Ngài là sự thật, là chân lý. Những người được thụ giáo có quyền đòi hỏi cho mình có một nền giáo dục chân chính, dạy lẽ phải, dạy sự thiện… không thể vì một lý do chính trị, tôn giáo hay ảnh hưởng tư tưởng nào làm méo mó đi đường hướng cốt yếu của giáo dục là dạy cho người ta biết chân lý.

Sau nữa các nhà giáo dục còn có trách nhiệm dạy cho thế hệ tương lai có một đức tin mạnh mẽ. Trọng trách này được đặt lên vai các nhà giáo là Kitô hữu. Với việc không thể đem giáo lý vào dạy trong các nhà trường thì mỗi thầy cô giáo được mời gọi trở nên những thầy dạy đức tin trong cuộc sống bằng một đời sống tin tưởng, phó thác, yêu thương... và được mời gọi trở nên là hình ảnh sống động của một Thiên Chúa yêu thương nhân hậu.

Giáo dục cho thế hệ tương lai được đặt lên vai các nhà giáo không phải là một công việc dễ dàng vì những yếu tố xã hội, môi trường sống mà nhất là sự giao lưu văn hóa đang ảnh hưởng mạnh mẽ trong cộng đồng những người trẻ. Vì thế, các nhà giáo luôn được mời gọi nhận thức vai trò quan trọng của mình cho xã hội và Giáo hội để truyền lại cho thế hệ tương lai một chân lý vững chắc, một chân lý bắt nguồn từ Chúa Kitô là sự thật, là tình yêu của Chúa Cha cho nhân loại và một đức tin mạnh mẽ đồng hợp với sự phát triển của xã hội.

Muốn được như thế mỗi nhà giáo được mời gọi can đảm trở nên những chứng nhân, những sứ giả của Chúa Kitô trong môi trường sống của mình.

VII. HỌC KINH THÁNH

Bài 30: THÁNH VỊNH

1/ Thánh Vịnh là gì?

Thánh vịnh là những ca khúc đạo đức do những người Do thái sáng tác một số và có lẽ một số cũng do Đavit sáng tác. Nhờ sự linh ứng của Chúa Thánh Thần, Thánh vịnh có giá trị hơn mọi ca khúc khác vì được xem đó là Lời của Chúa. Chúng ta nên biết điều nầy: Chúa Giêsu cũng dùng những Thánh vịnh khi còn ở Nagiaret. Trong cuộc sống công khai, Chúa Giêsu cũng dùng Thánh vịnh với các Tông đồ nhu sau bữa Tiệc ly. (Mt 26, 30; Mc 14, 26).

2/ Có bao nhiêu Thánh vịnh?

Có tất cả 150 TV được chia ra như sau:
a. Thánh vịnh tán tụng
b. Thánh vịnh van xin, tín nhiệm, tạ ơn.(cá nhân và cộng đồng).
c. Thánh vịnh Vương đế.
d. Thánh vịnh Giáo huấn.
e. Thánh vịnh Vương quyền Giavê.
f. Thánh vịnh Sion.

Lời Chúa : “Chúa là Mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi Người cho tôi nằm nghỉ, Người đưa tôi tới dòng nước trong lành”. (Tv 23, 1-2).

Cầu nguyện:
“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con,
xin Ngài thanh tẩy.”
(TV 50, 3-4)

VIII. GIÁO DỤC KITÔ GIÁO

Tình Yêu

Tình yêu là ân huệ của Thiên Chúa ban cho con người, để con người có khả năng đón nhận và đáp trả lại tình yêu của Chúa và tiến đến kết hợp với Chúa.

Cao siêu thì thật cao siêu, nhưng cách chung không mấy ai nghĩ tình yêu là gì?

Thánh Tôma Tiến sĩ Hội Thánh nói: Yêu là muốn sự lành cho người mình yêu. Saint-Exupéry lại nói: Yêu nhau là cùng nhau nhìn về một hướng. Cùng nhìn về điểm xấu thì không còn là thương yêu mà là kết đảng, kết bè.

Chúng ta có thể quan sát một cậu thanh niên nhìn một cô gái đẹp. Chỉ qua cái nhìn, cũng có thể mê chết đi được. Tại sao thế? Có thể nói là thiên sử nhiên (trời khiến vậy!) Nam nữ thu hút lẫn nhau. Cho được thu hút nhau, thì đó là do trời dựng nên: gái đẹp, trai hùng; gái tế nhị, trai bao quát. Chỉ một mình thì không hoàn hảo. Cần bổ túc cho nhau. Cần nhau! Do đó, muốn sống gần nhau, hiệp nhất với nhau trong cuộc sống.

Đúng ra sống tình yêu chính là sống hôn nhân. Chúa cho tình yêu, xếp đặt, chứng kiến để có tình yêu. Sống tình yêu không phải chỉ để con người hưởng khoái lạc, nhưng chính là:

Giao sứ mạng
Chỉ dạy lối sống
Và đề ra con đường tiến đến kết hợp với nhau.
Sứ mạng sinh và dạy con cái.

Dân Chúa biết rõ Chúa, nhưng vẫn nói Thiên Địa Chi Đại Đức Viết Sinh (Đức lớn của Trời đất là sinh ra). Có trời đất, mà trời đất không sinh thì chỉ trống rỗng, có sinh mới có vạn vật, mới thấy được quyền lực của trời đất.

Sứ mạng của tình yêu hôn nhân là phần nào thay thế Thiên Chúa tạo sinh và nuôi dạy con người. Điều này cũng nói được là cùng với Thiên Chúa làm cho loài người lan tràn cả thế giới.

  • Chỉ dạy lối sống.

Chúa ban cho tình yêu không chỉ để cho con người hưởng vui, nhưng giao trách nhiệm lại cho đường lối phải sống với mọi người.

Cần phải thương nhau. Đúng như Nho giáo nói: Tứ hải giai huynh đệ (Bốn biển đều là anh em). Chúa sinh, Chúa trao sứ mạng cho sinh. Mọi người cùng một gốc, cho nên cố gắng thêm tình liên kết nhau.

Vả lại trên nguyên tắc, không ai có thể sống một mình mà không nhờ đến người khác. Mọi người đều cần nhau, bổ túc cho nhau ít nhiều. Những người chung quanh mình là những chi cấu thành cho cuộc sống của mình. Cần sống hoà hợp thương nhau. Thương nhau là lối sống khẩn thiết. Thương nhau mới đúng phẩm giá và làm cho con người được hạnh phúc.

  • Kết hợp với Chúa.

Đó là tuyệt đỉnh của tình yêu. Đúng ra chúng ta không biết rõ được kết hợp với Chúa thì như thế nào. Tình yêu thiêng liêng với thiêng liêng? Thiêng liêng kết hợp với thiêng liêng, chúng ta không trực cảm được, nhưng chúng ta có thể cảm nghiệm: khoái lạc của tình yêu vợ chồng, khoái lạc trong tình yêu anh em bằng hữu, từ đó chúng ta hiểu kết hợp với Chúa sẽ đem đến cho chúng ta khoái cảm nói được là vô cùng vì Chúa là Đấng Vô cùng. Chúng ta không thể là người vô tình, nhưng phải sống tình thương như thế nào? Đạo chúng ta là đạo tình thương, chúng ta có sống tình thương không? Giữa cảnh đời xáo trộn, hỗn loạn, tranh đấu, giặc giã, con người có gặp được tia sáng bình an không?

Cần sống tình thương!

IX. MUC VỤ ƠN GỌI

ƠN GỌI LÀM NGƯỜI

Chúng ta biết, một trong những khác biệt giữa giáo lý Phật Giáo với Công Giáo chính là cái nhìn về con người và cuộc sống. Trong khi phật Giáo xem kiếp người trong cuộc đời này chỉ là đau khổ, thì giáo lý chúng ta dạy cuộc sống và con người điều là công trình của Thiên Chúa, tất cả điều tốt đẹp và "tất cả là hồng ân" mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Và một trong những những hồng ân cao cả nhất để khởi đầu cho các ân huệ khác chính là ơn gọi làm người.

Thánh kinh, nguồn mạc khải chính thức của Giáo hội cho chúng ta thấy rõ điều đó. Cách thức mà Chúa dựng nên con người hoàn toàn khác biệt với cách Chúa dựng nên các tạo vật khác. Chúa không chỉ phán cách đơn giản nhưng dường như Ngài còn bàn bạc với nhau "Chúng Ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh Ta". Từ đó, ta thấy kế hoạch tạo dựng con người đã nằm sẵn trong ý định của Thiên Chúa và được Ngài ấp ủ, nuôi dưỡng ý tưởng ấy trong trăn trở và thao thức.

Qua đó, chúng ta thấy được con người có phẩm giá vượt trội hơn bất kỳ tạo vật nào. Vì con người là kiệt tác, được dựng nên giống hình ảnh Chúa và để thông phần hạnh phúc với Ngài. Nên có nguồn gốc thần linh và nhận sức sống từ Thiên Chúa. Vì thế mà ý nghĩa chính của đời người không gì khác hơn là hưởng hạnh phúc. Và duy chỉ có con người mới có khả năng cảm nghiệm được thế nào là hạnh phúc vì con người được dựng nên chỉ với mục tiêu duy nhất cho chính mình.

Từ đó, chúng ta có thể khẳng định: Ơn gọi làm người là một quà tặng vô cùng lớn lao. Từ hư vô, từ không là gì mà Thiên Chúa cho ta hiện hữu, thưởng thức và cảm nghiệm được biết bao điều cao đẹp và cảm nếm thế nào là hạnh phúc. Nhận ra được điều này, nên một ai đó đã nói: Cái kiếp người dầu lầm than và buồn chán bao nhiêu cũng là một kiếp sống, một sự sống trên đời. Được sống, được làm người vẫn là điều quý giá nhất. Tư tưởng này thiết nghĩ cũng không xa lạ với cái nhìn của Kitô giáo về con người. Như Đức thánh cha Gioan Phaolô II nói: "Kiếp sống trần gian cao đẹp biết bao vì đó là đạo, là đường dẫn về với Thiên Chúa, không cao đẹp và đáng sống, sao kiếp sống mà chính Thiên Chúa đã sống trọn với con người. Con người không cao cả và đáng yêu sao khi chính Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận con người và đồng hóa với mỗi một con người...".

Nhận ra ơn gọi làm người là một quà tặng vượt trên mọi quà tặng, là một hồng ân vượt trên tất cả mọi hồng ân. Vì nếu chúng ta không làm người, không hiện hữu thì mọi ân huệ khác đều vô nghĩa. Nhưng nhận ra sự cao cả của kiếp người ích lợi gì nếu như chúng ta không sống trọn vẹn ơn gọi ấy?

Sống trọn vẹn ơn gọi làm người là sống từng giây phút của cuộc đời với lòng biết ơn, tin tưởng. Với cái nhìn đức tin cho ta nhận ra ý nghĩa của cuộc đời qua những biến cố buồn vui lẫn lộn. Vì cuộc đời này không giống với những gì người mang kính đen diễn tả, cũng không như người đang yêu nhìn hoàn toàn với ánh mắt màu hồng. Nhưng cuộc sống này được kết dệt bằng những chuỗi ngày với một chút màu hồng và màu đen pha lẫn. Nhưng: “tất cả đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến”. Tất cả những vấp ngã hay những thất bại, đau khổ chỉ là những nấc thang đưa chúng ta bước lên cao. Điều qua trọng là đừng bao giờ bi quan hay thất vọng!

Muốn được như thế chúng ta cần phải quan tâm đến cái
"là người" và cái "làm người". Tất cả chúng ta đều đã "là người". Vì tất cả đều do Thiên Chúa dựng nên và mang đủ các yếu tố linh thiêng và vật chất. Nhưng không phải ai cũng biết "làm người". Có những người "là người" nhưng không "làm người" vì họ vẫn mang đầy đủ các yếu tố của một con người nhưng hành động và suy nghĩ của họ không phải là người.

Nói cách khác, chúng ta đã “là người”, giờ đây cái chúng ta cần làm là phải biết sống sao cho ra một con người. Quý trọng và xem cuộc sống như một quà tặng vô giá là phải biết sống một cuộc đời cho có ý nghĩa, không phí phạm. Từng giây phút,từng biến cố trôi qua mỗi ngày là những ơn ban để ta lớn lên và cảm nghiệm được hạnh phúc. Hãy luôn luôn biết ơn cuộc sống như ai đó sống: “Nếu bạn thấy đêm nay khó ngủ, hãy nghĩ đến những kẻ không nhà chẳng nệm ấm chăng êm,

Nếu bạn bị hỏng xe dọc đường phải đi bộ vài dặm mới tìm được người giúp đỡ, hãy nghĩ đến những ai bị liệt cả đôi chân luôn khao khát được bước đi như bạn, Nếu bạn cảm thấy đời mình mất mát và băn khoăn về ý nghĩa kiếp người. Xin bạn hãy biết ơn cuộc sống vì có nhiều người đã không được sống hết tuổi trẻ của mình để có được những trải nghiệm như bạn…” (Trích báo tuổi trẻ thứ 6 ngày 25.10.2002).

Lạy Chúa Giêsu, một ngày mới mở ra trước mắt chúng con. Mỗi ngày đều là một bất ngờ. Con không rõ những gì sẽ xảy đến cho con, Nhưng con chỉ biết chắc là mình được sống trong vòng tay yêu thương của Chúa, Nên con thấy vui tươi và bình an. Mỗi ngày đều là quà tặng của Chúa. Cả niềm vui lẫn nỗi buồn, Cả thành công lẫn thất bại. Tất cả đều là quà tặng của tình yêu, Tất cả đều đưa con đến gần Chúa. Lạy Chúa Giêsu, Con muốn giang ta chào đón một ngày mới. Con muốn tận dụng từng giây phút trong ngày Để tôn vinh Chúa để phục vụ tha nhân Và phát triển con người mình. Ước gì con luôn sống dưới ánh mắt Chúa Và để Chúa làm củ mọi tư tưởng, Và lời nói, việc làm của con, Và ước gì mỗi khi đêm về, con có thể tự hào Mình đã biến hôm nay thành quà tặng, Để dâng hiến cho Chúa. Amen. (Rabbuoni)

X. MỤC VỤ THIẾU NHI

NHỮNG CHUYẾN XE TRUNG CHUYỂN TRONG ĐỜI

Khoảng cách giữa người với người như được kéo lại gần nhau khi các phương tiện truyền thông, vận chuyển trở nên nhanh gọn và hiệu quả. Sống giữa đời là sống các mối tương quan trong sự quan tâm, yêu thương và trách nhiệm: Cha mẹ với con cái, chủ nhân với công nhân, thầy giáo với học trò... Thế hệ tương lai như thế nào sẽ được quyết định bởi thế hệ hôm nay đã chuẩn bị ra sao. Những người hướng dẫn dạy dỗ luôn giữ vai trò quan trọng cho sự phát triển của thế hệ tương lai. Họ phải là những người chuyển tải trung thành vốn hiểu biết, lẽ sống ở đời, những điều tốt đẹp cho học trò của họ. Tôi rất thích dùng hình ảnh những chuyến xe trung chuyển ngày nay để nói về vai trò giáo dục của các nhà giáo.

Biết rõ lối đi

Xe biết rõ từng ngã rẽ của con đường mình đi qua, biết rõ để không lạc lối. Xe hiểu rõ con đường nào đi nhanh nhất, ít nguy hiểm hiểm nhất. Người hướng dẫn cũng phải là người hiểu biết cặn kẽ. Mù dẫn mù thì cả hai phải rơi xuống hố. Người làm thầy cần trang bị cho mình vốn kiến thức xứng với bậc thầy. Kiến thức vững vàng sẽ không sợ lạc lối, vẫn thấy bình an khi đối diện với những chỉ trích, khinh khi. Chuyến xe vận chuyển ngon lành, không ì ạch sẽ tạo cho hành khách sự an tâm thoải mái. Sự vững vàng của người thầy là niềm tin tưởng và là bệ phóng vững chắc cho những học trò muốn phấn đấu để vươn cao.

Kiên trì trong gian khó

Dù đi trong trời nắng gắt hay mưa giông, xe vẫn thẳng tiến trên đường. Xe phải làm tròn vai trò trung chuyển để hành khách còn kịp chuyến đi.Người thầy chắc hẳn cần nung nấu nơi mình sự nhiệt tình, không ngại ngần khi dấn thân cho sứ mệnh. Tất cả chỉ vì tương lai của thế hệ nối tiếp và sự trưởng thành của mỗi cá nhân. Những cách dạy cầm chừng, dạy cho xong thì không thể nào phản ánh lòng nhiệt tình nơi nhà giáo.

Ngày nắng của người thầy có thể vì sự tinh nghịch của một học trò hay quậy phá, có thể là chuyện bực bội không vui trong gia đình. Thầy đến lớp với vẻ mặt hầm hầm, ai nhìn cũng thấy “ngán”. Ngày mưa giông của thầy đó là những khi gặp sự buồn phiền trong cuộc sống, thất bại trong công viêc. Thầy xuất hiện với bộ mặt thảm não đầy tuyệt vọng. Thầy không vui, trò lấy gì mà hứng khởi. Đôi khi các học trò thân thương vô trình trở thành đối tượng để cho thầy “xả stress”. Được học sinh gọi là thầy về lĩnh vực kiến thức mà không phải là bậc thầy trong mối tương quan quả là một thiếu sót đáng quan tâm.

Đưa đúng nơi cần đến

Mục đích chuyến xe trung chuyển nào cũng phải đưa hành khách đến đúng nơi họ cần đến. Hành khách có khi chưa định hướng mình sẽ đi về lối nào, chỉ biết tin tưởng vào chuyến xe trung gian. Chính xe định hướng cho hành khác thì người thầy chính là người định hướng lối sống cho học sinh. Từ nhận thức đến cách sống là một liên hệ gắn bó mất thiết với nhau. Biết sao sống vậy, định hướng thế nào thì đi theo lối mình đã quyết. Người thầy trước tiên luôn giữ vai trò đi đầu. Người tiên phong đi đúng đường thì kẻ nối gót mới không bị sụp hố.

Điều làm cho con người ngày nay không khỏi băn khoăn là họ không chắc chắn đâu là chân lý cần kiếm tìm, đâu là con đường chân chính mà mình phải đuổi theo. Họ như đang đứng giữa ngã ba đường mà không có một bảng chỉ dẫn nào đáng tin cậy.

Có thể nói ngày nay khoa học thực nghiệm đã chiếm lĩnh và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống con người. Mọi thứ cần phải được lý giải và minh chứng cách rõ ràng thì con người mới đón nhận. Từ đó con người dễ có suy nghĩ cho rằng tất cả những gì có thể chứng minh được, đó mới là chân lý, mọi thứ khác tạm gác một bên, coi như không có.

Chính vì cách suy nghĩ đó, kh nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống thì con người như bế tắc. Vì những điều mình cho là chân lý thì không giải đáp được. Ta nên nhớ rằng chân lý không do những lý luận, suy tư của trí tuệ con người tạo nên. Chân lý đã có sẵn, và đang đợi chờ con người khám phá mỗi ngày. Phía sau mọi chân lý đều có bóng dáng của Thiên Chúa đang hiện diện.

Các nhà giáo là những người đóng vai trò trung gian để đưa nhiều người đến với vùng trời của sự hiểu biết. Người thầy vì là người đi trước đòi hỏi phải vững lối đi, phải kiên rì để bước cùng học sinh trong những ngày gian khó. Người thầy không chỉ truyền đạt cho trò kiến mình có mà còn cả những điều mình đã sống và cảm nghiệm. Mọi nỗ lực dạy và học nhằm khai mở nơi con người thêm sự hiểu biết mỗi ngày một hơn. Biển kiến thức luôn sẵn chờ những người thao thức đi tìm và khám phá. Con đường hiểu biết từ tự nhiên đến siêu nhiên, từ tương đối đến tuyệt đối luôn rộng mời cho bất cứ ai muốn một lần đặt chân lên thử.

XI. MỤC VỤ GIỚI TRẺ

Vai Trò Của Các Nhà Giáo

“Một chữ cũng là Thầy, nữa chữ cũng là Thầy”. Thật vậy, ai giúp cho ta được nên người dù nhiều hay ít cũng đáng cho ta mang ơn suốt đời, huống chi là những thầy dạy chuyên nghiệp. Như thế, các nhà giáo đóng vai trò thật quan trọng trong công tác trồng người.

Mỗi con người được sinh ra và lớn lên không nhiều thì ít đều cần phải được giáo dục. Không chỉ ta cần được giáo dục về kiến thức mà còn những tư cách sống ở đời. Vì vậy, các nhà giáo có nhiệm vụ truyền đạ cho thế hệ đàn em những điều cần thiết ấy. Bởi lẽ, “Tiên học lễ hậu học văn”.

Vai trò ấy lại càng quan trọng hơn đối với các nhà giáo dục đức tin. Đức tin là ơn ban nhưng không Thiên Chúa ban cho khi ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Tuy vậy, đức tin ấy như hạt giống gieo trong tâm hồn ta. Hạt giống ấy cần được chăm sóc và vun xới từng ngày. Về mặt siêu nhiên ơn Chúa luôn có sẵn để giúp ta. Bên cạnh đó, về mặt tự nhiên ta cũng cần được giáo dục bởi các nhà giáo dục đức tin. Các nhà giáo dục ấy là hàng giáo sĩ, các tu sĩ và các giáo lý viên trong Giáo hội. Họ có vai trò giúp ta biết và tin vào Chúa mỗi ngày một hơn.

Do đó, các nhà giáo dục chuyên nghiệp cần phải hy sinh để được đào tạo nơi các trường đào tạo chuyên nghiệp hay các lớp học chuyên môn. Cách riêng các nhà đào tạo đức tin “ngoài cuộc sống mẫu mực của một nhà giáo, họ còn là đại sứ của Đức Kitô nơi học đường bằng chính đời sống và lương tâm Kitô hữu. Mọi người sẽ nhìn thấy họ mà gặp được Thiên Chúa” (Trích Thư chung của HĐGM năm 2007)

XII. MỤC VỤ GIA ĐÌNH

ĐỒNG HÀNH

Có một ông nọ vừa mua được chiếc Honda ít lâu, ông ta nghĩ phải đi chạy cho đáng đồng tiền. Thế là ông quyết định cỡi xe đi từ tỉnh đi thành phố

Xe mới chạy quá êm đường rộng, láng chạy quá đả. Đang ngất ngây thì bổng đến ngã tư đèn đỏ bật lên ông bao nhiêu xe cộ dừng lại, ông nghỉ:

Ồ sao họ lễ phép quá vậy? thấy mình lớn tuổi nên nhường cho mình đi trước hả ? Cảm ơn nhiều nhe! Và thế là ông tiếp tục cảm giác ngất ngây với chiếc xe mới. Bổng đâu có xe CSGT dừng xe ông lại. Xin bác cho xem giấy tờ…
- Đây, có chuyện gì vậy chú ?
- Bằng một giọng nữa thật nữa đùa anh công an giao thông nói:
- Bằng của bác là bằng giả rồi bác ơi !
- Dơ, lần trước tui mua 200, nói bằng giả tôi chịu, lần này tui mua 500 mà cùng giả nữa sao ?
- Bác về học luật giao thông rồi thi lấy bằng, bằng đó mới thật.

Ngày nay xã hội phát triển việc di chuyển cũng gia tăng. Không biết, cố tình vi phạm luật giao thông đã gây nên những tai nạn đến mức quá sức tưởng tượng, vì thế nhà nước đõ phải nỗ lực một mặt giáo dục luật giao thông mặt dùng luật để nghiêm trị những ai cố tình vi phạm luật đó để hạn chế thiệt hại về người và tài sản.

Đường đời bao nhiêu tai nạn xảy ra người ta thống kê được, người ta báo động tình trạng nguy hiểm, buộc mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông. Trong khi đó “Đạo” chính thật là đường, cũng có luật lệ phải tuân thủ,vi phạm luật đạo hậu quả còn nghiêm trọng hơn, thế mà người ta lại lơ là về việc đó. Tại sao vậy ?

Có nhiều lý do nhưng một trog những lý do đó là họ chưa được giáo dục đầy đủ để hiểu về sự cần thiết của luật đạo và sự nghiêm trọng khi vi phạm luật đó. Trách nhiệm đó thuộc về ai ?

Thư chung của HĐGM số 26 nói rõ: "Trách nhiệm giáo dục đức tin thuộc về mọi Kitô hữu. Tuy vậy, trong thực tế, các “nhà giáo” mới thực sự là những người được trao phó trách nhiệm giáo dục chuyên nghiệp. Đức Gioan Phaolô II trong Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân đã thiết tha kêu gọi các giáo viên đang giảng dạy tại các trường Công giáo hay không Công giáo ích cực làm nhân chứng cho Tin Mừng (x. TH/KTHGD 6). Như thế ngoài cuộc sống mẫu mực của một nhà giáo, họ còn là đại sứ của Đức Kitô nơi học đường bằng chính đời sống và lương tâm Kitô hữu. Mọi người sẽ nhìn thấy họ mà gặp được Thiên Chúa". Trong hoàn cảnh nước ta không có trường học công giáo thì trách nhiệm này thuộc về:

Trước nhất là hàng linh mục, theo lời của Đức Giáo Hoàng thì Linh mục trước tiên phải là giáo lý viên. Là mục tử linh mục phải dẫn dắt đoàn chiên của Chúa đi trong đường lối cûa Người nên linh mục có trách nhiệm chỉ cho đoàn chiên đường lối mà họ phải đi, những bất trắc có thể xảy ra trên đường, những tai nạn sẽ đến nếu không đi đúng. Công việc này các Ngài phải làm không chỉ khi dạy giáo lý mà còn cả trong bài giảng, khuyên bảo trong tòa giải tội và mục vụ tư vấn.

Kế đên phải kể tới các giáo lý viên là những người trực tiếp giáo dục “luật giao thông” thật sự. Và cuối cùng những người có ảnh hưởng quyết định đến công việc giáo dục này là cha mẹ. Đời sống đạo của các bậc ha mẹ là đèn soi cho con cái cứ đó mà tiến, những lời nhắc nhở khuyên răn, động viên là động lực giúp con cái tiến triển về lòng đạo đức

Để hoàn tất hành trình trên “con đường” dài hàng trăm năm mà người ta chỉ đi có một lần đi qua này, người Kitô hữu cũng cần phải học luật giao thông, cần có người dẫn đường và khi leo đèo vượt suối cũng cần phải có động lực từ phía sau.

TỔ ẤM YÊU THƯƠNG

Gia đình trong chương trình tạo dựng và giáo dục của Chúa Cha

Thiên Chúa ngay trong bản thân của mình là cộng đoàn, một gia đình yêu thương gồm Ba Ngôi Vị: Cha Con và Thánh Thần. Ba Ngôi Vị có một bản thể và một quyền năng duy nhất là Thiên Chúa yêu thương. Ba Ngôi không tách rời nhau, cùng làm việc với nhau, để đem lại hạnh phúc cho loài người. Hạnh phúc của những người quên mình sống yêu thương nhau trong Thiên Chúa tình thương. Mỗi gia đình cần phản ảnh gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi, tổ ấm yêu thương, gia đình đầm ấm.

1. Chỉ vì yêu thương, Thiên Chúa sáng tạo và chăm lo cho loài người được hạnh phúc:

a) Chỉ vì yêu loài người, Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ vạn vật và tiếp tục bảo tồn, thăng tiến chúng: Để loài người có đủ điều kiện sống, ấm no, an hoà, hạnh phúc, Chúa tạo dựng vũ trụ vạn vật trước, tạo dựng con người sau, như một người con cộng tác với Cha “làm chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”(St 1,26). Thiên Chúa ban sự sống tự nhiên và thần linh cho con người. “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật”(St 2,7). Rồi “Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Eden về phía đông và đặt vào đó con người do chính Chúa nặn ra”(St 2,8) chỉ muốn cho con người được hạnh phúc hoàn toàn.

b) Con người có phẩm giá cao cả và có quyền hành bao trùm vũ trụ vì Chúa đã tạo dựng họ giống hình ảnh Chúa: “Ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta”(St 1,26). Chúa thông ban cho con người có lý trí để suy xét, ý chí để ước muốn, chọn lựa, có tự do để chịu trách nhiệm về mọi quyết định và hành động của mình. Chúa chúc lành cho loài người và phán với họ: “Hãy thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất”(St 1,28). Lúc đó, con người luôn vâng theo ý Chúa. Thiên Chúa truyền lệnh cho con người: “Hết mọi cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng quả cây cho biết điều thiện, điều ác thì ngươi khơng được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết”(St 2,17)

c) Thiên Chúa tạo dựng nên con người có nam có nữ: Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó”(St 2,18) “Thiên Chúa tạo dựng mọi dã thú, chim trời, dẫn đến với con người…Con nguời đặt tên cho mọi súc vật, chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. Thiên Chúa cho con người rơi vào giấc ngủ tê mê. Rồi Chúa rút một xương sườn của con người và lắp thịt vào…làm thành người đàn bà và dẫn đến với con người…Bởi thế người đàn ông lìa cha mẹ và gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt”(St 2,18-24)

Hôn nhân và gia đình khởi phát từ đây. “Thiên Chúa giới thiệu, con người chấp nhận nhau, từ bỏ mọi sự để chung sống với nhau, gắn bó thân mật một xương một thịt (St 2,24) để chỉ mang lại hạnh phúc cho nhau, gia đình đầm ấm.

2.Thiên Chúa la nhà giáo dục nghiêm khắc cứng rắn, nhưng cũng rất cảm thông, cởi mở, thân tình, mềm dẽo: Thiên Chúa dạy dỗ con người bằng lời chỉ bảo ân cần, bằng việc làm cụ thể, bằng gương sáng đời sống.

a) Vợ chồng có tin tưởng Thiên Chúa yêu mình bằng tình yêu vô vị lợi, vợ chồng mới tin tưởng tình yêu dành cho nhau. Thiên Chúa ân cần căn dặn ông Adam và bà Evà: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn, nhưng trái của cây cho biết điều thiện, điều ác thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết”(St 1,17). Chúa trung thành thân thương đều đặn với cặp vợ chồng Adam- Evà. Mỗi chiều Ngài đi dạo trong vườn lúc gió thổi nhè nhẹ, con người ra đón, gặp gỡ, thân mật đàm đạo với Chúa. Rồi một ngày kia, ma quỷ dưới hình con rắn cám dỗ Evà hành động bất trung, bất tuân đối Chúa, tức khắc bà trở thành kẻ cám dỗ Adam hồ nghi tình thương của Chúa. “Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn”(St 3,6). Đánh mất niềm tin vào Chúa, con người cũng đánh mất niềm tin vào nhau. Họ nghĩ xấu, nói xấu, lên án, chống đối, thù ghét nhau, giết nhau. Trong thái độ nghiêm khắc, Chúa trừng phạt con người, nhưng trong lòng thương xót, Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thế để cứu chuộc con người (St 3,15).

b) Chúa giáo dục con người bằng việc làm cụ thể:

Chúa thương tạo dựng vũ trụ vạn vật tốt đẹp, trao vào tay con người để con người điều khiển. Có quyền nhưng con người không vui nên Chúa tạo dựng một người phụ nữ mà Adam cần. Chúa dẫn bà đến với ông, ông vui liền. Con người sống với con người, tương quan tốt đẹp với tha nhân ngay trong mái ấm gia đình: vợ- chồng; cha mẹ- con cái; anh chị em với nhau. Bao lâu họ sống yêu thương: sống đẹp lòng Chúa, sống tốt với nhau, gia đình đầm ấm. Bằng việc làm cụ thể, Chúa dạy con người sống với Chúa và sống với nhau, cách sống nào cũng đòi hỏi kẻ sống yêu phải quên mình, xoá mình đi, từ bỏ chính mình, không sống vị kỷ, ích kỷ, luôn sống vị tha như Chúa. Trong yêu thương, khi có lầm lỡ, sai trái, mất lòng thì nên tha thứ, cứu vớt, không kết tội, không giết chết, luôn chừa con đường sống. Để sống với nhân loại, Thiên Chúa luôn hành động bao dung, tha thứ, lòng thương xót Chúa không bờ không bến. Các thành viên trong gia đình cần theo gương Chúa mà hành xử nhân ái với nhau.

c) Chúa giáo dục bằng gương sáng đời sống: con người là tạo vật được Cháu tạo dựng bằng bùn đất theo hình ảnh Chúa, Chúa luôn luôn cho không biếu không, để họ được sống, sống dồi dào và sống hạnh phúc. Chúa quên mình vì loài người và cho loài người. Theo gương Chúa,
* Con người sẽ luôn luôn vui tươi thanh thản khi là kẻ biết cho đi, cống hiến cho Chúa và phục vụ anh chị em, vì theo lời Chúa Giêsu đã được Thánh Phaolô nhắc lại “Cho thì có phúc hơn là nhận”(Cv 20,35)
* Con người là hình ảnh, hoạ ảnh của Chúa, phải sống như Chúa là mẫu gương duy nhất của họ. Chúa Giêsu bảo: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”(Matt 5,48)
* Chúa giáo dục nhân loại theo “đường lối sư phạm mềm dẽo phù hợp với lợi ích và thái độ đón nhận của con người. Thuở ban đầu, vì dân Ngài chọn còn cứng lòng, nên Thiên Chúa xem ra nghiêm khắc (Lv 26,14-46;Dnl 28,15-45), nhưng dần dà, từng bước một, Ngài tỏ cho họ thấy Ngài vẫn là một Thiên Chúa “Thành tín trong mọi lời Ngài phán, đầy yêu thương trong mọi việc Ngài làm”(Tv 144,13b) (TCHĐGMVN 2007). Thiên Chúa giàu lòng thương xót xây dựng gia đình nhân loại hạnh phúc theo quy luật yêu thương.

Gia đình đầm ấm ai ơi!
Vợ chồng con cái suốt đời cần nhau
Cùng vui, cùng khổ, cùng sầu
Yêu thương gắn bó trước sau hiệp hoà
Đồng lòng phụng sự Chúa cha
Hy sinh cống hiến cả nhà an vui.

XII. MỤC VỤ QUỚI CHỨC

TÌM HIỂU SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN

Chương III: Các Môi Trường Hoạt Động Tông Đồ

11. Gia đình trong việc tông đồ

Vì Đấng Tạo Hóa đã đặt cộng đoàn hôn nhân làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội loài người và dùng ơn thánh Ngài nâng lên hàng bí tích cao cả trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội (x. Eph 5,32) cho nên việc tông đồ của vợ chồng và của các gia đình có tầm quan trọng đặc biệt, đối với Giáo Hội cũng như đối với xã hội dân sự. …………….

Chính gia đình đã lãnh nhận từ Thiên Chúa sứ mệnh trở nên tế bào đầu tiên và ống động của xã hội. Gia đình sẽ chu toàn được sứ mệnh đó nếu gia đình tỏ ra như một đền thờ của Giáo Hội trong nhà mình nhờ yêu thương nhau và cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, nếu toàn thể gia đình cùng tham dự vào việc phụng vụ của Giáo Hội, sau cùng nếu gia đình tỏ ra hiếu khách và cổ võ đức công bằng cũng như những việc thiện khác giúp các anh em đang túng thiếu. Trong các việc tông đồ của gia đình cần phải kể đến những việc như: nhận làm con những đứa trẻ bị bỏ rơi, ân cần tiếp đón những hách lạ, cộng tác với học đường, khuyên bảo và giúp đỡ thanh thiếu niên, giúp những người đã đính hôn chuẩn bị cho việc hôn nhân của họ được tốt đẹp, giúp dạy giáo lý, lo cho người già.

Ở mọi nơi và mọi lúc, những gia đình Kitô giáo vẫn là chứng nhân quí giá nhất của Chúa Kitô đối với thế gian bằng tất cả đời sống gắn liền với Phúc Âm và tỏ ra là gia đình Kitô giáo gương mẫu. (Trích SLTĐ Giáo Dân, số 11)

Gợi ý giải thích:

- Bởi đâu gia đình có sứ mạng làm việc Tông Đồ?
- Vợ chồng Kitô-giáo hoạt động Tông Đồ thế nào?
- Những bổn phận vợ chồng có giúp ích gì cho việc Tông Đồ?
- Các yếu tố làm cho gia đình chu toàn sứ mạng Tông Đồ: cùng yêu thương nhau, cùng cầu nguyện, hiếu khách, cổ võ sống công bằng, và các việc thiện khác...
- Gia đình Kitô-giáo làm chứng cho Chúa Kitô, bằng đời sống Phúc Âm hoá.

Gợi ý thực hành:
- Mỗi Quới Chức đều sống trong gia đình (dầu là độc thân).
- Yếu tố nào trong gia đình Ông Bà giúp ích nhiều cho việc Tông Đồ?
- Những khuyết điểm của gia đình Ông Bà cản trở việc Tông Đồ?
- Có nên chỉnh đốn từ trong gia đình mình?

ĐIỀU LỆ QUỚI CHỨC

Chương V: Nhậm Chức &Sinh Hoạt

ĐIỀU 27: Nhiệm kỳ của các thành viên Ban Quới Chức là 4 năm. Hết hạn, cha sở cùng với BQC duyệt lại nhân sự nhiệm kỳ mới.

ĐIỀU 28: Bắt đầu nhiệm kỳ mới, cha sở phải đệ trình danh sách mới lên Đấng Bản Quyền. Nếu có chọn nhân sự mới, thì thực hiện điều 20.

ĐIỀU 29: Đến tuổi 70, Quới Chức đương nhiên được phép xin từ nhiệm và được gia nhập vào hàng Quới Chức Danh Dự. Tuỳ trường hợp, Cha sû có thể lưu nhiệm.

ĐIỀU 30: Chức việc nào muốn xin thôi việc (từ nhiệm) thì đến trình với Cha sở để ngài định liệu và tìm người thay thế. Tuy nhiên, người đó phải thi hành nhiệm vụ cho đến khi được chấp thuận bãi nhiệm.

ĐIỀU 31: Một thành viên Ban Quới Chức có thể bị bãi nhiệm vì phạm lỗi nặng như: bỏ phế nhiệm vụ, gây thiệt hại nặng cho những người thuộc quyền, sống bê tha, gây mất đoàn kết hay chống đối hoặc bất tuân quyết định chung. Cha sở phải đệ trình lên Đấng Bản quyền để xin bãi nhiệm.

ĐIỀU 32: Cha sở mới nhậm Họ đạo, phải đệ trình danh sách Ban Quới Chức cho Đấng Bản quyền trong thời gian sớm nhất.

XIII. TẢN MẠN

TỐC ĐỘ

Một trong những câu nói mà tôi thường nghe nhất khi gặp lại một người bạn hay người thân của tôi là: “lúc này mình bận rộn quá , vì . . . “ hay “Trời ơi, mệt muốn chết luôn, vì . . .” Điều gì đã làm cho con người trong xã hội ngày nay trở nên quay cuồng và vội vã đến thế?

Tốc độ đã trở thành một giá trị chi phối cuộc sống của con người trong thế giới hiện đại này. Nó trở thành một “căn bệnh” trong xã hội ngày nay. Ai cũng thấy mình bận rộn, có lẽ một phần là do công việc, nhưng cũng có người tự biến mình thành những con người vội vã vì những chuyện không đâu! Từ đó, họ tự tạo stress cho mình và dễ nổi cơn tam bành với những người khác. Đặc biệt, những người có chức, có quyền trên kẻ khác một chút thì càng dễ rơi vào tình trạng này hơn.

Nguyên do sâu xa là vì ai cũng muốn có những điều mình muốn trong thời gian ngắn nhất và với cách thức dễ dàng nhất. Hơn nữa, cuộc sống với những phương tiện truyền thông như fax, Internet, DTDĐ, E-mail tác động quá mạnh trên chúng ta, biến chúng ta tành những con người vội vã tự lúc nào mà chính mình cũng không hề hay biết. Hình như sự kiên nhẫn và qui luật “wait and see” (Thời gian sẽ trả lời) trở nên lạc hậu lắm rồi!

Tốc độ đã và đang chi phối đời sống vật chất của con người và nó cũng đang len lỏi và lớn mạnh trong đời sống tinh thần (đời sống đạo) của con người nữa. Những người Công giáo ngày nay thích những linh mục “tốc độ”: làm lễ tốc độ, giảng tốc độ, dạy giáo lý tốc độ, giải tội tốc độ . . Làm những việc ấy càng tốc độ chừng nào thì càng "thu hút" nhiều giáo dân tìm đến dù họ có phải đi xa một chút, cực khổ hơn một chút cũng chẳng sao! Cũng có những linh mục vì chiều lòng những giáo dân coi “thời gian là vàng” nên cũng bắt đầu “tăng tốc” trong Thánh lễ và các cử hành phụng vụ khác. Đừng tính toán chi li với Chúa vì chính Ngài là chủ thời gian và chính Ngài ban cho chúng ta mọi sự.

Hãy thử làm một bài toán nhân sơ đẳng để thấy chúng ta đã dành thời gian cho Chúa, cho đời sống thiêng liêng của mình như thế nào. Mỗi tuần chúng ta có 7 ngày, mỗi ngày có 24 giờ. Như vậy, mỗi tuần chúng ta có 168 giờ. Ấy vậy mà khi phải dành 1 giờ đến Nhà thờ vào mỗi Chúa nhật để làm bổn phận tôn thờ Thiên Chúa, chúng ta vẫn thấy xót xa, nên có người cắt đầu xén đuôi thời gian ấy so cho nó càng ngắn càng tốt! Thử hỏi, chúng ta đã hành động đúng chưa, khôn ngoan đủ chưa? Còn việc đọc kinh sáng, kinh tối trong gia đình hay đọc riêng cũng bắt đầu bị mai một. Nếu có thì cũng mang tính chiếu lệ (3 kinh Kính mừng là được rồi). Coi chừng chúng ta trở thành những kẻ nhận lãnh những lời không mấy êm dịu của Chúa: “Họ đã được thưởng công rồi” (Mt 6,2)

Rất nhiều nơi, việc học giáo lý, đặc biệt là giáo lý hôn nhân cũng đang được yêu cầu rút ngắn lại, ngắn đến mức không thể nào ngắn hơn được nữa mới chịu thôi. Những lý do được đưa ra thì muôn màu muôn vẻ. Nhưng chung qui lại vẫn là “Cha ơi, thông cảm cho tụi con nhe cha, tụi con lu bu, bận rộn quá trời luôn cha ơi. Học một tháng thôi nhe cha!” Họ trả giá việc học giáo lý như trả giá để mua một món hàng vậy!

Đọc Tin mừng, tôi thấy cũng có những người hết sức vội vã và họ cũng “tốc độ” lắm. Chẳng hạn như việc Đức Maria lên đường thăm viếng bà Isave sau khi được Thiên sứ truyền tin: “Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thønh thuộc chi tộc Giu-đa” (Lc 1,39 ), hay các mục đồng nghe báo tin Đấng Cứu Thế vừa giáng sinh cũng hành động rất vội vã : “những người chăn chiên bảo nhau : "Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết." (Lc 2,15); hay những nhà đạo sĩ Đông Phương cũng vội vã lên đường khi họ nhìn thấy Ngôi sao lạ xuất hiện: “Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi : "Đức Vua dân Do-thái mới snh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." (Mt 2,1-2). . . nhưng những con người này họ vội vã trong việc mang Chúa đến cho người khác, mang tin vui đến cho anh chị em của mình hay vội vã đi tìm chân lý và tìm kiếm Thiên Chúa.

Còn chúng ta, chúng ta vội vã vì ai, vì chuyện gì? Hãy thành thật và can đảm nhìn vào chính con người của mình để hồi tâm và suy xét để sớm thoát mình ra khỏi những dòng chảy điên loạn của cuộc sống. Bởi lẽ, ẩn sau sự vội vã và tốc độ trong cuộc sống hằng ngày là việc con người không muốn suy tư, không muốn cầu nguyện nữa; hoặc họ không còn muốn sống các mối tương quan trong cuộc sống vì sợ mất thời gian, sợ tốn kém và phiền hà . . . Họ chỉ còn muốn làm sao có thật nhanh những thứ mình muốn và muốn trở thành “những người bản xứ của thế giới tinh thể lỏng!”, muốn đặt tiền bạc trở thành một sức đẩy điện tử.

Cuộc sống “tốc độ” không loại trừ ai, không chê bỏ môi trường sống nào. Vì thế, những ai đang sống đời tận hiến và thánh hiến cho Chúa hãy cảnh tỉnh để khỏi phải “sa chước cám dỗ” và khỏi bị cuốn vào dòng chảy thác loạn của cuộc sống “tốc độ” hôm nay.

XIV. MỘT LỐI SỐNG

THÓI QUEN

Một người thích chơi những loài cá cảnh. Lần nọ, anh đi nghỉ ở biển và tìm mua được một con cá ngũ sắc tuyệt đẹp. Anh mang cá về nhà và chăm sóc nó rất công phu. Vốn là một người nuôi dạy các loài vật, nên anh lên một chương trình tập luyện cho con cá của mình.

Tuần lễ đầu tiên, anh nuôi cá trong hồ chứa toàn nước biển. Tuần lễ tiếp theo anh thêm một ít nước ngọt. Cứ như thế, vài tháng sau, con cá đã sống thoải mái trong hồ nước ngọt và vui mừng với những thức ăn ngọt. Con cá lớn dần.

Giai đoạn hai của công việc “huấn luyện” còn kỳ công hơn nữa. Anh trộn một phần bùn vào nước và tăng dần lượng bùn vào nước và tăng dần lượng bùn theo thời gian. Lâu dần, con cá chỉ còn di chuyển trong một hồ chứa toàn bùn sền sệt. Một năm sau, bùn được thay hẳn bằng đất và con cá nằm trên hồ đất đớp mồi như một con chuột nhỏ. Anh chủ cá chưa hài lòng với điều đó. Anh xỏ dây vào mang cá và tập cho nó đi trên mặt đất. Mấy tháng sau nữa, anh đi đâu cũng dắt con cá theo mình. Khi con cá đã quen dần, anh cắt dây. Con cá lách tách nhảy theo chủ như một con chó nhỏ trung thành.

Một hôm, con cá theo chủ đi thăm viếng bạn bè của anh ta. Khi trở về nhà, trời đổ mưa to. Con cá rán sức chạy lạch đạch phía sau chủ mình . . . Lúc tìm được một chỗ trú mưa, người chủ sực nhớ đến con cá của mình nhưng không thấy nó đâu nữa. Anh ta quay lại quãng đường ban nãy để tìm con cá. Anh thấy nó nằm chết trong một ổ gà trên đường đọng nước mưa tràn trề. Nó chết đuối vì không biết bơi!

Con cá vốn sống dưới nước nhưng từ lâu nó đã bỏ quên môi trường nguyên thuỷ của mình. Nó phải chết nơi trước đây nó sống chỉ vì những thói quen của mình. Chúng ta cũng hãy coi chừng vì rất có thể mình cũng sẽ phải chết do những thói quen do mình hay do môi trường hoặc do người khác tạo ra! (Theo Internet).

XV. SỐNG LỜI CHÚA: Ga 6,54

 Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì được sự sống muôn đời

1042    23-04-2012 09:56:02