Sidebar

Thứ Hai
13.05.2024

Austen Ivereigh: “Triều giáo hoàng Đức Phanxicô mở một kỷ nguyên mới trong Giáo hội”

 

 

Hành trình rõ ràng, cử chỉ cụ thể, cách quản trị mới… Theo sử gia Austen Ivereigh, tác giả một quyển tiểu sử kinh điển về Đức Phanxicô, thì Đức Phanxicô đã mở đầu một kỷ nguyên giáo hoàng mới.

Ông đã viết quyển sách này cách đây bốn năm. Bây giờ ông còn nói ngài là một nhà cải cách không?

Đây là một câu hỏi lớn! Theo tôi, tựa đề của quyển sách tiểu sử này đã được chứng minh qua năm năm nay… Quyết tâm của Đức Phanxicô làm mới lại các nền tảng Giáo hội rõ ràng đã được thực hiện qua nhiều cách. Ước muốn thì vô cùng. Đối với ngài, trọng tâm của cải cách là tài liệu của hội đồng Aparecida (Kỳ họp khoáng đại các giám mục Châu Mỹ La Tinh năm 2007), được cho là tài liệu “hoán cải mục vụ” và Tông huấn Niềm vui Tin Mừng năm 2013. Một thay đổi về văn hóa và não trạng trong Giáo hội công giáo. Đó cũng là dự án lớn của ngài, một dự án ngài mang theo khi ngài đến dự mật nghị năm 2013.

Ngài có làm được không? Hiện nay tôi đang viết phần tiếp của quyển Phanxicô, nhà cải cách, và tôi triển khai ý tưởng, nguy hiểm là tất cả đều tập trung vào giáo hoàng, như chúng ta thường làm một cách tự nhiên, chỉ vì giáo hoàng là hình ảnh chính. Tư tưởng của ngài, dự án của ngài thật sự không đặc biệt: tất cả đã được hình thành ở Giáo hội Châu Mỹ La Tinh năm 2007 và đó là thành quả của một quá trình phân định lâu dài của Giáo hội này. Khi tôi thảo luận với các giám mục, các hồng y Mỹ, họ nói với tôi: “Ngài toàn cầu hóa Aparecida”. Thành công cải cách của ngài trước hết phải đánh giá theo lăng kính của hoán cải mục vụ. Các cải cách thể chế và các thay đổi trong cách quản trị chỉ là các phương tiện để nhắm đến cùng đích này.

Thẩm định một hoán cải mục vụ có phải là chuyện không thể được trong năm năm không?

Đó là điều không thể nào tránh được. Phải cần cả một thế hệ để có thể có một phán xét. Các thay đổi trong Giáo hội công giáo thì rất chậm. Ngược lại, theo cách nhìn của nhiều người, Giáo hội không phải là một công ty đa quốc gia với một ông chủ ở trên cao có thể ra chỉ thị và bắt áp dụng ngay lập tức. Như chúng ta đã thấy qua sự tiếp nhận dè dặt của Tông huấn Niềm vui Yêu thương năm 2016, các kháng cự đến từ Rôma đôi khi rất lớn. Nhưng tôi tin chắc triều giáo hoàng này là triều giáo hoàng đầu tiên của một kỷ nguyên mới cho Giáo hội. Năm 2013, chúng ta đang bước qua những gì gần như là còn theo cách quản trị Giáo hội ở Âu châu (chế độ quân chủ hay đế chế) qua một khuôn mẫu phục vụ toàn vũ. Một khuôn mẫu do sáng kiến của Công đồng Vatican II nhưng việc thực hiện phải có thời gian. Đức Phanxicô là nhân vật chính của một sự thay đổi bền lâu, hình thành cho một kỷ nguyên giáo hoàng mới. Ngài đưa ra một tiến trình.

Nếu họ rất ồn ào và những bất bình được xem là dấu hiệu của sự việc đang chuyển động hơn là một thất bại. 

Nhưng tiến trình này có đủ an toàn để có thể không đi lui lại không?

Cho đến giờ này, những gì chúng ta có thể nói là ngài cực kỳ thành công khi đưa ra chương trình của mình. Tất cả mọi người đều hiểu ngài muốn Giáo hội đi tới. Và dù cho có kháng cự, ngài được đại đa số các giám mục, các hồng y ủng hộ. Nếu họ rất ồn ào và những bất bình được xem là dấu hiệu của sự việc đang chuyển động hơn là một thất bại. Ngài rất thích câu của Đồng-ki-sốt trong tác phẩm Cervantès: “Sancho, nếu chó sủa là dấu hiệu chúng ta đang đi tới”.

Một cách cụ thể, ngài đã làm gì để bảo đảm cho sự thành công cải cách của ngài?

Chúng ta hãy khởi đi từ ý tưởng hoán cải mục vụ: đó là chấm dứt với một Giáo hội tự quy vào chính mình trong việc tuyên xưng đức tin và giáo điều, nhưng bắt đầu một Giáo hội hoàn toàn dấn thân vào xã hội qua công việc mục vụ. Đức Phanxicô đã thực hiện được công việc khó khăn này. Các ẩn dụ lớn như: Giáo hội như một bệnh viện làng quê, Tông huấn Niềm vui Yêu thương, các Thượng Hội đồng, cách đối xử của ngài, tất cả hướng về một Giáo hội đi ra với người khác, đi về vùng ngoại vi mà không chờ người khác tự họ đến, không chờ tùy thuộc vào các cơ cấu. Ngài có một đường hướng rõ, với các thái độ rõ ràng: tháp tùng, phân định, hội nhập và bối cảnh truyền giáo. Ngài đã có những hành vi cụ thể qua các giám mục, các hồng y ngài tấn phong và các chuẩn mực mới trong việc đào tạo linh mục. Là giáo hoàng, ngài nói với tất cả mọi người, nhưng ngài có tác động trực tiếp trên bốn hàng ngũ: các hồng y, các sứ thần, các giám mục và linh mục.

Ngài có làm việc trong các thay đổi đáng kể của Hồng y đoàn, cơ quan có nhiệm vụ bầu người kế nhiệm ngài không?

Ở mức độ tiên quyết, Đức Phanxicô hoàn vũ hóa Hồng y đoàn, ngài bổ nhiệm hồng y cho các nước chưa bao giờ có hồng y. Điều này Đức Gioan-Phaolô II đã làm trước ngài, vi ngài muốn phản ảnh toàn bộ tín hữu công giáo, đã giảm ở phương Tây và gia tăng ở các nước miền Nam. Nhưng điều làm cho chọn lựa của Đức Phanxicô trở nên đặc biệt là ngài đi tìm các tín hữu ở những nơi con số tín hữu công giáo không tăng: Miến Điện, Tonga… Ở Salvador, ngài chọn một giám mục phụ tá. Ngài cũng đề cử một sứ thần. Rất nhiều người  không ở các thành phố lớn nhưng ở những nơi xa xuôi hẻo lánh, những nơi nghèo nàn và đôi khi không có bao nhiêu tín hữu công giáo. Ngài tin chắc Giáo hội hoàn vũ phải lắng nghe những tiếng nói này, bởi vì vùng ngoại vi hình thành vùng trung tâm – như Chúa Giêsu đến từ Bêlem… Điều này cũng khởi đi từ một xác tín thần học. Đức Phanxicô tin chắc Chúa Kitô được thấy rõ ở các vùng ngoại vi, nơi đau khổ, nơi bên lề, nơi nghèo khổ hơn là ở trung tâm.

Trong Giáo hội sắp tới, các giáo dân, các ông các bà, được gọi để là những người rao giảng Tin Mừng chính. 

Nhưng có một số đáng kể các linh mục ở Âu châu tỏ ra rất phê phán với bối cảnh mục vụ của Đức Phanxicô, họ thấy đây là giáo hoàng tương đối hóa giáo huấn Giáo hội và tạo hoang mang… Làm thế nào có thể hy vọng cải cách Giáo hội với một rạn nứt như vậy?

Những gì bà mô tả cũng giống như ở Mỹ, nhưng điều này không đứng vững ở Châu Mỹ La Tinh. Hơn nữa, nếu sự thành công cải cách dựa trên sự chấp nhận phổ quát của hàng giáo sĩ thì đương nhiên đây là một thất bại. Nhưng tôi thấy sự việc theo một cách khác, phải hiểu các kháng cự này là dấu hiệu cho kết quả cải cách của ngài. Nhưng cũng cần tìm hiểu lý do giận dữ của các linh mục. Ở Mỹ, Đức Phanxicô bị cho là đã gây rạn nứt lớn giữa người tiến bộ/người bảo thủ từ sau Công đồng Vatican II, và bị cho là người làm cho giáo điều bị suy yếu, đó là sai. Một lý do khác của sự chối bỏ, sâu đậm hơn, đó là các linh mục này cảm thấy bị thách thức về mặt hiện sinh, trong cái nhìn họ có về Giáo hội và về chính họ. Xuất sắc về phụng vụ và chính thống, về đức tin là không còn đủ nữa. Đối với một số người, như thế là đáng sợ…

Nhưng đòi hỏi các linh mục là những nhà tháp tùng thiêng liêng trong khi một số người trong họ đã bị kiệt sức, có phải là già néo đứt dây không?

Nếu Giáo hội xem Tông huấn Niềm vui Tin Mừng là nghiêm túc thì đây không phải là vấn đề, bởi vì cũng có các giáo dân có một đời sống tận hiến. Đức Phanxicô đã lặp đi lặp lại không ngừng: trở ngại lớn nhất của việc hoán cải mục vụ là chủ nghĩa giáo quyền. Trong Giáo hội sắp tới, các giáo dân, các ông các bà, được gọi để là những người rao giảng Tin Mừng chính.

Còn về việc khan hiếm linh mục, ngay khi Giáo hội đáp ứng lời kêu gọi đi gặp gỡ người khác, ra vùng ngoại vi thì khi đó sẽ có sự tái sinh. Có thể là không ngay lập tức nhưng là trong tương lai, thời gian để làm cho bộ máy hoạt động trở lại.

Một cách nào đó, thành công lớn nhất của ngài và điểm mong manh nhất của ngài là bị/được xem là một giáo hoàng “cool”…

Đúng! Vấn đề là ngài nhấn mạnh đến lòng thương xót mà những người bảo thủ nghĩ rằng ngài ít cương nghị về giáo điều. Nhưng khái niệm lòng thương xót của ngài có tính cách thiêng liêng sâu đậm: lòng thương xót có gốc rễ trong chính kinh nghiệm riêng của ngài về cách Chúa hành động trong đời sống chúng ta. Và đó là chìa khóa. Trong chính đời sống của ngài, ngài cảm nhận lòng thương xót Chúa đi trước cả lúc mình chấp nhận tội lỗi của mình và mình cần được hoán cải. Vì thế ngài đặt lòng thương xót lên hàng đầu, bởi vì ngài nghĩ, không có lòng thương xót thì không có khoảng không gian cần thiết để hoán cải. Vậy mà thường thường Giáo hội hoạt động theo thứ tự ngược lại, khi bạn ý thức bạn có tội, xin mời bạn đến và Chúa sẽ tha thứ cho bạn. Nhưng đó không phải là cách mọi người làm. Chúng ta xem lại câu chuyện Chúa Giêsu và người đàn bà ngoại tình… Bà là người tội lỗi, Chúa Giêsu không nói đến tội của bà nhưng Ngài tạo một khoảng không gian để chứng nghiệm tình yêu của Chúa, để bà ý thức tội của mình và hoán cải. Đó không phải là “cool”, cũng không phải là “không cool”. Đó là Phúc Âm.

Austen Ivereigh, sử gia và khảo luận gia người Anh, nhà sáng lập Tiếng nói Công giáo, một tổ chức để nói chuyện với giáo dân, ông là tác giả một trong các tiểu sử kinh điển của giáo hoàng, Phanxicô, nhà cải cách (Nxb. Emmanuel).

Marta An Nguyễn dịch

697    11-03-2018