Sidebar

Thứ Ba
07.05.2024

Có cần cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa khi cầu nguyện không? (tiếp theo)

(tiếp theo)
2123456789101112131415161718192021222324252627282930313233343536373839404142434445464748495051525354555657585960616263646566676869707172737475767778798081828384858687888990
“Mong đợi Chúa, tôi mong chờ Ngài”

Như một lời thách thức lành mạnh, chúng ta có thể tự mình thực hiện hành động buông bỏ chính mình như Padre Dolindo Ruotolo: “Ôi! Lạy Chúa, con buông bỏ chính mình con cho Chúa, chính Chúa là Đấng con tưởng nghĩ tới!” Kết quả được đảm bảo cho những tâm hồn xao động… và những bậc cha mẹ đuối sức! Padre Dolindo Ruotolo nói thêm “Quy phục Ngài không có nghĩa là cứ tự dằn vặt, âu lo và tuyệt vọng trong khi không ngừng xin Ngài thực hiện những gì ta muốn; nhưng phải biến sự xao động của lòng mình thành lời cầu nguyện”.[10]

Hãy đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa và… chờ đợi. “Expectans expectavi Dominum; Con mong đợi Chúa trong khi chờ đợi Ngài” Bossuet [11] viết. “Mong đợi trong khi chờ đợi là mong đợi trong sự đơn sơ, không cần làm gì cả, chứ đừng như ép buộc Vị Tân Lang Thánh Thiêng: Điều phải làm duy nhất là tách biệt mình ra, để cho mình được kéo ra khỏi đám đông, khỏi những phiền nhiễu, những thú vui, những thỏa mãn mau qua, v.v., và cứ nhẫn nại chờ đợi những gì Chàng rể muốn làm.” Vì vậy, chúng ta đừng e ngại buông đôi cánh tay của mình xuống vì rồi  ra chúng ta sẽ lại đưa chúng lên cao hơn.

Làm thế nào để bạn thực sự bước vào sự hiện diện của Thiên Chúa?

1. Đi vào sự hiện diện của Thiên Chúa với lòng tôn kính; Mặc dù Ngài là Cha của chúng ta, Thiên Chúa vẫn là một vị Vua. Thánh vịnh 95: 3 “Bởi Thiên Chúa là Chúa Trời cao cả, là Đại Vương trổi vượt chư thần”  Do đó, chúng ta phải đảm bảo cách chúng ta xưng hô với Ngài, điều đó phải được thực hiện với sự tôn kính và luôn luôn với tấm lòng biết ơn.

2. Ca hát hoặc ngợi khen: Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa ngự giữa những lời ngợi khen của dân Ngài: “Thiên Chúa ngự nơi đền, vinh quang của Israel là Ngài”. (Thánh vịnh 22: 3). Do đó, hãy bắt đầu bằng cách tạo ra một bầu khí thuận lợi để Chúa Thánh Thần tỏ hiện là điều thích hợp. Cũng có thể là những lời chúc tụng Thiên Chúa, ngợi khen và tôn vinh Ngài. Chúng ta phải luôn cẩn thận giữ một cõi lòng biết ơn đối với tất cả những gì Thiên Chúa đã làm trong cuộc đời ta ngay cả khi ta chưa đạt được mọi thứ ta muốn. 

3. Xin Chúa cho phép ta tiếp cận sự hiện diện của Ngài bằng cách van nài cầu xin Chúa Thánh Thần. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến, thưa lên với Ngài rằng con muốn sự hiện diện của Ngài.

4. Xin Chúa Thánh Thần kiểm soát những gì chúng ta định nói. Nếu là con cái của Thiên Chúa, chúng ta bước đi trong Chúa Thánh Thần, thì lời cầu nguyện của chúng ta cũng phải do Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Chúng ta không nên giới hạn mình trong danh sách những lời cầu nguyện xuất phát từ trí khôn của chúng ta. Chúa Thánh Thần biết rõ hơn chúng ta và làm những gì chúng ta cần vào thời điểm đó, vì vậy tốt nhất là hãy để Chúa Thánh Thần kiểm soát. Thiên Chúa là Thần Khí, và những ai thờ phượng Ngài phải thờ phượng Ngài bằng thần khí và sự thật: “Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” (Gioan 4:24)

5. Khi được Thánh Thần thúc giục, chúng ta hãy bắt đầu nói chuyện với Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần có thể thúc đẩy chúng ta nói chuyện và ngợi khen Thiên Chúa một lần nữa, chỉ cần làm như Chúa Thánh Thần đã thúc giục chúng ta. Chúng ta có thể cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa ở giai đoạn này. Nhưng hãy cẩn thận, đây là một bài tập cần có thời gian, đừng nản lòng nếu ngay từ lần đầu tiên chúng ta chưa cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta phải kiên trì. Nên có một tờ giấy và một cái gì đó để viết ra trong khi cầu nguyện. Thiên Chúa thực sự có thể nói với chúng ta theo nhiều cách (thị kiến, ý tưởng, xác tín ...), bạn phải ghi nhớ mọi thứ vì bạn có nguy cơ mất tất cả nếu bạn đợi cho đến khi kết thúc lời cầu nguyện mới làm như vậy. Thiên Chúa thậm chí có thể nói với chúng ta về một chủ đề không liên quan gì đến mục đích cầu nguyện của chúng ta, dù sao chúng ta hãy lưu ý khi thực hiện bước thứ năm này,

6. Hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để chống lại các cơn cám dỗ, tránh xa tội lỗi, và quy phục cả thân xác và ý muốn của chúng ta cho Chúa Thánh Thần. Hãy cầu xin Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô đổ xuống trên bản thân và gia đình của bạn hoặc của một người nào đó. Hãy nhân danh Chúa Giêsu Kitô để tiêu diệt mọi cạm bẫy mà kẻ thù đã sắp sẵn để chống lại bạn và công bố sự hoang mang trong sào huyệt của hắn. Hãy tuyên xưng rằng bất cứ vũ khí nào được rèn đúc để chống lại bạn và gia đình bạn sẽ thành vô hiệu và các bước đi của bạn sẽ được Thiên Chúa dẫn dắt suốt cả ngày. Hãy tạ ơn Thiên Chúa vì vinh dự được hiện diện và gần gũi với Ngài.

Lời cầu nguyện đầu tiên thường nên được thực hiện vào sáng sớm trước khi bắt đầu một ngày, một số người nói rằng nên vào lúc bình minh trước khi mặt trời mọc. Nhưng sự cầu nguyện và sự tương giao với Thiên Chúa không được giới hạn trong thời gian cầu nguyện này, bạn phải “cầu nguyện không ngừng” (1 Thessalonica 5:17) và luôn ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa suốt ngày. Bởi vì thực sự, Thiên Chúa hiện diện mọi lúc, chúng ta không phải lúc nào cũng cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa vì chúng ta bị bao trùm suốt ngày bởi nhiều hoạt động khác nhau. Giá như chúng ta quyết định luôn ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa suốt ngày và nói chuyện với Ngài mọi lúc, chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy Ngài đáp lại chúng ta và chúng ta sẽ thấy mình cầu nguyện không ngừng như Kinh Thánh khuyến nghị: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Thessalonica 5: 16 -18) và chúng ta được niềm hy vọng vững bền trong tâm hồn: “Do đó, chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta. Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh” (Do Thái 6: 18-19).

Để nắm được cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chúng ta cần có tâm tình khiêm nhường, tín thác và kiên trì trong cầu nguyện cùng Thiên Chúa, ngay cả khi ta chỉ cảm thấy khô khan nguội lạnh: “Chúng ta cần phải đương đầu với những gì chúng ta cảm nhận được như những thất bại trong việc cầu nguyện: chán nản vì khô khan, buồn phiền vì mình không tiến dâng tất cả cho Chúa, (vì chúng ta có nhiều của cải), thất vọng vì Chúa không theo ý mình, kiêu ngạo nên chai lỳ trong tình trạng bất xứng của tội nhân, dị ứng với việc cầu nguyện vì cho rằng cầu nguyện là xin xỏ và việc cho không của Chúa... Những điều này luôn luôn dẫn đến cùng một kết luận: cầu nguyện để làm gì? Muốn thắng được những trở ngại này, chúng ta phải chiến đấu để biết khiêm nhường, tín thác và kiên trì.” [12]

Giáo lý Hội thánh nhấn mạnh: “Tình trạng khô khan thường xảy đến trong chiêm niệm; khi ta cảm thấy xa cách Chúa, không còn hứng thú với những ý nghĩ hoài niệm và tâm tình thiêng liêng. Ðây là lúc chúng ta chỉ còn lấy đức tin mà gắn bó với Chúa Kitô trong cơn hấp hối và trong mồ tối. "Hạt lúa gieo vào lòng đất, nếu chết đi nó mới sinh nhiều hạt khác" (Ga 12, 24). Nếu tình trạng khô khan xảy ra vì đức tin của ta thiếu nền tảng vững chắc, vì Lời Chúa đã rơi xuống đá sỏi, thì chúng ta cần chiến đấu để hoán cải nội tâm.” [13]

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Bài giáo lý thứ 9 về Cầu Nguyện, đã nói:

“Trong tâm hồn của những con người cầu nguyện thì cảm quan về tình trạng yến hèn của họ thì quí hơn những lúc họ cảm thấy hỉ hoan, hơn lúc đời sống của họ là một chuỗi vinh thắng và thành công. Điều ấy luôn xẩy ra trong việc cầu nguyện: có những lúc chúng ta cảm thấy lâng lâng, thậm chí đầy phấn khởi, khi cầu nguyện, và có những lúc cầu nguyện lại đớn đau, khô cằn, thách đố. Cầu nguyện là như thế đó: hãy để mình được Thiên Chúa ôm ấp, và cũng hãy để cho mình bị tấn công bởi những tình huống khó chịu, thậm chí bởi các thứ cám dỗ. Đó là một thực tại được nhắc đến trong nhiều ơn gọi Thánh Kinh, ngay cả trong Tân Ước nữa; chẳng hạn như trường hợp của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Đời sống của hai vị này cũng như thế nữa: có những lúc hoan hỉ và cũng có những lúc xuống tinh thần, những lúc khổ đau… Cầu nguyện không phải chỉ là việc khóa mình lại với Chúa để làm cho linh hồn mình hiện lên mỹ miều: không, đó không phải là cầu nguyện, đó là ngụy cầu nguyện. Cầu nguyện là một cuộc đối diện với Thiên Chúa, để mình được Ngài sai đi phục vụ anh chị em của mình. Chứng cớ của việc nguyện cầu đó là tình yêu thực sự đối với tha nhân. Và ngược lại: thành phần tín hữu hoạt động trên thế giới sau khi họ đã trầm lắng và nguyện cầu; bằng không, hành động của họ là những gì bốc đồng, nó chẳng có ý thức gì, nó dục tốc bất đạt. Thành phần tín hữu tác hành như vậy là họ thực hiện rất nhiều thứ bất chính, bởi họ không cầu nguyện cùng Chúa trước, để nhận thức được những gì họ cần phải làm. Các trang Thánh Kinh cho thấy rằng đức tin của tiên tri Êlia cũng có tiến bộ, ở chỗ ngài đã thăng tiến trong việc nguyện cầu, ngài làm cho nó nên hoàn hảo từng chút một. Dung nhan của Thiên Chúa được ngài nhắm tới khi ngài bước đi. Tiên tri Êlia tiến đến tột đỉnh cảm nghiệm phi thường ấy, khi Thiên Chúa tỏ mình ra cho ngài ở trên núi (1 Các Vua 19:9-13). Thiên Chúa đã tỏ mình ra không phải ở nơi bão tố, không phải ở nơi động đất hay ở nơi lửa thiêu, mà là ở nơi "một âm thanh thì thào nho nhỏ." Hay đúng hơn, có cách diễn tả rõ về cảm nghiệm ấy như thế này: ở một luồng âm vang thinh lặng. Đó là cách Thiên Chúa tỏ mình ra cho Êlia. Chính nhờ cái dấu hiệu bé mọn này mà Thiên Chúa thông truyền với tiên tri Êlia, một con người vào lúc ấy là một vị tiên tri trốn ẩn bất an. Thiên Chúa đã đến để gặp gỡ một con người mệt mỏi, một con người nghĩ rằng mình thua ở hết mọi chiến tuyến, và với luồng gió thoảng nhẹ ấy, bằng luồng âm vang thinh lặng ấy, Thiên Chúa trả lại cho cõi lòng này tình trạng trầm lắng và bình an.” [14]  

Tác giả: Elisabeth Caillemer - Nguồn: famillechrétienne.fr, "A-t-on besoin de ressentir la présence de Dieu quand on prie?" (10/02/2021)
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung - Nguồn: conggiao.info (18/8/2021)

--------------------

[10] Tu sĩ dòng Phanxicô thành Napoli (1882-1970), người đang được tiến hành thủ tục phong chân phước.

[11] Bossuet, tên đầy đủ là Jacques-Bénigne Lignel Bossuet (1627 - 1704), là một giám mục và nhà thần học người Pháp, nổi tiếng về các bài giảng và các bài diễn văn khác. Giám mục Bossuet được coi là một trong những nhà hùng biện lỗi lạc nhất mọi thời đại, là vị giảng thuyết cho triều đình vua Louis XIV của Pháp.

[12] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2727.

[13] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2731.

[14] ĐTC Phanxicô, Bài giáo lý thứ 9 về Cầu Nguyện, Vatican News, 09 tháng 10 năm 2020.

429    20-08-2021