Sidebar

Thứ Năm
16.05.2024

Đối diện với con rồng, đối diện với điều cao cả trong cuộc sống chúng ta

 

Một quyển sách ở lâu bên cạnh thường đó là quyển sách thật quan trọng. Tôi còn nhớ cách đây mười năm, tôi đọc quyển Bạo Lực Lộ Diện của Gil Bailie, lúc đó tôi có cảm nhận đây là một quyển sách đáng kể. Tôi cũng vừa có cảm nhận này khi đọc quyển Đối Diện với Con Rồng: Đối Diện với Tầm Cao Cả Thiêng Liêng và Chính Mình. Đây không phải là một quyển sách bình thường, đáng đọc, đáng thích rồi để một bên. Đây là một quyển sách cần nghiên cứu kỹ nhiều lần.

Robert L. Moore là ai? Ông không phải là chuyên gia thần học cũng không phải là người quen thuộc trong các nhà thờ đại chúng, dù ông có tầm ảnh hưởng lớn trên các sứ vụ viên hoạt động trong nhà thờ. Ông là giáo sư Khoa Phân Tâm, Văn Hóa và Thiêng Liêng ở Chủng Viện Thần Học Chicago và là nhà sáng lập Viện Thiêng Liêng ở Chicago. Trong lãnh vực nghiên cứu và giảng dạy, ông tập hợp các hiểu biết của các khoa nhân chủng, thiêng liêng, lịch sử, tâm lý để có một cái nhìn duy nhất hiểu được về bản thể con người, đặc biệt trong việc đấu tranh với tội lỗi và ân sủng, thổi phồng và suy thoái, hung bạo và cao cả.

Tôi được biết ông cách đây hai mươi năm ở San Francisco. Một cựu sinh viên điện thoại cho tôi nói sẽ đến đón tôi để đi nghe «một tư tưởng gia phi thường.» Tôi đi theo và đã không thất vọng. Có rất nhiều tư tưởng gia sáng giá, nhưng những điều tôi nghe từ Robert Moore chứa đựng một cái gì khác, hàng chục năm khổ công nghiên cứu tổng hợp lại trong một thế thăng bằng thật hiếm. Không có tư tưởng tự do hay bảo thủ, không có mộ đạo hay sùng tín đối đầu với quá khứ hay văn hóa, không có tôn giáo huyền ảo hay phản tôn giáo lệch lạc nào. Tôi có cảm tưởng như cuối cùng tôi có được người đỡ đầu.

Tôi mua mọi cuốn sách và băng thu bài giảng của ông, trong suốt sáu năm liền, tôi để hàng trăm giờ để nghe (thường trong khi lái xe) các bài giảng này. Tôi cũng bắt đầu đưa tư tưởng và cấu trúc của ông vào các bài viết và bài dạy của tôi. Mỗi lần  giảng các tư tưởng của ông, các sinh viên sốt ruột hỏi tôi nên đọc thêm các sách nào để đào sâu các tư tưởng này. Khổ thay, vào thời đó, các sách của ông chưa phong phú bằng các bài nói chuyện của ông. Nhưng nó đã thay đổi khi quyển Đối Diện với Con Rồng: Đối Diện với Tầm Cao Cả Thiêng Liêng được xuất bản. Cuối cùng, bây giờ chúng tôi có quyển sách tập hợp lại các hiểu biết sâu sắc nói lên đúng tư tưởng của ông.

Cái gì, trong tựa đề, là các hiểu biết sâu sắc?

Giống như Sách Thánh đã nói, Moore khẳng định mỗi người chúng ta được sinh ra với một tầm cao cả bẩm sinh, không cách nào xóa đi được, bởi vì vậy, chúng ta có những khả năng tưởng tượng và những mong ước cho mình vượt hơn khả năng mà kinh nghiệm sống thực tế hỗ trợ cho chúng ta. Gần như lúc nào chúng ta cũng muốn vượt ra khỏi lốt da thịt của mình bởi vì cuộc sống hình như quá nhỏ đối với chúng ta. Nhưng ở đây có một lý do chính đáng: Trong chúng ta mỗi người đều mang Hình Ảnh và Chân Dung của Chúa. Còn hơn cả bức tượng in dấu trong lòng chúng ta; đó là lửa và năng lượng, mà, giống như Chúa, không có biên giới. Chúng ta đến với thế gian này với dấu ấn của Chúa; phẩm cách, năng lượng này tạo một tầm cao cả thần thánh trong lòng chúng ta.

Và năng lượng cao cả này sinh ra khao khát mà chúng ta không dễ gì kềm giữ nó được. Khi nhìn cội rễ của ham muốn, tham vọng, lệ thuộc, cay đắng, giận dữ, hiếu động bệnh hoạn, hung bạo, thì chúng ta thấy không có một thấu hiểu thực sự nào với các chuyện này cho đến khi, trước hết, chúng ta hiểu được tầm cao cả ngụt cháy trong mỗi con người mình. Chỉ cần nhìn 6 tỷ người trên hành tinh nhỏ bé và mỗi người âm thầm nuôi dưỡng một vị thần trong lòng, thì chuyện chúng ta hay gây chiến tranh và bạo lực không phải là chuyện ngẫu nhiên. Tất cả chúng ta đều mang một niềm tự phụ nguy hiểm và bệnh hoạn.

Đối với Moore, thất bại không nhận ra tầm cao cả này là cội rễ các cuộc đấu tranh và có thể đó là điều ngây ngô nguy hiểm nhất trong các ngây ngô. Ông viết, trí tưởng tượng của thời buổi này cho rằng chúng ta sẽ tốt hơn nếu không có Chúa và nhà thờ, nhưng tưởng tượng này không để ý đến «sự gia tăng của một nền văn hóa ái kỷ với nạn dịch bệnh hoạn tồi tệ của sự phô trương vĩ đại.»

Giải pháp của ông? Khiêm tốn. Nhưng, tầm cao cả bẩm sinh có thể cho chúng ta lòng khiêm tốn chân thật được không?

Được, chúng ta có thể có được lòng khiêm tốn chân thật và đó là hy vọng duy nhất của chúng ta. Nhưng, đối với ông, lòng khiêm tốn chân thật bao gồm hai chuyện: Biết giới hạn của mình và xin được giúp đỡ những gì mình cần. Theo Moore, không bao giờ có câu hỏi: «Tôi có tự phụ một cách nguy hiểm không?» mà chỉ có câu hỏi: «Làm thế nào để tôi có được giúp đỡ cần thiết để thương thảo với tầm cao cả của tôi?»

Theo ông, sự giúp đỡ này tìm được trong quan hệ với Chúa, giúp chúng ta chấp nhận một cách lành mạnh và dùng năng lượng thần thánh của chúng ta, dù rõ ràng là chúng ta không bao giờ đồng nhất với năng lượng này. Chúng ta không phải là Chúa, dù chúng ta dùng năng lượng thần thánh. Cuộc chiến đấu mãi mãi của chúng ta giữa suy thoái và thổi phồng, cốt tủy là cuộc chiến đấu để cầu nguyện cho đúng.

Không biết đến cuộc chiến đấu này, là như tác giả nói, «tiếp tục chuẩn bị một cách vô thức cho nghi thức an táng cuối cùng của mình.»

J.B. Thái Hòa dịch

1156    15-10-2017