Sidebar

Thứ Sáu
10.05.2024

Đức Hồng Y Parolin: COP26 phải khẳng định vai trò trung tâm của chủ nghĩa đa phương và hành động

cq5damthumbnailcropped75042213
 Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin


Hơn 30.000 đại biểu sẽ nhóm họp tại Glasgow, Scotland, từ ngày 31 tháng 10 đến ngày 12 tháng 11 nhân dịp Hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc về vấn đề biến đổi khí hậu (COP26). “Chúng tôi có các phương tiện và nguồn lực để thay đổi đường lối”, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Vatican.

Hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc về vấn đề biến đổi khí hậu, hay còn gọi là COP26, sẽ là hội nghị thượng đỉnh cấp cao quốc tế lớn nhất mà Vương quốc Anh từng đăng cai tổ chức. Hơn 30.000 đại biểu, gần 200 nhà lãnh đạo thế giới cũng như các chuyên gia và nhà hoạt động khí hậu sẽ cùng nhau cập nhật các kế hoạch giảm phát thải nhằm chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu.

Vào ngày 26 tháng 10, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi hành động cụ thể để bảo vệ hành tinh. “Chúng ta vẫn đang theo dõi thảm họa khí hậu”, ông Guterres cảnh báo, bình luận về Báo cáo Khoảng cách phát thải năm 2021. “Thời đại của những biện pháp nửa vời và những lời hứa suông phải kết thúc. Thời gian để thu hẹp khoảng cách của giới lãnh đạo phải bắt đầu ở Glasgow”.

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong một thông điệp video-audio gửi cho BBC trước thềm hội nghị thượng đỉnh COP26, đã kêu gọi “những lựa chọn triệt để” nhằm đưa nhân loại thoát khỏi nhiều cuộc khủng hoảng xuyên suốt và có sự kết nối mà họ đang phải trải qua.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, người đang dẫn đầu phái đoàn của Tòa Thánh tại Glasgow, đã trò chuyện với Truyền thông Vatican vào ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh quan trọng:

Kính thưa Đức Hồng Y, COP26, Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu, sắp diễn ra. Những mối bận tâm thúc đẩy sự hiện diện của Tòa Thánh là gì?

COP26 là Hội nghị đầu tiên của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra sau sự bùng phát của Covid-19. Đây cũng là Hội nghị có nhiệm vụ phê chuẩn các phương tiện cụ thể nhằm thực hiện các cam kết mà Thỏa thuận Paris 2015 đã hứa hẹn. Chúng tôi biết quá trình thực hiện hiệu quả của nó phức tạp và không chắc chắn như thế nào, đặc biệt là do hậu quả của đại dịch. Đúng vậy, chúng ta đã chứng kiến sự khởi đầu của quá trình chuyển đổi sang mô hình phát triển không có các công nghệ và hành vi ảnh hưởng đến việc phát thải khí nhà kính. Nhưng vấn đề chính là quá trình chuyển đổi này sẽ diễn ra nhanh chóng như thế nào và liệu nó có thể tôn trọng lịch trình do khoa học quy định hay không. Tòa Thánh hy vọng rằng COP26 sẽ tái khẳng định vai trò trung tâm của chủ nghĩa đa phương và hành động, cũng liên quan đến cái gọi là các chủ thể phi nhà nước. Với tiến độ chậm chạp được thực hiện cho đến nay, Hội nghị Glasgow sẽ tỏ ra khá quan trọng, vì nó sẽ đo lường và thúc đẩy ý chí tập thể cũng như mức độ tham vọng của từng quốc gia.

Hội nghị trước đó ở Madrid đã kết thúc bằng cách kêu gọi “những nỗ lực đầy tham vọng hơn”. Đức Hồng y đã mô tả đây là “một thách thức về mặt văn hóa”. Tiếp theo là gì?

Chúng ta đang sống ở một thời điểm quan trọng trong lịch sử của chúng ta. Các phản ứng đối với Covid-19 và đối với vấn đề biến đổi khí hậu thực sự có thể đáp ứng hy vọng được Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ trong Thông điệp Laudato Si’. Trong Thông điệp này, Đức Thánh Cha tuyên bố rằng “mặc dù thời kỳ hậu công nghiệp có thể được nhớ đến như một trong những thời kỳ vô trách nhiệm nhất trong lịch sử, nhưng vẫn có lý do để hy vọng rằng nhân loại vào buổi bình minh của thế kỷ XXI sẽ được ghi nhớ vì đã quảng đại gánh vác những trách nhiệm quan trọng của mình”. Vì vậy, chúng ta thực sự đang nói đến một thách thức về mặt văn hóa để thúc đẩy công ích và một sự thay đổi quan điểm vốn sẽ đặt phẩm giá con người làm trung tâm điểm của mọi hành động. Các hiện tượng toàn cầu và liên ngành như đại dịch và biến đổi khí hậu ngày càng cho thấy sự cần thiết cần phải thay đổi hướng đi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi, dựa trên sự nhận thức rằng tất cả chúng ta phải cùng cộng tác với nhau để củng cố giao ước giữa con người và môi trường tự nhiên, đặc biệt quan tâm đến những người dễ bị tổn thương nhất.

Trong Thông điệp Laudato Si’, Đức Thánh Cha Phanxicô ủng hộ một hệ sinh thái toàn vẹn, trong đó việc quan tâm đến công trình sáng tạo, quan tâm đến người nghèo, cam kết xã hội và nỗ lực hòa bình không thể tách rời nhau. Những nhu cầu cấp thiết nhất là gì?

Đến nay, rõ ràng là tình trạng suy thoái môi trường và tình trạng suy thoái xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau. Đây là một khái niệm quan trọng của nền sinh thái học toàn vẹn: “hòa bình, công lý và việc bảo vệ công trình sáng tạo là ba chủ đề liên kết tuyệt đối với nhau, vốn không thể bị tách rời và giải quyết một cách riêng lẻ mà không một lần nữa rơi vào chủ nghĩa giản lược”. Vì vậy, điều quan trọng là COP26 cần phải đưa ra phản ứng tập thể rõ ràng, không chỉ bằng việc thúc đẩy các nỗ lực nhằm giảm thiểu và thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu về phía tất cả các quốc gia mà còn bằng việc giúp các quốc gia dễ bị tổn thương nhất đối mặt với những mất mát và thiệt hại mà vấn đề biến đổi khí hậu gây ra. Thật bi thảm, những điều này đã trở thành hiện thực trong nhiều bối cảnh.

Đức Thánh Cha Phanxicô liên tục thúc giục việc áp dụng các hành vi và hành động dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau và tinh thần đồng trách nhiệm trong một thế giới mà “tất cả mọi thứ đều có sự kết nối với nhau”, tuy nhiên các mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm và bền vững sinh thái được nêu trong Thỏa thuận Paris năm 2015 dường như vẫn còn rất xa so với thực tế. Những đường hướng cần phải theo đuổi là gì?

Trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhà khoa học vào ngày 4 tháng 10 vừa qua để ký Lời kêu gọi chung cho COP26, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng một tư duy hướng tới sự phụ thuộc và chia sẻ lẫn nhau. “Chúng ta không thể hành động một mình”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “về cơ bản, mỗi chúng ta đều có trách nhiệm quan tâm đến nhau và quan tâm đến môi trường. Sự cam kết này sẽ dẫn đến một sự thay đổi hướng đi cần thiết cấp bách, cũng được thúc đẩy bởi niềm tin tôn giáo và linh đạo tương ứng của chúng ta… một cam kết liên tục được thúc đẩy bởi sự năng động của tình yêu thương” được đổi mới hàng ngày. Đây quả là một thách thức thực sự; nó đồng nghĩa với việc chống lại “nền văn hóa thải loại” đang phổ biến trong xã hội của chúng ta và được nuôi dưỡng bởi điều mà Lời kêu gọi chung gọi là “mầm mống của những xung đột: sự tham lam, thờ ơ, thiếu hiểu biết, sợ hãi, bất công, bất an và bạo lực”. Cách để đạt được các mục tiêu bền vững về môi trường và chống lại sự suy thoái về môi trường và xã hội cần phải bắt đầu từ sự nhận thức này về sự cần thiết cần phải chuyển từ “văn hóa thải loại” sang “văn hóa quan tâm chăm sóc”. Đây là con đường duy nhất hướng tới việc thực hiện có hiệu quả các nội dung của Thỏa thuận Paris.

Đức Thánh Cha Phanxicô, khi nói về điều mà ngài gọi là “quá trình chuyển đổi sinh thái” mà chúng ta hiện đang trải qua, đã nói về “nghĩa vụ phải quay đầu”, được truyền cảm hứng bởi hy vọng rằng “chúng ta luôn có thể thay đổi hướng đi”. Chúng ta có thể mong đợi cụ thể điều gì từ Hội nghị Liên hợp quốc này?

Dữ liệu gần đây nhất do các cơ quan khoa học quốc tế khác nhau cung cấp chắc chắn không đáng khích lệ đối với những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Điều này cho thấy những khó khăn liên quan đến việc thay đổi hướng đi này, nhưng nó cũng chỉ ra một cách rõ ràng hơn tính cấp thiết của nó. Chúng ta có các phương tiện và nguồn lực để thực hiện sự thay đổi hướng đi này; điều hiện vẫn còn thiếu là một ý chí chính trị rõ ràng. Sự thay đổi hướng đi như vậy cần phải có sự tham gia của tất cả mọi người; không ai có thể kìm hãm hoặc không cam kết tận tâm khi đối mặt với thử thách nghiêm trọng này. Những người trẻ tuổi là những người đầu tiên phải thừa nhận điều này. Trong Lời kêu gọi có chữ ký của các nhà lãnh đạo tôn giáo: “Chúng ta được thừa hưởng một khu vườn: chúng ta không được để lại một hoang mạc cho con cái của chúng ta”. COP26 đại diện cho một dịp quan trọng để khẳng định một cách cụ thể cách chúng ta dự định thực hiện chính xác điều đó.


Minh Tuệ chuyển ngữ từ Vatican News (31/10/2021)
Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam (31/10/2021)

259    01-11-2021