Sidebar

Thứ Ba
14.05.2024

Đức Phanxicô… năm năm sau

 

 

Rất nhiều người đã nói, đã viết về năm năm triều giáo hoàng Đức Phanxicô. Là người theo sát từ bên trong mật nghị đưa đến việc bầu chọn giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên ngày 13 tháng 3 năm 2013, vì thế tôi đã có thể theo rất sát tác động đáng kể của năm năm này trên Giáo hội và trên thế giới. Tôi cũng đã nghe các người ngưỡng mộ, các đồ đệ của ngài nói về ngài cũng như nghe các lời chỉ trích. Biết rằng nhiều người có thể nói nhiều hơn tôi, nhưng tôi cũng xin đưa ra một vài suy tư.

Từ tháng 3 năm 2013, Giáo hội chúng ta đi vào một kỷ nguyên mới. Đức Phanxicô đã bẻ gãy truyền thống khi ngài muốn, vì ngài hoàn toàn tự do thoát ra tất cả các ràng buộc mất trật tự. Ngài mang đến cho ngôi Thánh Phêrô một phong cách thông minh riêng của Dòng Tên. Khi chọn tên Phanxicô, ngài xác định quyền lực của đức khiêm tốn và đơn giản. Linh mục Dòng Tên Argentina không những cho thấy sự bổ túc của hai linh đạo I-Nhã và Phanxicô, ngài còn cho thấy, qua đời sống hàng ngày tinh thần và quả tim gặp nhau trong tình yêu của Chúa và trong tình yêu với người anh em. Và cuối cùng, Đức Phanxicô nhắc cho chúng ta nhớ, chúng ta cần Chúa Giêsu đến độ nào, cần sự tương trợ nhau trong suốt cuộc sống chúng ta đến mức độ nào.

Là một trong những người đại diện chính thức Vatican trong thời gian chuyển tiếp năm 2013, tôi phải trở lui lại tài liệu ngôn sứ của triều giáo hoàng đã trải rộng ra dưới mắt chúng ta vào lúc đó. Đó là bài tham luận của một hồng y lúc tiền mật nghị ngày 7 tháng 3 năm 2013. Bài diễn văn này có tên: Sự dịu dàng và an ủi trong niềm vui phúc âm hóa. Trong căn phòng ở trên cao này, hồng y bắt đầu bài diễn văn bằng lời nhắc các hồng y bạn, rằng “phúc âm hóa là lẽ sống của Giáo hội” và chính vì lẽ sống này mà phúc âm hóa phải “vui và mang lại an ủi”. Chính Chúa Giêsu Kitô nhắc cho mỗi người chúng ta từ bên trong. Cũng hồng y này nhấn mạnh đến bốn điểm của một sự đơn giản tột cùng và sâu đậm:

– Phúc âm hóa bao gồm lòng sốt sắng của người tông đồ. Phúc âm hóa bao gồm khát khao mong Giáo hội đi ra khỏi chính mình. Phúc âm hóa là Giáo hội đi ra khỏi chính mình và đi về vùng ngoại vi, không phải chỉ về mặt địa dư mà còn về mặt hiện sinh: đến với những người trong vùng ngoại vi huyền bí của tội, của đau khổ, của bất công, của vô minh, đến với những người không có tôn giáo, không có tư tưởng, những người khốn cùng đủ mọi mặt.

– Khi Giáo hội không đi ra khỏi chính mình để rao giảng phúc âm thì Giáo hội trở nên tự quy và bệnh hoạn (người phụ nữ còng lưng trong Tin Mừng). Các bệnh mà trong suốt quá trình lịch sử Giáo hội mắc phải đều có gốc rễ trong thái độ tự quy, một loại ái kỷ thần học. Trong sách Khải Huyền, Chúa Giêsu nói Ngài ở ngoài cửa và Ngài gõ cửa. Đương nhiên bản văn muốn nói đến Đấng gõ cửa với ước mong được vào, nhưng tôi cũng thường hay nghĩ, không biết bao nhiêu lần Chúa Giêsu gõ từ bên trong để xin chúng ta cho Chúa được thoát ra ngoài. Giáo hội tự quy giữ Chúa Giêsu cho chính mình và từ chối không cho Ngài được đi ra.

– Khi Giáo hội tự quy mà không nhận thức mình tự quy thì Giáo hội nghĩ mình có được ánh sáng riêng của mình. Giáo hội không còn huyền ẩn của mặt trăng (mysterium lunae), khi đó Giáo hội miệt mài đi vào căn bệnh rất nặng là căn bệnh thời thượng thiêng liêng. Giáo hội tự quy sống để tự vinh danh mình. Nói một cách đơn giản, có hai hình ảnh của Giáo hội: một hình ảnh Giáo hội mang tinh thần phúc âm đi ra khỏi chính mình: “Lắng nghe Lời Chúa với tấm lòng tôn kính và tuyên xưng đức tin” và hình ảnh kia là hình ảnh Giáo hội thời thượng, sống bên trong mình, với chính mình và cho chính mình. Điều này làm cho lương tâm chúng ta thấy rõ với cái nhìn của những chuyện có thể thay đổi và có thể cải cách, những chuyện này phải đặt lên hàng đầu để cứu rỗi các tâm hồn.

Hồng y tuyên bố những lời này lúc đó là hồng y ở địa phận Buenos Aires, tên của ngài là Jorge Mario Bergoglio. Tên mới của ngài là Phanxicô. Ngài là tu sĩ Dòng Tên. Đức khiêm tốn của ngài đã làm cho cả thế giới ngạc nhiên. Phong cách của ngài chính là sứ điệp của ngài. Và đó là khía cạnh tận căn nhất của cải cách thiêng liêng trong tinh thần phúc âm triều giáo hoàng của ngài. Từ sự kiện này, ngài mời gọi tất cả tín hữu công giáo, và đặc biệt là hàng giáo sĩ vứt bỏ thành công, tài sản giàu có và quyền lực. Người cha thiêng liêng của Đức Phanxicô là Thánh I-Nhã nhấn mạnh một tu sĩ Dòng Tên không bao giờ được có một tinh thần bài-giáo hội và luôn cởi mở với tác động của Thần Khí. Sự dấn thân của các tu sĩ Dòng Tên là kết quả của kinh nghiệm này, không đi tìm địa vị trong giáo hội ngay cả trong Dòng Tên. Đức Phanxicô đã hướng nội các giá trị này đến mức bây giờ ngài không ngần ngại áp dụng nó cho việc cải cách giáo triều La Mã.

Dưới mắt Thánh I-Nhã, đức khiêm tốn là đức tính làm cho chúng ta đến gần được với Chúa Kitô. Theo tinh thần này, Đức Phanxicô mới có thể hướng dẫn Giáo hội và giáo huấn hàng giáo sĩ theo chân lý của nền tảng này. Ngài dạy chúng ta, đức khiêm tốn, chính xác là đức tính cần thiết làm cho sự tân phúc âm hóa này thành thực tế và có hiệu quả, cả bên trong Giáo hội cũng như trong các tương quan với thế giới. Đức Phanxicô làm việc mỗi ngày để cho Giáo hội được khiêm tốn hơn, dịu dàng và có lòng thương xót hơn, một Giáo hội nhập thể đi bên cạnh giáo dân trên con đường; một Giáo hội lắng nghe, phân định, tháp tùng, tha thứ, chúc lành và diễn tả một cách can đảm và táo bạo; một Giáo hội khóc với người khóc, vui với người vui; một Giáo hội làm tất cả để cự lại với cám dỗ biến đức tin thành một loại luân lý; một Giáo hội cự lại với cám dỗ tách sứ điệp, tách Chúa Giêsu Kitô ra khỏi lòng con người; một Giáo hội cố gắng hội nhập tất cả mọi người trong cộng đoàn đức tin. Theo tinh thần và quả tim của Đức Phanxicô, “một Giáo hội có khả năng mang tư cách công dân đến cho con cái mình đã bị đi xa”.

Tôi không thể quên các lời ngài nói với các anh em giám mục Mỹ của ngài, vào tháng 9 năm 2015 trong lần ngài gặp họ ở nhà thờ chính tòa Thánh Matêô ở Washington DC. Vào dịp này, ngài đã nói lên tầm nhìn của ngài về sứ vụ giáo sĩ của nước Mỹ và của thế giới:

“Một Giáo hội biết quây quần chung quanh lò sưởi là một Giáo hội có khả năng thu hút. Dĩ nhiên không phải bất cứ lò sưởi nào, nhưng đó là lò sưởi sáng lên của buổi sáng Phục Sinh. Chính Chúa Giêsu sống lại tiếp tục chất vấn các mục tử của Giáo hội qua tiếng nói rụt rè của bao nhiêu người anh em: ‘Anh em có cái gì để ăn không’?. Cần thiết là phải nhận ra tiếng nói như các Thánh Tông đồ đã nhận ra tiếng nói ở biển hồ Tibêria (Ga 21, 4-12). ). Nhưng còn quan trọng hơn là phải dựa vào xác quyết, rằng than hồng của sự hiện diện của Ngài, được thắp sáng bằng ngọn lửa đam mê, phải ở trước chúng ta và không bao giờ tắt. Khi thiếu xác quyết này, chúng ta có nguy cơ trở thành những người thích tro tàn, chứ không phải những người gìn giữ và những người phân phối ánh sáng đích thực, cũng như sự ấm áp này có thể sưởi ấm tâm hồn (Lc 24: 32)”.

Chương trình kết hợp với sứ vụ ngôi Thánh Phêrô của Đức Phanxicô không xuất phát từ Buenos Aires, từ Rôma, từ  Loyola hay từ Axixi. Nhưng từ Bêlem, Nadarét, Galilê và Êmau. Nơi trọn lịch sử đã bắt đầu! Nếu nhiều cá nhân hay nhiều nhóm trong Giáo hội có vẻ như gặp khó khăn với Đức Phanxicô, tôi tự hỏi, cuối cùng, đó không phải cũng cùng cảm hứng nguyên thủy này đã gây ra khó khăn cho họ đó không.

Vào cuối buổi chiều ngày 13 tháng 3 năm 2013, Jorge Mario Bergoglio đã nhận lời kêu gọi tái xây dựng, sửa chữa, làm mới lại và chữa lành Giáo hội. Có nhiều người thích thú mô tả tân Giáo hoàng như nhà cách mạng dám làm, được gởi tới để cứu con thuyền. Có người còn nghĩ ngài đến để làm cho con thuyền bị đắm. Tuy nhiên, cuộc cách mạng duy nhất mà Đức Phanxicô khai mở là cuộc cách mạng của lòng dịu dàng, theo chính chữ ngài đã dùng trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng của ngài (EG, no 88).

Trên thực tế, nhiều người cho Đức Phanxicô là “nhà cách mạng lớn”. Lần duy nhất ngài dùng chữ “cách mạng” là trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng đoạn 88 để đề cao cuộc cách mạng dịu dàng do Con Thiên Chúa xuống thế làm người đã thể hiện. Theo tôi, Đức Phanxicô còn khai mở một cuộc cách mạng khác: cuộc cách mạng của chuẩn mực bình thường. Ngài là tấm gương cho cách đối xử mục vụ bình thường của chúng tôi. Đối diện với một thái độ kitô bình thường như thế này, nhiều người cảm thấy bị hụt hẫng hoàn toàn. Phản ứng này phản ảnh chính cách đối xử bất bình thường của mình, muốn đi theo con đường thế gian rất người thay vì đi theo con đường Tin Mừng; con đường dẫn chúng ta đến sự thánh thiện và đời sống sau này. Cách đối xử bình thường của Đức Phanxicô, đối với chúng tôi vừa là một thách thức, vừa là một khích lệ mà cũng là một sự dịu dàng mà chúng tôi hằng mong muốn từ lâu. Ngài cũng rất đòi hỏi khi ngài rao giảng về Lòng thương xót Chúa, khi tiếp xúc với những người không tin, những người vô thần, những người theo thuyết bất khả tri, những người hoài nghi, những người ở giới hạn của cuộc sống, những người thậm chí nghĩ rằng kitô giáo không có gì để mang lại cho  ý nghĩa cuộc sống. Cả sứ điệp kích thích và sâu đậm như Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Thông điệp Chúc tụng Chúa và Tông huấn Niềm vui Yêu thương, cả các suy tư hàg ngày trong các thánh lễ đơn sơ ở Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Phanxicô đã có thể kết nối và đáp ứng cho gia đình nhân loại đang khao khát một sứ điệp hy vọng và khích lệ.

Chúng ta cần cuộc cách mạng dịu dàng, thương xót và chuẩn mực bình thường này hơn bao giờ hết. Tôi chỉ hy vọng và cầu nguyện để chúng ta có thể cảm hứng và bắt chước ngài.

Linh mục Thomas Rosica sinh năm 1959 tại Rochester, New York là linh mục Dòng Thánh Basil, nhà viết khảo luận, nhà sáng lập và giám đốc Đài truyền hình Muối và Ánh sáng.

 

Marta An Nguyễn dịch

862    11-03-2018