Sidebar

Thứ Hai
09.12.2024

Giáo lý hình ảnh: Chúa nhật II Mùa Vọng năm B

Chủ đề: DỌN ĐƯỜNG

Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi” (Mc 1,3).
Xin click vào hình để nhận file trình chiếu >>>
 dsgef
I. PHẦN MỞ ĐẦU

1. Giới thiệu ảnh:

    Các bạn biết đây là bức ảnh gì không? Đây là bức tranh mô tả một người đang dọn đường. Vậy ông là ai ? Ông dọn đường như thế nào ? Ông đã làm chứng cho Chúa Giêsu ra sao, mời các bạn đứng để nghe bài Tin Mừng hôm nay.

2. PHÚC ÂM: Mc 1,1-8

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Luca.

Khởi đầu Phúc Âm của Ðức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.

Như có lời Tiên tri Isaia chép rằng: Ðây Ta sai sứ thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi.

Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội. Dân cả miền Giuđêa và Giêrusalem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Giođan.

Lúc đó Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Người rao giảng rằng: Ðấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần.

Đó là Lời Chúa. - Tạ ơn Chúa.

II.  TRÌNH BÀY BỨC ẢNH

1. Phân tích hình ảnh: Các bạn thấy gì trong bức ảnh ?

·  Hình ảnh gồm có những gì ?

+ Hình ảnh gồm một người và nhiều bàn tay bàn tay.

·  Nhân vật đang làm gì ?

+ Người này ăn mặc theo kiểu cổ xưa: áo lông, mặc nửa người. Ông đang cố gắng đẩy những ngón tay mở ra để sắp xếp bàn tay thành một con đường.

·  Những bàn tay như thế nào ?

+ Những bàn tay mở tạo thành một con đường, còn có một bàn tay đang được một người đẩy ra và một bàn tay đang nắm.

·  Màu sắc như thế nào ?

+ Hình chỉ có 2 màu trắng và đen.

·  Bức tranh thuộc khung ảnh rộng hay hẹp ?

+ Khung ảnh hẹp chứa cảnh một người và một con đường.

2. Hình ảnh đánh động con người: Bạn thích gì trong bức ảnh?

·  Khi xem bức ảnh này, các bạn cảm thấy thế nào ?

+ Vui, buồn, yêu hay ghét, sợ hay thích ?

·  Các bạn thấy điều gì đang xảy ra ?

+ Một người đang cố gắng mở những bàn tay ra (là những chướng ngại vật) để tạo thành một con đường không còn bị những chướng ngại vật cản trở.

·  Hình ảnh đánh động bạn như thế nào ?

+ Nhân vật trong hình giống như ông Gioan Tẩy Giả. Ông đang vất vả để mở những bàn tay (những chướng ngại vật) để tạo nên đường đi dễ dàng. Có thể ông đã mở rất nhiều bàn tay và còn nhiều bàn tay nữa chưa mở. Ông đang cố gắng chu toàn nhiệm vụ của mình là dọn đường cho Chúa. Con đường đó là những tâm hồn của con người.

+ Theo bài Tin Mừng, ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Ông rao giảng: “Ðấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần”. Ông rao giảng và làm chứng cho Chúa Kitô.

·  Tình cảm hay cảm xúc nào gợi lên cho bạn từ hình ảnh ?

+ Bàn tay nắm, tự nó sẽ dùng lực rất nhẹ nhàng để mở. Còn nếu để người khác mở sẽ rất khó khăn. Bàn tay này không chịu mở mà phải để cho người khác dùng sức để mở. Điều này làm cho người mở rất vất vả.

3.  Hình ảnh cho Giáo lý: Hình muốn nói lên điều gì?

·  Trò chơi: “Đi tìm Lời Chúa”

o   Chuẩn bị:

-   Câu Lời Chúa: “Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi” (Mc 1,3).

-   In hay viết câu Lời Chúa với cỡ chữ to, cắt từng chữ ra, cho vào bì thư. Mỗi đội một bì thư.

-   Mỗi đội một chai hồ (keo dán).

o   Cách chơi: Chia lớp thành nhiều đội, tùy số lượng. Mỗi đội sẽ nhận một bì thư có chứa Lời Chúa. Trong thời gian quy định (3-5 phút), mỗi đội phải thảo luận và sắp xếp lại câu Lời Chúa cho đúng. Đội nào sắp xếp đúng thì thắng.

·  Nhấn mạnh đến câu Lời Chúa nhằm làm các em nhớ và thuộc.

·  Qua hình ảnh, bạn nhận thấy điều gì ?

+ Giống như ông Gioan Tẩy Giả, tôi là người dọn đường cho Chúa đến. Con đường đó chính là tâm hồn của mỗi người: tâm hồn của tôi và của người khác.

+ Giống như những bàn tay, những điều tốt, những nhân đức tốt là những bàn tay mở để Chúa đi cách nhẹ nhàng; còn những bàn tay nắm là nhứng thói xấu, những điều gian tham trong chính tôi là những chướng ngại vật cản trở con đường của Chúa. Đó là những điều ngăn cản tôi đến với Chúa và Chúa đến với tôi.

4. Hình ảnh gợi lên bài học: Qua hình ảnh, Chúa muốn nói với ta điều gì?

·  Qua hình ảnh, Chúa dạy tôi phải biết chuyên tâm dọn đường cho Chúa bằng cách rèn luyện những nhân đức và thói quen tốt, đồng thời cũng cố gắng loại bỏ những điều xấu trong tôi. Đó là cách để tôi dọn đường cho Chúa đến với tôi và tôi đến với Chúa.

·  Việc thực hành: “Cọng rơm dâng Chúa”

Mỗi ngày, bạn hãy làm một việc hy sinh để làm chứng cho Chúa: quét nhà, rửa chén giúp mẹ, mua đồ giúp cha, không chơi game nhưng chuyên tâm học hành, giữ thinh lặng trong nhà thờ, tham dự thánh lễ, lượm rác bỏ vào thùng, đọc kinh cầu nguyện cho các linh hồn, … Hãy ghi lại những việc đó trong những tấm giấy nhỏ để dâng lên cho Chúa vào ngày lễ Giáng sinh. Đó là những cọng rơm làm nên phần ấm áp mà bạn dâng cho Chúa trong ngày lễ Giáng sinh. Hãy làm cho Chúa Hài đồng ấm áp bằng những việc hy sinh nhỏ của bạn!

III.  KẾT THÚC

o   Câu chuyện:

CHÚA ĐẾN NƠI THA NHÂN

Vào buổi sáng nọ, người thợ giầy thức giấc rất sớm. Anh quyết định chuẩn bị căn xưởng nhỏ của anh cho tươm tất rồi vào phòng khách chờ đợi cho bằng được người khách quý. Người khách đó không ai khác hơn là chính Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ Ngài đã hiện ra và báo cho anh biết Ngài sẽ đến thăm anh trong ngày hôm sau.

Người thợ giầy ngồi chờ đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng sớm vừa rọi qua khung cửa, anh đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng anh hồi hộp sung sướng. Hẳn là Chúa đến. Anh ra mở cửa. Thế nhưng kẻ đang đứng trước mặt anh không phải là Chúa, mà là người phát thư. Sáng hôm đó là một ngày cuối đông. Cái lạnh đã khiến mặt mũi tay chân người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để nhân viên bưu điện run lẩy bẩy ngoài cửa. Anh mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc.

Người thợ giầy lại vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn qua cửa sổ, anh thấy một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Anh gọi nó laị hỏi cớ sự. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người thợ giầy lấy bút viết vài chữ để lại trên bàn, báo cho người khách quý biết mình đã đi ra ngoài. Nhưng tìm đường dẫn đứa bé về nhà đâu phải là chuyện đơn giản và nhanh chóng. Mãi chiều tối anh mới tìm ra nhà đứa bé và khi anh về lại nhà thì phố xá đã lên đèn.

Vừa bước vào nhà, anh đã thấy có người đang đợi anh. Nhưng đó không phải Chúa mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tụy. Bà cho biết đứa con của bà đang ốm nặng và bà đã không thể chợp mắt suốt đêm qua. Nghe thế, người thợ giầy lại hối hả đến săn sóc đứa bé. Nửa đêm anh mới về nhà, anh để nguyên quần áo và lên giường ngủ.

Thế là một ngày đã qua mà Chúa chưa đến thăm anh. Nhưng đột nhiên trong giấc ngủ, người thợ giầy nghe tiếng Chúa nói với anh : “Cám ơn con đã dọn trà nóng cho Ta uống. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc an ủi Ta. Cám ơn con đã tiếp đón Ta ngày hôm nay”.

(Trích “Món quà giáng sinh”)

Để chuẩn bị đón Chúa, người ta chuẩn bị rất nhiều điều bên ngoài: nào thức ăn ngon, nào quần áo đẹp, nào nhà cửa tươm tất. Nhưng Chúa không đến cách tỏ tường mà qua những người bé mọn, những người cần ta giúp đỡ. Ngài đến trong tâm hồn mỗi người và chúng ta chỉ có thế đón nhận Chúa trong tâm hồn của chính mình. Giúp đỡ tha nhân là giúp đỡ Chúa, yêu thương tha nhân là yêu chính Chúa. Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống của mỗi người trong tâm hồn và trong chính cuộc sống hằng ngày.

o   Cầu nguyện kết thúc và giải tán.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang mong chờ Chúa đến với chúng con. Xin ban Thánh Thần Chú đến để Ngài sửa dạy tâm hồn chúng con cho ngay thẳng và hướng dẫn chúng con chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng để đón Chúa đến trong chúng con. Amen.

 

1539    13-12-2020