Trải qua nhiều thế kỷ, con người không ngừng khắc khoải tìm kiếm chính mình, “Tôi là ai, tôi đang tìm điều gì trên cuộc đời này và tôi sẽ đi về đâu?”. Dường như tất cả chúng ta đều muốn biết cách thấu đáo về ý nghĩa cuộc đời, về cái chết và công lý, về tự do và rất nhiều những câu hỏi khác. Thực chất, đó là nỗ lực trong việc tự biết mình và muốn chứng minh sự tồn tại của ta trên cuộc đời. Câu nói bất hủ “Tôi suy tư nên tôi hiện hữu”[1] của triết gia Descartes muốn nhấn mạnh rằng con người chỉ có thể tồn tại khi họ thực sự tư duy, và ngược lại nếu như không có tư duy thì con người được xem như là không thể hiện hữu. Nhờ tư duy mà mỗi con người khẳng định được tính cá vị của riêng mình. Tư duy là nền tảng của mọi tri thức nhân loại. Những tư tưởng đó đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong cuộc sống sinh hoạt của mỗi con người nói riêng và toàn thể xã hội loài người nói chung, nhờ nó chúng ta được soi dọi để sửa chữa những sai lầm, lấp đầy những khiếm khuyết trong tư tưởng cũng như cách hành xử hằng ngày trong cuộc sống.
Quả thật, dù sống trong bậc sống nào hay bất cứ môi trường nào, chúng ta không ngừng bị chất vấn về những giá trị như: đâu là giá trị của con người, đâu là giá trị của xã hội, của cộng đoàn và những giá trị đó có mang lại cho con người hạnh phúc? hay điều gì làm cho con người được tồn tại và tự do, hay điều gì làm cho tôi trở thành một con người theo đúng nghĩa của một ngôi vị. Nhiều giá trị xuất hiện trong xã hội ngày này bắt tôi phải tự vấn đâu là giá trị thật trong đời sống của tôi. Tôi đang trong tiến trình đi tìm kiếm bản chất của chính tôi và cho đến khi chết đi tôi cũng không thể chắc chắn rằng tôi đã khám phá hết những giá trị thực trong đời sống của mình hay chưa. Đó là một tiến trình đi tìm khuôn mặt thật của chính tôi. Quá trình suy tư giúp tôi nhận thức về sự quan trọng của riêng mình, tôi là một con người với đầy đủ ý nghĩa của nó, một con người đặc biệt trong giới hạn của những mối liên hệ cá vị giữa cộng đoàn và xã hội. Qua đó, tôi có thể nhìn nhận một vấn đề hay một sự kiện nào đó theo nhiều chiều hướng khác nhau, khách quan và bao quát hơn.
Trong mối liên hệ của tôi với Thiên Chúa, Ngài là Cha - Đấng đối xử với tôi với một cách thế hoàn toàn đặc thù và cá vị. Tôi nhận ra mình chính là con của Ngài, Ngài gọi chính tôi vào trong một lối sống đặc biệt và hướng dẫn đời sống tôi đến một mục đích cụ thể nhất định. Tâm hồn tôi khoắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong tay Chúa[2]. Vì thế, cuộc sống của tôi là một sự đáp trả, nhờ đó tôi có thể vươn tới những giá trị vĩnh cửu. Bởi vì như tư tưởng của Thánh Thomas thì con người chúng ta luôn có một khả năng siêu việt và không ngừng hướng về Thiên Chúa. Tìm kiếm Thiên Chúa chính là một hành trình tìm kiếm bản thân.
Tôi ý thức được đời sống của tôi như là một ngôi vị hoàn toàn phân biệt với các ngôi vị khác trong cộng đoàn và rất đặc trưng, tôi khám phá chính mình được biết, được phán đoán và được chấp nhận cho điều tôi thực sự là ngay trong môi trường cộng đoàn tu trì tôi đang sống. Ý thức của việc biết và được chấp nhận này đặt nền tảng dựa trên sự hiện diện của tôi và những người chung quanh tôi trong Hội Dòng. Tôi không ngừng ngạc nhiên về những gì đã và đang xảy ra chung quanh, và cho đến lúc này tôi không còn ngần ngại để diễn tả về sự ngạc nhiên ấy, chẳng hạn, tôi có thể nói về sự ngạc nhiên của mình khi tôi khám phá ra vẻ đẹp của thiên nhiên hay vẻ đẹp của một vật mà trước đó tôi cho là tầm thường và xưa cũ. Quá chú tâm vào chính mình mà không chú ý đến thực tại có thể làm ta không còn biết mình đang ở đâu và đang làm gì. Hay đơn giản như quá bận tâm vào việc học hành hay thi cử mà mất đi ý thức và sự ngạc nhiên về những điều kì diệu vẫn xảy ra hay làm loãng đi mối tương quan với anh chị em trong đời sống hằng ngày của mình. Không biết mình và không hiểu mình sẽ dẫn đến những khoảnh khắc khủng hoảng trong đời sống chung hoặc học tập hay đổ vỡ một mối tương quan đặc biệt nào đó trong môi trường cộng đoàn tu trì, và trên hết, ta dễ dàng đánh mất đi mối tương quan mật thiết giữa mình với Chúa. Tôi tự đặt ra cho chính mình câu hỏi tôi là ai? Và tôi phải sống thế nào để là tôi trong lúc ấy, và rồi tôi sẽ đi về đâu? Đâu là ý nghĩa của đời sống tôi lúc này? Tôi suy tư nên tôi hiện hữu - một sự hiện hữu đầy tràn và tự do. Chỉ khi có tự do ta mới có tình yêu đích thực và sẵn sàng dẫn thân cách đầy tràn. Nếu không có tình yêu ta cũng chỉ giống như những con vật khác mà thôi. Cách đặc biệt trong đời sống dâng hiến, mỗi người trong chúng ta được mời gọi yêu tha nhân như chính mình, muốn yêu người trước tiên hãy yêu mình, để yêu mình phải biết mình đầy đủ. Vậy có gì sai khi ngắm mình trọn vẹn trong gương! Không chỉ chú ý đến con người nội tâm nhưng từ cả con người bên ngoài đó chính là khách thể hóa. Làm cho mình trở nên khác để biết mình, xem mình có lạc xa và đưa mình trở về trong tương quan với Chúa, với tha nhân và với chính mình.
Có thể nhận thấy rằng, bản tính con người đòi hỏi tôi phải dấn thân vào trong cộng đoàn xã hội mà theo tư tưởng của triết gia Aristotte ngay tự trong bản tính của mình, con người đã mang tính xã hội. Giữa cộng đoàn mang tính xã hội ấy, tính cá vị làm cho tôi trở nên một con người đặc biệt, hoàn toàn cá vị và góp phần tạo nên sự phong phú trong cộng đoàn. Tôi không thể là tôi đầy tràn nếu tôi sống một mình giữa đảo hoang. Ý nghĩa của cuộc sống chúng ta phần lớn đến từ những mục tiêu, điều chúng ta tìm kiếm để đạt tới. Điều đáng chú ý là phần lớn những mục tiêu của chúng ta đều có chiều kích xã hội hay cộng đoàn, trong tương quan với tha nhân tôi tìm thấy chính mình. Dù vậy, đám đông là không ai cả[3], vì thế tôi phải dám bước ra khỏi đám đông, dám chấp nhận và chịu trách nhiệm cho những chọn lựa của tôi điều đó mới làm nên chính tôi. Điều này giúp tôi vượt lên trên những đau đớn, những sợ hãi do những quyết định mà chính tôi đã thực hiện mang lại. Bởi vì đau khổ giúp tôi trưởng thành hơn trong cuộc sống. Tôi phải không ngừng tìm kiếm chính tôi trong cuộc sống, tôi nhận ra đó chính là lúc tôi làm triết học là cái tôi luôn khám phá chính mình trong sự dấn thân và trong mối tương quan với nhiều người khác.
Thật là sai lầm khi suy nghĩ cộng đoàn tu trì là nơi đào tạo “Những cô /chú Gà Công Nghiệp”. Trong những suy nghĩ như thế người tu sĩ dường như chạy trốn việc tìm lại chính mình bởi một suy nghĩ ấu trĩ và tiêu cực: đã đi tu, từ bỏ tất cả để dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân, sao lại còn tìm kiếm hay khẳng định sự tồn tại của chính mình? Thế nhưng, sau khi học và dành thời gian cho việc suy tư để làm đề tài này, ở một góc độ chủ quan của bản thân, tôi nhận ra mỗi người trong chúng ta đều đã và đang là chính mình trong một gia đình hiệp nhất yêu thương, mỗi người đều có khả năng tư duy, lý luận về tất cả những suy nghĩ của riêng mình và vận dụng chúng vào cuộc sống hằng ngày, điều đó thật tuyệt vời vì nó góp phần tạo nên một gia đình phong phú hơn trong cùng một lý tưởng. Sự đa dạng về triết lý sẽ không ngừng đem lại cho chúng ta sự kinh ngạc về tính phong phú của những tư tưởng đặc thù và mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm lớn lao trong việc trao truyền con đường chân lý. Càng hiểu biết và tìm lại chính mình chúng ta mới có thể cùng nhau xây dựng một cộng đoàn huynh đệ hợp nhất trong đa dạng, cùng một lý tưởng cùng một ý chí xây dựng và cùng một tinh thân dấn thân phục vụ hết mình được.
Tìm lại căn tính và biết rõ chính mình trong đời sống cộng đoàn tu trì là tiến trình đi tìm kiếm sự thật và để có được sự thật chúng ta phải không ngừng xem xét lại xác tín và những điều chúng ta vẫn tin tưởng. Vì đó là căn tính và bản chất hết sức tự nhiên của con người, nó gắn bó với cuộc sống, luôn tồn tại trong cuộc sống, và hơn nữa khi ý thức về chính mình giúp chúng ta có được một thái độ phản tỉnh thích hợp để không ngừng làm mới lại mối tương quan đa chiều của mỗi người chúng ta đã có: Với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình. Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ta dám nỗ lực trong việc tự tìm kiếm và hiểu biết về chính mình.
[1] Thích Pháp Như, Chủ nghĩa duy lý trong triết học Descarter, http://www.hoalinhthoai.com/news/detail/news-3804/Chu-nghia-duy-ly-trong-triet-hoc-Descarter.html, 09:34, Thursday.February 02 2017
[2] St. Augustino....
[3] Soren Kierkegaard (1813-1855)