Sidebar

Thứ Hai
06.05.2024

Hy vọng khi lâm chung

 

Tôi nhận tin người bạn thân của gia đình bị chết trong một tai nạn nghề nghiệp. Chẳng có gì để chuẩn bị cho một tin như vậy. Khi hay tin qua điện thoại tôi đã cầu nguyện. Tôi cầu nguyện cho người chết, cho gia đình và người thân của anh, tôi cầu nguyện cho đức tin, hy vọng và sự khôn ngoan để biết cái gì nên nói khi đến đám tang người này.

Nói gì khi đối diện với một cái chết như vậy? Lời an ủi mong manh nào có thể bám lấy để có một tầm nhìn và có được can đảm? Lời nào chứa đựng hạt giống can đảm?

Chúng ta có những lời của đức tin: “Anh đang ở trong tay Chúa!” Chúng ta tin vào sự sống lại và sự sống đời đời! Cuộc sống thay đổi chứ không bao giờ chấm dứt! Dưới trần thế  không có thành phố vĩnh cửu, chúng ta là người hành hương đi đến thành phố bất diệt!” Những lời phong phú, những lời chân thật, nhưng khi nói ở một đám tang, chúng như một lời an ủi suông. Quá dễ để nói.

Có thể nói gì đây? Có lẽ không nên nói gì cả. Trong một chừng mực nào đó, chúng ta biết Thiên Chúa quan phòng, rằng hy vọng tối hậu của chúng ta nằm ở phía bên kia của đời này và rằng chúng ta sẽ được sống lại. Trong chừng mực nào đó khi chúng ta không có đức tin, tất cả lời nói đều không đủ để mang đến hy vọng trong giây phút này.

Trong những trường hợp như thế này, chúng ta không tìm được an ủi và can đảm trong lời nói, nhưng đơn giản trong sự hiện diện với nhau, trong cái ôm hôn, trong thinh lặng chia sẻ nỗi đau vô vọng. Có lẽ tất cả những gì cần nói là: “Tôi ở đây. Tôi quan tâm đến bạn. Tôi không biết nói gì để làm cho mọi chuyện tốt hơn. Tôi biết bạn cũng không mong tôi nói điều gì!”

Có lẽ sự ngập ngừng và không nói được gì lại có nhiều ý nghĩa, sự thinh lặng vô vọng và nói không nên lời, chứa đựng lòng trắc ẩn, là giây cứu hộ mang đến an ủi và hy vọng để cuộc sống có thể trở lại được.

Tôi nghĩ như vậy là đúng. Niềm an ủi sâu đậm nhất chúng ta có thể tặng nhau nằm trong hành động chia sẻ tình trạng vô vọng. Người ta nói quá nhiều ở đám tang. Nhưng nên có một nhu cầu kiệm lời.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói một số điều, những lời làm sáng rõ mối tương giao của chúng ta với người đã chết và với nhau, những lời có thể thúc đẩy lòng can đảm và đức tin, những lời có thể giúp chúng ta dâng mừng lòng can đảm và đức tin ấy.

Những lời nào có thể chia sẻ ở đám tang người thân chúng ta?

Những lời nói với chúng ta rằng hy vọng của chúng ta nằm trong tình yêu, chứ không phải chỉ nằm trong sự sống sinh học. Tâm lý gia John Powell cho rằng, có hai thảm kịch tiềm tàng trong cuộc sống và, chết trẻ không phải là một trong hai thảm kịch đó.

Hai thảm kịch đó là: Sống mà không yêu hết mình, yêu mà không nói cho người thân yêu biết mình yêu họ.

Đối diện với cái chết, dù là cái chết của chính mình hay cái chết của người thân, luôn luôn có một tiếc nuối sâu xa. Tuy nhiên đây không phải là tiếc nuối nhắm về lỗi lầm và các thiếu sót làm chúng ta sợ án phạt đời đời. Không. Sự tiếc nuối này phần lớn do yêu mà chưa được sống, chưa được chia sẻ, chưa được hiểu đúng, bị hiểu lầm và chưa được hòa giải. Khi đối diện với cái chết như thế, mong ước sâu kín nhất là có thêm thời gian để hòa giải, thêm thời gian để bày tỏ tình yêu một cách trọn vẹn hơn.

Khi chúng ta nói chuyện với nhau ở đám tang, chúng ta nên nói lên các lời này. Chúng nên truyền tải rằng cái chết thách đố chúng ta không phải để trở nên buồn rầu, chìm vào thất vọng. Nhưng là thách đố để chúng ta đi vào cuộc sống một cách đậm sâu hơn trong tình yêu, thấu hiểu và đặc biệt trong hòa giải.

Trong thế gian này, có nhiều cái còn tệ hơn cái chết. Đức Kitô đã cảnh tỉnh chúng ta điều này: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì?” Cái mất ở đây là đánh mất sự quan tâm, đánh mất lương tâm, đánh mất tình thương tha nhân, đánh mất hy vọng hòa giải.

Những điều này còn có thể bị dập tắt bởi một loại chết khác, cay chua, ích kỷ hay sự không lương thiện giết chết tình yêu thương. Khi một ai đó qua đời, nếu lương tâm, tình yêu và niềm ao ước hòa giải vẫn còn thì, không có gì bị mất.

Tôi đứng bên cạnh giường Cathy, một phụ nữ trẻ sắp chết vì ung thư. Qua đôi mắt đẫm lệ, cô nhìn chúng tôi và nói: “Thật là khó, nhưng tôi không cay chua, không sao!” Và cô  ra đi. Hy vọng mới nảy sinh trong lòng chúng tôi. Cô không nói nhiều nhưng như thế là đủ. Chúng tôi biết chẳng có gì bị mất.

Lời nói cũng cần được nói ra để thoa dịu mặc cảm của chúng ta, mặc cảm của những người còn sống. Bất cứ lúc nào có người thân chết, chúng ta đều chiến đấu với một mặc cảm sâu xa. Cách này hay cách khác chúng ta cảm thấy có trách nhiệm và chúng ta nghĩ về hàng trăm điều chúng ta có thể và nên làm trước khi quá muộn.

Chúng ta cần được nhắc rằng Chúa yêu thương người đã chết nhiều hơn chúng ta yêu thương họ. Thiên Chúa có cách của Chúa, Chúa viết thẳng trên những đường ngoằn nghèo chúng ta vạch ra. Chúa có cách riêng của Chúa để làm cho người chưa trọn vẹn được trọn vẹn.

Thiên Chúa hiểu bản chất của con người, tai nạn, bệnh tật, mặc cảm và tội lỗi, chúng ta sẽ mãi mãi không trọn đủ. Chúng ta làm tốt nhất có thể. Đối với Thiên Chúa, trong đức tin, điều đó là đủ.

Thiên Chúa thấu hiểu, yêu thương và toàn năng. Sự sống của chúng ta là bất tận.

Chúng ta cần dâng mừng điều này, đặc biệt khi đối diện với cái chết. Như Cathy, chúng ta cần nhìn vào nhau qua đôi mắt đẫm lệ và nói: “Thật là khó, nhưng tôi không cay chua, không sao!”

Tình yêu, lương tâm, cuộc sống được chia sẻ, niềm ao ước hòa giải, những điều này chứa đựng sự sống và hy vọng. Một người đàn ông qua đời; nhưng không có cái gì trong những điều này bị mất.

Nguyễn Kim An dịch

426    01-07-2019