Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long.
Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa trên tài liệu định hướng mục vụ cho Hội Thánh tại Việt Nam trong năm 2025 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam “Cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Đây là chủ đề thứ ba mà Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã xác định năm 2022. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần III, sẽ nói đến “HIỆP HÀNH ĐỂ TRUYỀN GIÁO” được tra cứu trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng về tính Hiệp Hành và Tính Hiệp Hành trong Đời sống và Sứ vụ của Hội Thánh của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế.
Với chủ đề Hiệp Hành để Truyền Giáo, chúng ta cùng chia sẻ bốn khía cạnh rất là thực tế: Hiệp hành là gì và ai là thành phần để thực hiện sứ mệnh đi truyền giáo?
I. Hiệp hành là gì?
Trong những Gợi ý mục vụ năm 2024, chúng ta đã đề cập đến ý nghĩa từ ngữ Hiệp Hành được trích trong Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 781 : “Hiệp hành là hành động cùng nhau bước đi trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần và theo sự hướng dẫn của Ngài”. Đức Thánh Cha Phanxicô Diễn văn Khai mạc Thượng Hội đồng XVI, ngày 9/10/2021 khuyến khích Hiệp hành với mục đích truyền giáo: “Hiệp hành là cách mà Giáo hội được mời gọi để sống và thực thi sứ mệnh của mình trong thế giới này. Hiệp hành nghĩa là đi cùng nhau, lắng nghe nhau và cùng nhau phân định sứ vụ mà Chúa giao phó. Đó là sứ mệnh truyền giáo, vì Giáo hội không chỉ là nơi cử hành các bí tích, mà còn là nơi đi ra và mang Tin Mừng đến mọi nơi”. Cẩm Nang cho Thượng Hội Đồng về Tính Hiệp Hành để truyền giáo số 1.2 : “Tính hiệp hành giúp cho toàn thể Dân Chúa cùng nhau tiến bước, lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, tham gia vào sứ mạng của Giáo hội trong sự hiệp thông mà Đức Kitô thiết lập giữa chúng ta. Cuối cùng, con đường đồng hành này là cách hiệu quả nhất để biểu lộ và thực hành bản chất của Giáo hội với tư cách là Dân Chúa lữ hành và truyền giáo (PD, 1)”. Đàng nào tính Hiệp hành cũng hướng chúng ta đến việc truyền giáo.
Các từ ngữ tương đương với từ ngữ Hiệp hành. Trong Giáo hội Công giáo của chúng ta thường có những cuộc Hội nghị, Công nghị, Thượng Hội đồng Giám mục. Trên nguyên tắc, trong mỗi Giáo phận, trong các Hội Dòng cũng có những Công nghị : Công nghị Giáo phậnvà các Hội Dòng, trong đó những người đại diện là các Cha xứ và các Bề trên Dòng, và những người mà Giám mục xét thấy là tốt để triệu tập vào Công nghị này. Công nghị được họp ít nhất là mười năm một lần ; Công nghị xác định hoặc bổ túc Bộ Luật tổng quát bằng những điều lệ dùng cho Giáo phận, được gọi là các quy chế Công nghị.
Cụ thể, tính Hiệp Hành là một cách thế hiện hữu và làm việc theo cách tiếp cận gần cơ sở nền tảng hơn (địa lý, dân tộc, ngôn ngữ) và hợp tác hơn, dành thời gian để phân định con đường cùng nhau đi theo. Rất cần thiết vì sự thay đổi về suy tư, về kỹ thuật càng ngày càng phát triển. Tính Hiệp Hành làm nổi bật thực tế là tất cả chúng ta, các thành phần trong Giáo hội đều có một điều gì đó quý giá để đóng góp vào Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.
II. Thành phần
- Các Giám mục là đấng kế vị Thánh Phêrô, vị chủ chăn mục tử, thầy dạy và tư tế của một Giáo phận. Ngài phải là thành phần chính trong Hiệp Hành nầy, ngài là động lực thúc đẩy các thành phần khác ra đi thực hiện sứ mệnh truyền giáo.
- Các Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân, Hội đồng Mục vụ ít nhiều gì những người nầy cũng là thành phần đóng góp rất nhiều với Giám mục Giáo phận trong lãnh vực truyền giáo. Dĩ nhiên chúng ta cũng cần đến Ban cố vấn Giám mục, cũng như các Ủy ban hoặc Hội đồng có thể hoạt động song song với các việc mục vụ chuyên môn của Giáo phận. Cách làm việc là quy tụ các vị “đại biểu” là Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân trong Giáo phận, do Giám mục chủ trì, cầu nguyện, lắng nghe, trả lời và tìm đường hướng chung để thực hiện. Đúng vậy: “Hiệp hành đòi hỏi việc lắng nghe sâu sắc tiếng nói của mọi người trong Giáo hội. Qua đối thoại, mọi thành viên được mời gọi cùng nhau phân định con đường truyền giáo, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần” (Văn kiện Chuẩn bị cho Thượng Hội đồng, số 5).
III. Sứ mệnh
Sứ mệnh là sự kết hợp việc sai đi và chấp nhận được sai đi. Đi rao giảng về Chúa và Lời của Ngài đến những nơi xa vắng bóng hình của Chúa, đến những nơi mà ngày xưa có thể nói là nguy hiểm cho tính mạng của người được sai đi. Cho nên thực hiện sứ mệnh này đòi hỏi sự sẵn sàng tự nguyện của Giáo sĩ, Tu sĩ và cả Giáo dân. Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 12 khuyến khích “Dân Thánh Thiên Chúa cũng tham dự vào chức vụ tiên tri của Chúa Kitô bằng cách phổ biến chứng tá sống động về Người, nhất là qua đời sống đức tin và đức ái” (Lumen Gentium, số 12).
Trong thời gian nầy, Giáo hội đang quan tâm đến việc Hiệp hành để ra đi thực hiện sứ mạng: “Hiệp hành truyền giáo”: “Hiệp hành truyền giáo nghĩa là đồng hành cùng với các thành phần yếu kém, bị gạt ra ngoài lề, và cả những người chưa được tiếp xúc với Tin Mừng. Mọi thành phần trong Giáo hội được kêu gọi tham gia và hỗ trợ lẫn nhau trong hành trình này” (Văn kiện chuẩn bị cho Thượng Hội đồng, số 10). “Trong hiệp hành, Giáo hội trở nên một cộng đoàn đi ra, tham gia vào việc truyền giáo cùng nhau, với tinh thần đoàn kết và cùng nhau bước đi trên con đường của Đức Kitô” (Văn kiện chuẩn bị cho Thượng Hội đồng, số 12).
IV. Truyền giáo
Đi truyền giáo, chúng ta phải xác tín rằng Phúc Âm là Tin Mừng không thể thiếu cho mọi người và mọi dân tộc và mọi thời gian. Chúng ta không có thể nói Phúc âm chỉ cần trong không gian này, Phúc âm chỉ cần trong thời gian nầy, Phúc âm chỉ cần cho dân tộc này... Nhưng bất chấp vị trí thiểu số và sự yếu kém phương tiện của Giáo hội, sự hiện diện của chúng ta giữa các dân tộc khác nhau củng cố trong chúng ta niềm tin rằng Tin Mừng là quyết định đối với mỗi người.
Dĩ nhiên, trong dân gian, người ta vẫn thường nói: Đạo nào cũng tốt. Đạo nào cũng dạy người ta ăn ngay ở lành, nghĩa là con người có thể được cứu rỗi qua Tôn giáo của mình. Từ đó phát sinh ra ý tưởng Giáo hội Công giáo chúng ta không cần đi truyền giáo, chiều kích truyền giáo không quan trọng nữa. Nhưng với tấm lòng nhiệt thành, chúng ta tin rằng chúng ta không có quyền giữ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô cho riêng mình.
Chúng ta nhận ra trong chính mình một sự năng động của Thánh Linh thúc đẩy chúng ta và chúng ta thấy cùng một Thánh Linh đó sống và hành động trong những người mà chúng ta gặp trong đời sống xã hội. Chúng ta tin rằng mọi Kitô hữu đều được mời gọi làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô theo cách này: Chủ yếu, đây không phải là một hoạt động chuyên môn, chuyên ngành, nhưng đó là đặt những gì tốt nhất về Đức tin của chúng ta vào cuộc gặp gỡ với người khác, mang Chúa đến với người khác. Chúng ta phải cố gắng sống Đức tin vào Chúa như thế nào để những người chưa biết Chúa nhìn vào là muốn đi theo Đạo Chúa.
Tại Việt Nam chúng ta, còn rất nhiều nơi ít nghe nói đến Thiên Chúa và đạo Công giáo, bởi vì đa số là đạo Ông bà, thờ cúng Ông bà Tổ tiên, đạo Phật, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo. Trong tinh thần Hiệp Hành, tất cả các thành phần: Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân phải thấy rằng ở những nơi có Văn hóa, Văn phong, Đạo giáo nầy cần được phúc âm hóa. Xin Chúa sai đến nhiều thợ gặt để gặt lúa về (x. Mt 9, 37-38). Cầu xin Chúa giúp chúng ta trở thành những nhà truyền giáo tốt trong Năm Thánh 2025 này.
Vĩnh Long, ngày 20 tháng 02 năm 2025.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long